Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Đình làng Nam Bộ

Đình làng Nam BộBùi Thụy Đào Nguyên
Đình làng hay đình thần, là nơi thờ thần Thành hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn làng. Nhìn chung ở Nam Bộ (Việt Nam), sau khi mỗi làng xã được hình thành và tương đối ổn định, thì tùy theo cuộc đất, tiền bạc & công sức đóng góp của cư dân, mà tiến hành xây dựng một ngôi đình. Từ đó, ngôi đình tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy.Kiểu thức
Không như ngôi đình làng ngoài Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5-7 gian; ngôi đình Nam Bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi [1]; và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.
Ngày nay, đình thần Nam Bộ có lối kiến trúc khá đa dạng, bởi sau khi bị hư hại bởi thời gian & chiến tranh; kiểu thức truyền thống chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy đã ít nhiều thay đổi, nhưng một ngôi đình ở Nam Bộ, lần lượt từ ngoài vào trong đại để như sau:
- Cổng đình có kiểu dáng không chừng. Cổng đẹp thì có trụ cột, trên có mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men.Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng (hoàng hổ) đứng bên gộp đá lởm chởm, có một cây cổ thụ gie cành lá; hoặc cảnh long mã chở cái phù đồ, hoặc cảnh long hổ hội (cọp dưới đất ngước lên nhìn rồng đang bay ẩn trong mây nhìn xuống); cốt để biểu thị âm dương hòa hợp.
Sân đình thường có đàn thờ Thần Nông (tức Tắc thần), có nơi lập đàn tế chung với thần Thần Đất (tức Xã thần) gọi là đàn Xã Tắc [2]. Hai bên đàn thường là các miễu thờ cọp (Chúa xứ Sơn quân), miễu thờ Hội đồng hoặc miễu thờ nữ thần (có thể là một trong các nữ thần sau: Năm Bà ngũ Hành, Chúa Xứ Nguyên Nhung, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...).
- Ngôi đình chính thường là ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ (tức nhà vuông có 4 cột cái, một gian, hai chái), cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu "trùng thềm điệp ốc". Mái đình thường lợp ngói âm dương hoặc ngói ống kiểu Trung Quốc, ngói kiểu vảy cá (kiểu Pháp, có sau năm 1920); trên nóc thường gắn những hình sành tráng men màu như Lưỡng long tranh châuchim phượng ngậm cuốn thưlân mẹ dạy lân con, cá hóa long, bát tiên, ông mặt trời, bà mặt trăng, con nạ (một loài thủy quái theo truyền thuyết); nhằm tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng.
Bên trong mỗi đình có cách phân chia hơi khác nhau, nhưng thường là có ba gian chính:
-Vỏ ca (gian trước), dành làm nơi xây chầu & hát Bội vào mỗi dịp lễ Kỳ yên.-Vỏ qui còn gọi vỏ cua hay nhà chầu (gian giữa), có nơi như Đình Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh), đặt bàn thờ Hội đồng ngoại [3]; có nơi như Đình Mỹ Phước (Long Xuyên, An Giang) đặt bàn thờ 18 đời vua Hùng, bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; và cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát Bội) hoặc hội họp.
-Chính điện hay Chính tẩm (gian cuối), là gian được coi là mỹ thuật nhất ở đình, gồm hoành phi, câu đối, khám thờ, các bao lam và các mảng phù điêu...Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng đẹp đẽ, tinh tế. Ở gian này, đối tượng thờ chính là Thành Hoàng làng; ngoài ra có nơi như Đình Mỹ Phước có thờ thêm Hội đồng nội.
Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính), có thờ thêm Tả ban, Hữu Ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền...Và tùy theo diện tích đình, mà có thể có thêm:-Nhà hậu hay nhà hội, để hương chức, ban tế tự hội họp; để dân làng qui tụ chuẩn bị lễ cúng tế.
-Nhà trù (nhà bếp) và nhà ở của ông Từ giữ đình v.v...
Bày trí
Tuy mỗi nơi có đôi chút dị biệt, nhưng việc bày trí thờ thần ở đình phải tuân thủ mấy nguyên tắc sau. Theo học giả Nguyễn Văn Tố thì:
- Câu đối ở đình chỉ trạm triện rồng hoặc tứ linh (long, lân, qui, phụng).- Bát bửu là 8 món quí báu gồm: bút, sách,  quạt, gươm, lẵng hoa, đàn và sáo, bầu rượu, túi thơ. Có nơi là: pho sách, ngọc như ý, cuốn thư, lẵng hoa, bầu rượu, đàn tỳ bà, quạt, phất trần.
- Cửa võng (bao lam) thường chạm lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng), hoặc là: lục long ngự thiên (sáu con rồng bay về trời),ngũ phụng hàm thư (năm con phụng ngậm tờ thư).
Bàn thờ thần Thành hoàng có ngai chạm hai con rồng, với cái long vị hình chử nhật (thần vị) mô phõng dáng người ngồi, ghi tên hiệu của thần...Trước long vị, đặt cái gương nhỏ, tượng trưng cho cái hốt mà vị quan cầm che trước mặt mỗi khi vào chầu vua. Ngoài ra, ở đây còn có tráp đựng sắc phong[4], tam sự hoặc ngũ sự (Tam sự là cái lư để đốt trầm và hai cái chân đèn. Ngũ sự thì có thêm hai ống cắm nhang), bình, khay, kỷ tam sơn là ba khối vuông (khối giữa nhô lên) dùng để lư hương, trầu, rượu, gợi bóng dáng ba ngọn núi.
Ở đây còn có vài tàn lọng, cờ vía, đồ lỗ bộ, mũ cùng quần áo thờ. Hai bên hương án thường là đôi hạc đứng trên lưng rùa. Nếu thần là quan võ, có nơi còn có chưng cái giá, trên để ba thanh gươm cán dài, gọi là gươm vía hoặc gươm cẩn và ngựa...Chiêng trống là dụng cụ cần thiết khi tế lễ. Cái mõ là một khúc cây dài khoét bọng, dấu ấn của thời xưa, dùng để đánh lên báo động khi trong làng xảy ra hỏa hoạn, hoặc có giặc cướp...Tế lễ
Tùy theo tập quán của từng địa phương, không nơi nào giống hệt nơi nào, nhưng nhìn chung ở đình làng Nam Bộ thường diễn ra các cuộc lễ như sau:
- Lễ Niêm ấn & lễ Khai sơn [5]:Xưa, vào ngày 25 tháng Chạp, hương chức làm lễ rửa con dấu, bỏ vào hộp niêm kín. Kể từ ngày này, công việc hành chính trong làng đều đình chỉ cho đến mồng 7 tháng Giêng. Lễ Khai sơn (hay Khai hạ, Khai ấn), được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Xưa ngày này có lễ Hạ nêu và lễ Khai ấn. Hương chức làm lễ làm lễ Khai sơn xong, thì lấy cuốc bổ vài nhát tượng trưng gọi là động thổ, cho dân theo đó mà khởi sự cày cấy, trồng trọt; và các công việc hành chính trong làng trở lại bình thường.
- Lễ Bầu ông: Thuở Nam Bộ còn hoang vu, nhiều người sợ cọp nên mỗi làng chỉ cử đến Hương chủ, vì chức Hương cả phải nhường cho cọp (tục lệ này có ghi trong Minh điều hương ước ban hành năm 1852). Và bởi cọp là hương chức đứng đầu, nên hàng năm, tùy theo đình chọn ra một ngày [6]để làm lễ "Bầu ông": cúng một con heo trắng, kèm theo một tờ cử hương chức. Gần đây, tục cúng Cả cọp vẫn còn nhưng chỉ nhằm cầu an cho bá tánh.
- Lễ Tam Nguyên (hay Tam Ngươn): là lễ cúng vào ba ngày rằm lớn: tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười.
- Lễ Hạ điền và Thượng điền: Đây là hai lễ lớn trong năm (Xuân Thu nhị kỳ). Hai lễ này chính là sự biến đổi từ tập tế xuân (Xuân tế) và tế thu (Thu tế). Ở Nam Bộ, lễ Hạ điền, được cử hành vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như khai trương việc cày cấy, trồng trọt. Lễ Thượng điền, được cử hành vào cuối mùa mưa, lúc mùa màng đã có kết quả. Hai lễ này mang tính chất lễ nghi nông nghiệp rõ rệt. Bên cạnh việc cầu Quốc thái dân an, Thiên hạ thái bình; là lễ cúng Thần Nông, Hậu Tắc, Vũ Sư, Phong Bá, Điển Di...Thông thường, lễ Hạ điền long trọng hơn lễ Thượng điền.
Ngoài ra ở đình Nam Bộ còn có các lễ nhỏ khác, như: Giỗ hậu và Giỗ các anh hùng lịch sửlễ vía Bà (các nữ thần được phối tự); và các lễ khác gọi chung làTứ thời tiết lạp, gồm: Nguyên Đán, Hàn Thực (3 tháng Ba âm lịch), Thanh Minh (trong khoảng tháng Ba âm lịch), Trung Thu (rằm tháng Tám âm lịch), Trùng Cửu (mồng 9 tháng Chín âm lịch), Trùng Thập (mồng 10 tháng Mười âm lịch), Trừ Tịch (30 tháng Chạp âm lịch)...
- Lễ Kỳ yênĐây là lễ chính trong năm. Lệ phổ biến là 3 năm cúng lớn một lần, gọi là Đại lễ Kỳ yên (Tam niên đáo lệ Kỳ yên). Sách Gia Định thành thông chíchép:
Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Ngày giờ cúng tế tùy theo tục từng làng không đều nhau, hoặc lấy tháng giêng cầu phúc gọi là Tế xuân; hoặc lấy tháng 8, 9 báo ơn thần là Tế thu, hoặc lấy trong 3 tháng mùa đông là tế tròn năm thành công. Tế chưng, tế lạp chạp là đáp tạ ơn thần. Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ yên. Ngoài tế phẩm ra có mổ trâu, bò, và ca hát hay không ấy là tùy lệ từng làng, việc ngồi có thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có học thức thì làm theo lễ Hương ẩm tửu, cùng giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có tục tốt. Cũng trong ngày ấy xét sổ sách làng coi trong một năm ấy thâu nạp thuế khóa, tiêu dịch, lúa tiền thiếu thế nào, ruộng nương được mất thế nào trình bày tính toán công khai; rồi cử người chức sự làm việc làng và cũng bàn giao chức vụ trong ngày ấy.
Ban quí tếTên cũ là Ban Hương chức hội tề, hay Ban tế tự, gồm nhiều người có đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho đình, cho làng. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì đại khái chia ra làm ba loại hương chức:
- Hương chức loại 1: tức hương chức Hội chánh, gồm có: Kế hiền (Hội trưởng); Chánh bái (hay Chánh niệm hương), Phó bái, Bồi bái, Tiên bái (bốn chức chung lo việc ngoại vụ); Chánh tế, Phó tế, Bồi tế (ba chức chung lo việc nội vụ).- Hương chức loại 2: tức hương chức Hội tề, gồm có: Giáo sư (cố vấn mọi mặt), Hương quan (cố vấn nghi lễ, tục lệ), Hương lễ (chỉ huy ban lễ sinh), Hương nhạc (chỉ huy ban nhạc lễ), Hương văn ( soạn thảo văn tế), Hương ẩm (tổ chức tiệc tùng), Thủ bổn (lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật), Thủ từ (giữ đình, lo việc đèn nhang mỗi ngày).
- Hương chức loại 3: tức hương chức Hội hương hay Ngoại hội tề, gồm những người phụ giúp việc đình miếu.
Một điều khác lạ là ở Nam Bộ, dù là người đỗ đạt cao hay làm quan to thì cũng chỉ là khách quí khi về dự cúng đình chứ không được đứng làm chủ tế.Một điều khác nữa là ở Nam Bộ không hề phân biệt dân cố cựu, dân ngụ cư. Dân mới cư ngụ đôi ba năm, vẫn có thể được cử làm hương chức. Và ở đây cũng không hề có trường hợp bắt họ phải làm "thằng mõ".
Có thể nói Ban quí tế đình miếu ở Nam Bộ là một tổ chức bảo vệ văn hóa truyền thống ở nông thôn. Tuy có nơi, họ bị mang tiếng là bọn xôi thịt; nhưng đa phần đều là những người đáng kính, bởi họ thường gia nhập một cách tự nguyện, tự giác; bổn phận nhiều hơn quyền lợi. [7]
Ý nghĩa
Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Ngoài ra, ngôi đình còn là nơi thờ các vị phúc thần, thần linh, danh nhân lịch sử, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công thành lập và xây dựng làng xã); là nơi dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn, là nơi tụ họp dân làng, yến ẩm, vui chơi... Trong một giai đoạn ngắn của lịch sử hành chánh, ngôi đình còn là trụ sở hành chánh của làng xã.
Trích thêm nhận định của các nhà nghiên cứu.
Sơn Nam:
Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ; bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng "lưu dân tập thể", mặc dù làng lắm gạo nhiều tiền...[8]
Sách Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch:
Ngôi đình ở Nam Bộ gần như thống nhất từ đầu với lịch sử ngôi làng ngay từ lúc mới thành lập. Công trình này là nhân chứng và là một lực lượng (ít nhất là về tinh thần) vào sự hình thành, phát triển của vùng đất mới này. Ngoài ra, đình còn biểu hiện sinh hoạt luân lý, đoàn kết, hội hè của những kẻ tha phương...[9]
Nguyễn Đăng Duy:
Đình Nam Bộ không có ruộng công. Kinh phí cho hoạt động thờ thần, hội làng đều do các các nhà hảo tâm, do dân làng tự nguyện đóng góp.Đặc biệt, ở đây việc ăn uống, chỗ ngồi không bị phân ra ngôi thứ quá khắt khe như ở các đình đền ngoài Bắc. Cái khác nữa, là các đình ở ngoài Bắc, thường chỉ thờ một nhân thần hoặc một nhiên thần; còn ở Nam Bộ, đình là trụ sở của một tập hợp thần linh đa tạp. Tất cả được hỗn dung tổ hợp từ nhiều nguồn, nhiều phía. Có thể tạm phân ra như sau:
- Từ ý thức biết ơn, biểu dương các người có công giữ nước, dựng làng.
- Từ ý thức hiếu nghĩa đối với tổ tiên.
- Từ ý thức nhớ về cội nguồn vẻ vang.
- Từ ý niệm thiêng liêng phong sắc cho thần.
- Từ ý niệm thờ thần gắn với không gian nghề nghiệp.[10]
Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.
Chú thích[ 1 ] - Đọi: từ cổ, tương đương chữ chén bát ngày nay.
[ 2 ] - Xã thần (Thần Đất,) và Tắc thần (tức Thần Nông,  稷 ) là hai vị thần của nền văn minh lúa nước.
[ 3 ] - Hội đồng nội và ngoại, theo Sơn Nam gồm các vị thần sau: Mục đồng, Hậu thổ, Bà chúa Ngọc, chúa Ngung, Chúa Xứ, Ngũ hành nương nương, Táo quân, Cọp, Cá Voi v.v...(Đình miếu & lễ hội dân gian, tr. 28).
[ 4 ] - Nhiều đình không để sắc phong ở tráp, mà để ở nhà một hương chức có uy tín để tiện bảo quản. Khi có lễ, mới cử đoàn đi rước sắc về đình.
[ 5 ] - Có thể tục có nguồn gốc từ các thôn làng ở gần núi nên có tên là lễ Khai sơn.
[ 6 ] - Đình làng Trà Tân ở Cai Lậy, làm lễ "Bầu ông" ngày 17 tháng Ba (âm lịch), Đình làng Tân Tĩnh ở Mỹ Tho làm lễ ngày 16 tháng Giêng (âm lịch).
[ 7 ] - Lược theo Trương Ngọc Tường, Đình miếu ở đồng bằng sông Cửu Long, in kèm trong Đình miếu & lễ hội dân gian, tr. 80-83. ở sách Kiến thức phục vụ thuyết minhdu lịch, tên chức danh trong Ban quý tế có hơi khác.
[ 8 ] -Đình miếu & lễ hội dân gian, tr. 21
[ 9 ] -Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch, tr. 351.
[ 10 ] - Lược theo Văn hóa tâm linh Nam Bộ, tr. 103-117.
Tài liệu tham khảo
- Sơn Nam, Đình miếu & lễ hội dân gian, Nxb TP. HCM, 1992.
- Sơn Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam , Nxb Trẻ, 2005.
- Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch (giáo trình cho ngành du lịch, sách do nhiều người soạn), Nxb TP. HCM, 1995.
- Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa tâm linh Nam Bộ, Nxb Hà Nội, 1997.
- Sổ tay hành hương đất phương Nam, Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, Nxb TP. HCM, 2002

Về tước vị "Bình Tây Đại tướng quân" của Trương Định


Nguyễn Phúc Nghiệp

Tháng 6/1862, sau khi ký hòa ước nhường đứt cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, triều đình Huế ra lệnh cho Trương Định phải giải tán nghĩa quân ở Gò Công và đi An Giang nhận chức Lãnh binh.
Thế nhưng, nhân dân Gò Công đã tỏ lòng thiết tha mong muốn Trương Định ở lại và cùng với nhân dân chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trước tấm lòng yêu mến của nhân dân, Trương Định đã không tuân theo lệnh bãi binh của triều đình và tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến ở Gò Công:
"... Dẫu biết dụng binh nhờ đất hiểm,
Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công."
(Thơ điếu Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)
Và:
"... Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu đón ngăn mấy dặm mã tiền,
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.
Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo,
Tóm muôn dân gầy sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy.
Văn thời Tham biện, Thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công,
Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khi giới."
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)
Tại đây, Trương Định được nhân dân và nghĩa sĩ đồng lòng tôn làm chủ soái. Viết về sự kiện này, truyện Lãnh binh Trương Định của Nguyễn Thông cho biết: "Các nghĩa hào không muốn giải binh, giữ Trương Định lại không cho đi, bàn với nhau rằng: "Quân Tây nhiều lần bị dân mình đánh, nên lấy binh lực bắt triều đình phải nghị hòa, không phải là thật lòng đâu. Nay đã định hòa ước, bọn mình không nơi nương tựa, chỉ bằng ra sức chống đánh, giữ một mảnh đất mà đùm bọc lẫn nhau". Mọi người đều cho rằng phải, nhân yêu cầu Trương Định giữ binh quyền. Trương Định còn do dự, chưa quyết thì vừa gặp lức lúc Phạm Tuấn Phát ở Tân Long gửi thư cho các nghĩa hào tới, muốn tôn làm chủ soái". Bài văn bia được khắc trên bia mộ của Trương Định năm 1875 cũng có nhắc đến việc đó"... Năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, do việc hòa nghị, ông được điều bổ về An Giang. Lúc đầu, ông không có ý cưỡng lệnh triều đình, nhưng lại cũng không muốn phụ lòng phẫn khích của mọi người. Họ ngăn ông giữa đường, không muốn cho ông đi nhận chức và đồng lòng suy tôn ông làm đại tướng quân".
Ngay sau đó, Trương Định tự xưng là Bình Tây Đại tướng quân để phất cao cờ nghĩa, hiệu triệu và chiêu tập anh hùng hào kiệt khắp nơi, tạo dựng lực lượng nhằm cứu nước, cứu dân:
"... Cờ đề chữ Bình Tây đại tướng
Trước trí quân ư Nghiêu, Thuấn thượng
Sau vi xã tắc thần
Phải cạn lời rao khắp muôn dân
Sửa tấc dạ dắt dìu về một mối
Bớ trẻ, già, bé, lớn ai ai
Đều bội ám đầu minh cho kíp"
(Hịch Quản Định)
Đến tháng 7/1862, tức là chỉ sau một tháng hòa ước giữa triều đình Huế và thực dân Pháp được ký kết và sau khi Trương Định tự xưng Bình Tây đại tướng quân, vua Tự Đức đã sai quan thị vệ Nguyễn Thi mang "thánh chỉ" vào Gò Công, phong Trương Định chức Bình Tây Đại tướng quân, có lẽ là để "hợp thức hóa" việc nhân dân và nghĩa sĩ suy tôn Trương Định làm chủ soái và việc ông tự xưng Bình Tây đại tướng quân. Về việc này, Gustave Janneau đã đề cập trong báo cáo:
"... Tháng 7/1862, (Võ Duy) Dương phát lời kêu gọi nhân dân Định Tường nổi lên chiến đấu. Trong lúc ấy, ông Phó Lãnh binh Trương Định viết thư cho ông Dương để trình bày là ông Dương sẽ gặp nguy hiểm khi hoạt động riêng lẻ và mời ông Dương đến Gò Công để thống nhất lực lượng hai bên. Ông Trương Định còn nêu địa điểm hội kiến tại huyện Tân Hòa.
Để thỏa thuận giao ước này, ông Dương đã phái Giáo thọ Nguyễn Hữu Huân đến Tân Hòa gặp quan thị vệ Nguyễn Thi. Ông này mang về cho Quản Định một Thánh chỉ phong cho ông (Trương Định) chức Bình Tây đại tướng quân, thống lĩnh chỉ huy các toán quân trong ba tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường). Giáo thọ Huân sau đó quay trở về ngay. Ông Dương và ông Huân đều nhận chức Chánh Đề đốc và Phó Đề đốc. Cả hai ông cũng được nhận luôn cả ấn triện".
Như vậy, việc Trương Định được suy tôn làm chủ soái, rồi tự xưng Bình tây đại tướng quân và sau đó được triều đình nhà Nguyễn công nhận bằng một đạo thánh chỉ (kể cả được ban cấp ấn triện như trường hợp của Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân) là phù hợp với logic của sự việc và đó là một thực tế. Chính vì thế, trong bài Hịch kêu gọi sĩ dân đánh Tây, Trương Định đã nói lên điều đó:
"... Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh
Cờ đề chữ Bình Tây đại tướng"
Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn tế và một trong 12 bài thơ liên hoàn khóc Trương Định, sau khi ông hy sinh (20/8/1864), cũng có nhắc đến việc ấy:
"...Theo bụng dân, phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại...". (Tướng quân phù là cái ấn của vị tướng)
(Văn tế Trương Định Nguyễn Đình Chiểu)
"... Ngọn cờ phấn nghĩa trời chưa bẻ
Cái ấn Bình Tây đất vội chôn"
(Thơ điếu Trương Định Nguyễn Đình Chiểu)
Đặc biệt, trong những bài hịch, những văn thư của Trương Định và trong của những biên nhận quyên góp lương, tiền của nhân dân đều ghi rõ tước vị Bình Tây Đại tướng quân và có đóng ấn hẳn hoi.
Lý giải về việc vua Tự Đức vừa ra lệnh cho Trương Định bãi binh, vừa ban Thánh chỉ, công nhận ông làm Bình Tây Đại tướng quân, theo nhiều nhà nghiên cứu đó là do chính sách hai mặt của triều đình Huế đối với các phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ hồi nửa sau thế kỷ XIX. Các tác giả của quyển Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười, viết:"... về việc Tự Đức ngấm ngầm khuyến khích trợ giúp lực lượng kháng chiến trong vùng Pháp chiếm đóng là một công tác vô cùng phức tạp, diễn ra trong âm thầm bí mật, mặt khác bề ngoài triều đình phải chứng tỏ rằng đang thực hiện hòa ước 1862 để đánh tan sự ngờ vực đương nhiên phải có về phía thực dân Pháp". Tác giả người Nhật Yoshisharu Tsuboi trong quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa cũng viết ". . .Tự Đức đã dốc toàn lực để tìm cách lấy lại đất đai đã bị chiếm. Vua bí mật khuyến khích các quan trong vùng bị Pháp chiếm nổi dậy và vua tìm cách thương lượng với Pháp để chuộc lại các tỉnh ấy". Nhà nghiên cứu Hải Ngọc trong luận văn Triều đình Tự Đức - khởi nghĩa Trương Định, khẳng định: "...Cuộc khởi nghĩa của Trương Định không bị đơn độc mà còn được triều đình và quan viên trong triều, ngoài nội, nhân dân xa gần hưởng ứng" Giáo sư Huỳnh Lứa với luận văn Mối quan hệ giữa Trương Định và triều đình Tự Đức cũng có ý kiến tương tự: "Thực tế cho thấy Trương Định rõ ràng vẫn còn gắn bó với triều đình" bởi vì "cho đến lúc này, tiếng nói và thái độ của triều đình vẫn còn có trọng lượng và tầm quan trọng lớn lao đối với phong trào kháng chiến".
Có điều đáng lưu ý là, Gò Công là quê ngoại của vua Tự Đức. Việc ngấm ngầm liên hệ với cuộc khởi nghĩa Trương Định của vua Tự Đức còn thể hiện qua cuộc hôn nhân giữa Trương Định và bà Trần Thị Sanh. Bà Sanh là con của ông Trần Văn Đồ và bà Phạm Thị Phụng. Bà Phụng là em út của ông Phạm Đăng Hưng (cha của Thái hậu Từ Dũ). Như vậy, về họ hàng, bà Trần Thị Sanh là em con cậu, con cô với bà Từ Dũ, đồng thời cũng là dì của vua Tự Đức. Bà Sanh cũng là một người rất giàu có. Quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liêng Phong cho biết:
"Gò Công bốn tổng đông giàu,
Mà riêng có một bà Hầu giàu to"
Bà Hầu chính là bà Sanh ở Gò Công (sau này dân gian gọi phần mộ của Bà Sanh là "Mả Bà Hầu"). Cuộc hôn nhân giữa Trương Định và bà Trần Thị Sanh, có lẽ diễn ra sau khi Trương Định tự xưng Bình Tây Đại tướng quân và được vua Tự Đức ban thánh chỉ công nhận hồi tháng 7/1862. Theo tư liệu truyền miệng của dòng họ Trần, do tác giả Nguyễn Tri Nha công bố trong luận văn Về mối quan hệ giữa Trương Định và bà Trần Thị Sanh thì cuộc hôn nhân này do sự sắp xếp của Thái hậu Từ Dũ , nhằm giúp Trương Định có thêm thanh thế và nguồn lực đánh giặc. Tư liệu dân gian ở Gò Công cho biết, bà Sanh đã ủng hộ tiền bạc, lương thực rất nhiều cho nghĩa quân Trương Định. Và đến lúc Trương Định anh dũng đền nợ nước, chính bà đã tổ chức lễ tang hết sức trọng thể và xây cất phần mộ tử tế cho ông. Bia mộ của Trương Định, theo tác giả Trương Ngọc Tường trong luận văn Trương Định và người vợ đất Gò Công, được bà Sanh cho chạm khắc dòng chữ "Đại Nam An Hà Lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân, Trương Công húy Định chi mộ"
Cuộc khởi nghĩa Trương Định, cuối cùng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Trương Định hi sinh anh dũng vừa khi ông tròn 44 tuổi. Song nghĩa khí Bình Tây Đại tướng quân vẫn tỏa sáng ngàn thu.

Bí ẩn ngôi mộ cổ bị xiềng ở Tiền Giang

Bí ẩn ngôi mộ cổ bị xiềng ở Tiền Giang

Tại xã Long Khánh (Cai Lậy, Tiền Giang) có hai ngôi mộ cổ từng bị vua Gia Long cho xiềng xích. Xung quanh mộ có nhiều truyền thuyết bí ẩn.

Hai ngôi mộ cổ của ông Lê Phước Tang và vợ được thiết kế theo hình lá sen úp, nằm trong khu đất 200 m2, cây cối cỏ dại mọc um tùm, từ lâu đã hoang phế. Khu mộ được chôn theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu, có bốn trụ hình búp sen nhưng hiện đã bị gãy mất hai trụ. Ngoài ra, còn có bình phong hậu và bình phong tiền.
Điều đặc biệt là khu mộ được xây dựng bằng chất liệu vôi và ô dước. Được mệnh danh là "hợp chất huyền thoại", ô dước trước khi đắp lên mộ ở thể lỏng sền sệt như nham thạch của núi lửa, hoặc ươn ướt như keo dán. Nhưng khi đắp xong, nó khô đặc lại và các chất tổng hợp được giã nát trong đó tự kết dính, quyện vào nhau thành một khối rắn chắc, bất khả phân ly.
d
Toàn cảnh khu mộ cổ và hai cây thị. Ảnh: An ninh thế giới.
Một số bô lão địa phương kể, ông Lê Phước Tang là trại chủ thời khẩn hoang miền Nam ở giai đoạn nửa thế kỷ 17. Thuở đó, chính sách của chúa Nguyễn là khích lệ người dân từ miền Trung tiến về phía Nam khai khẩn đất rừng hoang lập ấp. Người đứng ra dẫn đoàn khai khẩn được gọi là trại chủ - một danh xưng tương đương với địa chủ thời Đông Dương thuộc địa.
Truyền thuyết dẫn rằng, ông Tang làm trại chủ đưa một nhóm tráng đinh từ miền Trung vào làng Hòa Thuận (nay là ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy) khai khẩn đất hoang, lập nghiệp. Là trại chủ, ông được quyền thu thuế suất của dân trại, trích giữ một phần rồi đóng thuế cho nhà cầm quyền. Ông không hề kiêu ngạo mà thường giúp đỡ những người nghèo khó, cực khổ nên được người dân địa phương hết lòng yêu mến, kính trọng. Để tưởng nhớ công lao khẩn hoang của ông, người dân dùng tên ông đặt cho một con rạch cạnh xã Long Khánh - rạch Ông Tang.
Sau khi ông Tang mất hơn một trăm năm, những chuyện xung quanh cuộc sống gia đình ông bỗng dưng "sống dậy" thành những chuỗi giai thoại huyền bí được nhiều người dân kể cho nhau vào những lúc trà dư, tửu hậu. Trong đó, phổ biến nhất là chuyện hai người con ông Tang mặc áo vua đi thăm đồng ruộng khiến cả gia đình bị tru di tam tộc.
Theo truyền thuyết này, lúc thất thời, chúa Nguyễn Phúc Ánh bị nhà Tây Sơn truy đuổi phải chạy trốn vào làng Hòa Thuận, được ông Tang cưu mang, che giấu nuôi dưỡng một thời gian dài. Trước lúc rời nhà ông Tang đi Xiêm cầu viện, chúa Nguyễn Phúc Ánh tấn phong cho ông Tang giữ chức Khâm sai Cai cơ, đồng thời gửi lại một số hành lý nhờ ông trông giữ. Ông Tang ngày một già, sức khỏe yếu dần mà vẫn chưa thấy Nguyễn Phúc Ánh quay về lấy hành lý. Sợ không qua khỏi nên ông dặn dò con cháu bảo quản kỹ lưỡng hành lý chúa gửi. Sau đó, ông Tang qua đời.
Tuy đã được dặn dò nhưng hai con trai của ông Tang là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa (tục gọi cậu Gương và cậu Sen) vẫn tò mò mở rương hành lý ra xem thử. Họ chỉ thấy triều phục vua chúa chứ không thấy thứ gì quý giá cả. Nghĩ rằng cha quá cường điệu sự quý giá của những bộ đồ diêm dúa, hai cậu con trai vô tư lấy ra khâm liệm cho cha. Số còn lại, hai anh em Gương, Sen lấy ra mặc khi đi thăm đồng. Một số người thấy họ làm vậy là mắc tội khi quân, đã khuyên rằng: "Sau này chúa Nguyễn phục quốc sẽ bị xử trảm".
Vào thời điểm đó, quân Tây Sơn rất mạnh, còn chúa Nguyễn thì bôn ba ở tận nước Xiêm. Nghĩ rằng chúa Nguyễn không còn cơ hội phục quốc, hai anh em Gương, Sen cười cợt với những người khuyên ngăn bằng câu ca dao: "Khi nào chó đẻ bằng da/ Gia Long phục quốc thì ta rụng đầu".
Vài năm sau, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh phục quốc, lên ngôi và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn ông Tang, nhà vua sai người tìm gia đình ông để đền ơn. Thế nhưng nghe chuyện hai anh em Gương, Sen từng miệt thị mình, vua Gia Long nổi giận ban lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ tài sản của dòng họ Lê Phước. Riêng vợ chồng ông Tang đã qua đời, vua cho lính đánh roi khu mộ, sau đó xiềng xích để đời đời không đầu thai. Chưa hết, vua Gia Long còn cho người trồng hai cây thị bên cạnh khu mộ với hàm ý "khinh thị", xem thường dòng họ Lê Phước.
Trước truyền thuyết đó, một số nhà nghiên cứu sử học địa phương khẳng định, chuyện hai con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng chỉ là giai thoại dân gian, chứ không đúng với lịch sử. Căn cứ vào những chữ khắc trên bia mộ còn nhìn thấy, tên hai người con đứng ra lập mộ cha đúng là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ "Lão tiên sinh", ắt hẳn ông Lê Phước Tang mất khi tuổi đã cao. Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không xác định được ông Tang gặp chúa Nguyễn vào khoảng thời gian nào.
Tuy nhiên, căn cứ theo thời gian ông qua đời là tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch. Khoảng thời gian đó, Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa lên ngôi vua. Có nghĩa là Nguyễn Phúc Ánh chưa có triều phục thì chuyện hai anh em Gương, Sen mặc áo vua đi… thăm ruộng và khâm liệm Lê Phước Tang không thể xảy ra.
Theo nhiều tư liệu, thư tịch cổ thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn. Điều này chứng tỏ việc Nguyễn Ánh xin tá túc tại nhà ông Tang khi chạy loạn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng việc gia đình ông Tang bị trị tội thì thiếu cơ sở khoa học.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cho hay, chính tên trộm đã giúp giải mã sự thật của truyền thuyết dân gian. Theo ông Tường, năm 1985, một tên trộm quá tin vào những giai thoại đã bí mật đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên tên trộm phải cất công đào một căn hầm bên cạnh rồi mở ngách từ bên hông huyệt mộ để đột nhập quan tài. Tuy nhiên, tường huyệt mộ quá dày, tên trộm dùng cuốc chim phá không được nên ra chợ Cai Lậy mượn dụng cụ của một người thợ mộc. Người thợ mộc không cho mượn dụng cụ mà đòi "hợp tác chia phần".
Cả hai dùng dụng cụ thợ mộc khoét huyệt mộ, phá quan tài. Khi khoét vào quan tài, 2 kẻ trộm móc ra hộp sọ, xương, ống ngoáy trầu, lược sừng… Gom hết những vật dụng trong quan tài, 2 tên trộm đem về bán mãi không ai mua. Bực tức, gã trộm vừa đi vừa chửi đổng giữa chợ và lọt đến tai các cơ quan chức năng. Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường được phân công kiểm tra ngôi mộ ông Tang. Ông Tường xác nhận, trong ngôi mộ cổ không hề có áo mão vua hay báu vật quý gì cả.
Căn cứ vào nhiều tài liệu nghiên cứu sử học ghi lại, ông Tường nhận định, gia đình Lê Phước bị trị tội là do cậu Gương và cậu Sen cộng tác với nhà Tây Sơn. Vào năm 1785, quân Tây Sơn làm chủ được nhiều làng dọc theo sông Ba Rài sau chiến thắng trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Rất có thể hai con trai của ông Tang đã hỗ trợ, cung cấp lúa gạo cho quân Tây Sơn.
d
Ngôi mộ ông Tang nhìn từ phía trước và phía sau. Ảnh: An ninh thế giới.
Đến năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân Tây Sơn và chiếm đóng lại vùng Ba Rài. Lúc này, Nguyễn Ánh ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản dòng họ Lê Phước vì tội giúp giặc Tây Sơn. Sau đó, chúa Nguyễn cấp cho Tiền quân Tôn Thất Hội trông coi và quản lý hai đồn Mỹ Trang, Thanh Sơn, nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Theo thống kê trong địa bạ Minh Mạng năm 1836, số ruộng đất gia đình Lê Phước tới 125 mẫu đồng quan. Tuy lúc này ông Tang đã qua đời, nhưng vẫn bị kết tội dưỡng bất giáo, vua Gia Long ra lệnh xiềng xích khu mộ để trị tội.
Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội "lạm dụng hoàng phục". Ngôi mộ có bị xiềng nhưng không đến nỗi tạo thành gân lá sen trên bia mộ. Khu mộ của vợ chồng ông Lê Phước Tang đã trải qua hàng trăm năm nhưng hiện trạng vẫn còn khá nguyên vẹn tại một khu đất rộng lớn. Cạnh khu mộ vẫn còn 2 cây thị cổ thụ.
Ông Trương Ngọc Tường khẳng định, những cây thị này được con cháu ông Tang trồng như một hàng rào để bảo vệ khu lăng mộ chứ không phải do vua Gia Long trồng để "miệt thị" như dân gian truyền tụng. Ông phân tích: "Trong Hán tự, chữ thị và chữ khinh thị có nét viết khác nhau, nghĩa cũng khác nhau".
Tuy bị tru di tam tộc nhưng dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Gia tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, sống rải rác ở khắp nơi. Hằng năm, dịp thanh minh, họ vẫn về tảo mộ hai ông bà.
Theo An ninh thế giới

GỐM SÀI GÒN VÀ GỐM CHỢ LỚN

GỐM SÀI GÒN VÀ GỐM CHỢ LỚN 

TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG

Vào thế kỷ trước, mặc dù dân số Việt và Hoa ở vùng Đồng Nai – Gia Định khá đông nhưng giai đoạn khai thác nông nghiệp các ngành nghề chưa có thể phát triển nên đa số gốm gia dụng phải nhập từ Trung Quốc… hoặc gần nhất là ở “xứ Quảng Nam”. Trong khi đó gốm Bắc Hà lại ít có điều kiện nhập vào vì chiến tranh chia cắt.


Mãi đến năm Mậu Thân (1788) chúa Nguyễn Phúc Anh tái chiếm và thiết lập Gia Định kinh (Kinh đô tạm) mới có lệnh mộ thợ chuyên môn thành lập hai đội sản xuất gạch xây thành và sản xuất chum vại công dụng.
Từ đó suy đoán ở Gia Định lúc bấy giờ đã có nghề gốm, nhưng là dòng gốm Quảng Nam. Loại gốm làm bằng đất đỏ nung thật chín thành sành sẫm màu, không tráng men nhưng có thể chứa được các chất lỏng. Ngày nay thỉnh thoảng còn có thể tìm được nồi ơ, chum vại, lư hương, bình lọ, tượng trang trí,… Đó là lý do khiến trong bản đồ Trấn thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm Gia Long thứ 17 (1818) hoặc trong bài cổ Gia Định Phú có địa danh “Rạch Lò Gốm” hoặc câu “Lạ lùng xóm Lò Gốm, chơn lò vò Bàn Cổ xây thành” dòng gốm này có thể gọi là gốm Sài Gòn vì nó được sản xuất tại Sài Gòn (địa danh thời bấy giờ). Trong Etude Sur Les Insdustries de terres Cuites En Cochinchina Excursion et Reconnaissances 1882 Đại  úy Công binh Dèrbes cho biết “Ở Hòa Lục có hơn 30 lò gốm sản xuất gạch ngói, lu hũ và đồ sành”. Con số 30 mà Dèrbes đưa ra chắc chắn có một số lò sản xuất theo kỹ thuật Việt, một số lò sản xuất theo kỹ thuật Hoa. Riêng những lò gốm Việt xung quanh vùng Chợ Lớn (lúc đó đã gọi là Chợ Lớn) cũng khá đông nơi họ thành lập một hội đoàn, nay còn biển hiệu Đào Lư hội quán (Hội quán lò Gốm) giữ tại Đình Phú Hòa (Phú Lâm).
    Bên cạnh dòng gốm Việt còn có dòng gốm Hoa. Dòng gốm Hoa nhập vào xứ Đồng Nai – Gia Định từ lúc nào thì chưa có thể khẳng định được. Thế nhưng có một điều có thể chắc chắn là sau khi thực dân chiếm đóng và đặt chế độ cai trị ở vùng đất này thì có một số thợ gốm ở vùng Hoa Lam đến Chợ Lớn xây lò, dùng một số nguyên liệu địa phương như đất (nay còn địa danh Hồ Đất), củi, men (chỉ một số để sản xuất gốm) phục vụ thị trường địa phương, vì chỉ có cách này, theo sự tính toán của người Hoa thì dễ làm giàu vì hàng hóa dồi dào và giá thành hạ.
    Tương tự như vùng Hoa Lam, gốm Trung Quốc sản xuất tại Chợ Lớn có 3 trường phái:
    a/ Trường phái gốm chế tác theo kỹ thuật Phúc Kiến: Gốm Phúc Kiến thường có kích thước to, chế tác bằng khuôn hoặc bằng bàn xoay, tráng men một màu: vàng da bò, nâu hoặc đen. Gốm Phúc Kiến thường là: lu, hũ, kiệu, chóe, khạp, ảng, vịm, tỉn, bình xách nước, đèn. Gốm Phúc Kiến sản xuất tại Chợ Lớn dày chắc, giá thành không cao, lại ở vùng khan hiếm nguyên liệu nên không thể phát triển mạnh.
    b/ Trường phái gốm chế tác theo kỹ thuật Triều Châu: Gốm Triều Châu sản xuất tại Chợ Lớn là những loại gia dụng kích thước nhỏ, tráng men trắng lâu ngày trở màu ngà (do tràng thạch của ta không tốt) nhưng hoa văn vẽ men lam hoặc men ngũ sắc, đề tài hoa điểu, cây tùng và chim hạc, bụi chuối và bầy gà, khóm rong và con cá, nét bút thần hình. Gốm Triều Châu tạo hình bằng khuôn, ít khi dùng bàn xoay, thường là: tô, tộ, chén, đĩa, muỗng, chung, tách, khay trà, hũ, lọ, lư hương, đèn, chậu cúc, bình trà, bình cắm hoa…
    Khoảng năm 1920 có ông Ngô Tòng hiệu Vinh Phát từ Triều Châu đến lập lò gốm cạnh chân cầu Palikao, ông là một nghệ nhân tài hoa. Sản phẩm của ông thường ký Nam Phong Xuất Phẩm hoặc Vinh Phát hay Ngô Vinh Phát. Làm ăn khấm khá một thời gian ông rời Sài Gòn lên Lái Thiêu mở lò tiếp tục sản xuất đến sau năm 1940.
    c/ Dòng gốm chế tác kỹ thuật Quảng Đông: Dòng gốm Quảng Đông sản xuất tại Chợ Lớn có 2 loại: loại gốm gia dụng chế tác bằng cách đúc khuôn có gắn thêm một số bộ phận, không tráng men hoặc tráng sơ một lớp men nâu (để chứa chất lỏng) trước khi nung chín gọi là đồ “bỏ bạch” như siêu, ấm, tay cầm. Có trường hợp người thợ gốm làm tượng thờ hoàn toàn theo lối thủ công, hoặc chỉ tráng sơ một lớp men ở chân đế. Tượng này được nung chín, khách hàng mua về, trước khi thờ phải tô một lớp màu hoặc một lớp vàng son, nên mới trông sơ rất khó phân biệt với tượng đất thô hoặc tượng gỗ.
    Một số lò Quảng Đông chuyên sản xuất các sản phẩm gốm tráng men độc sắc (thường là màu lục, màu đặc trưng của gốm Quảng) chế tác theo lối đúc khuôn, thỉnh thoảng có đắp thêm một vài bộ phận như: đèn, các loại thạp, gạch men, gạch hoa, con tiện, lan can, lư định, chân đèn, lư hương, ống nhổ, đôn…
    Dòng gốm Quảng Đông có mặt tại Chợ Lớn rất sớm, phát triển mạnh về chất lượng cũng như số lượng, đặc biệt nhất là gốm trang trí và gốm thuộc lĩnh vực “công nghệ miếu vũ”. Các tác phẩm sản xuất cuối thế kỷ XIX như bộ con tiện lan can tạo hình khúc tre ở nhà Lê Phát Đạt (huyện Sỹ) Long An có niên đại 1879 hoặc một số tượng Quan thánh đế quân, Thiên hậu thánh mẫu, Táo quân, Tử tiên nương nương… kể cả thần Việt như Chúa xứ Thánh mẫu, Ngũ hành nương nương… đều là các sản phẩm giống như đồ “bỏ bạch” hoặc “khắc mi lộ cốt” (tráng men mỏng không kín lòi cốt đất, giống như lấy dao cắt màng lộ xương). Những sản phẩm này không thấy ghi hiệu lò, hoặc hiệu lò ít thấy như: Nam Hưng Xương (Nam Hưng Xương điểm tố) làm quần thể tiếu tượng gắn nóc đình Thới Bình cùng nóc miếu bà Thới Bình (Cần Thơ) tượng ông Giám Trai chùa Giáng Viên. Khoảng năm Canh Thìn (1882) Nam Lợi An (Nam Lợi An diêu tạo) làm quần thể tiếu tượng gắn trên nóc Thiên hậu cung (Sa Đéc) vào năm Quang Tự thứ 11 (1885). Chất lượng các quần thể tiếu tượng này tương đối khá hơn các sản phẩm “khắc mi lộ cốt”, men dày phủ tương đối kín.
    Năm 1882, Đại úy Derbès cho biết: “Có một lò sản xuất sành Céramiques ở phía bắc đồn Cây Mai, đường vào đồng Mả Ngụy, mới lập chừng một năm rưỡi nay”. Lò gốm mà Derbès nhắc đến là lò Mai Sơn và lò Đồng Hòa. Hai lò gốm này ở bên cạnh nhau, đầu tiên hai lò gốm này cũng sản xuất đồ “bỏ bạch” hoặc đồ “khắc mi lộ cốt”, sản phẩm nổi tiếng nhất của lò Đồng Hòa là siêu và tay cầm. Nhưng sau đó, tức khoảng đầu thế kỷ XX thì các lò gốm Quảng ở Chợ Lớn cải tiến kỹ thuật chạy theo “công nghệ miếu vũ”. Lò Mai Sơn và lò Đồng Hòa chuyên sản xuất chậu kiểng kích thước to, đặt trên đôn, đắp nổi các hoa văn tinh tế, tráng men nhiều màu, nung rất chín. Nhờ báo Nông Cổ Mín Đàn quảng cáo, nhất là sản phẩm gốm của 2 lò này được giải thưởng tại các hội chợ triển lãm nên dân Nam Bộ gọi là “Chậu Cây Mai”, “Gốm Cây Mai”. Hai lò Mai Sơn và Đồng Hòa sản xuất riêng lẻ, nhưng thỉnh thoảng hợp tác sản xuất. Ngày nay chúng ta thấy trên một cái chậu trồng cúc sản xuất khoảng 1915 (loại sản xuất hàng loạt). Có hai bài thơ nhưng có một bài dưới đóng dấu “Mai Sơn”, có một bài dưới đóng dấu “Đồng Hòa”. Có cái lại có dấu “Sinh” (có lẽ là tên người chủ hoặc người thợ). Những tác phẩm đồ sộ, hai lò Mai Sơn và Đồng Hòa đều hợp tác chế tạo, thường ghi “Chợ Rẫy – Mai Sơn Đồng Hòa diêu tạo” (lò gốm Mai Sơn và Đồng Hòa ở gần Chợ Rẫy tạo): như quần thể tiếu tượng gắn nóc Phước An hội quán, Đình Minh Hương Gia Thạnh, Bình An hội quán (tất cả đều ở khu vực Chợ Lớn) nhưng hội quán Bình An đã giải thể. Những sản phẩm đặc biệt này đều sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 1910.
    Đối thủ với lò Đồng Hòa là lò Bửu Nguyên ở đường lò Gốm (Chợ lớn). Lò gốm Bửu Nguyên lúc đầu cũng sản xuất các loại gốm gia dụng xen kẽ với các loại xây dựng và gốm trang trí. Có một số tác phẩm gốm Bửu Nguyên ghi hiệu “Bửu Nguyên”; “Đề Ngạn Bửu Nguyên diêu tạo” hoặc “Nam kỳ Đề Ngạn”, Lò Gốm Nhai, “Bửu Nguyên diêu tạo” (Chợ Lớn, lò Bửu Nguyên tạo hoặc Nam Kỳ, Chợ Lớn, đường Lò Gốm, lò Bửu Nguyên tạo). Khoảng đầu thế kỷ XX lò Bửu Nguyên sản xuất các loại tượng thờ chế tác sinh động, trên nếp áo đắp nổi từng chi tiết, tráng men nhiều màu đặc biệt chỉ chừa khuôn mặt, hai tay và hai chân. Các tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu tại An Lạc Cung (Trà Ôn), bộ tượng Di Đà Tam tôn và tượng Giám Trai sứ giả (niên đại At Tị 1905) tại chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) là những tác phẩm rất đẹp. Lò Bửu Nguyên cũng sản xuất quần thể tiếu tượng gắn trên nóc đền miếu như bộ tiếu tượng tại Quảng Triệu hội quán (Vĩnh Long) khoảng năm Mậu Tuất 1898 bộ tượng tại Thiên hậu Cung (chùa bà chợ Đũi) khoảng năm Tân Hợi (1911) và tại Quảng Triệu hội quán (chùa bà Cầu Muối) vào năm Canh Thân (1920). Vào năm Mậu Thân (1908) lúc trùng tu Tuệ Thành Hội quán (chùa bà Chợ Lớn) chủ nhân hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa thi đua thực hiện bộ tiếu tượng gắn trên nóc đền. Dưới sự chỉ đạo, cả hai chủ nhân cùng quê, cùng học một kỹ thuật, cùng thực hiện một công trình có thể gọi là “tài nghệ bất phân thắng bại”.
    Tại Chợ Quán (gần Chợ Lớn) có lò Đạo Xương, năm Bính Thìn (1916) làm quần thể tiếu tượng Tam Sơn hội quán (chùa Bà Triệu Quang Phục). Trên nóc còn ghi hiệu “Tả Quan – Đào Xương diêu tạo” (lò Đào Xương ở Chợ Quán tạo).
    Cùng một nghề, người Hoa thường hợp tác ở mặt kỹ thuật cũng như mặt kinh tế. Do đó có hiện tượng phân công hoặc cho thuê lò. Một loại sản phẩm gốm nhưng có khi phân công lò này làm thân, lò kia làm nắp. Chủ lò vốn quen với kỹ thuật Quảng Đông, nhưng đôi lúc cũng có thể lẫn sản xuất những mặt hàng sản xuất theo kiểu Triều Châu, tất nhiên người chủ lò này phải thuê thợ kỹ thuật giúp đỡ. Các chủ vựa buôn gốm nhiều khi chẳng biết kỹ thuật, cũng có thể xuất vốn thuê lò, thuê thợ sản xuất hàng hóa riêng cho mình. Những mặt hàng loại này chiếm lĩnh thị trường vì khách hàng Việt không đòi hỏi cầu kỳ, còn chủ vựa buôn thì chẳng cần quảng cáo cho chủ lò gốm.
    Trước khi thực dân xâm lược, địa danh Sài Gòn chính là Chợ Lớn, địa danh Bến Nghé chính là địa danh Sài Gòn ngày nay. Dòng gốm Việt xuất phát từ xứ Quảng Nam vào thời Nguyễn có thể gọi là gốm Sài Gòn. Nhưng 3 trường phái gốm Hoa phát triển trong thời Pháp thuộc nếu gọi là gốm Sài Gòn thì phi lịch sử. Còn nếu căn cứ vào dân gian cứ gọi là gốm Cây Mai thì cũng không hợp lý vì đây chỉ là cách gọi tiêu biểu. Theo tôi gốm của người Hoa sản xuất ở Chợ Lớn thì cứ gọi là Gốm Chợ Lớn
- See more at: http://baotanglichsuvn.com/gom-sai-gon-va-gom-cho-lon-truo-ng-ngoc-tuong--106.html#sthash.IK7jWOBy.dpuf

LÀNG VÀ LÀNG NGHỀ Ở NAM KỲ

LÀNG VÀ LÀNG NGHỀ Ở NAM KỲ 

TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG

Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn chép: “Khi họ Nguyễn mở bờ cõi về phương Nam thì thiết lập phủ huyện… những nơi gần rừng núi hoặc nằm dọc theo bờ biển, thì đặt thuộc; tất cả xã, thôn, phường, nậu, mạn… đều lệ thuộc”. 
Mục Cương Vực chí Trấn Định Tường của Trịnh Hoài Đức viết: “những nơi ở ven rừng núi, hoặc ven bờ biển hẻo lánh lẻ tả, cũng có người vì mối lợi làm ăn, chiếm núi rừng chăm ao… do đó phải lập ra trang trại, mạn, nậu… để tập trung dân chúng và tùy theo từng người mà nộp thuế má cho có hệ thống”,  Trịnh Hoài Đức còn giải thích “chỗ cư dân ở gần nhau gọi là mạn, nghĩa là giống như cỏ mọc lan ra tiếp nhau” hoặc “nậu là bừa cỏ làm ruộng, tục gọi đám đông là nậu ý nói tập hợp đông người làm ruộng”. Cách giải thích chữ nghĩa của họ Trịnh đã làm người đời sau thắc mắc.
    Hệ thống hành chính thời Nguyễn rất phức tạp. Ở Nam Kỳ có 3 loại làng:
    - Làng lớn (đại thôn) gọi là xã
    - Làng vừa (trung thôn) gọi là thôn
    - Làng nhỏ (tiểu thôn) gọi là lân, ấp, phố, phường, mạn, nậu…
    Mỗi xã có thể chia ra 2 – 3 thôn. Mỗi thôn có thể chia ra 2 – 3 ấp hoặc 2 – 3 lân. Xã hoặc thôn có thể có một hai giáp (hoặc phố, phường, mạn, nậu, hộ…) kèm theo.
    Theo Minh Điều hương ước ban hành năm Tự Đức thứ năm (1852) mỗi xã hoặc thôn phải có một ngôi đình và một kỳ hậu (ở Nam Bộ gọi là nhà ruộng, nhà võ tức quán canh) còn lân ấp, trang trại, mạn, nậu,… thì chỉ cần có kỳ hậu không bắt buộc phải có đình. Thực tế trước đó hơn nửa thế kỷ, tức khi thành hình hệ thống thôn xã, thì ở xứ Đồng Nai – Gia Định đã mặc nhiên hình thành qui ước là khi thành lập một đơn vị hành chánh thì phải đầy đủ bốn thiết chế văn hóa tín ngưỡng: đình, chùa, miếu, võ mang tính dung hòa trong khi nhà Nguyễn chủ trương xây dựng chế độ phong kiến dựa vào Nho giáo. 
    Vào năm 1789 khi thành lập xã Minh Hương qui định dân làng này chỉ cần đóng một số thuế theo qui định cho xã thôn sở tại vì họ có thể ở rãi rác khắp nơi. Làng Minh Hương chỉ có một ít đất để xây dựng đền miếu, nghĩa địa,… lại nằm trong một làng Việt. Họ không có đất canh tác nên chỉ có sổ đinh không có sổ điền. Thực tế làng Minh Hương là một tổ chức lãnh sự đặc biệt.
    Năm 1790 chúa Nguyễn Phúc Anh qui định chỉ cần 40 dân đinh (tức dân số hơn 100 người) thì có thể thành lập một xã. Tất nhiên khi lập một thôn, một ấp (hoặc một lân) thì đa số phải ít hơn. Thời bấy giờ ruộng đất chưa đo đạt. Thuế điền được tính theo thuế đinh. Minh điều hương ước năm 1852 cho biết khi muốn lập một xã phải có trên 200 dân đinh và khẩn từ 100 mẫu trở nên. Muốn lập một thôn phải có từ 50 đến 100 dân đinh và khẩn từ 90 đến 100 mẫu. Muốn lập một ấp (hoặc một lân, một trại…) phải có trên 10 dân đinh, khẩn trên 10 mẫu. Như thế thời đó có hiện tượng khoán thuế, dễ tạo điều kiện “ẩn lậu đinh điền” nhưng đây cũng là điều kiện tác động người đi khai hoang hăng hái hơn.
    Vào cuối thế kỷ XVIII, hệ thống hành chính xứ Đồng Nai – Gia Định rất phức tạp:
    1. Thuộc:
    Thuộc là vùng đất tốt. Có 2 trường hợp gọi là thuộc. Theo Phủ Biên Tạp Lục “nơi nào có 500 người trở lên thì đặt một chức Cai thuộc và một ký lục. Nơi nào có 450 người trở lên thì chỉ đặt chức ký lục”. Nhưng theo Gia Định thành thông chí tại Tổng Long Thủy huyện Long Xuyên (nay là Cà Mau) có Đường Nhân thuộc (là người Hoa làm nghề nông nghiệp).
    Như thế trước thế kỷ XIX thuộc tương đương với tổng. Nhưng sau đó chỉ còn thuộc là làng nông nghiệp đặc biệt.
    2. Phố:
    Là xóm người Hoa chuyên nghề dịch vụ mua bán tập trung vùng Nông Nại – Sài Gòn (nay gọi là Chợ Lớn), Mỹ Tho, Hà Tiên. Mỗi “đại phố” có nhiều phố.
    3. Phường:
    Phường là làng nghề lao động có kỹ thuật. Thí dụ như Bạch Khôi phường (sau đổi là Bạch Khôi thôn) là làng làm gạch ở Trấn Biên. Tân Phước phường sau đổi là Tân Phước thôn là làng chuyên chằm lá lợp nhà. Toàn Phước phường (sau đổi Kiểng Phước thôn) ở Gò Công là làng chuyên nghề đi rừng đốn lá dừa nước.
    4. Hộ:
    Là xóm nghề đặc biệt. Gia Định Thành Thông chí cho biết năm 1811 có 2 người Phúc Kiến là Lý Kính Tú và Lâm Quốc Tam đã lập Thiết Tượng Hộ (tục gọi xóm Lò Thổi) tại Trấn Biên, làm nghề khai thác quặng và luyện sắt.
    5. Sở.
    Sở là làng nghề đánh cá biển của người Hoa (như Minh Bột Lư Khôi Sở ở Hà Tiên sau đổi Thuận Yên thôn).
    6. Điếm.
    Điếm là xóm vựa hàng hóa, đặc biệt có nhiều ở vùng ven thị tứ (xem Gia Định Thành Thông chí).
    7. Mạn.
    Trịnh Hoài Đức cho biết: “chỗ dân cư ở liền nhau gọi là mạn, nghĩa là giống như cỏ mọc lan ra tiếp nhau”. Thực tế “mạn” là vạn đánh cá sông, một tổ chức nghề nghiệp tương đương với lân ấp, thường lệ thuộc xã thôn. Hiện nay còn nhiều di tích dọc theo sông Tiền và sông Hậu.
    8. Thuyền.
    Thuyền nguyên là một đơn vị quân đội. Nhưng vào thời Minh Mạng họ được phép định cư tập trung khu vực Gia Binh gọi là “thuyền” (được miễn thuế). Ở Thủ Dầu Một có An Nhứt thuyền. Ở Vũng Tàu có Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam thuyền sau chuyển đổi thành thôn.
    9. Nậu.
    Nậu là làng nghề lao động có tổ chức chặt chẽ. Trịnh Hoài Đức giải thích “nậu là bở cỏ làm ruộng. Tục gọi đám đông là nậu, ý nói tập trung đông người làm ruộng”.
    Vùng Cà Mau vào thời Gia Long có Hoàng Lạp Phú Thạnh nậu (sau đổi Phú Thạnh thôn) là tổ chức lấy mật ong và sáp ong rừng. Cũng tại địa phương này có Sái Phu nậu (bên cạnh có Sái Phu thôn) là hai tổ chức chuyên việc quét dọn  đền miếu. Nhưng cũng có người nghĩ rằng ở vùng này đâu có nhiều đền miếu qui mô mà có đến 2 làng nghề đặc biệt. Có thể đây là 2 xóm rẫy trồng hoa màu (Sài Phu có nghĩa là người gánh nước tưới).
    Xã thôn là làng nông nghiệp trồng cây lúa nước. Thuộc, phố, phường, sở, điếm, mạn, thuyền… là những làng nghề đặc biệt. Đến đời Minh Mạng, đa số các làng nghề đều chuyển hoặc xác nhập vào làng nông nghiệp. Tuy nhiên, đến đời Thiệu Trị hoặc Tự Đức còn nhiều địa phương vẫn chưa được nhìn nhận là một làng nông nghiệp. Nhiều địa phương được triều đình phong những vị thủy thần, hỏa thần hoặc phúc thần thay thế thần Thành Hoàng bổn cảnh. Tất nhiên sau một thời gian dấu ấn làng nghề vẫn tồn tại trong ý thức của người dân địa phương.


Nam bộ, thời khẩn hoang: Phảng, cù nèo và ruộng cỏ

Nam bộ, thời khẩn hoang: Phảng, cù nèo và ruộng cỏ


Khác mùa huê nở trường đông...
Mùa màng, mộng mạ, giống má thất bát, cà đun (+) gieo
Phảng kia phát chế, kèo nèo huơ, kèo nèo huơ...
(Lý cây phảng)
Nam bo thoi khan hoang Phang cu neo va ruong co
Các loại nọc cấy và phảng cấy
1- Khoảng năm 1985, trong đợt điều tra về các hình thức diễn xướng dân gian ở ngoại thành TP.HCM, tôi được chị Nguyễn Thị Mười hát cho nghe mấy bài lý, trong đó có bài Lý cây phảng trên đây.
Cũng xuất thân là “người Việt gốc ruộng”, nhưng kinh nghiệm canh tác ở Trung bộ của tôi đã không giúp tôi thấu hiểu được cái công việc một tay dùng phảng “phát chế” và một tay cầm “kèo nèo (cù nèo) huơ huơ”... là ra làm sao.
Cái phảng ở Trung bộ là “con dao trành”, tức loại dao dài độ 40 phân, mép dày, lưỡi không sắc mấy, dùng để phạt cỏ hai bên bờ ruộng trong công việc vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cấy lúa. Ở Quảng Nam, do vậy, gọi là dao phạt cỏ bờ. Ở đồng bằng Bắc bộ, vật dụng này gọi là “dao phát bờ”. Và nói chung ở Trung Bắc bộ thì đây “là loại nông cụ không được dùng phổ biến và thông dụng như cày cuốc” (1). Đó là điều khác biệt hẳn so với cái phảng ở Nam bộ.
2- Xem lại Gia Định thành thông chí (biên soạn đầu thế kỷ XIX), chúng ta thấy ở đất phương Nam thời trước có hai loại ruộng là sơn điền (ruộng núi) và thảo điền (ruộng cỏ). Sơn điền thì canh tác bằng phương pháp “đao canh hỏa nậu” tức “cày bằng dao” (dùng dao chặt phát cây cối) và bừa bằng lửa (đốt cây cỏ cháy sạch để gieo cấy). Điều này giải thích cho chúng ta nội dung câu ca dao miêu tả hình ảnh người đi mở cõi thuở xa xưa ấy:
Ra đi dao bảy dắt lưng
Ngó truông truông rộng, ngó rừng rừng cao
Cái dao bảy, dài bén như dao xắt chuối, đắc dụng cho người khai phá vùng ruộng núi (sơn điền). Còn với loại ruộng cỏ lùng, lác, bùn lầy thì có hai cách: 1) ở Phiên An (gồm TP.HCM, Long An, Tây Ninh... ngày nay) và Biên Hòa thì dùng trâu có móng chân cao để cày, nếu trâu thấp thì “ngã ngập trong bùn không đứng dậy nổi”; 2) từ Định Tường, Vĩnh Long đến phía tây sông Hậu (Long Xuyên, Kiên Giang, Cà Mau...) thì “không dùng trâu được mà phải đợi lúc hạ thu giao đại có nước mùa đầy dẫy, cắt bỏ lùng lác (trảm thảo, trảm phạt), cào cỏ đắp làm bờ, rồi chỏi đất cấy mạ xuống” (hiểu là cấy bằng “nọc cấy”) (2).
Để làm công việc trảm thảo/trảm phạt nhằm “cắt bỏ lùng lác” đó, cái phảng và cái cù nèo là thứ nông cụ đắc dụng - thay cho cày và bừa. Phảng và cù nèo trở thành công cụ khẩn hoang lập điền “danh giá” là như vậy. Có người cho rằng các loại phảng ở Nam bộ vốn gốc của người Khơme, được người Việt tiếp thu và cải tiến ít nhiều. Ý kiến này có cơ sở lịch sử của nó, nhưng xin được giả định thêm là cái lưỡi phảng đó tưởng như có hình bóng của lưỡi dao bảy sắc lẻm của những lưu dân hồi “ra đi dao bảy dắt lưng”.
3- Huỳnh Tịnh Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895) cho chúng ta biết có ba loại phảng: phảng gai, phảng giò nai và phảng cổ cò. Theo kích thước đo đạc các hiện vật thuộc sưu tập nông cụ Nam kỳ của Trương Ngọc Tường thì:
Phảng gai là loại phảng ngắn lưỡi dùng để đốn, chặt cây gai, cán gỗ dài khoảng 50cm, cong gãy khoảng 1600, lưỡi cũng chỉ dài 50cm và rộng 8cm.
Phảng giò nai giống như cẳng con nai, cán ngắn khoảng 20cm, cổ dài 0,35cm tạo góc gãy với cán khoảng 1350, lưỡi phảng dài 65cm, rộng 7cm.
Phảng cổ cò cong và eo nhỏ lại như cổ con cò. Cán phảng cổ cò giống như cán phảng giò nai, tức khoảng 20cm, cổ phảng dài cũng khoảng 20cm, tạo góc cong khoảng 1300, lưỡi phảng dài 85cm, rộng 7cm.
Phảng gai dùng để phát hoang ở những vùng đất cao ráo hoặc để phạt cỏ bờ. Phảng giò nai và phảng cổ cò dùng để phát cỏ lác ruộng bưng. Kết quả nghiên cứu điền dã cho thấy phảng giò nai chỉ lưu hành ở vùng ruộng dọc sông Vàm Cỏ: Cần Đước, Cần Giuộc, Trảng Bàng, Mộc Hóa..., còn phảng cổ cò lại phổ biến khắp vùng đất ruộng hai bên sông Tiền và sông Hậu.
Ngoài ba loại phảng nêu trên, còn có phảng nắp, gồm hai loại: 1) phảng nắp lớn dài lưỡi ngắn cán (cán dài độ 25cm, lưỡi dài 90cm và rộng 9cm, cổ cong tạo một góc 750), 2) phảng nắp nhặt: cổ rất ngắn, tạo góc khoảng 750 (cán dài 30cm, lưỡi dài 90cm, rộng 7cm). Phảng nắp nói chung thích hợp với loại đồng cạn, ít cỏ.
4- Phát cỏ là công việc nặng nhọc và đòi hỏi phải có tay nghề. Tay phải cầm phảng phát một nhát, tay trái cầm cù nèo móc số cỏ đã đứt lìa gốc, kéo gom qua một bên cho trống chân cỏ để phát nhát phảng kế tiếp được sát gốc cỏ. Người phát cỏ phải khom lưng sao cho lưỡi phảng nằm ngang dưới nước, song song với mặt nước. Đồng thời phải khéo léo lia sao cho lưỡi phảng nương theo nước lướt tới mà không nghiêng lưỡi để bị nước cản, hạn chế lực của nhát chém.
Mỗi công phát cỏ từ 6g-11g trưa, người có tay nghề phát được một công đất. Đây là công việc rất tốn sức nên mỗi sáng họ thường ăn cơm cho chắc bụng, buổi chiều nghỉ dưỡng sức. Việc phát cỏ để cấy đúng vụ mùa rất khẩn trương. Phát cỏ sớm, trời chưa mưa, đất khô cỏ mọc lại. Phát muộn, nước ngập cao thì khó chém sát gốc cỏ. Do đó, thuở đất rộng người thưa, đến mùa vụ rất hiếm nhân công. Giải pháp tối ưu là trau dồi tay nghề để tăng hiệu suất làm việc. Qua thời gian, từ thực tế đã đúc kết thành những thủ thuật gọi là “phát thế”.
Theo Sơn Nam (trong Cá tính miền Nam), tổ sư của kỹ thuật “phát thế” này là ông Cai Thoại, làm chức cai đồn điền thời vua Tự Đức. Vào cuối thế kỷ XIX, khi lục tỉnh lọt vào tay giặc Pháp, ông lưu lạc khắp vùng Cà Mau, Rạch Giá. Tục truyền gặp ông, cọp bỏ chạy cong đuôi hoặc chầu chực bên cạnh khi ông nghỉ giữa rừng. Gặp ai làm việc nặng nhọc ông sẵn sàng tiếp tay, không đòi hỏi điều kiện gì. Sức ông làm bằng năm bảy người, trên vai luôn có cây phảng to và nặng gấp đôi cây phảng thường: cỡ 6kg, dài hơn 1m. Ai muốn phát cỏ nhanh để kịp mùa vụ thì cứ mời. Ông phát suốt ngày đêm, nhịn đói ròng rã đôi ba ngày, rồi sau đó ăn một nồi cơm to, ngủ suốt cả ngày.
Về sau, nhiều người đi phát cỏ dạo từ làng này sang làng khác, xưng là đệ tử hai đời của Cai Thoại. Khi ra ruộng họ phát cỏ như múa, tâm trí chuyên chú như kẻ bị nhập đồng và phát cỏ nhanh gấp đôi người thường, từ hai đến năm công mỗi ngày. Ai tò mò hỏi bí quyết, họ bảo là nhờ được “tổ sư truyền đạo”, nhờ “thánh thần phò trợ” nên luôn được mạnh khỏe.
Do đó, trong dân gian gọi đó là cách “phát thiếp”, hiểu là được thần thánh nhập vào! Trong số đó cũng không ít tay điếm đàng, nhận truyền nghề nhưng mượn một khoản thù lao kha khá để tiêu xài rồi xù, viện cớ chưa được tổ nhập hay bỏ trốn mất biệt! Thật ra, cái gọi là bí quyết chẳng qua là sức khỏe và kỹ thuật thao tác hợp lý.
Nói chung, cây phảng là nông cụ đặc biệt quan trọng trong cuộc khẩn hoang lập điền, trong hoàn cảnh đất rộng, sình lầy, trâu bò không cày bừa được. Mặt khác, đây là chứng tích của năng lực thích nghi đầy sáng tạo của những lưu dân ở một xứ sở lạ lùng, khác với những gì họ đã từng trải nơi quê hương bản quán.
Nam bo thoi khan hoang Phang cu neo va ruong co
HUỲNH NGỌC TRẢNG - TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG
(+) Một giống lúa ở ĐBSCL
(1) Nguyễn Quang Khải - Nông cụ và đồ gia dụng của nông dân đồng bằng Bắc bộ. NXB KHXH, H, 2003, tr. 35.
(2) Gia Định thành thông chí. Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo. Sài Gòn, 1972, tập hạ, tr. 30-31