Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Tản mạn về danh xưng Đồng Nai


Tản mạn về danh xưng Đồng Nai

Danh xưng Đồng Nai có từ bao giờ thật khó mà khảo chứng chính xác. Về mặt hành chánh, tên gọi Đồng Nai được chính thức trở thành tên gọi đơn vị tỉnh bắt đầu vào năm 1976. Tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở hợp nhất ba tỉnh: Biên Hòa, Bà Riạ – Long Khánh, Tân Phú. Kể từ đó cho đến nay, tỉnh Đồng Nai trải qua nhiều lần thay đổi địa giới nhưng tên gọi vẫn giữ nguyên. Có thể nói rằng, danh xưng Đồng Nai trải qua bao thời kỳ lịch sử đã trở thành tên gọi thân quen của bao thế hệ con dân xứ sở nầy khi nhắc về một vùng đất ở miền Đông Nam Bộ, về dòng sông dài nhất nước phát tích từ nội địa hay về một Hào khí Đồng Nai oai hùng, vẻ vang đã đi vào trong lịch sử của dân tộc.

Theo một số sử sách xưa, danh xưng Đồng Nai được dùng để chỉ một vùng đất. Phủ Biên tạp lục của Lê Qúy Đôn có viết: ”Đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Gìơ, Soi Rạp, Cửa Đại, Cửa Tiểu...toàn là rừng rậm hàng mấy vạn dặm...”. Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm khảo cứu Gia Định thành thông chí ghi chép rằng: ”Bà Rịa ở đầu trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, nên các phủ phía Bắc có câu ngạn rằng: cơm Nai Rịa, cá Rí Rang, ấy là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ vậy”. Bộ tư liệu sử Đại Nam nhất thống chí quyển thượng tập thứ năm, của Quốc sử quán triều Nguyễn có nhiều chỗ đề cập Đồng Nai , như:” chợ Lộc Dã ở phía Nam hạ lưu sông Phước Long, huyện Phước Chánh, nguyên xưa kia là cánh đồng hươu nai ở nên đặt tên ấy, hoặc gọi là Lộc Động, tục danh chợ Đồng Nai cũng là ở chỗ này. Xét sáu tỉnh Gia Định mà thông xưng là Đồng Nai vì khai thác chỗ Đồng Nai trước hết, nên cứ chỗ gốc cũng gồm đủ chỗ ngọn”. Những ghi chép trên và một số tư liệu trong sách sử khác thường được trích dẫn trong các công trình nghiên cứu giới thiệu về Đồng Nai sau này, bài viết này cũng không ngoài lệ đó.
Danh xưng Đồng Nai cũng xuất hiện nhiều trong các ca dao, tục ngữ như:
- ”Nhà Bè nước chảy chia hai 
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.” 

- “Đồng Nai xứ sở lạ lùng 
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.” 

- “ Làm trai cho đáng nên trai 
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng.” 

- “ Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai. 
Ai về xin nhớ cho ai theo cùng.” 

- “ Đồng Nai nước ngọt gió hiền 
Biên Hùng muôn thuở đây miền an vui.” 

- “ Đồng Nai gạo trắng nước trong 
Ai đi đến đó thời không muốn về.” 

- “ Hết gạo thì có Đồng Nai 
Hết củi thì có Tân Sài chở vô.” 

- “ Đồng Nai gạo trắng như cò 
Trốn cha trốn mẹ xuống đò theo anh.” 
*
- ” Đồng Nai nguồn mọi cao sang 
Chảy xuống hai hàng, hàng Đại, hàng Sâm.” 

- “ Bao giờ cạn nước Đồng Nai 
Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền”. 

“ Rồng chầu ngoài Huế 
Ngựa tế Đồng Nai...”.vv.. 
Tên Đồng Nai cũng được định danh cho một nền văn hóa ở Nam Bộ hay phức hệ văn hóa của một nền văn minh tiền sử mà ngày nay chúng ta đưỡc biết qua những kết quả nghiên cứu khảo cổ học: Văn hóa Đồng Nai / Văn minh lưu vực sông Đồng Nai.

Đọc về một cái tên / danh xưng một vùng đất tưởng chừng như đơn giản hóa ra cũng phức tạp. Nếu chuyện người xưa đã gọi như vậy thì nay cứ như thế mà gọi thì quả tản mạn về danh xưng Đồng Nai không có lý gì để bàn. Chắc hẳn, cững nhiều danh xưng vô tình hay ngẫu nhiên được gọi mãi thành quen nhưng cũng có những danh xưng, tên gọi có nhiều ý nghĩa mà nguồn gốc của nó không phải một sớm một chiều để lý giải được căn cơ, ngọn nguồn. Danh xưng Đồng Nai nằm trong trường hợp thứ hai.

Từ trước tới nay, đã có nhiều cách lý giải, suy diễn về nguồn gốc hai chữ Đồng Nai. Tôi xin lược nêu lên những giả thiết sưu tầm được của các tác giả nghiên cứu về vấn đề này để mọi người tham khảo thêm.

Trong một bài viết của tác giả H.T.H tựa “Vài cảm nghĩ về hai tiếng Đồng Nai” đăng trên báo Văn Nghệ Đồng Nai xuân Tân Dậu, có nêu lên một số ý kiến xin được tóm lược như sau: Tác giả không đồng ý với Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm Gia Định thành thông chí khi cho rằng Đồng Nai là cánh đồng có nhiều Nai “một Trịnh Hoài Đức, một Trương Vĩnh Ký và còn biết bao người nữa...đã khẳng định Đồng Nai là Đồng Bằng có Nai là sai, là lầm”. Về cách giải thích, H.T.H cho rằng: tỉnh Biên Hòa cũ nói chung là phần đất trung du của Nam Bộ. Ven sông Đồng Nai có đôi chỗ được gọi là đồng bằng nhưng đó chỉ là những trũng của miền trung du được phù sa sông Đồng Nai bồi đắp thành đồng bằng nhỏ, manh mún. Những vùng đất được gọi là đồng bằng ven sông Đồng Nai được trồng lúa nước với diện tích nhỏ, như vậy không có đồng ruộng bát ngát hay đồng cỏ mênh mông có nai ăn cỏ được. Không thể gọi là đồng đúng với từ địa lý hay so với các đồng bằng khác từ sông Sài Gòn xuống sông Vàm Cỏ, sông Trước...Tác giả đồng ý với quan điểm của nhà văn Bình Nguyên Lộc (tên thật là Tô Văn Tuấn (ông sinh ngày 7/3/1914, tại làng Uyên Hưng, tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa- nay thuộc tỉnh Bình Dương), ông là một nhà văn và cũng là một nhà nghiên cứu với những công trình liên quan đến vùng đất Đồng Nai – PĐD). Bình Nguyên Lộc cho rằng:”riêng ở Biên Hòa thì toàn địa danh của người Mạ mà chúng tôi nghi là hậu duệ của Phù Nam. Tên Đồng Nai không phải là tên Việt Nam mà là tên của Mạ, họ gọi sông Đồng Nai là Đạ Đờng. Đạ là hình thức đầu tiên sẽ biến thành nước trong ngôn ngữ ta, qua Nác ở Huế và Dak của người Mường. Mạ: Đạ; Xtiêng: Đá; Bana, Sơđăng, Mường: Đák; Việt Nam, Thừa Thiên: Nác; Việt Nam: Nước; Cao Miên: Tứk. Đờng được biến thành Đồng...Như vậy, sông Đồng Nai là sông Đồng mà lưu vực có nhiều Nai". 
Trong bài viết nầy, tác giả H.T.H khẳng định: “Đồng bào dân tộc Mạ- Một cư dân quan trọng ở Đồng Nai- với địa bàn sinh sống của mình, trong đó có sông Đồng Nai. Họ đã gọi sông Đồng Nai là Đạ Đờng. Đạ là nơi xuất phát dòng nước, Đờng là sông. Từ Đạ Đờng có sớm nhất cũng 3.000 năm rồi. Và cách đây 300 năm, từ Đạ Đờng chuyển thành Đồng Nai. Thế có nghĩa từ Đờng chuyển âm thành Đồng, còn từ Đạ bỏ mất thêm chữ Nai: Đồng Nai...”

Như vậy, quan điểm này cho rằng danh xưng Đồng Nai bắt nguồn và chuyển dịch từ ngôn ngữ Mạ. Từ xuất phát điểm là hai chữ Đạ Đờng (chỉ sông lớn, sông cái) mà người Mạ dùng gọi con sông Đồng Nai (hiện tại).Trong quá trình hình thành, dần dà chữ Đạ mất đi, chữ Đờng được duy trì và đọc trại thành Đồng. Con sông Đồng có nhiều Nai để gọi thành sông Đồng Nai. Có thể tóm tắt như sau: Đạ Đờng _ Đờng _ Đồng + Nai = Đồng Nai. Cách lý giải này đưa đến một cách hiểu khác hoàn toàn với cách miêu tả của Trịnh Hoài Đức, cụ thể là: Đồng Nai bắt nguồn từ con sông lớn có nhiều nai chứ không phải là cánh đồng có nhiều hươu nai. 

Trong Hội thảo với nội dung:” 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (1698 – 1998)” tại Đồng Nai, có nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu, khoa học đề cập nhiều mặt trong diễn trình lịch sử của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai . Trong đó, có hai bài có dề cập về tên gọi Đồng Nai. Tôi xin lược nêu những điểm đáng chú ý.

Tác giả Đỗ Quyên (tên thật là Đỗ Bá Nghiệp, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai từ năm 1976 - 1997), có bài phát biểu “Danh xưng Đồng Nai”. Với mục đích cần thiết phải cân nhắc, bàn bạc để tìm ra cách lý giải thỏa đáng, có sức thuyết phục về danh xưng Đồng Nai, tác giả đã nêu một vấn đề đáng chú ý như: 
  • Tên sông Đồng Nai có trước hay tên đất có trước. Người ta lấy tên sông để gọi tên vùng đất nó chảy qua hay lấy tên vùng đất ấy đặt tên cho dòng sông? Ngay cả khi sông Đồng Nai có tên chữ là Phước Long thì phủ Phước Long mượn tên dòng sông hay ngược lại ?
  • Các danh xưng Thù Nại, Nông Nại rồi Lộc Dã, Lộc Động là sự chuyển dịch ngôn ngữ từ Đồng Nai ra hay ngược lại ?


Tác giả cũng nói lên chính kiến: “Dù sao, thì nhiều người nhìn nhận cấu trúc ngôn ngữ danh xưng Đồng Nai là thuần Việt” và đơn cử những địa danh gắn với con vật móng guốc, ăn cỏ (Nai) như: Đồng Nai, Hố Nai, Hang Nai, Bàu Nai...và những địa danh gắn với từ Đồng như: Đồng Tràm, Đồng Lách, Đồng Đế, Đồng Tranh, Đồng Môn...Dẫn theo một tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh/ tác giả nhiều công trình nghiên cứu về Địa bạ thời Nguyễn/ tham gia tại Hội thảo), tác giả Đỗ Quyên cho biết: “Danh xưng Đồng Nai được phiên âm ra tiếng Pháp là Donnai với chữ i créma và các giáo sĩ Bồ Đào Nha ghi Dounai trên chữ u có dấu grouppetto ( ) đọc là Đồng Nai, từ giữa thế kỷ 17 người Pháp cũng định nghĩa Đồng Nai = champ des cerfs, là đồng có nai.”. Đồng thời, tác giả cũng lưu ý: “Ở đôi bờ dòng sông đi qua (sông Đồng Nai -PĐD), từ cuối thế kỷ trước (thế kỷ 19- PĐD), các nhà khảo cổ Pháp và nhất là sau giải phóng, khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện, khai quật và ghi tọa độ hàng trăm dấu vết của nền văn minh cổ lưu vực sông Đồng Nai. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội, trình độ văn minh và sự phát triển ngông ngữ thế nào để chứng minh là người thời đại đồng đã gọi sông Đồng Nai là Dah Đờng thì xin thận trọng”. Tác giả Đỗ Quyên đã đưa ra nhiều vấn đề khá lý thú và có lẽ không tán thành quan điểm “ Từ Đạ Đờng có sớm nhất cũng từ 3.000 năm rồi” của tác giả H.T.H được nêu trên.

Bài “Nguồn gốc, ý nghĩa và quá trình phát triển của địa danh Đồng Nai” của PTS Lê Trung Hoa trong hội thảo đưa ra những vấn đề như sau:

  • Địa danh Đồng Nai có lẽ ra đời vào gần thời điểm năm 1658, nhân sự kiện vua Nặc Ông Chân “ xâm phạm biên cảnh”, quân chúa Nguyễn đã đánh vào Moi Xoai. (Địa điểm này được xác định như sau: Khi ấy địa đầu Gia Định là Mỗi Xuy/ hay Mô Xoài và Đồng Nai/ Biên Hòa trấn đã có lưu dân Việt đến trú ngụ, sinh sống. Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình nhà Nguyễn đem nhượng cả đất ấy, rồi tránh ở chỗ khác, không tranh trở chuyện gì. Sự kiện này được Trịnh Hoài Đức nêu trong Gia Định thành thông chí, tập trung, khi Khâm mạng Trấn Biên dinh/ tức trấn Phú Yên là Yến Vũ hầu, tham mưu Minh Lộc hầu và Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu đem 3.000 quân vào Môi Xoai/ Mỗi Xuy giải quyết vụ việc vua Cao Miên xâm phạm biên cảnh vào tháng 9 năm Mậu Tuất / 1658 - PĐD).
  • Địa danh Đồng Nai xuất hiện bằng chữ quốc ngữ lần đầu tiên trong một báo cáo của Giáo hội Thiên Chúa giáo về tình hình giáo dân ở Nam Bộ năm 1747 với cách gọi là Dou-nai. Sau đó, địa danh Đồng Nai xuất hiện vừa bằng chữ Nôm vừa bằng chữ quốc ngữ vào năm 1772 trong từ điển An Nam – La tinh của Pigneau de Béhaine/Dictionariumannamtico-latinum. Hai chữ Hán và Nôm mà tác giả dùng để phiên âm địa danh Đồng Nai về sau này các tác giả như: Lê Qúi Đôn/Phủ Biên tạp lục/1776, Trịnh Hoài Đức/ Gia Định thành thông chí /1820,Taberd/Dictionariumannamtico- latinum/1838, Huỳnh Tịnh Của/ Đại Nam quốc âm tự vị/1895-896,Génibrel/Dictionnaireannamite-francais/1898, cũng viết như thế. Như vậy,tất cả các sách từ điển và sách sử, địa đều nhất trí đều nhất trí về cách viết bằng chữ Nôm địa danh Đồng Nai .
  • Về nghĩa hai chữ nầy, các tác giả đều hiểu là “cánh đồng có những con nai ”. Khi cần dịch sanh chữ Hán, các nhà nho đã dùng hai chữ Lộc Dã/Lộc là con nai,  là cánh đồng. Các nhà Hán học cũng hiểu từ ghép Đồng Nai vốn có nghĩa như trên. Một số khác thay vì dùng Lộc Dã, lại dùng Lộc Động/ có lẽ hiểu theo nghĩa đen là Hang Nai. Như vậy, không khớp nghĩa với Đồng Nai và thực tế con Nai không ở trong hang. Ngoài trường hợp dịch nghĩa và dịch nghĩa-phiên âm trên còn có trường hợp phiên âm thuần túy từ Đồng Nai thành Nông Nại. Từ Đồng được phiên âm thành Nông có thể chấp nhận vì hai phụ âm “đ” và “n” cùng phụ âm đầu lưỡi, có nhiều tiền lệ chuyển đổi như thế; còn từ Nai trong tiếng Hán-Việt không có, nên phải dùng từ Nại là âm tiết tương cận để phiên. Tác giả Lê Trung Hoa lưu ý về những cái tên như: Lộc Dã, Lộc Động, Nông Nại không phải là những địa danh thực thụ mà chỉ là tên dịch, tên phiên âm hoặc tên vừa dịch vừa phiên âm của địa danh Đồng Nai.
  • Đồng Nai là một cấu trúc “từ chỉ địa hình + tên thú” rất phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt là ở Nam Bộ. Một số ví dụ điển hình như: rạch Bến Trâu, Gò Công, Hố Bò, cầu Rạch Đĩa, ấp Bàu Trăn...ở thành phố Hồ Chí Minh; còn yếu tố Nai hay Hươu xuất hiện trong địa danh cũng khá nhiều như: Hố Nai, Đồng Hươu/ ở Biên Hòa; rạch Nai, ấp Bàu Nai, sông Mũi Nai, Hóc Hươu/ ở thành phố Hồ Chí Minh.
  • Cho đến nay, dịa danh Đồng Nai đã chỉ ít nhất 8 đối tượng, tức là có 8 địa danh Đồng Nai theo trình tự phát triển như sau: cánh đồng có nhiều nai, một vùng trong địa phận tỉnh Đồng Nai hiện nay; chợ ở hạ lưu sông Đồng Nai vào thế kỷ 19, cách thị xã Biên Hòa độ 5 dặm / “chị Hươu đi chợ Đồng Nai. Ghé qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.”; chỉ cả vùng miền Đông Nam Bộ/ “ Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.”; chỉ tên sông Đồng Nai vì chảy qua miền Đông Nam Bộ; chỉ cả Nam Bộ/“Đồng Nai gạo trắng như cò. Trốn cha, trốn mẹ xuống đò theo anh” và trong bài “Chạy Tây” của Nguyễn Đình Chiểu “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”; chỉ cây cầu trên xa lộ Hà Nội, bắc qua sông Đồng Nai được làm trong khoảng thời gian từ 1955 –1961; chỉ tỉnh Đồng Nai được thành lập vào năm 1976; ngoài ra còn có địa danh Đồng Nai Thượng/ tên một tỉnh ở thượng nguồn sông D9ồng Nai, lấy Đà Lạt làm tỉnh lỵ. Lập năm 1899 và giải thể năm 1901.
  • Đối với tên nước Thù Nại, tác giả cho rằng không có quan hệ gì với địa danh Đồng Nai vì mấy lý do . Trước hết, các nhà sử học chưa nhất trí về tên gọi nước này (Thù Nại, Thù Cấm hay Chu Nại?). Kế đến, nước này nằm ở bộ phận nào (Nam Bộ hay nơi khác?). Mặt khác, Nai có thể liên hệ về ngữ âm với Nại, chứ Cấm thì không. Còn Thù và Chu hoàn toàn không có quan hệ về âm và nghĩa với Đồng. Sau cùng, tên nước này vốn là một từ ngữ cổ được Hán Việt hóa, còn Đồng Nai là một từ ngữ thuần Việt và xuất hiện trong thời kỳ cận đại.
Trong công trình nghiên cứu “Cù Lao Phố, lịch sử và văn hóa” do Nhà Bảo tàng Đồng Nai thực hiện, xuất bản năm 1988/ nhiều tác giả; có đề cập đến địa danh Đồng Nai. Chương mở đầu/ Khởi nguyên Cù Lao Phố có đoạn viết:”Ở nước ta, hầu như đâu đâu cũng có một dòng sông gắn với một vùng đất. Sông Đồng Nai, từ buổi đấu mở cõi về phương Nam, có vai trò quan trọng là đưa những nguồn nhân lực đến đây khai hoang lập nghiệp và nó đã nối kết các cộng đồng cư dân cũ mới, hòa trộn các ngọn nguồn văn hóa để rồi cấu thành một tổng thể đa chất và với một nỗ lực trung nguyên nào đó chúng ta cũng tìm ra được những hạt giống nguyên sơ ánh lên một sắc màu riêng biệt.

Chẳng hạn, ngay cái tên sông Đồng Nai quen thuộc đến mức thân thương này cũng không phải là cái tên cổ nhất mà nó chỉ xuất hiện với tư cách là tục danh của Phước Long Giang, từ hơn 300 năm trở lại đây – khi con cháu của vua Hùng đến chặt nhát dao đầu tiên vào cánh rừng trải dài hàng nghìn dặm từ cửa Xoài Rạp lên đến thượng nguồn của nhữ ng con suối, những dòng sông; trong đó có sông Đồng Nai mà người Mạ gọi là Đạ Đờng.

Đạ Đờng theo J. Boulbet thì: Đạ ( Dáa: phiên âm của Boulbet) là nước, dòng nước, chất lỏng; và Đạ Đờng ( Dáa Doòng)là “ dòng sông, ở đây chỉ sông Đồng Nai thượng; người Mạ có dòng sông riêng của họ, và đặt tên là sông Cái ( cours d!eau majeur ); đây là cách gọi dảnh riêng cho chính dòng sông đó” (
J. Boulbet: Pays des Maa, domaine des génies/ Nggar Maa, ngaar Yaang – E.F.EO, Paris, 1967). Căn cứ vào dữ liệu mà Boulbet khảo cứu, chúng ta có thể định rằng từ Đồng trong tên sông Đồng Nai bắt nguồn từ âmĐờng của tên sông Cái/ Đạ Đờng của người Mạ. Nói cách khác, tên sông Đồng Nai không có nghĩa là Lộc Dã: cánh đồng có nai; và vấn nạn tiếp theo là từ “Nai”. 

J.Boulbet có đưa ra từ kép hao ning và giải nghĩa hao ning là leo dốc, có âm và nghĩa gợi cho chúng ta sự liên hệ với địa danh Hố Nai. Điều này cho phép chúng ta giả định từ “nai” của tên sông Đồng Nai có thể bắt nguồn từ từ “ning” của người Mạ. Theo đó, Đồng Nai phải chăng là “ Đờng Ning”: sông Cái (có) bờ dốc đứng”. Và trong một đọan khác cũng của chương này nhắc đến danh xưng “Nông Nại Đại Phố”: Thật ra, danh xưng “Nông Nại Đại Phố” không phổ biến trong xứ ta mà nó được Trinh Hoài Đức, khi đi sứ qua cống Đại Thanh “đã thấy sử Trung Quốc chép người Đồng Nai là người Nông Nại”. 

Một công trình nghiên cứu khác với tên gọi “Làng Bến Cá xưa và nay” do Nhà Bảo tàng Đồng Nai quản lý, tác giả Diệp Đình Hoa, Phan Đình Dũng thực hiện, xuất bản năm 1998, cũng đề cập đến địa danh Đồng Nai. Ngay từ đầu chương một có tên gọi Đồng Nai và Bến Cá, các tác giả đi ngay vào địa danh Đồng Nai.


Phần Đồng Nai được viết như sau: ”Đồng Nai là một địa danh thuần Việt, ngày nay là tên của một trong 61 tỉnh thành. Nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Đồng Nai , tuy rất rõ ràng song vẫn làm băn khoăn không ít người muốn quan tâm một cách thấu đáo. Thế kỷ XIX, các tác giả của cuốn Đại Nam nhất thống chí  (ĐNNTC) đã: “xét: 6 tỉnh Gia Định mà gọi chung là Đồng Nai, là vì lúc mới khai phá, bắt đầu từ Đồng Nai , nên lấy chỗ gốc mà bao trùm”. Do đó có thể thấy rằng cho đến thế kỷ XIX, Đồng Nai có thể là một địa danh chỉ một địa điểm cụ thể, một làng, xã, ấp thôn, một địa danh lớn như phạm vi một tỉnh hiện nay, một địa danh phiếm chỉ cả vùng Đông Nam Bộ, hoặc cả một vùng đầu thế kỷ XX này, chúng ta vẫn quen gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, tức 6 tỉnh của vùng đất Nam Bộ. Đồng Nai là một địa danh trực chỉ, cụ thể, vừa có vinh dự được sử dụng như một địa danh phiếm chỉ, khái quát.

Thế kỷ XVIII, chữ Quốc ngữ xuất hiện trong các báo cáo của giáo hội Thiên Chúa giáo, các nhà nghiên cứu đã lưu ý đến cách phiên âmDounai. Giáo sĩ người Pháp thì viết chữ con chữ i, créma. Giáo sĩ người Bồ thì viết con chữ u, groupptto. Về mặt chữ nghĩa, hai âm Duvà Nai đã được khẳng đinh vào thế kỷ XVIII, sớm nhất là năm 1747. Về mặt ý nghĩa, các tác giả đều hiểu theo âm thuần Việt, nghĩa làcánh đồng của những con nai. Géniberi chuyển ngữ sang Pháp văn là: La plaine aux cerfs. Các nhà Hán học khi chuyển ngữ sang Hán văn là Lộc Dã, Lộc Động. Nông Nại là Minh âm, theo thổ ngữ Quảng Đông. Lê Trung Hoa cho rằng phụ âm đầu lưỡi đ có thể chuyển sang n, nhưng đó lại là quy luật của tiếng Việt. Người Trung Quốc không có phụ âm đầu lưỡi đ. Dù sao đây cũng chỉ là nhận thức của những con người ở thế kỷ XVIII về vùng đất mà chúng ta quan tâm.

Từ thế kỷ XVII trở về trước, địa danh mà chúng ta đang quan tâm được ghi chép như thế nào? Trinh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, là người đầu tiên dẫn Cựu Đường Thư, nêu ra nghi vấn về một vùng đất Thù Nại có liên quan đến Gia Định. Lê Trung Hoa đồng ý với Nguyễn Đình Đầu , cho rằng địa danh Thù Nại chả có liên quan gì đến địa danh Đồng Nai, vì hai âm Đồng và Thù không có liên quan gì với nhau. Hơn nữa vị trí của nước Thù Nại cũng chưa xác minh được. Nói tóm lại, đó là những vấn đề phiên âm, ngữ âm, ngữ nghĩa... Cựu Đường Thư tuy không phải do Lưu Hưởng viết, nhưng người ta vẫn xem ông như tác giả, có lẽ hoàn thành vào thời Hậu Tấn, vào khoảng 941-945 AD. Sách này cho biết nước Thù Nại, vào thời Vĩnh Huy (650-655) nhà Đường, bị nước Chân Lạp diệt.


Đối với các nhà địa lý cổ, Việt Nam cũng như Trung Quốc, phong cách định vị theo lối phiên âm phiếm chỉ rất phổ biến, vì đó là cách dùng một nơi đã biết để chỉ một vùng chưa biết rõ. Cho đến thế kỷ XIX, các nhà địa lý Việt Nam vẫn còn sử dụng khái niệm Đồng Naiđể chỉ cả vùng Nam Bộ. Vì thế việc định vị nước Thù Nại cũng không nằm ngoài quy luật đó. Điều này cũng tương tự như việc định vị hàng loạt những vùng được gọi là nước ở trong vùng như: nước Chi Kỳ, nước Xích Thổ, nước Bà Lỵ...

Bây giờ chúng ta thử khảo cứu âm Thù trong địa danh Thù Nại. Như trên đã đề cập, hiện nay liên quan đến con chữ đ, phiên âm Bắc Kinh là t , căn cứ vào những chữ Hán Việt thông dụng, theo Từ điển tứ giác, Từ điển tân hoa... vấn đề này có liên quan đến 304 chữ. Trong số này chuyển sang âm Hán Việt, với con chữ đ có 155 chữ, chiếm 50,98%, với con chữ th có 138 chữ chiếm 45,39%. Số còn lại 11 chữ, chiếm 3,61% với các âm d (1 trường hợp), kh (2 trường hợp), n (1 trường hợp), ph (1 trường hợp), s (5 trường hợp), x (1 trường hợp). Như vậy khi chuyển sang âm Hán Việt, âm đ và âm th, là hai trường hợp cùng tồn tại. Âm đ chuyển hẳn sang âm thuần Việt, còn âm th vẫn còn bảo lưu ở âm Hán hiện đại, qua con chữ t của phiên âm Bắc Kinh.

Năm 1747 với ký tự Dou Nai của các giáo sĩ Thiên chúa giáo, chúng ta có thể khẳng định rằng âm Thù đã tồn tại suốt 800 năm. Từ âmThù – Dou biến thành âm Đồng là sự phát triển vào thế kỷ XIX. Cần nhớ rằng trong khối từ Hán Việt không có từ đu, mà chỉ có một âmdu khi chuyển qua đ và th.

Thù là một từ phiên âm qua ký tự Hán Việt, cho nên nó vô nghĩa. Trong tiếng Việt: thù, với đặc trưng thuần Việt, lại có ý nghĩa.

Đứng ở góc độ dân tộc thực vật học, một phạm trù còn lưu giữ được nhiều kiến thức dân gian nhật, chúng ta có thể hiểu được phần nào sự bảo tồn của triết lý dân gian qua tên gọi. Người miền Nam gọi cây đu đủ là cây thù đủ. Cây thù đủ là cây ngoại nhập, carica papaya L. họ đu đủ Caricaceae. Ở đây có vấn đề chữ nghĩa hóa âm thù sang âm đu. Hiện tượng này không phải cá biệt. Trong đợt khảo sát tại Cà Mau năm 1995, người dân Cà Mau dùng cây thù lù, Physalis Angulata L. để chữa bệnh. Đây là loại cây thuộc họ cà, Solanaceae. Cùng loại này, có các loại cây khác được gọi cùng tên như: thù lù nhỏ ( Physalis Peruviana L.), thù lù kiểng ( Physalis Alkekengi L.). Một cây họ đinh lăng, A raliaceae, cũng được dùng làm thuốc, là cây thù dù, Trevesia Cavaleriei ( Lév.) Grushv Skvorts. Ý nghĩa của chữ thù ở đây có nghĩa là lớn.


Nại trong Thù Nại cũng là phiên âm từ ký tự Hán cho nên vô nghĩa. Thế kỷ XIX khái niệm nai được hiểu là con nai. Điều này đúng vì nailà từ thuần Việt, có ý nghĩa rõ ràng. Dù sao cách hiểu đã nêu bao hàm cách lý giải mang tính phát triển. Trong kho từ vựng tiếng Nôm, từnai còn có nghĩa là vò đựng rượu. Ngày nay từ nai đã được thay thế bằng các từ vò, bình, vại, chum, chóe. Các bằng chứng về khảo cổ học cũng đã chứng thực vùng Đồng Nai – Biên Hòa, trong suốt 4.000 năm phát triển vẫn là một trung tâm sản xuất gốm, rất thịnh vượng. Thù Nại phải chăng là một vùng, trong quá trình tồn tại của nó, được người đương thời biết đến qua sản phẩm nổi tiếng về những chóe đựng rượu.

Nếu thù có nghĩa là lớn thì còn vấn đề có liên quan đến ngữ pháp tiếng Việt. Thù rồi tiếp đến sự định hình là đou, với tác dụng là một tính từ, cho nên vị trí của nó phải đứng ở đằng sau danh từ mà nó có nhiệm vụ bổ ngữ. Sự linh hoạt của tiếng Việt đã chứng thực vấn đề vị trí và tác dụng này có thể hoán đổi. Trường hợp các loại cây cỏ với âm thù đã dẫn trên là một ví dụ. Một điểm khác nữa thay vì nói cỏ xanh, ngực đỏ, người Việt vẫn nói xanh cỏ, đỏ ngực. Những ví dụ như thế còn nhiều, như: đông đồng, vắng chợ... 

Phiên âm Thù Nại có liên quan đến những vấn đề của nguyên tộc Việt cổ, còn phiên âm Đồng Nai, một từ thuần Việt, có liên quan đến người Việt. Trong quá trình kế thừa và phát triển gần 1.000 năm, sự thay đổi từ ngữ là điều tất yếu. Đó cũng là một trong những quy luật khi nghiên cứu về địa danh học. Thù là tiếng phiên âm cổ nhất đối với vùng đất Việt cổ, cách đây 1.000 năm. Điều này có liên quan đến những từ Hán Việt, vốn còn giữ gốc Đường âm. Quá  trình phát triển làm nầy sinh các âm: Chu, Nông, Đông... cũng không có gì là lạ. Động thái này cuối cùng được định hình với nghĩa đồng là cánh đồng, một vùng đồng bằng trước núi, phù hợp với quan niệm địa lý hiện đại. Động thái phát triển của phiên âm nai, được định hình là con nai, với âm chữ nghĩa hóa là lộc. 

Trên đây chúng tôi chỉ giới thiệu một khả năng để hiểu phiên âm từ nai, chủ yếu dựa vào chứng thực của khảo cổ học. Thật ra âm naicòn liên quan đến hai nghĩa nữa: một có liên quan đến âm nái, cái, có nghĩa là núi, là mẹ, là lớn; một có liên quan đến dân tộc thực vật học. Người vùng này còn dùng từ nai đồng nghĩa với từ bổi ở phía Bắc, chỉ các cây thuốc họ mộc xỉ, Dryopte-ridaceae, chủ yếu là giống Arachniodes sp. Vùng đồng bằng sông Chu, sông Mã họ dùng từ này để chỉ các loại cây ngứa, họ cây ngứa Urticaceae, chủ yếu là các loại cây lá han, Villebrunea sp. Một hiện tượng thiên nhiên mang tính phổ biến, nhưng chỉ có một nơi đặc thù hóa, được định hình qua địa danh. Từ Việt cổ đến tộc Việt là một quá trình có nguồn gốc đa nguyên.
Những điều đã nêu trên phản ánh triết lý về tính năng động của người Việt..

Trong Địa chí Đồng Nai (gồm 5 tập: Tổng quan, Địa lý, Lịch sử, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội ) của tỉnh Đồng Nai, xuất bản năm 2001, ngay từ đầu tập Tổng quan/ phần Địa danh và Lược sử do Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới biên sọan, đã đề cập về nguồn gốc của địa danh Đồng Nai. Tác giả đã lược kết những nguồn tư liệu, giả thuyết, lý giải của nhiều nhà nghiên cứu về vấn đề này. Trong đó có đọan viết:” Theo tài liệu của Trương Bá Cần/ Lược sử Công giáo Nam Bộ ( thế kỷ XVI, XVII,XVIII), trong một bản tường trình của thừa sai Gouge viết năm 1701, thân sinh của linh mục Laurent cùng với một số người trong gia đình đã đến vùng Dou - Nai ( Đồng Nai ) khai phá, cày cấy từ 29 năm trước. Thư của Giám mục phó Labbé gởi Ban giám đốc Chủng viện Truyền giáo nước ngoài đề ngày 24.7.1710, có đọan:” Có một miền gọi là Dou – Nai ( Đồng Nai ) ở giữa Cao Miên và Chiêm Thành đây là một vùng đồng bằng, đất tốt, khá rộng và dài, rừng rậm, cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay”. Như vậy, từ đầu thế kỷ XVIII, địa danh Đồng Nai đã được các nhà truyền giáo ghi chép từ tên gọi dân gian đã phổ biến trước đó vài chục năm”.

Những tư liệu được dẫn ra trên đã góp phần làm rõ về nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh Đồng Nai. Từ những nguồn tư liệu, cách lý giải, suy đoán của các nhà nghiên cứu cho thấy có nhiều điểm tương đồng song cũng có những ý kiến chưa thống nhất với nhau.

Lần giở trong chồng tư liệu sưu tầm, chúng tôi thấy có hai lời ngỏ khá lý thú có đề cập đến tên gọi Đồng Nai. Xin được lược trích, giữ nguyên văn câu chữ để giới thiệu:

Thứ nhất là tạp chí Đồng Nai số 1 (15 Février 1932)/ ra đời năm 1932, cơ quan tại 331, Frère Louis, Sài Gòn, giây nói – 704; có đoạn viết như sau:”...Chúng tôi riêng nghỉ: trong Lục Châu, cái tên Đồng - Nai cùng cái tên Bến - Nghé có thể tương đương với tên Núi - Tản, sông - Lô ngoài Bắc, tương đương với tên Sông - Hương, Núi - Ngự ngoài Kinh, nghỉa là có thể làm biểu hiệu cho một góc trời Nam. Ở xứ Nam Kỳ nầy có mấy nơi giàu lịch sử cho bằng con sông Đồng Nai, con sông Bến Nghé, là mấy nơi chứng kiến bao nhiêu cảnh tang thương biến đổi trong khoản ngoài trăm năm nay.... 

Còn cái tên Cọp Đồng – Nai mà người ta ban cho Phò - mả Vỏ - tôn - Tánh gẫm không phải là vô vị ? Chớ như ở Chung Xá bọn quân của Võ - văn - Dũng (Tây - Sơn) nửa đêm vì có nai chạy lạc trong trại, la: Nai, Nai, mà tưởng quân Đồng Nai rồi ùng ùng vụt chạy, thì riêng nghỉ cái tên Đồng - Nai không phải là không có nghị lực đặc biệt !” 


Thứ hai là trong mục Thỏ thẻ tâm tình / lời của Bộ Biên Tập/ Đồng Nai Văn Tập số 5 (không rõ năm xuất bản); có lời: “...Đồng Nai, tên sao nôm - na quê kịch mà sao thân thiết qúi yêu! Trên chỗ nước mặn đồng chua, âm thanh khêu gợi một chi chi thiêng liêng cao cả, như tiếng Rạch Gầm nhắc nhở chiến công của Quang trung, như tiếng Đồng tháp mở rộng cõi lòng về dĩ vãng kháng chiến hồi thế kỷ trước. Đồng - Nai, con sông lịch sử, con sông phì nhiêu, đã chở phù sa từ trên cao nguyên bồi thàng đồng ruộng và đã tiếp đón bao nhiêu lớp buồm cánh dơi từ ngoài biển vào: 

“ Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về!”. 

Đồng - Nai, con sông hiền lành, mở rộng lòng thương cho tất cả, không phân biệt thân sơ:

“Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng – Nai
Nước sông trong sao lại chảy hoài ? 
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.”.

Lòng người lắm khi hậu bạc không chừng, nhưng Đồng - Nai bao giờ cũng trung thành một mực:

“ Buồn tình cha chả buồn tình,
Không ai về Bắc cho mình gởi thơ !”.

Đồng - Nai đã phơi gan trải ruột qua nhiều thế hệ, trong ca dao như thế, biểu sao tên Đồng - Nai không được quý yêu, không được chọn lựa?

Chôn nhau cắt rún trong đất Đồng - Nai , chúng tôi coi Đồng - Nai là đất mẹ, là quê cha, là Tổ quốc, trong phạm vi eo hẹp của một cá nhân, nếu biệt lập với toàn thể của mình. Chúng tôi là con cháu của Đồng - Nai , đã lớn lên ở đây và sống bằng đất nước chua mặn...

...Vậy vốn là con cháu của Đồng - Nai chúng tôi lãnh lấy phận sự làm cho biết đấy nước nhau rún của mình một cách trung thành. Chúng tôi không phải là bọn người mở đầu, trước chúng tôi đã có nhiều bực tiền bối; chúng tôi tiếp tục một công trình đã khởi sự từ hồi chúa Nguyễn bôn ba vào Nam.

Từ thuở đó ông bà chúng tôi đã ra sức làm cho xứ Đồng - Nai được biết: Cụ Võ Trường Toản đã soạn bộ Nhứt - thống dư địa - chí , cụ Trịnh Hoài Đức đã soạn bộ Gia – Định thông chí, ngoài ra các cụ khác còn nhiều văn tập và thi tập, không làm hổ danh “ Gia Định tam gia” và đã làm nức tiếng đất Nam - Trung một thuở, mà đến nay còn lưu truyền câu tục - diêu:

“ Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi...” 


***

Như vậy, trải qua bao biến thiên muôn màu của lịch sử, danh xưng Đồng Nai ngày nay đã trở thành tên gọi của đơn vị hành chánh cấp tỉnh: tỉnh Đồng Nai ở miền Đông Nam Bộ, trong lòng Nam Bộ, trong lòng nước Việt mến yêu.

Danh xưng của một vùng đất, của một dòng sông, của một Hào khí oai hùng, của một phức hệ văn hóa...hàm chứa cái thiêng, hàm ẩn một sức sống mãnh liệt trong sự tồn tại của nó với bao điều lý thú và chắc chắn còn nhiều điều cần tìm hiểu thêm, chưa có hồi kết. Sự lý thú và hấp dẫn về một danh xưng Đồng Nai vẫn còn là một vấn đề mở cho những ai quan tâm đến nó.
Ts Huỳnh Văn Tới
Ths Phan Đình Dũng

Người Hoa với những đóng góp trong việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vùng Nam Bộ xưa

Người Hoa với những đóng góp trong việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vùng Nam Bộ xưa 
Thạc sĩ Phan Đình Dũng


I. Cộng đồng người Hoa đến với vùng đất Nam Bộ
Do nhiều biến động của xã hội, nhiều dân tộc từ các nơi khác đã tìm đến vùng đất Nam Bộ sinh sống trong nhiều thời kỳ lịch sử. Sự cộng cư nhiều thành phần dân tộc nói chung, trong đó có cộng đồng người Hoa nói riêng đã góp phần làm đa dạng sắc thái tộc người, sự phong phú về văn hóa của vùng đất Nam Bộ.
Cho đến nay, dù chưa biết đích xác những lưu dân Việt đặt chân lên xứ Đồng Nai vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn, họ đã có mặt trước năm 1623, khi chúa Nguyễn thiết lập đồn thu thuế tại Preikor (địa điểm được xác định thuộc nội ô thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sự có mặt của nhóm cộng đồng người Hoa được sử sách chép với mốc thời gian  định vị rõ ràng. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi (1679), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3.000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng (…)họ không thể thần phục nhà Minh nên chạy sang nước Nam nguyện được làm dân mọn (…) Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại (Đồng Nai) làm ăn, gắng sức khai phá đất đai (…). Bọn tướng Long Môn họ Dươngđem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và cửa Đại, cửa Tiểu dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai”[1].
Năm 1680, một nhóm người Hoa khác do Mạc Cửu đến Hà Tiên. Một số tư liệu cho biết: Mạc Cửu (người Lai Châu, Quảng Đông, Trung Quốc), không phục nhà Thanh, đem gia quyến, người thân…khoảng 400 người sang khai phá vùng đất Hà Tiên. Mặc dầu trải qua nhiều biến cố trênn vùng đất mới nhưng Mạc Cửu đã khôn khéo vượt qua và sau đó thần phục dâng đất, thần phục nhà Nguyễn. Năm 1708, Mạc Cửu dâng biểu xưng thần với chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh, cai quản trấn Hà Tiên. Năm 1735, Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn cho con trai trưởng của ông là Mạc Thiên kế tập, cai quản xứ Hà Tiên.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ XVII cho đến những giai đoạn về sau, số lượng người Hoa đến vùng Nam Bộ ngày càng tăng qua nhiều đợt di dân mỗi khi Trung Quốc hay các vùng người Hoa sinh sống biến động về xã hội. Bao thế hệ người Hoa từ đoàn di dân đầu tiên đến những đợt di cư do về sau đã lần hồi góp phần xây dựng vùng đất Nam Bộ vốn là nơi “tị nạn” trở thành “quê hương” bao dung đối với họ. Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng, lúc trầm trong suốt quá trình di cư, định cư, cộng đồng người Hoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khai khẩn; đặc biệt là việc xây dựng những trung tâm thương mại nổi tiếng vào những thời kỳ khai khẩn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đất Nam Bộ, đặt cơ sở cho kinh tế hàng hóa phát triển về sau.
II. Những trung tâm thương mại nổi tiếng ở Nam Bộ thế kỷ XVII - XVIII
II.1. Xứ đại đô hội - Nông Nại đại phố
Nông Nại đại phố xưa được xác định là vùng Cù lao Phố hiện nay thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Đây là một cù lao giữa hai nhánh sông với vị thế thuận lợi lớn về đường thủy. Xưa kia, đây chính là điểm “trung gian” giữa miệt hạ lưu và thượng lưu sông Đồng Nai – trước gọi là Phước Long giang.
Tên gọi Cù lao Phố vừa dân dã ấy lại là danh xưng  dễ quen, dễ nhớ về một nơi từng được định danh “xứ đô hội” mà công đầu  tạo dựng của nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu. Khi đến vùng Cù lao Phố, Trần Thượng Xuyên thấy địa hình này có ưu thế cho việc phát triển nông nghiệp, lại thuận tiện giao thông thủy, bộ; có lợi cho việc buôn bán nên đã xây dựng nơi đây thành một thương cảng. Đường xá ở Cù lao Phố được mở mang, phố xá được tạo dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu nước ngoài đến buôn bán.
Cảnh phồn vinh, sầm uất của Cảng thị Cù lao Phố được sử sách ghi chép: “Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5  dặm, Chia làm ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội. Các nhà phú thương buôn to bán lớn chỉ đây là nhiều hơn, có người mà cả nước biết tiếng…”[2]
Trong lịch sử phát triển, Cù lao Phố được hình thành như một cảng sông sâu trong nội địa nên đã có ưu thế tối ưu như một trung tâm thu mua hàng hóa được từ nhiều nguồn, đa dạng và thương mại phát triển của một khu vực được khai phá sớm. Ngay từ vùng Cù lao Phố là nơi sớm tập trung các ngàngh nghề thủ công: dệt chiếu, làm tơ lụa, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía, nấu đường... Đặc biệt, những sản phẩm của Cù lao Phố được xem như những hàng đặc sản nhiều nơi đặt mua. Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng hóa từ nơi khác trên vùng Đồng Nai lúc bấy giờ như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá... nơi có một số người Hoa thạo nghề buôn bán sinh sống. Cù lao Phố trở thành “Tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, người Nhật, người Đồ Bà (Chà Và)tụ tập tấp nập, phong hóa Trung Quốc lần lần lan ratha61m đượm cả vùng Đông Phố “[3] . Hàng hóa được trao đổi, mua bán ở thường cảng Cù lao Phố rất đa dạng: “Sản vật mà các chủ thuyền thường hay mua là những sản vật được sản xuất ở Đồng Nai như gạo, cá khô, sừng tê, ngà voi, gạc nai, các loại dược thảo phía Nam. Còn sản vật các chủ buôn thường nhận mua là những sản phẩm tiêu dùng gồm tơ lụa, vải bố, dược phẩm cho đến những đồ xa xí, trang trí như gạch ngói, sứ men, đá xay cột chùa, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc…[4]. Sử sách ghi chép vắn tắt, song qua đó phản ánh sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Cù lao Phố, nhất là về giao thông hàng hóa, đó chính là một trung tâm thương mại và giao dịch sầm uất của Nam Bộ thời bấy giờ.
Nông Nại Đại Phố đã trở thành một thương cảng lớn, một trung tâm thương mại  lớn ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Kiến trúc phong quang của Cù lao Phố bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề qua cuộc bạo loạn của thương nhân người Phước Kiến là Lý Văn Quang vào năm 1747; trong cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đặc biệt vào các năm 1776, 1777. Quân Tây Sơn tiến đánh Gia Định, tàn phá Cù lao Phố “chiếm dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, của cải chở về Quy Nhơn[5]. Thương cảng Cù lao Phố vốn sầm uất bị tàn phá nặng nề.
II.2. Xứ phồn hoa huyên náo - Mỹ tho đại phố
Mỹ Tho đại phố được xác định là “nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho; bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền (nay thuộc phường 2, TP Mỹ Tho), chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức khoảng 4 km (nay thuộc phường 2 và phường 8, TP Mỹ Tho), cho đến cầu Vỹ, Gò Cát (nay thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho). Do được thành lập ở ngã ba sông, nên ngôi chợ này có khả năng quy tụ ghe thuyền, vật lực từ các địa phương khác; và từ đó lan tỏa ra khắp nơi, thông thương với các trung tâm thương mại lớn ở trong nước, kể cả với nước ngoài”. Chợ phố lớn Mỹ Tho còn là thương cảng có quan hệ buôn bán với nước ngoài. Hoạt động chính yếu, nhộn nhịp, sầm uất của Mỹ Tho đại phố là nội thương và ngoại thương[6].
Mỹ Tho đại phố được hình thành và phát triển mạnh có sự đóng góp rất lớn của nhóm người Hoa do Dương Ngạn Địch dẫn đầu. Năm 1679, khi vào Nam Bộ, nhóm người Hoa này vượt cửa Đại, cửa Tiểu đi vào Mỹ Tho; trong khi nhóm Trần Thượng Xuyên vượt cửa Soài Rạp vào xứ Biên Hòa. Bên cạnh những thành quả khai khẩn của cư dân Việt đến trước khai khẩn, chủ yếu về nông nghiệp, nhóm người Hoa vốn thạo buôn bán đã làm cho vùng đất Mỹ Tho phát triển theo hướng trao đổi hàng hóa ngày càng mạnh mẽ. Sự phồn thịnh của chợ phố lớn Mỹ Tho được Trịnh Hoài Đức mô tả : “Phía nam trị sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói chạm cột phủ, đinh cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo[7] .
Về sau, Mỹ Tho đại phố ngày càng phát triển: “Tính đến năm 1781, trải qua hơn 100 năm hoạt động nhộn nhịp, Mỹ Tho đại phố đã có sự phát triển mạnh mẽ, vừa là trung tâm kinh tế - thương mại, vừa là trung tâm chính trị - hành chính nổi bật của dinh Trấn Định nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung[8].
Trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của vùng đất Nam Bộ, sự tranh giành quyền lực, thôn tính nhau giữa các thế lực mà Mỹ Tho đại phố cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nội bộ nhóm người Hoa cũng xảy ra tranh chấp mà hậu quả của nó là viên phó tướng Hoàng Tiến (Hoàng Tấn) nổi lên giết chủ tướng Dương Ngạn Địch vào năm 1788. Mỹ Tho đại phố cũng bị cảnh tàn phá khi quân Tây Sơn tiến đánh. Năm 1785, quân Xiêm/Thái Lan tràn sang và tàn phá. Mỹ Tho những lúc loạn lạc ấy trở thành bãi chiến trường, phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc, dân tình khốn khổ, xiêu tán.
II.3. Xứ đô hội biển Hà Tiên
Về xứ Hà Tiên và nhân vật Mạc Cửu, có nhiều tư liệu chưa thống nhất nhau một số điểm như thời gian Mạc Cửu trú ngụ, hay ở Xiêm hoặc dâng đất thần phục nhà Nguyễn…. Nhưng, chắc chắn rằng, xứ Hà Tiên được phát triển “trở thành xứ đô hội” buổi ban đầu có sự đóng góp rất lớn của nhóm người Hoa do Mạc Cửu dẫn đầu. Mạc Cửu có công lập ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trùng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau, Hà Tiên. Dần dần, Mạc Cửu xây dựng vùng này trở thành thương cảng quan trọng, thôn ấp định cư đông đúc nằm sát biển, thuận lợi cho ghe thuyền lui tới buôn bán... Tiếng lành đồn xa, lưu dân khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp. Vùng đất này Hà Tiên tiếp tục phồn thịnh dưới thời Mạc Thiên Tích – con của Mạc Cửu lãnh đạo.
Hà Tiên vào thời Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích là một mắt xích quan trọng của tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan để đi đến nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ khác. Mạc Thiên Tích đã áp dụng một chính sách thông thoáng và coi trọng thương mại trong việc phát triển Hà Tiên như mở cảng cho tàu buôn nước ngoài đến buôn bán và áp dụng chính sách miễn thuế trong những thời điểm cụ thể để thu hút nguồn hàng trao đổi. Vùng đất Hà Tiên cũng nổi tiếng với nhiều hàng hóa, sản vật danh tiếng: sáp trắng (bạch lạp), huyền phách… Cảnh Hà Tiên hưng thịnh :”đường xá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội nơi dọi biển vậy[9].
Thế nhưng, xứ Hà Tiên trong từng giai đoạn cụ thể cũng lâm cảnh bị tàn phá: “…nạn giặc cướp biển, rồi bị Nặc Bồn xâm lấn (1739), vua Cùi Tiêm La uy hiếp (1766), lại bị Trần Thái dấy lên làm loạn và 1771 bị quân Tiêm La nhiều lần chiếm đóng, phá sạch nhà cửa đồn bảo…Đây là giai đoạn khiến cho cộng đồng dân cư ở đây, trong đó có người Hoa phải xiêu tán[10].
II. 4. Xứ đô hội náo nhiệt Chợ Lớn
Những biến cố của vùng đất Nam Bộ nói chung hay từng địa bàn như xứ Nông Nại Đại Phố, Mỹ Tho đại phố, Hà Tiên đã  làm cho các trung tâm này mất dần đi vị thế của mình. Cộng đồng người Hoa tại các nơi này đã xiêu tán, tìm đến các nơi khác sinh sống. Sau những biến cố đó, dẫu có một số người Hoa có trở lại để sinh sống nhưng các nơi này đã không còn như xưa. Trịnh Hoài Đức ghi chép trong Gia Định thành thông chí cho thấy: Xứ Nông Nại “…chỗ nầy biến thành vườn gò hoang. Sau khi trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước[11]. Còn đối với Mỹ Tho đại phố thì “Từ năm 1788, dân cư mới lần lượt trở về, tuy có trù mật, nhưng đối với xưa chưa được phân nửa[12].
Sự suy tàn của các địa điểm vốn hưng thịnh một thời này lại là một điều kiện thuận lợi cho vùng Chợ Lớn/ Sài Gòn phát triển. Vùng Chợ Lớn/ Sài Gòn từ năm 1788 bước vào việc xây dựng và phát triển trở thành một trung tâm có vị thế quan trọng trong hướng phát triển của chúa Nguyễn đối với vùng đất Nam Bộ. Cùng với những nhóm cư dân đến trước, người Hoa từ các vùng chiến tranh, loạn lạc tìm đến Chợ Lớn/Sài Gòn sinh sống và góp phần làm cho Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại danh tiếng. Chợ Lớn/Sài Gòn  thời bấy giờ được mô tả:” Các đường đan xuyên nhau hình chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có… …nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt[13]. Sau này, Chợ Lớn còn phát triển với những ngành kinh tế mà người Hoa năm vai trò chính: ”tập trung tất cả nền thương mại vùng này và của gần như cả miền Hạ Nam Kỳ, nền thương mại mà người Tàu đã biết chiếm lấy và có thể nói là độc quyền[14].
*
Trong buổi đầu khai khẩn Nam Bộ, người Hoa đã có những đóng góp cùng với những cộng đồng cư dân Việt đến trước đó. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là người điểm nhãn về mặt pháp lý trong việc khẳng định biên cương ở vùng đất phương Nam trong diễn trình lịch sử nước Việt. Sự có mặt, khai phá của cư dân Việt là nhân tố quan trọng và khai phá của nhóm cộng đồng người Hoa là nhân tố tích cực, cả hai đã góp phần tạo nên cơ sở:”dân khai mở trước, nhà nước quản lý sau” để Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện thiết lập bộ máy hành chánh đầu tiên ở Nam Bộ trong chuyến kinh lược vào năm 1698. Sách sử chép, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Kính)  kinh lược phương Nam. Ông “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh đều đặt chức Lưu thủ, Cai bạ. Ký lục…”, đồng thời “lập ra xã thôn, phường ấp, phân định địa giới, ruộng đất, lập ra tô thuế,xây dựng đinh điền bạ tích. Con cháu người Hoa nếu ở TRấn Biên được quy lập thành xã Thanh Hà, còn ở Phiến Trấn thì lập xã Minh Hương rồi cho phép vào hộ tịch”[15].
Trong việc hình thành Nông Nại đại phố, Mỹ tho đại phố, Hà Tiên, Bến Nghé - Sài Gòn ở Nam Bộ trong thế kỷ XVII – XVIII, cộng đồng người Hoa vốn thông thạo buôn bán đã nhanh chóng biến các nơi mình định cư trở thành những trung tâm thương mại sầm uất, đặt nền móng cho sự sự phát triển nền kinh tế hàng hóa. Một số nhận định của các nhà nghiên cứu sau đây đã đánh giá khá đầy đủ những đóng góp này.
Theo Giáo sư Lê Xuân Diện: “Từ thế kỷ XVII về sau, Nam Bộ hoang sơ dần trở thành vùng đất hứa cho nhiều cộng đồng dân cư ngoại nhập. Đầu tiên là người Việt đã mở đầu công cuộc khai phá đất hoang, thực hiện một cuộc “cách mạng nông nghiệp” ở đây (vùng châu thổ sông Cửu Long). Tiếp đến, những dân tộc người Hoa (Quàng Đông – Phúc Kiến – Hải Nam…), lần lượt nhập cư, tập trung chủ yếu vào hoạt động thương mãi (đường dài), mở ra cuộc cách mạng đô thị “tiền công nghiệp[16].
Theo Phan Thành Tài: “Số người Hoa này đặt chân đến vùng đất Sài Gòn – Gia Định, sớm nhất cũng từ giữa thế kỷ XVII, và họ đã sinh sống trên đất nước ta bằng nhiều nghề, nhiều cách khác nhau. Nhưng tựu trung, họ vẫn tỏ ra thành thạo nhất trong hoạt động buôn bán và trao đổi hàng hóa. Giữa họ cũng dần dần phân hóa thành nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng một bộ phận có thế lực, lẫn kinh nghiệm buôn bán, trở nên giàu có và hình thành nên những “chủ bao mua”. Chính bộ phận người Hoa này đã đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi, lưu thông hàng hóa và giao lưu kinh tế[17].
Chính việc hình thành các trung tâm thương mại sầm uất như Nông Nại đại phố, Mỹ Tho đại phố, Hà Tiên, Bến Nghé – Sài Gòn  đã góp phần làm cho nền kinh tế của vùng đất Nam Bộ có tính chất mở: “Kinh tế Nam Bộ, ngay từ đầu đã không phải là nền kinh tế khép kín, trái lại nó có mối liên hệ rộng rãi với bên ngoài và hết sức năng động[18].
Việc hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố trong thế kỷ XVII – XVII cho thấy sự gắn kết trong mối giao thương với các trung tâm thương mại khác trong vùng Nam Bộ đương thời như Nông Nại đại phố, Bến Nghé – Sài Gòn và cả đối với các vùng lãnh thổ lân cận trong khu vực Đông Nam Á. Trong phạm vi khu vực Nam Bộ, sự gắn kết từ cộng đồng xuất thân, cùng đồng cam chịu khổ theo chuyến hải trình và mục đích đến nước Việt của nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch dẫn đầu là cơ sở thuận lợi cho việc Nông Nại đại phố, Mỹ Tho đại phố cùng hỗ trợ, giao thương với nhau trong quá trình hình thành, phát triển.
Kể từ khi Chợ Lớn/ Sài Gòn nổi lên là một trung tâm kinh tế phát triển mạnh của cả vùng Nam Bộ, thì các vùng Nông Nại, Mỹ Tho “dầu không còn vị thế như trước” sau những biến cố, nhưng do nguồn hàng hóa, sản vật tại các địa điểm này đa dạng, phong phú nên chắc chắn các nơi này là một trong những vệ tinh trong nền kinh tế hàng hóa năng động của vùng Nam Bộ, góp phần làm cho Chợ Lớn/ Sài Gòn ngày càng phát triển: “Hai nhóm Quảng Tây ở Mỹ Tho và Quảng Đông ở Biên Hòa chia nhau định cư ở phía nam và bắc Sài Gòn. Hai nhóm đó đều chú trọng làm thương mãi nhưng họ không thể lấn ép, mà trái lại mỗi ngày họ càng phải đề cao trung tâm của Sài Gòn[19] .
*
Hơn ba thế kỷ quá nhiều đổi thay trong diễn trình lịch sử Nam Bộ, sự hình thành các trung tâm thương mại gắn với cộng đồng người Hoa là một yếu tố tích cực cho sự phát triển kinh tế hàng hóa của vùng đất này. Dấu tích của các trung tâm thương mại như Nông Nại đại phố (Biên Hòa – Đồng Nai), Hà Tiên (Kiên Giang), Chợ Lớn – Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Mỹ Tho đại phố (Tiền Giang) còn lại không nhiều so với thời gian dâu bể. Điều đó cũng lẽ thường trong sự phát triển không ngừng của xã hội. Thế nhưng, với quá trình phát triển trong lịch sử, những trung tâm thương mại này đã đặt những nền móng cơ sở cho sự phát triển kinh tế ở các địa phương nói riêng, cho cả Nam Bộ nói chung.
                                                                                                Thạc sĩ Phan Đình Dũng
Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005.
2. Trần Văn Giàu (chủ biên – nhiều tác giả). Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên). NXB Tp.HCM, 1987.
3. Hùynh Văn Tới – Phan Đình Dũng. Văn hóa Đồng Nai – sơ thảo. NXB Đồng Nai, 2005.
4. Diệp Đình Hoa – Phan Đình Dũng. Làng Bến Cá xưa và nay. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998.
5. Đỗ Bá Nghiệp (chủ biên – nhiều tác giả). Lịch sử văn hóa Cù lao Phố. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998.
6. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nam Bộ đất và người. NXB Trẻ, 2002.
7. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nam Bộ đất và người (tập 7). NXB Trẻ, 2009.
8. Nguyễn Văn Sanh (chủ biên – nhiều tác giả). Văn hóa nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh (nhiều tác giả). Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
9. Nhiều tác giả. Biên Hòa – Đồng Nai: 300 năm hình thành & phát triển. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1998
10. Nhiều tác giả. Địa chí Đồng Nai. Tập Lịch sử - III. NXB  Tổng hợp Đồng Nai, 2001.
11. Các tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
12. Một số trang thông tin điện tử: của Trường Đại học Tiền Giang, Kiên Giang, Đồng Nai….

Địa chỉ: Phan Đình Dũng (Phòng Đào tạo)
106. Nguyễn Ái Quốc, Trung Dũng, Biên Hòa
Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai
ĐT: 0919.48.6676


[1] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110
[2] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238.
[3] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.110.
[4] Dẫn theo Địa chí Đồng Nai (Nhiều tác giả). Tập Lịch sử - III. NXB  Tổng hợp Đồng Nai, 2001. tr 123.
[5] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238.
[6] Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp. Sự hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố. http://www.tgu.edu.vn
[7] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.241.
[8] Dẫn theo Nguyễn Phúc Nghiệp. Sự hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố. http://www.tgu.edu.vn

[9] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.246.
[10] Dẫn theo Huỳnh Ngọc Trảng. Văn hóa nghệ thuật người Hoa Thành phố Hồ Chí Minh (nhiều tác giả). Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.tr.10.
[11] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238.
[12] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí . Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.238 & 241.
[13] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.229.
[14] Dẫn theo Ngô Ái Long. Người Hoa & công cuộc khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Tạp chí Xưa & Nay, số 55 B. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 1998. tr. 14.
[15] Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Lý Việt Dũng. NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2005. tr.112.
[16] Dẫn theo Giáo sư Lê Xuân Diệm. Bước đầu tìm hiểu sự hình thành & phát triển đô thị ở Nam Bộ. Nam Bộ đất và người. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, 2002, tr.25.
[17]  Dẫn theo Phan Thành Tài. Sự hình thành & phát triển trung tâm Sài Gòn – Gia Định. Nam Bộ đất và người. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Trẻ, 2002, tr.43.
[18] Dẫn theo Nguyễn Thị Huê. Giao thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII: Đôi điều suy nghĩ. Nam Bộ đất và người. tập VII. Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp Tp.HCM, 2009, tr.261.
[19] Dẫn theo Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trần Văn Giàu chủ biên). NXB Tp.HCM, 1987, tr.152.

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2012

TRUYỀN THỐNG NAM BỘ



TRUYỀN THỐNG 
NAM BỘ

Sơn Nam
 Truyền thống gia đình
Truyền thống gia đình hình thành từ kinh tế nông nghiệp. Nói đến truyền thống là nhắc nhở nền nếp được noi theo liên tục, qua những biến cố lịch sử, lắm khi người noi theo lại không ngờ mình đã theo truyền thống. Nói chung trong cả nước, truyền thống vẫn giống nhau nhưng vì hoàn cảnh phân tán, tình hình gia đình giàu nghèo, khả năng liên lạc, nên có khác về chi tiết.
Nam Bộ sớm bị đô thị hóa, lại xáo trộn về chiến tranh, thời kỳ xây dựng lại gặp cảnh khan hiếm nhà đất. Về già ai cũng muốn về truyền thống xưa, nhưng nhà chật làm sao bày biện bàn thờ tổ tiên? Ngày giỗ, khó nhắc nhở con cháu nên qui tụ lại cho ấm cúng. Dịp cưới hỏi, lắm khi đại gia đình đoàn tụ để chung vui. Khi gặp ma chay, việc nhắn tin, khả năng tài chánh lắm khi khó khăn đối với người trong thân tộc. Thêm trường hợp gia đình có người di tản, chỉ là nhắn tin muộn màng, gởi ảnh, gởi vidéo. Ngay trong nước, giữa các nơi ta vẫn thấy có khác biệt. Lại có ảnh hưởng gia đình bên chồng, bên vợ, về tôn giáo (đạo Phật, đạo Thiên chúa…), ít ai còn giữ được truyền thống mà mình mơ ước. Ngày Tết, đoàn tụ cả  gia đình đã là khó : sinh kế, đi tỉnh làm việc, ốm đau, phương tiện, quà cáp. Khó tím đất để chôn cất, thái độ của gia tộc đối với cái hủ đựng cốt ra sao ? Nghi thức tụng niệm, mời nhà sư làm tuần lắm khi tùy từng người. Ngày giỗ lắm khi dời lại cho đúng ngày chủ nhật để bà con rảnh rang đoàn tụ.
Vấn đề khái quát, xin dựa vào Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính mà khẳng định vài nét.
Cha mẹ
Nói chung gọi cha mẹ là ba, má- không còn gọi là tía, má (tía là tiếng Tàu). Gọi bố, lắm khi là đùa cợt, thân mật. Đặt tên cho con không còn là kiêng kỵ như trước. Vì tiếp xúc với thành thị, thêm ảnh hưởng chiến tranh, ai cũng muốn con mình mang tên đẹp. Tên con trai gợi sự dũng mãnh, phấn đấu vì vậy lắm khi đặt là Hùng, Dũng, con gái gợi vẻ đẹp như Thúy, Hoa, Đào.
Thời trước 1945, ở nhà quê thường kiêng cử, sợ ma quỉ quấy rối nên đặt tên con với những tiếng xấu xí :Chuột, Vẹo, Đen, hoặc vì sợ đông con nuôi không xuể nên gọi là Út, rồi Út Nhứt, Út Nhì hoặc Thôi, Hết. Nay những tên xấu không còn nữa. Gọi cha mẹ bằng anh chị để phòng ma quỉ, con ranh con lộn, hoặc gọi cha mẹ là cậu mợ gaân như không còn thông dụng.
Vai trò của người con gái trong gia đình
Trên lý thuyết, xã hội ta theo phụ hệ, nhưng ở Nam Bộ, người con gái, đàn bà nắm khá nhiều quyền hạn trong gia đình. Mẹ sinh đẻ, cha đau ốm, việc săn sóc thuộc về ngưòi vợ, hoặc con gái, nếu không con gái thì con dâu.
«Phu tử tùng tử» cũng là lý thuyết. Trong thực tế, cha mất , mẹ cầm quyền, trừ trường hợp đặc biệt mẹ nhường quyền cho con. Mua bán nhà đất, cưới vợ gả chồng cho con cái, trường hợp vắng cha vẫn là người mẹ quyết định. Vì kinh tế thị trường, lắm khi người đàn bà có hoàn cảnh làm kinh tế gia đình, hoặc kinh doanh : chơi hụi hè, mở tiệm tạp hóa, cho vay đặt nợ. Con mà được mẹ yêu thương, nhứt định được chia phần gia tài nhiều hơn mấy đứa khác!!! Ngày giỗ trong gia đình, người mẹ, hoặc người vợ có phận sự nhắc nhở và quyết định cách tổ chức lớn nhỏ.
Nề nếp nầy vô cùng quan trọng, và được chứng minh thời chiến tranh, bởi lắm khi người vợ, người mẹ đôn đốc chồng con lo việc nước. Lại còn kiên trì thăm nuôi chồng con khi bị bắt, bị tù.
Khi đặt tên con, người chồng luôn tham khảo ý kiến của vợ. Việc bố trí bàn thờ thánh thần và Phật trong nhà thường là người đàn ông nhường quyền cho vợ. Người đàn bà nói chung săn sóc phần kinh tế gia đình để người đàn ông rảnh rang lo việc ngoài xã hội.
Riêng việc cưới hỏi, người Việt tỏ ra khắc khe so với người Pháp, hoặc người Hoa. Quá 4 đời không nhận ra liên hệ huyết thống thì mới được cưới hỏi. Khác họ, dễ cưới nhau, nhưng bà con bên dì (con của hai chị em) vẫn cấm kỵ. Cùng chung một họ, nhưng ở địa phương khác nhau dễ cưới hỏi nhau.
Quan hệ anh em
Thông thường, anh chị em một cha khác mẹ, khác cha vẫn được đối xử bình đẳng, không phân biệt trừ ngoại lệ. Lắm khi, đối với người ngoài gia đình, anh em khác cha, khác mẹ  luôn che giấu sự khác biệt ấy, ai quá tò mò thì mới nói sự thật.
Đối với chị, em gái, người anh hoặc em trai luôn kính nể, tránh sỗ sàng, chửi mắng, rầy la thô tục. Lắm khi trong việc chia gia tài, dành ưu tiên cho chị hoặc em gái.
Cha hoặc mẹ  mất, sự gắn bó giữa anh em dòng họ là nguyên tắc biểu lộ sự hiếu thảo.
Đám giỗ
Lễ giỗ trong gia đình là lệ khó bỏ qua được, ngay thời chiến tranh. Từ mấy năm qua, lắm khi lại rình rang.
Theo nguyên tắc, nếu ở gần nhau, anh em thường tổ chức giổ cha mẹ hoặc ông bà ở nhà nào rộng rãi nhứt, có người trưởng thượng đầy đủ uy tín với anh em.Tùy hoàn cảnh, anh chị em góp công sức, dịp tốt để bà con anh em gặp mặt nhau, vui vẻ trong một buổi. Góp công sức vẫn quan trọng như tiền bạc. Thời xưa, con gái không được làm đám giỗ cha mẹ mình ở nhà chồng, nhưng ngày nay, người chồng thường vui vẻ làm lễ giỗ cho cha mẹ vợ tại nhà mình.
Thờ cúng ông bà phải chăng là dạng tôn giáo dân gian ? Nhiều nhà nghiên cứu đã bàn cải. Đã bảo là tôn giáo (đạo thờ cúng ông bà) thì ai là chức sắc, như trường hợp thượng tọa trụ trì ở chùa hoặc linh mục cai quản giáo xứ bên đạo Thiên chúa. Dứt khoát đã có câu trả lời : người con trưởng nam, đúng hơn là người giữ gìn hương hỏa, được cha mẹ chỉ định hay anh em ủy quyền là người chủ lễ với quyền hạn gần như tuyệt đối :
- Qui định thời điểm cử hành
- Mời khách quan trọng đến dự, có thể là bạn thân của người quá cố, người mà gia đình chịu ơn
- Có thể đưa thực đơn cúng giỗ (cúng với món ăn mà người quá cố thích, lắm khi rẻ tiền)
- Thắp nhang trước tiên để khai mạc lễ giỗ, sau đó anh chị em mới thắp nhang sau. Có thể là người trưởng nam  nghèo túng, thất học, nhưng anh em dòng họ vẫn phải tôn trọng, kính nể.
- Ra lịnh chấm dứt lễ giỗ và dọn mâm cỗ
Trên nguyên tắc, hương hỏa là ngọn đèn (thếp nến) luôn cháy ngày đêm và nén hương trên bàn thờ tiêu biểu cho sự trường tồn của dòng họ. Ngày nay, đơn giản hơn, thắp ngọn đèn trứng vịt, đốt nhang từ ngọn đèn, không được tùy tiện dùng hột quẹt cá nhơn mà đốt.
Quan hệ với xã hội
Ở nông thôn ngày xưa,cùng làng xóm thì giúp đỡ nhau, nay cuộc sống đã đô thị hóa, tuy chịu ảnh hưởng của đô thị, vai trò của gia đình với xã hội vẫn quan trọng;
- Tham gia các công tác xã hội, cộng đồng
- Nhà bên cạnh có đám tang nên bày tỏ sự cảm thông, không gây ồn ào, ví dụ như vặn máy thu thanh, băng nhạc lớn tiếng.
- Dầu ngày thường ít giao thiệp nhưng dịp nầy cũng nên đến viếng tang gia
- Dịp cưới hỏi, nếu nhận được thiệp mời nên cố gắng tham dự, thường là dự phần tiệc tùng, chung vui. Tránh đưa trẻ con còn nhỏ tuổi tham dự tiệccưới người không thân thiết, gây ồn ào, chiếm một phần ăn.
- Tham dự đám tang người quen biết là điều tế nhị. Nên xem có nhận phúng điếu bằng tiền hay không, xem phong tục của gia đình có tang. Đối với người lớn tuổi hoặc bà con xa gần thì từ đôi ba năm qua, lễ lạy trước quan tài trở thành quen thuộc vì đó là sự biểu lộ lòng thành kính, an ủi  khổ chủ thay cho lời nói.
Nghi thức thông thường là :
· Lạy 2 lạy, hiểu ngầm sẽ trở lại khi di quan
· Lạy 4 lạy, hiểu ngầm sẽ không trở lại
· Lắm khi lạy ba lạy, thay vì bốn, hiểu ngầm cha mẹ mình còn sống, chừa một lạy cho cha mẹ mình
· Người đồng tuổi cứ lạy, người quá cố nhỏ hơn một tuổi, vẫn lạy.
· Nếu tang gia có bố trí bàn Phật ở bên cạnh, trước tiên nên cắm nhang trên bàn Phật
· Thắp nhang, nếu nhang bốc cháy ngọn, không được dùng miệng thổi cho tắt, phải quơ qua quơ lại, sợ ô uế
Thực chất và biến dạng của các món ăn Nam Bộ
Món ăn Nam Bộ rất đa dạng, thay đổi tùy giai đoạn ngắn dài, thử đúc kết lại vài nét lớn là diều không đơn giản. Qua thời gian, ta thử nêu lên vài nét định hình :
- Ăn sáng lót lòng còn gọi là điểm tâm không nằm trong đề mục cốt yếu của món ăn. Nếu là nhà nông hoặc gia đình khá giả, người lao động thường ăn 3 bữa : sáng, trưa xế và tối, bằng không chỉ 2 bữa thôi, buổi sáng thường thả nổi cho từng người liệu định.
- Hồi trước1945, nhiều gia đình khá giả còn duy trì kiểu lót chiếu, ngồi ăn trên đất, có lẽ theo ảnh hưởng người Chàm. Kiểu ăn trên bộ ván, ngồi xếp bằng như chẳng còn thấy ở gia đình trung lưu miền quê. Ngồi trên bộ ván thì phải theo tư thế xếp bằng, quen thói nên khi ngồi trên ghế dễ mỏi chân. Vả lại, bộ ván ngày nay mắc tiền, divan thì quá nhỏ hẹp.
- Tuy tiếp xúc với Tây phương từ cuối thế kỷ 19, người Việt vẫn bảo lưu cách ăn cơm với đũa, nếu cần chan hoặc húp thì dùng muỗng riêng hoặc chung. Nước mắm thường chấm chung một chén cho nhiều người trong khi người Hoa rất kỵ dùng cái muỗng công cộng, tha hồ  thọc đũa của nhiều người trong tô canh, nhưng chan húp thì mỗi người một muỗng riêng.
- Không thích dùng nĩa, ngoại trừ dùng nĩa nhỏ để ghim những miếng trái cây như xoài đã gọt sẵn. Gần như tuyệt đối không dùng cây dao nhỏ để cắt thịt :con vật đã bị giết, cắt ra từng miếng,pha chế rồi còn bị cắt nữa thì tàn ác và thô thiển đối với người ngồi bên cạnh. Nếu cần thì cắt sẵn trước khi đem ra dĩa như trường           hợp thịt bò lúc lắc.
- Ảnh hưởng của Tây phương chỉ thấy trong trường hợp ăn cơm tấm, cơm bì, gọi nôm na là cơm dĩa. Theo tối thiểu, đây là kiểu trình bày gọn do người Hải Nam bày ra từ trước năm 1945, gọi cơm xào. Người Hải Nam hồi thế kỷ 19 vì ở hải đảo gần Hương Cảng đã chọn nghề nấu bếp cho tàu buôn Tây phương, đi theo tàu biển.
Về món ăn Nam Bộ theo nghĩa vùng Saigon và phía đồng bằng, có thể chia làm 3 loại: món cúng ông bà hoặc thần thánh, món nhậu và món ăn cơm.
1- Món cúng:
Trên lý thuyết phải có 4 món cơ bản. Ở  đồng bằng sông Hồng có  món :giò, nem, ninh, mọc, còn ở Nam Bộ thì cũng tuân thủ 4 món tương ứng như ở phía Bắc kiểu giò, nem, ninh, mọc.
Dịp cúng giỗ tổ tiên, chẳng ai hiểu rõ ông bà thời xưa khi vào Nam thích ăn món gì, chế biến các món ra sao, nhưng tùy hoàn cảnh mà có 4 món: hầm, thịt luộc, xào, kho. Nên hiểu không phải là dâng cúng theo cha mẹ đã quá cố nhưng bà con xa gần thời xa xưa cũng được tham dự, vì vậy nếu cúng 3 mâm ở 3 bàn thờ (giữa, bên trái, bên mặt) hay một bàn thờ thì thức ăn phải giống nhau.
Món hầm, tức thịt heo hầm, thường là giò heo hầm măng tre Mạnh tông,loại măng ngon nhứt của Nam Bộ (gợi tích ông Mạnh Tông trong Nhị Thập tứ hiếu).
Món thịt luộc là thịt ba chỉ, xắt mỏng.
Xào là món bị câu thúcvề hình thức : xào chua, xào mặn với rau cải, đồ lòng, hoặc tôm, gần như tuyệt đối không dùng thịt rừng.
Món kho thường là thịt heo, cá lóc kho với nước dừa để gợi phong vị miền Nam.
Ở miền quê, ngày xưa bày đám giỗ linh đình với quá nhiều món khác nhau, lắm khi ăn không hết các món, nhưng căn bản phải có 4 món cổ truyền như trên.
Ngoài ra, còn để dành ở một bàn riêng, không cúng trên bàn thờ vốn đã chật chội, chờ khi đãi khách sẽ dọn ra như thịt bò xào, bánh mì càri, chả giò…Thời xưa, ông bà ta không có tục ăn tráng miệng như người Tây phương, vã lại trái cây đã được chưng sẵn từ trước trên bàn thờ rồi.
Rượu phải là rượu đế, vì tổ tiên không biết rượu Tây, rượu Tàu.
Lắm khi ở quê, ở gia đình nhà vườn, có bày tiệc nhậu lai rai ở trước sân, bờ vườn, nhằm cầm giữ những người khách đến sớm, thường là nhậu với vài miếng thịt gà, đồ lòng, nhưng không có những món hoang dã như rùa rắn. Vài món đặc sản như chả cua, gà quay, càri, heo quay bánh hỏi có thể dọn cúng, ở gia đình nửa quê nửa chợ.
Gần như tuyệt đối không cúng những đồ chế biến sẵn đựng trong hộp. Lắm gia đình vì hoàn cảnh phải đặt buổi tiệc giỗ ở nhà hàng, nhưng khi đến giờ lễ, họ cũng mang đến một số món tự pha chế như khổ qua hầm thịt, thịt kho để cúng trên bàn thờ còn những món đặt ở nhà hàng thì để đãi bạn bè, thân quyến.
Theo sự quan sát của chúng tôi, gần như vắng mặt món mắm. Ở phía Nam, phải chăng đó là dấu ấn của người Chàm, người Khmer. Người Việt chỉ  muốn giữ những gì thuần túy của ông bà từ nhiều thế hệ trước. Điều đó để chứng minh gia đình người Việt đã ổn định, có nề nếp chớ không còn ở trong thời kỳ du canh, du cư lúc mới khẩn hoang.
2 - Món ăn cơm
Cơm ngày hai bữa, theo lệ Việt Nam. Ăn mặn, uống đậm, tùy hoàn cảnh địa phương và mức sống gia đình.
Điển hình nhứt là canh chua, cá kho, hai món nầy vẫn trường tồn trong thức ăn cơm. Canh chua nấu với trái me chín, đặc sản vùng nhiệt đới. Theo khẩu vị của người lớn tuổi, việc quan trọng nhứt là người đứng bếp cần điều tiết cho hài hòa, húp một chút nước canh đang sôi, nhủ thầm 4 tiếng : chua, cay,mặn, ngọt. Không để cho vị chua lấn vị cay, không quá mặn nhưng cái hậu thì ngọt. Tùy địa phương, lựa loại cá nào rẻ nhứt mà  mua, như cá tra sông rạch thiên nhiên, hoặc cá lóc ở đồng ruộng có chút ít phèn, ngon đặc biệt là cá ở rừng tràm. Cá lóc to con quá thịt có thớ không ngon, ngược lại cá còn non thịt ăn nhão. Cá tra, cá bông lau lựa con không quá lớn. Cá ba sa có 3 lớp mỡ sa ở bụng, mỡ nhiều nhưng không ngán như mỡ heo. Những món độn thường là cọng bạc hà, giá, đậu bắp, nhưng không nên độn quá nhiều, sau nầy thêm cà tomate, tùy khẩu vị. Canh chua phải đậm đà để giải nhiệt, nhứt là vào mùa nắng. Buổi trưa, vì uống nước quá nhiều nên khó « nuốt cơm ». Húp canh chua vào thấy trơn cổ, thèm ăn. Nhiều người chê cá lóc vị lạt, cũng như cá tra, cá bông lau cũng lạt, vì vậy có người nấu súp xương heo pha vào nước canh chua, pha lén, người ăn thấy ngon hơn. Nếu có ớt xắt từng lát khá dầy, loại ớt to. Nhiều người lại thích ăn canh chua chấm với nước mắm nguyên chất hoặc cầu kỳ hơn, chấm với muối ớt.
Cá kho, nay gọi là cá kho tộ, ban đầu là kho trong cái mẻ kho, nôm na là cái tô bể ngoài vành, dùng kho cá kiểu tạm bợ, lắm khi để trên than lửa của cái cà-ràn. Ăn còn dư cứ để dành, hôm sau ăn trở lại. Cá kho trong tộ thường là cá vụn của nhà nghèo, kho tới kho lui nhiều lần  thì nước mắm cá biển sẽ quyện với cá kho, toát lên hương vị đặc biệt. Vì tô bể, phải để nghiêng nghiêng trên than lửa không nhiều nước. « Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho », phải chăng là cái tô bể để kho cá vụn, hôm trước ăn còn dư để dành,nếu không còn cá thì còn nước sền sệt, dùng đũa mà quệt cũng qua bữa cơm nghèo. Muốn được ngon, nên bỏ nhiều tiêu sọ. Nước mắm ngon, đem kho cho đặc sệt, quyện với cá thì ngon gấp bội, phải là cá đồng để hài hòa, với nước mắm cá biển đậm đặc. Lý tưởng nhứt là lựa cá rô ngon, còn tươi, nếu không thì cá trê, cá lóc. Ăn cá kho, lắm người đòi thêm dưa cải.
Vẫn là món ăn cơm thường lệ trong gia đình, còn có mắm chưng, tép kho, hoặc món bí rợ(bí đỏ) hầm  với nước cốt dừa. Có thể dùng món cá trê nướng chấm với nước mắm gừng, thêm canh bí dđo nấu thịt heo,canh bầu nấu với cá trê, cá bóng kèo kho(miền nước lợ). Cá tôm đa dạng, vừa cá biển, vừa cá đồng giúp cho bữa ăn của giới bình dân tạm gọi là « qua buổi », thí dụ như cá chốt, cá linh kho tiêu làm thức ăn chính yếu. Lại có món cá khô, ví dụ như khô cá lóc, khô cá tra, cá đuối ăn thêm chút ít cho vui miệng.
Cá biển có thực đơn riêng, tùy vùng, thêm tôm cua ngày nay giá quá cao. Nói chung, cá biển rất ngon, nhưng đòi hỏi cách pha chế thích hợp, trừ trường hợp cá thu kho, thì cá biển chỉ ăn ngon ở lửa đầu, nếu để dành hâm lại thì mất hương vị. Bởi vậy, ta thấy nhiều miền biển vẫn thèm thịt heo, cá đồng, cá vùng nước ngọt.
3 - Món nhậu
Nhậu là tiếng thanh không gợi ý thô tục. Theo tự vị của Huỳnh Tịnh Của năm 1896, nhậu ghi là  uống! Ăn nhậu tức là ăn uống, nhậu rượu là uống rượu, nhậu nước là uống nước.Uống rượu chẳng có gì là xấu, chỉ xấu khi  đến mức thái quá, lãng phí tiền bạc và sức khỏe. Ngày nay, quán nhậu mọc lên khá nhiều, nơi sang trọng, nơi giá cao thì xưng là «cửa hàng đặc sản» để gợi vẻ văn minh đạo lý. Ở thôn quê, tiệc nhậu là chuyện bình thường giữa bạn thân với nhau, sau mùa gặt hái thành công, chăn nuôi có lợi. Nhậu ngoài sân, ngoài vườn, lấy khung cảnh thiên nhiên làm bối cảnh, đồng thời cũng tránh sự tò mò cỨa trẻ con, sợ gây tác hại. Nhậu phải có rượu nhậu như ở Nam Bộ, rượu không quan trọng bằng « mồi nhậu ». Mồi nhậu đơn giản như một con vịt luộc, hay con cá lóc, chủ nhà thường tự trọng, không muốn làm phiền vợ con trong nhà. Món ăn phải gọn, một món là đủ để thưởng thức hương vị của món ấy mà thôi.Thí dụ như thịt chuột không thể nhậu xen với thịt rắn, cua. Nhậu đòi hỏi hài hòa hữu cơ giữa rượu, món ăn, cọng rau, nước chấm, dĩ nhiên phải có bạn tri âm, tri kỷ. Người nầy thích ba khía, trái me, người kia thích con cua lột đầu mùa, có kẻ thèm món cua đồng xào với cọng lá mái đàn, lại ưa mắm sống với xoài chua đầu mùa.
Món ngon đệ nhứt, đến bậc vua chúa còn thèm là « con đuôn chà là », chữ gọi hồ đa tử. Hồ đa là cây dừa rừng, tức cây chà là hoang dại ở miền nước mặn, giống như cây cau trồng làm kiểng, trái nhỏ tạm hái để ăn trầu, nhưng bên trong củ hũ (đọt non) đến mùa sau Tết thường có con đuôn. Con đuôn nầy nhỏ hơn con đuôn ăn đọt dừa, trứng đẻ ở bẹ lá non,lớn lên nở ra con đuôn (như con nhộng) dừa rừng. Phải bắt con đuôn nầy trước khi nó nở ra con bướm. Đuôn to và mập, mỗi đọt cây chà là chỉ có một con đuôn mà thôi. Đem nướng đuôn trên vỉ sắt, cho héo rồi ăn,chắm nước mắm nhĩ nguyên chất. Con đuôn non béo ngậy vì tăng trưởng, ăn ròng củ hũ cây chà là. Nay thấy ở quán nhậu bày bán với giá 8000 đồng một con. Các món nhậu vừa sang trọng, vừa dân dả không kể hết được, lắm khi quái đản, ít phổ biến.
Vũ Bằng ghi lại các món lạ, thí dụ như đem miếng thịt bò tươi treo ở vườn quít, cho kiến vàng bu lại « đái » vào, nước đái con kiến vàng khá chua, vì vậy mà tác động nhanh khiến thịt bò sống trở nên tái.
Cháo cóc khá nguy hiểm, ăn có thể ngộ độc nếu gặp loại cóc gọi là con kiết. Cháo dơi, thêm máu của con dơi quạ ở các cù lao sông Cả hoặc ở ven rừng được khen là ngon và bổ vì đỏ tươi màu hồng huyết cầu.
Ngày nay, món nhậu bớt cầu kỳ hơn, có thể là con chuột mập béo đầu mùa, sống ngoài đồng lúa chín, chuột khá sạch sẽ, trời sa mưa, chuột ăn toàn cỏ non, không như chuột cống rảnh ở thành phố. Chuột rôti ăn với xoài chua đầu mùa bằm nhỏ, vị chua sẽ làm tan mùi hôi chuột.
Lại còn món tép sống lột vỏ, chấm vào nước dừa tươi, nước dừa làm đổi màu con tép sống, trông đỏ hồng như vừa luộc. Nhiều người thích nhậu với món tép thịt heo luộc xắt mỏng (kiểu Gò Công). Còn món lẫu mắm, mắm kho lấy nước cốt, mắm sôi lên, bốc mùi thơm, lại thêm thịt xắt mỏng, cá ba sa nấu chung trong cái lẩu, múc ra ăn tùy thích. Mục đích người ăn lẩu mắm là tận hưởng các loại « rau rừng » với mùi vị chát, đắng, lại còn món ăn cho mát lưởi như bông súng, lá tai tượng, Có người đếm thử, thấy lẩu mắm ăn với trên 20 loại rau rừng, nào đọt xoài, đọt chùm ruột, đọt chiếc hoặc bưởi chua. Ăn nhiều loại rau hoang là dấu ấn thời khẩn hoang xa xưa, thấy chát đắng hoặcchua là bảo đảm không chết, thí dụ như đọt cơm nguội, cọng rau dừa chỉ. Lẩu mắm là món ăn tập thể, năm sáu người bạn quây quần chung quanh cái lẩu (lô,tiếng Quảng Đông là cái lò lửa), thêm bún, cơm là no, dĩ nhiên có rượu. Nay bày thêm lẩu cá bóng kèo, cá trê trắng, trong tương lai, còn nhiều thứ lẩu khác hoang dã. Con lươn làm lẩu canh chuan ay vẫn chưa lỗi thời, ếch thì chiên bơ, rắn thì ngày càng đắt tiền, uống máu rắn pha rượu Tây, ăn món rắn xào, rắn nấu cháo đậu xanh.
Các món ăn còn thay đổi gẫm lại tự thân nó, món nào cũng ngon nếu thỉnh thoảng ta muốn ăn trở lại một lần. Lâm Ngữ Đường bảo: Tình yêu đất nước là sự thương nhớ thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình còn nhỏ tuổi. Phải có không khí bờ sông, bờ rạch, quán lợp lá, cần nhất là bạn tri âm. Ăn để thư giãn thời buổi nhiều lo âu, buồn vui  lẫn lộn.
NguồnNam Bộ, Xưa và Nay, 4/97