Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Sự hình thành vùng văn hóa Nam Bộ

Sự hình thành vùng văn hóa Nam Bộ


I . TỪ VÙNG VĂN HÓA CỔ TRUYỀN NAM BỘ ĐẾN VÙNG VĂN HÓA NAM BỘ HÔM NAY 

Theo những khám phá của các nhà khảo cổ học, con người đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ khá lâu đời. Nếu căn cứ theo những di chỉ cư trú và di cốt của con người ở Óc Eo, Ba Thê, Núi Nổi… thì từ cách đây 4.000 đến 5.000 năm, con người đã có mặt ở vùng đất còn chứa nhiều nước mặn, sình lầy, cây dại và dã thú này; đồng thời họ cũng để lại nhiều dấu ấn văn hóa khá đặc trưng về vùng miền, mà sinh động và thiết thực nhất là ở vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Rất tiếc là các di tích của nền văn minh ấy chỉ cho chúng ta thấy rằng, nền văn minh ấy chỉ hứng khởi lên khoảng vài trăm năm rồi bị chìm lấp trong lòng đất miền Tây, với những hình ảnh hư ảo còn lại của một vương quốc Phù Nam, hay một "nước Chí Tôn" trong sử sách, bia ký cổ. 

Công cuộc mở đất phương Nam, khẳng định vùng văn hóa phương Nam, chỉ thật sự định hình từ những cuộc di dân lớn của người Việt ở TK XVI và đầu TK XVII. Đó là quá trình di dân tự nhiên, quá trình di dân cơ chế và quá trình chuyển cư tại chỗ. Quá trình di dân tự nhiên là quá trình di dân lẻ tẻ, chưa đủ để định hình bản sắc văn hóa của vùng đất. Chỉ đến khi nhà Nguyễn tiến hành những cuộc di dân cơ chế lớn từ vùng Ngũ Quảng vào, kết hợp với sự di dân cơ chế sau thất bại của nhà Minh trước triều Mãn Thanh (do Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu cầm đầu), cùng với việc di dân cơ chế trước TK XV của những lớp cư dân cổ Khơme đến từ nhiều vùng trên đất nước Campuchia, tràn về theo sông Tiền, sông Hậu để tránh họa diệt tộc của vua chúa Xiêm La, và sự di dân cơ chế của người Chăm Hồi giáo đến vùng Châu Đốc, kết hợp với quá trình chuyển cư tại chỗ của cộng đồng các tộc người để lập làng lập ruộng, vùng văn hóa mang bản sắc Nam Bộ mới thật sự hình thành. Chính nhờ quá trình chuyển cư tại chỗ, mới có việc thúc đẩy sự gần gũi giữa các nhóm dân cư, giữa các cộng đồng dân tộc, mới làm xuất hiện những điều kiện khách quan, tạo nên những tiếp xúc văn hóa giữa các cộng đồng người có những đặc trưng văn hóa khác nhau, làm nên tính chất địa văn hóa, địa kinh tế của một vùng đất châu thổ phương Nam rộng lớn. Đó chính là một vùng văn hóa trẻ, phong phú, đa dân tộc, đa tôn giáo và đa màu sắc (ở đây chúng tôi không có ý định đi sâu tìm hiểu vấn đề này). 

Muốn tìm hiểu đặc trưng vùng văn hóa, tất nhiên phải lấy đặc điểm tính cách con người làm trung tâm để xem xét. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi ngôn ngữ và hành động, tác động sâu sắc đến âm nhạc, sân khấu, văn học, cũng như kiến trúc, hội họa, lễ hội và phong tục… Tất nhiên, đó là cộng đồng những tộc người cùng chung sống trên nền địa địa lý tự nhiên của vùng phù sa cổ miền Đông và vùng phù sa mới miền Tây Nam Bộ, mà tâm lý tính cách bị chi phối khá mạnh bởi hoàn cảnh địa lý, kinh tế - xã hội và quá trình phức hợp của nó theo từng bước phát triển của vùng dân cư rộng lớn này. Tất nhiên, chúng ta không thể phân chia rạch ròi từng vùng văn hóa trên cả nước, nhưng căn cứ vào những đặc điểm văn hóa khu biệt nhất định, chúng tôi tạm gọi là vùng địa văn hóa Nam Bộ để làm tiêu chí xem xét. 

Theo đó, nhiều nhà nhân chủng học, dân tộc học… đều có chung nhận định tương đối thống nhất về tính cách người Nam Bộ, tựu trung gồm những nét chính sau đây: hào hiệp trong cuộc sống, bình đẳng trong giao tiếp, ít bảo thủ. 

Posted Image
Nhà trưng bày văn hoá Óc Eo ở An Giang
Tính hào hiệp không phải xuất phát từ máu "làm chơi ăn thiệt" trên vùng đất giàu tôm cá, phì nhiêu màu mỡ, mưa thuận gió hòa… mà nó được thể hiện trong nhiều yếu tố tâm lý cấu thành tính cách đó. Đó là thái độ mến khách, với tình yêu thương con người, ý thức coi trọng nhân nghĩa hơn tiền tài, danh vọng. Bởi vì, cho dầu là người Việt, người Khơme, người Hoa hay người Chăm, thì họ cũng phải thường xuyên đối đầu với một vùng đất mới còn hoang hóa, với biết bao khó khăn về điều kiện thiên nhiên và địa lý khắc nghiệt trong buổi đầu khai hoang lập ấp. Hơn nữa, trước một thiên nhiên bao la kỳ bí, chằng chịt sông rạch, rậm rạp rừng sâu, tràn ngập muỗi mòng, thú dữ… con người trở nên vô cùng nhỏ bé, tất nhiên phải dựa vào nhau mà tôn tại. Trong hoàn cảnh ấy, họ không thể nghĩ đến những thể chế từng ràng buộc của quan nha, triều đình; lại càng không thể câu nệ những lề thói xa xưa của làng xã nơi họ bỏ ra đi. Trên thực tế, đồng bằng sông Cưu Long trong buổi đầu khai phá, chưa hề có một khu vực hành chính ổn định; mãi đến khi Gia Long lên ngôi mới thiết lập được bộ máy cai trị của mình. Vì lẽ đó, con người trong buổi đầu mở đất, tất phải sống với nhau trong tình yêu thương san sẻ, bình đẳng tương thân, tương trợ để đùm bọc nhau sống còn trong nỗi nhớ thương nguồn cội cố xứ của mình.

Tôi chưa thấy ở đâu trẻ em lại xưng "con" với người lớn, đứa lớn hơn gọi đứa nhỏ hơn là "cưng", bằng trang phải lứa thì xưng "qua" với "bậu". Lúc thân mật cũng "qua" với "bậu", lúc giận hờn cũng "bậu" với "qua"...

Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.
Bậu ra cho khỏi tay qua
Cái xương bậu nát cái da bậu mòn.
 


Ít bảo thủ là một đức tính tốt của người Nam Bộ. Tôi cứ nghĩ mãi về câu thành ngữ "ăn Bắc mặc Nam". Phải chăng người miền Bắc ăn uống rất cầu kỳ. Đến như rau sống mà cũng phải chẻ, phải xắt, phải lựa, phải rửa bằng nước muối hay thuốc tím rồi rảy cho thật khô. Dân miệt đồng Nam Bộ, bẻ rau ngoài đồng, rửa quấy quá vài nước, thẩy lên mâm là xong. Rau muống cứ để nguyên cây, bắp chuối cứ để nguyên bắp. Cá chỉ cần nướng lụi. Rắn chỉ cần nướng lèo. Ăn uống cốt miếng lớn cho no. Có phải nhà hàng đâu mà cầu kỳ. Còn mặc thì phong phanh lắm. Cũng như ở vậy, chỉ cần cái nhà đá, nhà đạp để che mưa che nắng, khi không cần nữa thì đá thì đạp, dứt áo đi nơi khác dễ dàng. Trong những di cốt tìm được ở Nam Bộ, các nhà khảo cổ đều nhận ra một điều, người Nam Bộ rất ít dùng đồ trang sức. Nghĩa là người dân xứ này không coi trọng cái ăn, cái mặc lắm. Điều quan tâm của họ là những gì đang ở phía trước. Quá khứ là cần thiết, nhưng không quan trọng bằng hiện thực và tương lai. "Ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu". Đó là một câu ca dao hay về tính cách con người trên vùng đất từng một thời đầy dẫy cá sấu và hổ báo. Hướng tới tương lai thì phải mạnh dạn vứt bỏ quá khứ, nếu như xét thấy nó đã lỗi thời. Nếu nặng lòng với quá khứ thì làm sao đủ sức dấn thân để khai phá những vùng đất mới, để tiếp cận những cái mới. Có lẽ Nam Bộ là nơi tiên phong của báo chí viết bằng chữ quốc ngữ, là miền đất tiếp xúc với công nghệ hiện đại sớm nhất, là xứ có đội bóng đá nữ đầu tiên của cả nước, là nơi có người đàn bà dám lặn lội muôn vạn dặm đến quan môn triều đình dóng trống kêu oan cho chồng… Đã đành gốc gác người Nam Bộ cũng từ Bắc, từ Trung vào, nhưng trên chặng đưồng thiên lí, họ đã làm rơi rụng dần những cái gì thuộc về tính cách của nơi đã sinh ra mình, để có thể nhanh chóng hòa nhập với vùng đất mới mà họ đã chọn làm nơi "đất lành chim đậu". 

Nhưng từ nền văn hóa cổ đến nền văn hóa Nam Bộ đương đại là cả một tiến trình phát triển suốt 300 năm mở đất, mà nhiều vấn đề vẫn cần phải tiếp tục đặt ra để nghiên cứu đến tận ngọn nguồn của nó. Ngày nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để khẳng định đích thực chủ nhân của những tầng văn hóa chồng chất trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long vào những thiên niên kỷ thứ nhất, trước và sau công nguyên. Tất nhiên đây là một công việc rất khó, bởi tính năng động của một địa bàn rộng lớn, có nhiều luồng tiếp xúc nên cũng có nhiều biến động về các tộc người; hơn nữa, nó lại là vùng giao thoa của nhiều trung tâm chính trị khác nhau trong thời kỳ cổ đại. Nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, cũng như nhiều văn bản của Nhà nước đô hộ Pháp, vẫn thường nói đến những Nhà nước Đông Nam Á có cương vực rộng lớn, với một thể chế rất chặt chẽ, thâu gồm những vùng đất rộng lớn, bao trùm lên cương giới nhiều quốc gia hiện nay. Nhưng trên thực tế, dưới ánh sáng tiến bộ của các ngành khoa học hiện đại, các quốc gia Đông Nam Á cổ đại chỉ là những trung tâm chính trị rất lỏng lẻo, cơ cấu thành phần tộc người và biên giới không rõ ràng và đầy biến động. Vì vậy không thể chỉ căn cứ vào các thư tịch cổ mà quy chủ nhân của những vùng đất đai cụ thể là ai, rồi từ đó gán ép cho các dân tộc khác tội chiếm đất. Lấy ví dụ như theo quan niệm của người Khơme, chúng ta không thấy có sự đối lập giữa "Thủy Chân Lạp" và "Lục Chân Lạp"; mà chỉ có sự phân biệt giữa ba vùng địa lý theo quan niệm chung của cư dân Đông Nam Á. Đó là ba vùng: Khơme Lơ (Khơme vùng cao), Khơme Kandal ( Khơme vùng giữa), và Khơme Crôm (Khơme vùng dưới). Người Pháp từng gán cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thuộc vùng Khơme Crôm, với lý do vùng đất này có người Khơme sinh sống, có nhiều địa danh mang tên các địa danh Khơme. Rồi họ còn dựng lên cái gọi là đế chế Phù Nam có địa bàn trải rộng qua cả Thái Lan, Lào, Việt Nam. Từ đó cho rằng, nếu không có sự hiện diện của Pháp, các nước Lào và Campuchia đều sẽ bị Việt Nam thôn tính. Với thái độ nghiên cứu văn hóa nghiêm túc và khoa học, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, ranh giới giữa các vùng Khơme Kandal và Khơme Crôm chính là đôi bờ sông Niết Lương. Tại vùng Kandal hiện nay, người Khơme lấy Chămka (bãi sông), nuôi bò là chính; trái lại vùng Xoài Riêng (nam sông Niết Lương) lại làm ruộng nước, nuôi trâu. Như vậy vùng vùng Khơme Crôm phải chăng chính là vùng Xoài Riêng ngày nay. Xét theo tâm lý đặt tên địa danh, những tên đất như Gò Công, Cà Mau… rất có thể là do cư dân Khơme đặt theo tên Kôkông, Takthmau trong bước đường di cư của họ, khi mà các tộc người Việt và người Chăm chưa đến. Tại các vùng Sóc Trăng, Trà Vinh, nơi có nhiều người Khơme cư trú lâu đời nhất, chúng ta cũng không tìm thấy ngôi chùa nào có trên 300 năm tuổi. Theo tập quán canh tác, người Khơme thích ở "giồng" còn người Việt thích ở gần sông rạch. Đó là mối quan hệ tự nhiên trong bước đường khai phá đồng bằng sông Cửu Long của hai tộc người Việt - Khơme. Như vậy, Nam Bộ chính là vùng văn hóa đất mới, vùng ngoại biên của nhiều quốc gia cổ đại, mà sau này người Khơme, người Việt và người Chăm đã chung lưng đấu cật cùng nhau khai phá. Chủ nhân của nền văn hóa, văn minh này, chính là cộng đồng những tộc người đang sống trên châu thổ của sông Tiền, sông Hậu. Trong đó chủ yếu là người Việt, người Khơme, người Chăm và người Hoa, với chung một nền văn hóa hội nhập của các tộc người trên một địa bàn rộng lớn của đồng bằng châu thổ 18 triệu người. 

Tất cả những điều trên đây vẫn là chưa đủ để nói về bản lĩnh và tính cách người Nam Bộ, nhưng chừng đó cũng đủ góp phần hình thành bản sắc văn hóa của một vùng đất mới, nơi hội tụ rất nhiều luồng văn hóa khác nhau của thế giới. Một trong những giá trị ấy là phương ngữ Nam Bộ, bộ phận hình thành bản sắc độc đáo của ca dao dân ca Nam Bộ. 



II. VÀI NÉT VỀ PHƯƠNG NGỮ NAM BỘ VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ TRONG CA DAO DÂN CA 

Posted Image
"Trắng như bông lòng anh hổng chuộng. Đen như cục than hầm biết làm ruộng anh thương" - ảnh Gérard Grapton
Phương ngữ Nam Bộ được hình thành và phát triển cùng với tiến trình phát triển lịch sử 300 năm của vùng đất, càng ngày càng được bổ sung theo sự giao lưu mạnh mẽ của nhiều luồng văn hóa khác nhau; nó bắt đầu hình thành từ TK XVII, cùng lúc với những đoàn người Việt đầu tiên vào định cư khai khẩn vùng đất Miền Đông Nam Bộ, rồi sau đó phát triển mạnh xuống Miền Tây. Đến nay, phương ngữ Nam Bộ đã trải qua nhiều chặng đường phát triển, gắn với những sự kiện chính trị - văn hóa. Chẳng hạn như sự ra đời của chữ quốc ngữ vào nửa sau TK XIX. Nó là tiếng nói sinh động của nhân dân lao động, được sử dụng và phổ biến thông qua con đường khẩu ngữ, trong khuôn khổ một vùng văn hóa địa phương nhất định. Chúng ta cần phải công nhận nó, coi nó như một công cụ chung để tư duy tại một vùng đất văn hóa đặc thù; từng bước hòa nhập thành ngôn ngữ phổ biến chung, ngôn ngữ văn học của cả nước. Trên thực tế, chúng ta rất khó chọn ngôn ngữ một vùng miền cá biệt nào làm ngôn ngữ chuẩn cho tiếng Việt, mà chính tiếng Việt đang càng ngày càng phát triển chính từ nền tảng ngôn ngữ vùng miền trong cả nước.


Từ khi đất nước thống nhất, rõ ràng tiếng Việt đã trở nên phong phú hơn rất nhiều, bởi chính nhiều phương ngữ vùng miền khác nhau trong cả nước vun bồi nên. Điều đó góp phần rất to lớn trong việc hình thành tiếng Việt văn học chung của cả nước.

Riêng về phương ngữ Nam Bộ, rõ ràng có sự giao lưu rất đậm nét với các phương ngữ khác trong khu vực, như phương ngữ của đồng bào Khơme, đồng bào Chăm, đồng bào Hoa… và một số luồng ngôn ngữ khác. Điều đó làm nên diện mạo và thần thái của phương ngữ Nam Bộ. Nó hình thành chính từ ngôn ngữ nói của đồng bào. Ở đây, chúng tôi xin phép không đi sâu vào lĩnh vực ngôn ngữ học, như từ vựng, tu từ và giá trị ngữ pháp văn bản của nó. 

Nếu trong ngôn ngữ nói, người Nam Bộ thường có thói quen chỉ sử dụng 5 dấu thanh (không dùng thanh ngã), thường nói sai phụ âm đầu (v-d, h-g), hay có sự biến đổi trong phát âm (i-iê, ng-n), hay gộp âm trong xưng hô (bả, chả, ảnh, chỉ), trong chỉ địa danh (ngoải, trỏng), hay dùng từ cổ (bể, bợ, bông, heo), thích dùng yếu tố phụ để tạo từ có sắc thái ( dơ hầy, nhọn lểu, rẻ rề, vàng ngoách, đỏ hoét), thích vay mượn ngôn ngữ khác (chạp phô, tàu hủ, khổ qua, bao tử, hột xoàn, hên xui, cần xé, cù lao, giận lẫy, cúng dàng)… thì phương ngữ phương ngữ Nam Bộ chính là được hình thành trên nền tảng ngôn ngữ nói hàng ngày của bà con. 

Ví dụ: Tèm hem, tầy huầy, trớt huớt, thoi loi, tùm lum, nháu nhó, hết ý, chịu chơi, xả láng, thả giàn, hết ý, hết xảy, quá xá mấu, đẹt câm đẹt ngắt, cứng ngắt cứng còng, trẻ khô, già khú đế, ngồi chò hỏ, ngồi chành bành, ngồi chèm bẹp, ớn xương sống, sợ thấy mụ nội, trời thần đất lở, thấy mồ tổ, chèng đéc ơi

Chính từ nếp sống, cách suy nghĩ và nói năng của người Nam Bộ, cũng như sự bộc trực, thẳng thắn, ít thích văn chương rào đón, mà ngôn ngữ Nam Bộ thường có lối nói rút ngắn, giàu hình tượng, thích ngoa dụ cho vui: bi dai, bi lớn, bi nhiêu, bi tuổi, bản mặt chằm vằm, đồ chằng tinh hổ lửa, đồ ba trợn, đẹp thấy ớn, xấu thấy sợ, ngon hết biết, say quắt cần câu, lười thối thây, cà rịch cà tang, tà tà ển ển, cà xích cà xẹo, bẹo dạng bẹo hình, bình bình nước nhửng… 

Và… cũng thường tình như vậy, phương ngữ đi vào ca dao Nam Bộ một vẻ đẹp bình dân, mộc mạc, mà phải đọc nhiều lần chúng ta mới nhận ra được nó. 

Trắng như bông lòng anh hổng chuộng
Đen như cục than hầm biết làm ruộng anh thương 


Muốn người ta người ta không muốn
Xách cái dù đi xuống đi lên


Thương sao thương quá bất nhơn
Bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào 


Khen cho con nhỏ cả gan
Ghe không bánh lái dám chèo ngang giữa dòng 


Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm 


Thuyền chài thuyền lưới thuyền câu
Biết thuyền nhơn ngãi nơi đâu mà tìm 


Nước chảy liu riu lục bình trôi quắn quíu
Anh mãng thương nàng lịu địu xuống lên 


Mái dầm anh đong đưa
Cùng với em dạo mát
Đặt em ngồi đằng trước
Hay em ngồi đằng sau
Ôi em ngồi chỗ nào
Anh cũng không ưng bụng
Mái dầm anh lúng túng
Đặt em lên đùi anh 

(Dân ca Khơme)


Chiều xuống anh đưa em đi chơi
Xóm làng mình sông sâu nước chảy
Để em ngồi trên thuyền sao lòng anh áy náy
Sợ sóng đánh làm ướt đôi chân em
Để em ngồi đằng trước thì sợ trúng mái dầm
Ngồi ở giữa thuyền thì xa lơ xa lắc
Em ngồi ở đâu thật khó lòng tính được
Chỉ có cách là bồng em đặt lên đùi anh 

(Dân ca Khơme)


.....

Và từ những câu ca dao dân dã ấy, khi được lợp lên mình nó những tầng lớp giai điệu và tiết tấu, phương ngữ Nam Bộ vụt hiện những vẻ đẹp bình dân tới lịm người. 



Đố ai kiếm được cái vẩy con cá trê vàng
Cái gan con tép bạc mấy vàng tôi cũng mua
Ô là ô áo vá quàng 
(Lý áo vá quàng) 


Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi 
(Lý chim quyên)


Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn
Bao nhiêu lá rụng em thương chàng bấy nhiêu 

(Hát đưa em) 


Ba xa kéo chỉ trên chòi
Xa kêu vòi vọi anh đòi chuyện chi 
(Lý ba xa kéo chỉ)


Chiều chiều gọt mướp nấu canh
Thấy anh qua lợi bỏ hành cho thơm 
(Lý trái mướp) 


Lỡ tay rớt bể bình vôi
Chủ gia bắt được đọa đày xứ xa 

(Lý bình vôi) 


Chú chim sẻ ơi
Ơ ơ ớ hùi
Ăn lúa nhà người
Vừa thơm vừa ngọt
Đừng ăn lúa mót
Trên đồng nhà tao
Lúa của nhà nghèo
Vừa cay vừa đắng 
(Choôlchap- dân ca Khơme) 


Trên cành đơm boong vui quá
Sáo con nhảy múa tối ngày
Cánh thì xòe ra bay bay
Chân thì lia thia nhảy nhảy
Ơi đàn sáo con bé tí
Chẳng biết nhờ ai đệm đàn
Đành lấy chiếc mỏ ra ràng
Mổ cành đơm boong khe khẽ 
(Xarikakkeo- dân ca Khơme) 


Đừng nhìn tao bớ chim ơi
Hai đứa tao yêu nhau rồi
Mà biết nói gì
Chỉ biết nhìn chim bay đi 
(Chim Môhôri- dân ca Khơme) 


Phiền muộn chi em làm héo cánh hoa
Luyến tiếc chi em làm héo nụ cười
Hay là em đã say đắm nơi nào
Ta càng tha thiết mãi không thôi 
(Xaccrova chhlơơi chhloong- dân ca Khơme) 


Chim cu kêu cúc cu
Nó đậu trên ngọn tre
Anh gặp rồi anh thương
Em đây còn nhỏ
Em ơi anh chờ em
Em đi lấy chồng
Sao đành bỏ anh 
(dân ca Chăm) 


Kiếp này lắm ngang trái
Để kiếp sau ta gặp nhau
Anh ơi số trời định ước
Anh đừng giận vô cớ 
(dân ca Chăm) 


Con chim trao trảo
Nó rất dạn
Đã bay khắp nơi
Được sống sung sướng
Sanh con đẻ cháu
Được ở khắp bụi bờ 
(dân ca Chăm) 


Con ơi
Ở với mẹ có áo mặc
Ra lấy vợ
Áo không kip cài nút.
Con ơi
Đừng buôn lá bài
Của cải của người ta
Đừng lừa gạt. 
(dân ca Chăm)


III. HÃY ĐẾN VỚI CUỘC SỐNG ĐỂ TÌM VẺ ĐẸP CỦA CA DAO DÂN CA NAM BỘ 



Posted Image
Chợ nổi: sinh hoạt thường nhật của người dân ĐBSCL - ảnh Thomas Primault
Ca dao dân ca Nam Bộ là bộ phận hợp thành của một phần văn hóa các tộc người chung sống trong cộng đồng cư dân Nam Bộ, nó có sự ảnh hưởng, giao lưu và hội nhập lẫn nhau rất lớn; chính vì vậy, theo thời gian, nó càng ngày càng phát triển với một diện mạo đặc trưng, tương đối khu biệt so với các nền văn hóa của các vùng miền khác nhau trong cả nước. Chẳng hạn: dân ca Tây Bắc thường có đường nét giai điệu mềm mại, tiết tấu khoan thai, như các điệu hát Sli, hát lượn, hát xòe hoa...; dân ca Tây Nguyên thường có đường nét giai điệu mạnh mẽ, tiết tấu nhanh, dồn dập...; dân ca Trung Bộ thường chậm, buồn, thiết tha, man mác với các điệu hò hụi, hò khoan, lý hoài nam.... Dân ca Nam Bộ là tổng hòa của nhiều tính cách, tạo thành những mới lạ trong giai điệu, tiết tấu cũng như trong ca từ - mà chỉ riêng hát lý đã chứng tỏ sự giàu có đến vô cùng tận, từ lý con cóc, lý con nhái, lý con cá trê, lý con chuột, lý con mèo, lý đương đệm, lý cái phảng, lý cây ổi, lý cây bần, lý chim quyên, lý bình vôi, lý bờ đắp, lý hố mơi, lý bốn cửa quyền, lý cá ông, lý con kiến, lý con cua, lý con khỉ, lý bánh canh, lý bánh bò, lý ba xa kéo chỉ, lý trái mướp, lý lựu lê, lý con sáo, lý con ngựa, lý lu là, lý tú lý tiên, lý úp lá khoai, lý cây khế, lý kêu đò… và… độc đáo tới mức… có luôn cả lý chun mùng (lý cánh cửa). Rồi thì hò Nam Bộ. Có hò trên cạn, hò dưới nước, hò đối đáp, hò huê tình. Rồi lại còn hát ru, hát đưa linh… Cả một kho tàng dân ca, dân nhạc, dân vũ đồ sộ đến choáng ngợp. Tất cả vẫn đang tồn tại trong dân gian và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong dân gian. Muốn đến được với kho tàng phong phú và đồ sộ ấy, chúng ta nhất thiết phải đi sâu vào thâm nhập cuộc sống của nhân dân, của cộng đồng các tộc người Nam Bộ. Và tất nhiên, chúng ta cũng cần phải có phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian địa phương, tùy theo giác độ tiếp cận và lợi ích của từng ngành khoa học. Theo đó, có thể coi khâu sưu tầm là cái bắt đầu của mọi cái bắt đầu. Vì vậy chúng ta cần phải đề ra một số phương hướng như sau: 


1. Phân vùng và tìm kiếm sự hình thành các vùng văn hóa dân gian địa phương. Vì văn hóa dân gian địa phương là một hệ thống chặt chẽ, phát triển trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nhưng đồng thời nó cũng rất cụ thể, mang tính chất địa phương, tính chất vùng và tộc người, in rõ dấu ấn các thời đại, giai đoạn lịch sử. 

2. Tìm hiểu cơ cấu nội tại của văn hóa dân gian địa phương. Vì văn hóa dân gian không phải là một lĩnh vực đơn nhất mà tồn tại ở những loại hình cụ thể, với những tác phẩm cụ thể của nó. Loại hình và sự biểu hiện của loại hình qua những tác phẩm của nó là những cấp độ cơ bản, đơn vị cơ bản, qua đó, ta nghiên cứu cơ cấu nội tại của văn hóa dân gian địa phương. 

3. Tìm hiểu đặc thù của từng loại hình văn hóa dân gian ở địa phương. Những đặc thù của các loại hình văn hóa dân gian ở địa phương thường được biểu hiện ở các dấu hiệu đề tài, hình thức chức năng sinh hoạt. Các dấu hiệu này thường có sự liên quan chặt chẽ với nhau. 

4. Tìm hiểu sự giao lưu văn hóa của các địa phương. Vì trong quá trình vận động trên hai trục không gian và thời gian, văn hóa dân gian của các địa phương luôn tác động qua lại lẫn nhau. Văn hóa dân gian ở địa phương này thu hút những tinh hoa của văn hóa dân gian ở địa phương kia và ngược lại. Quá trình giao lưu văn hóa của các địa phương chịu sự tác động của những quy luật lịch sử - xã hội cơ bản. 

Xuất phát từ nền văn minh sông nước, tìm hiểu văn hóa Nam Bộ, tất nhiên phải tìm hiểu nền văn minh nông nghiệp theo kiểu "làm nương rẫy". Dấu ấn của nền văn minh này để lại dấu ấn rất đậm nét trong ca dao dân ca. 

Gió đưa gió đẩy
Về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá
Về đồng ăn cua
Bắt cua làm mắm cho chua
Gởi về quê mẹ đỡ mua tốn tiền


Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh
 


Trên đất giồng mình trồng khoai lang
Trên đất giồng mình trồng dưa gang
Hỡi cô gánh nước đường xa
Còn bao gánh nữa để qua gánh giùm


Hoa trong vườn nhà ai
Đưa làn hương ngược gió
Lẫn trong mùi cây cỏ
Anh biết tìm em đâu 

(Phaka Kroong- dân ca Khơme) 


Bên kia sông có một vườn dâu
Em biết đâu chính tay anh trồng
Đưa em đi con nước xuôi dòng
Em biết không, lòng anh xôn xao?
Anh cùng em qua sông hái dâu
Em nuôi tằm cái áo viền bâu
Áo em mặc kín đáo bít bòng
Mọi việc phải do mình yêu nhau

(Oum tuk- dân ca Khơme)


…..

Từ nền văn minh miệt vườn này, ta thấy xuất hiện chiếc đòn gánh của đồng bào Khơme có hai mấu ở hai đầu. Nó không chỉ để gánh, nó còn là thứ vũ khí để chống đỡ khi cần; và khi mệt mỏi vì công việc, nó còn là chiếc ghế để ngồi rất đắc dụng. Chính cộng đồng các tộc người cùng chung lưng mở đất, biến vùng đất phù sa mới trầm thủy thành nền văn minh miệt vườn miệt ruộng, đã nổ lực mở rộng quan hệ ra phía biển, đã biến cả một vùng đất hoang sơ thành nền văn minh bản địa phát triển rất cao- trên cơ sở nền văn minh Ấn Độ giáo, có sự hội nhập với nhiều nền văn minh khác. 

Thâm nhập thực tế, phải bắt đầu từ việc tiếp xúc với cộng đồng dân cư. Bởi dân cư là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, là lực lượng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiến hành những đổi mới trong tất cả các quá trình sản xuất, là lực lượng đấu tranh xã hội và cải tạo thiên nhiên, là lực lượng xây dựng và hình thành những tư tưởng và lối sống mới của thời đại ngày nay. Khi tiếp xúc với các cộng đồng dân cư của khu vực, chúng ta cần phải ý thức rằng, chính dân cư là bộ phận chứa đựng nhiều đặc trưng về dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán, những thói quen và đặc điểm về sản xuất, phụ thuộc vào những nhân tố xã hội, tộc người và điều kiện thiên nhiên của các vùng sinh thái cụ thể. 

Về góc độ dân cư, đồng bằng châu thổ sông Cửu Long là một vùng dân cư hỗn hợp, với nhiều nguồn gốc địa phương khác nhau, đa dạng về mặt tín ngưỡng và tôn giáo, chênh lệch cách xa nhau về lối sống và phong tục tập quán, trình độ phát triển xã hội và văn hóa, cũng như thói quen canh tác và phong cách làm ăn. Bốn yếu tố tộc người Việt, Khơme, Chăm, Hoa là rất quan trọng đối với việc thâm nhập thực tế để tìm vẻ đẹp của ca dao dân ca Nam Bộ, cũng như các loại hình nghệ thuật khác. Yếu tố tộc người và văn hóa Chăm và Mã Lai - đa đảo, yếu tố Khơme là những yếu tố văn hóa và tộc người cổ xưa nhất, đã hình thành ở đồng bằng sông Cửu Long từ trước TK XVII. Từ TK XVII về sau, yếu tố tộc người Việt và văn hóa Việt đã trở thành nhân tố phát triển cơ bản của cả khu vực châu thổ phù sa mới rộng lớn, bên cạnh sự hòa hợp những yếu tố của tộc người vùng ven biển nam Trung Hoa. Ngày nay, đứng về mặt toàn vùng châu thổ mà xét, thì tính chất bao trùm và phổ cập, chính là sự hòa hợp và phát triển của những yếu tố văn hóa của các tộc người, mà yếu tố văn hóa của tộc người Việt là chủ đạo. Song những đặc trưng văn hóa của các tộc người anh em khác, vẫn tồn đọng sâu đậm trong nông thôn của nhiều vùng- đặc biệt là những vùng có tính chất khu biệt như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Vì vậy, châu thổ sông Cửu Long, là một vùng đồng bằng duy nhất ở nước ta, về mặt dân cư và dân tộc, có những đặc trưng nổi bật, mà chúng ta cần phải lưu ý trong quá trình cải cách nói chung, và quá trình cải cách văn hóa nói riêng. 

Tính chất hỗn hợp và đa dạng về mặt dân cư và quá trình xích lại gần nhau, hòa hợp giữa các dân tộc trong khu vực, là một hiện tượng lịch sử có tính quy luật, bắt nguồn từ lịch sử di dân và sự hình thành những vùng sinh thái nhân văn của cả khu vực châu thổ phù sa mới rộng lớn. Nó góp phần hình thành các loại hình dân cư, mà dân cư nông nghiệp là lại hình dân cư có số dân đông nhất; bao gồm những nhóm dân cư chuyên canh ruộng nuớc, chuyên canh lúa nổi và chuyên canh về rẫy. Bên cạnh đó, còn có loại hình dân cư thứ hai là dân cư phi nông nghiệp, bao gồm dân cư thành phố, thị tứ và nhóm dân cư buôn bán nông sản ở nông thôn (ở đây chúng ta cũng cần kể tới nhóm dân cư làng nổi sống bằng nghề cá bè, buôn bán thương hồ để xác định loại hình dân cư của họ). Loại hình dân cư thứ ba là cộng đồng dân cư, dân tộc và tôn giáo, là một đặc điểm lớn khó có vùng nào ở nước ta tồn tại trong thực tế và lịch sử. Ở Nam Bộ, dân số Khơme chiếm tuyệt đại đa số ở huyện Trà Cú - Trà Vinh và một số huyện Khác ở Sóc Trăng, Hậu Giang; người Hoa có số dân đa số tuyệt đối trong một số xã ấp ở ở Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau; người Chăm có dân số tuyệt đối ở một số xã thuộc vùng Châu Đốc - An Giang. 

Về góc độ tôn giáo, đạo Phật tiểu thừa hầu như là tôn giáo toàn dân của người Khơme; Hồi Giáo là tôn giáo của toàn thể người Chăm ở Châu Đốc; đạo Hòa Hảo chiếm khoảng 78% tổng số dân tỉnh An Giang; đạo Cao Đài thì phát triển mạnh ở Bến Tre, Long An và Tiền Giang. 

Phân loại dân cư và dân tộc là hai đối tượng tổng hòa của nhiều hiện tượng xã hội, là đối tượng của nhiều ngành khoa học xã hội, mà khi thâm nhập thực tế, chúng ta cần phải hướng tới, để có thái độ và cách thức tiếp cận tốt nhất. Điều cần xác định là việc nhìn nhận vị trí đặc biệt của cả vùng châu thổ phù sa mới rộng lớn, nơi gặp gỡ của những nền văn hóa cổ rực rỡ, là nơi thiên di và sinh tụ của nhiều tộc người trong lịch sử. Đó là nơi mà các dân tộc Việt, Khơme, Chăm, Hoa đã cùng cư trú bên nhau, khai thác đất đai, xây dựng cộng đồng và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng chính là những nét văn hóa chung của các cư dân Nam Á tập trung rõ nét ở châu thổ sông Cửu Long, chứng minh một cội nguồn chung và một xuất nguyên giống nhau, phản ánh trên tư duy thần thoại và truyện cổ dân gian, ca dao dân ca dân gian của các dân tộc Việt, Khơme, Chăm, Hoa trên nền quan niệm về nhị nguyên luận vũ trụ, hay thuyết vật chất nhị nguyên tương phản; trong đó đất, nước, núi và đồng bằng, lục địa và biển, loài có cánh và và loài thủy sinh tương phản nhau. Bên cạnh đó là các tục thờ đá trong các miếu thổ thần của người Việt, miếu Ông Bổn của người Hoa và miếu Néak- Tà của người Khơme; những ngày hội nước với những tục đua ghe và những lễ nghi trong nông nghiệp vào mùa khô của người Khơme, người Chăm… Đó là dấu vết nhà sàn trong các Sala chùa Khơme, nhà người Việt vùng Đồng Tháp, An Giang. Đó là phương thức thủy lợi cổ đào ao chứa nước, như ao Bà Om của người Khơme ở Trà Vinh, ao chứa nước trong rẫy của người Hoa ở Vĩnh Châu - Bạc Liêu, cách xẻ mương, lên liếp ở các miệt vườn. 

Ngoài ra, châu thổ sông Cửu Long còn là một vùng bán đảo chịu ảnh hưởng nặng của thủy triều và các sông rạch, con nước lớn ròng, do đó yếu tố văn hóa biển và văn hóa Mã Lai, Inđônôdiên khá rõ nét. Cho nên người Việt vùng Cà Mau, Rạch Gá rất giỏi nghề đóng ghe xuồng và làm đồ thủ công, người Chăm giỏi nghề đánh cá trên sông… Các miếu Ông Bổn Đầu Sông và miếu Bà Thiên Hậu rải rác khắp cả vùng châu thổ đã minh chứng cho nền văn hóa biển của cả vùng đất. Bên cạnh nền văn hóa chung, mỗi dân tộc trong cộng đồng vẫn có những đặc thù văn hóa truyền thống của dân tộc mình, phản ánh bản sắc văn hóa riêng. Ở đây, người Việt là dân tộc đa số, chủ thể mà tổ tiên là những người nông dân từ đồng bằng sông Hồng, từ Ngũ Quảng di cư vào khai thác đất đai, xây dựng làng xóm, đình chùa, để lại dấu ấn của nền văn minh cây lúa nước, bằng việc đào đắp kinh mương, làm sống dậy sự trú phú của cả vùng châu thổ phù sa mới. Người Việt với những nổ lực của mình trước thiên nhiên đầy những tiềm ẩn, thử thách, đã sáng tạo nên những cá tính và đặc điểm văn hóa đặc sắc và nhiều sản phẩm vật chất phong phú. Như bưởi Năm Roi Bình Minh, xoài cát Hòa Lộc, cam Cái Bè, vú sữa Lò Rèn, thuốc rê Cao Lãnh, mắm Châu Đốc, dừa Bến Tre, sầu riêng Chợ Lách, gạo nàng Loan Long An, mắm tôm chua, mắm tôm chà Gò Công, nem Lai Vung… Đó còn là kỹ thuật dùng phảng phát cỏ, đốt rồi cấy lúa rất hợp với thiên nhiên ngập tràn cỏ năng của vùng đất. Cũng chính người Việt đã du nhập ca nhạc cung đình Huế, chế ra loại hình văn nghệ dân gian quý báu là cải lương; rồi lại còn các loại hình nói thơ Lục Vân Tiên, thơ Thầy Thông Chánh, nói tuồng, nói vè, hô lô tô, ca ra bộ, hò đối đáp, hát huê tình… Người Việt ở đây còn có chiếc áo bà ba, chiếc khăn rằn và các loại mắm rất đặc trưng. Đây là những nét văn hóa Việt đã được đổi mới một phần cho thích nghi với cách ứng xử trước thiên nhiên kỳ bí của vùng đất mơi. 

Bên cạnh người Việt, cư trú xem kẽ trong các vùng Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tri Tôn là đồng bào Khơme anh em. Người Khơme quần tụ trong các phum sóc được thiết lập lâu đời, trên các giồng đất cao, bao quanh các ngôi chùa Phật giáo tiểu thừa, giữa những hàng cây sao, cây dầu cao vút. Theo truyền thuyết, khởi nguyên người Khơme là con cháu của chim thần Garuda, có sức điều động lửa, sấm sét, có khả năng thống lãnh nước, mưa, sông rạch của giòng dõi cá thần và rắn thần Nagar. Họ có một lịch sử văn hóa, nhân chủng, tổ chức xã hội và chữ viết Pali, mang ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Ấn Độ, cũng như sức sáng tạo phong phú của bản thân dân tộc mình. 

Từ thế giới quan Phật giáo tiểu thừa, và từ tư duy lưỡng nguyên, người Khơme đã tạo nên một nền văn hóa cá biệt với những kiến trúc chùa nguy nga, với mô típ Rìa hu, tượng tròn, tượng bốn mặt, chim thần, rắn thần, với các dạng thức phù điêu mang cá tính và phong cách riêng. 

Vốn là một dân tộc có truyền thống văn nghệ, người Khơme đã sáng tạo ra nhiều loại hình ca vũ độc đáo, từ điệu múa trống Xà zăm, múa vui Krap, múa gáo dừa Tro jok, múa Chằng khum- rông, đến các điệu hát A-yay trữ tình, hát đối đáp Prop-kay, Chằm riêng-chàpay, ca đàn kể truyện cổ, và vươn tới những hình thức sân khấu hoàn chỉnh như kịch múa Robăm và kịch hát Yu-kê. 

Người Hoa Nam Bộ trong quá trình di trú đã giản dị hóa phong tục và tín ngưỡng của mình, chỉ giữ lại tục thờ thần và lệ chiêm bái. Người Hoa còn mang đến những nghề nghiệp thủ công truyền thống, nghề làm vườn trên giồng cát, và làm thông thương xích gần các cộng đồng địa phương lại với nhau, bằng việc cung cấp các dịch vụ bán lẻ hàng hóa nông sản. Ngoài ra họ còn mang đến đồng bằng châu thổ tục thờ Quan Công, Quan Âm, các tuồng Tàu, các điệu hát Tiều, hát Quảng… cùng chuẩn mực đạo đức, cách sống là những âm hưởng tàn dư những giáo điều Khổng Mạnh. 

Người Chăm xuất phát từ một bộ phận người Chăm ở miền Trung di cư đến, theo chương trình "tận dân vi binh" lập đồn điền của triều đình nhà Nguyễn. Do những quan hệ nhiều đời với người Khơme bên cạnh người Java mà người Chăm Nam Bộ có những nét văn hóa riêng, tuy vẫn giữ lại truyền thống xây gạch, tổ chức xã hội theo Hồi giáo với ông HaKim (như xã trưởng), thánh đường, tháng ăn chay Ramadan và đọc kinh Coran. 

Người Chăm sống ở Châu Đốc theo đạo Islam. Đạo Islam chi phối toàn bộ sinh hoạt, phong tục, cho đến cách phân bố phòng ở, cách trang phục. Trang phục của người Chăm Châu Đốc rất kín đáo, hầu như che phủ, giấu kín cơ thể càng nhiều càng tốt. Với truyền thống văn hóa lâu đời của mình, người Chăm đã sáng tạo nên một kho tàng văn nghệ rất phong phú về nội dung, về cấu trúc, hình tượng. Đó là ca dao (Pa nược - Pa dít), hát giao duyên (Ađtọh Atăm, Tàrà), hát trữ tình ân ái (Ađtọh Mưzút), hát ống (Ađtọh Đing), hát đố (Ađtọh Padao), vè (Ariya),gia huấn ca (Ariya Patoa Pakay), ngâm (Harí Ariya), xướng trường ca, anh hùng ca (Ămpăm), các điệu hò xay lúa, giã gạo (Ađtọh Raxunxa), hò đám ma (Ađtọh Tămmưtờri- Ađtọh Kamưrơ), hát ru em (Ađtọh Ru Anứk), đồng dao (Ađtọh Raneh)… Tuy nhiên, theo giáo lý kinh Coran, người Chăm vẫn cho rằng âm nhạc và lời ca tiếng hát làm mê hoặc tâm linh con người, làm con người sa ngã theo dục vọng, không còn đủ trí sáng suốt để suy gẫm lời kinh. Bởi vậy họ ngăn cấm hát xướng, nhất là các loại hát hò huê tình của nam nữ. Vì giới luật của Hồi giáo ngăn cấm, nên sinh hoạt văn nghệ dân gian của người Chăm Châu Đốc không phát triển hơn được nữa. Để bù đắp vào chỗ sinh hoạt văn nghệ bị gò bó, người Chăm ở Châu Đốc đã cố công xây dựng một hệ thống văn học dân gian với đủ loại truyện kể. Đây là công đóng góp của người Chăm Châu Đốc vào kho tàng văn học dân gian của châu thổ phù sa mới Nam Bộ. 

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Dấu ấn người Hoa ở Đồng Nai

Dấu ấn người Hoa ở Đồng Nai 

* Phan Đình Dũng
Đồng Nai được xem  là địa đầu trong tiến trình khai khẩn của Nam Bộ. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh là người “điểm nhãn” về mặt pháp lý trong việc khẳng định biên cương ở vùng đất phương Nam trong diễn trình lịch sử nước Việt. Sự có mặt, khai phá của cư dân Việt là nhân tố quan trọng và sự khai phá của nhóm cộng đồng người Hoa là nhân tố tích cực, cả hai đã góp phần tạo nên cơ sở “dân khai mở trước, nhà nước quản lý sau” để Nguyễn Hữu Cảnh thực hiện việc thiết lập bộ máy hành chánh đầu tiên ở Nam Bộ trong chuyến kinh lược vào năm 1698.
Cho đến nay, dù chưa biết đích xác những lưu dân Việt đặt chân lên xứ Đồng Nai vào thời điểm nào, nhưng chắc chắn, họ đã có mặt trước năm 1623, khi chúa Nguyễn thiết lập đồn thu thuế tại Preikor (địa điểm được xác định thuộc nội ô Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Sự có mặt của nhóm cộng đồng người Hoa được sử sách chép với mốc thời gian định vị rõ ràng. Sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết: “Tháng 5 năm Kỷ vị (1679), Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, bầy tôi nhà Minh, không phục nhà Minh, đã dẫn 3.000 người với 50 chiếc thuyền nhập cửa biển Tư Dung, xin định cư ở nước Việt. Chúa Nguyễn chấp thuận và sai các tướng Vân Trình, Văn Chiêu hướng dẫn cho vào đất Đông Phố. Nhóm Long Môn của Dương Ngạn Địch theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư tại Mỹ Tho. Nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ đến sinh sống ở xứ Bàn Lân (tức Biên Hòa ngày nay)”.
Hơn ba trăm năm có lẻ, kể từ khi đặt chân đến vùng đất Đồng Nai “xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”, nhóm người Hoa bắt đầu tạo lập cuộc sống trên vùng đất mới. Họ cùng với người Việt – số di dân đến định cư trước, cần mẫn khai khẩn, mưu cầu về một cuộc sống ấm no hơn, hạnh phúc hơn nơi mà họ đã ra đi, dù trước mắt còn nhiều chông gai, trắc trở. Bao thế hệ người Hoa, từ đoàn di dân đầu tiên đến những đợt di cư  về sau, đã đến Đồng Nai để khai khẩn, xây dựng vùng “tị địa”, trước còn xa lạ, sau trở thành “quê hương” thân quen, bao dung họ.
Trải qua bao biến cố lịch sử, lúc thăng, lúc trầm trong suốt quá trình di cư, định cư ở Đồng Nai, người Hoa đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc khai phá, xây dựng vùng đất này. Bao cái còn, cái mất với thời gian bể dâu, cộng đồng người Hoa đã để lại những dấu ấn trong diễn trình lịch sử Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung. Mà ở đó, không chỉ là hoài niệm trong quá khứ của một thời đoạn lịch sử, của những cái đã từng tồn tại nay đã mất mà cả những điều tưởng chừng như vô hình lại trở thành hữu thể trong một đời sống tinh thần được thể hiện phong phú, đa dạng cho đến hôm nay.
Ngày nay, đi trên những nhánh sông chảy ngang địa phận thành phố Biên Hòa (Phước Long Giang xưa) ôm trọn Cù lao Phố êm ả, nếu không có sách sử chép, chúng ta khó nhận diện được một thương cảng sầm uất của xứ Đồng Nai – Gia Định cách nay hàng mấy thế kỷ. Tên gọi Cù lao Phố dân dã ấy lại là danh xưng dễ quen, dễ nhớ về một nơi từng được định danh “xứ đô hội” mà công đầu tạo dựng là của nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu thực hiện. Thương cảng Cù lao Phố được miêu tả tường tận dưới cái nhìn của Trịnh Hoài Đức như sau: “Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu tập người buôn nước Tàu đến kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm, chia vạch làm ba đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền ở biển và ở sông đến đậu neo, có những chỗ liên tiếp nhau, một chỗ đại đô hội, những nhà buôn to lớn duy ở đây là nhiền hơn.” Trong lịch sử tồn tại, Cù lao Phố là nơi phát triển nhiều ngành nghề như dệt, làm chiếu, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía nấu đường… Đặc biệt, sản phẩm đường ở Cù lao Phố được xem là hàng đặc sản, được nhiều quốc gia lân cận đặt mua. Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng từ các địa điểm vệ tinh vùng miệt thượng và hạ sông như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá là những nơi có những người Hoa thạo nghề buôn bán sinh sống. Có thể nói, thương cảng Cù lao Phố là nơi hội nhập, phát triển nhiều mặt, trong đó mạnh mẽ nhất là thương mại thời bấy giờ ở Nam Bộ với cảnh: “…phố chợ thương mãi, giao thông với người Tàu, người Nhật Bản, Tây Dương, thuyền buôn tụ tập đông đảo, phong hóa Trung Quốc từ đây làm tỏa khắp vùng Giản Phố vậy”.
Thế nhưng, thương cảng sầm uất, kiến trúc phong quang của Cù lao Phố bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề qua cuộc bạo loạn của khách thương người Phúc Kiến là Lý Văn Quang năm 1747 và đặc biệt trong cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh vào năm 1776: “Từ đấy, chỗ này biến thành gò hoang, sau khi trung hưng, người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm như lúc trước”. Qua thời cuộc bể dâu, thời kỳ hoàng kim của Cù lao Phố tức xứ đô hội của Nông Nại đại phố đã trở thành dĩ vãng. Dấu vết của thương cảng, đô thị cổ vào loại bậc nhất ấy của Nam Bộ đã bị xóa nhòa. Những điều sử sách ghi chép về thương cảng nầy giúp cho thế hệ hậu sinh khi đến với mảnh đất nầy biết rằng: Ở đây, đã có một thời…

Niên đại hình thành đất Phú Yên, tỉnh Phú Yên ngày nay


Niên đại hình thành đất Phú Yên,
tỉnh Phú Yên ngày nay
Trần Viết Ngạc
Mục đích của bài viết là xác định một thời gian hình thành vùng đất mà ngày nay ta gọi là tỉnh Phú Yên.
Những niên đại mà chúng ta có thể xem là những mốc thời gian liên quan đến vùng đất này là các năm 1471, 1597, 1611. Các sự kiện xảy ra trong các năm ấy có liên quan đến lịch sử đất Phú Yên ngày nay là gì? Và ta nên chọn sự kiện nào để xác định rằng từ đấy phần đất này đã hình thành như là một bộ phận của lãnh thổ đất nước Việt với làng mạc được thiết lập, nhân dân Việt làm ăn sinh sống dưới một chính quyền của nước Việt.
A. Sự kiện xảy ra năm 1471: Đó là cuộc chinh phạt nước Champa của vua Lê Thánh Tông khi được cấp báo quân Champa xâm phạm Hóa châu vào năm 1470. Nhà vua đã tiến quân đến Thạch Bi Sơn và sau đó đã sáp nhập phần đất phía Bắc Thạch Bi Sơn của Champa vào nước Việt và lập thừa tuyên thứ 13, thừa tuyên Quảng Nam.
Theo thiển ý, ta không nên chọn mốc thời gian này làm mốc hình thành vùng đất mà ngày nay là tỉnh Phú Yên vì nhiều lẽ:
1. Từ năm 1471, người Việt chưa di dân vào vùng đất phía Nam đèo Cù Mông. Xác lập cương giới bằng chiến tranh và việc thiết lập làng xã, có nhân dân định cư sinh sống là hai sự kiện không phải lúc nào cũng song hành. Ở Phú Yên, khoảng cách thời gian giữa hai sự kiện này là hơn một thế kỷ (1471-1597).
2. Sau năm 1471, dân tộc Champa không bao giờ quật khởi được nữa và đánh dấu một giai đoạn suy tàn đã bắt đầu. Dân tộc Chăm hiện nay là một trong 54 dân tộc của nước ta. Văn hóa Chăm là một phần của văn hóa Việt Nam. Cho nên vì sự dung hợp văn hóa, sự đoàn kết của đại gia đình các dân tộc, chúng ta không nên lấy năm này làm mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên. Vừa không hợp tình vừa không đạt lý. Kỷ niệm 540 năm thành lập tỉnh Phú Yên vào năm 2011 chỉ gợi lại một sự kiện xung đột giữa hai vương quốc Đại Việt và vương quốc Champa trong quá khứ. Đó là một kỷ niệm buồn đối với đồng bào dân tộc Chăm. Về lý lại càng không thể. Vùng đất đó chưa có người Việt đến sinh sống, chưa thiết lập làng xã (đơn vị cơ bản của nước: làng nước) và chính quyền trung ương chưa quản lý vùng đất ấy. Trước năm 1597 đó là một vùng đất mà ruộng đất cũ của người Chăm không ai cày cấy (hoang điền nhàn thổ như công văn của Tổng trấn Nguyễn Hoàng năm 1597 xác nhận).
B. Năm 1611, nên chăng? Đó là năm thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa mà Văn Phong được đặt làm lưu thủ phủ Phú Yên. Người ta dễ có xu hướng chọn niên đại này làm mốc thời gian hình thành tỉnh Phú Yên vì địa danh Phú Yên lần đầu tiên được xuất hiện.
Xin thưa ngay, có phải đấy là một chủ trương duy danh? Phải chăng sự vật chỉ bắt đầu tồn tại khi nó được đặt tên, một cái tên còn tồn tại đến bây giờ? Xin lấy tỉnh Quảng Nam làm ví dụ cụ thể. Trước đây người ta cho rằng Quảng Nam hình thành từ năm 1471 là năm danh xưng Quảng Nam được khai sinh với thừa tuyên Quảng Nam dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngày nay, viết địa chí Quảng Nam, viết lịch sử Quảng Nam người ta đã lấy niên đại 1306 làm mốc hình thành một phần đất Quảng Nam vì rằng từ sông Thu Bồn trở về phía Bắc đến đèo Hải Vân đã là đất Đại Việt kể từ đám cưới Huyền Trân - Chế Mân. Một phần Quảng Nam ngày nay, mà là một bộ phận khá quan trọng, xưa kia thuộc Hóa Châu (Châu Rí cũ). Truyền thống kiên cường của Hóa Châu dưới đời Trần, đời Minh thuộc... được thừa nhận là truyền thống buổi đầu của Quảng Nam ngày nay. Quảng Nam có thêm một thế kỷ mới trước năm 1471 (1306-1471) trước khi danh xưng Quảng Nam xuất hiện.
Ta thử xét điều gì sẽ xảy ra nếu ta áp dụng quan niệm duy danh này cho Thừa Thiên? Vùng đất mà Huyền Trân đã đem về cho đất nước, dân tộc kể từ năm 1306 với danh xưng Châu Hóa từ năm 1307 và cho đến triều Gia Long xuất hiện dưới tên Quảng Đức doanh? Thừa Thiên chỉ là Thừa Thiên kể từ khi được đặt tên? Thậm vô lý.
Trở lại với sự kiện chủ sự Văn Phong, năm Hoằng Minh thứ 12 (1611), được Nguyễn Hoàng, với tư cách Tổng trấn Thuận Quảng sai đi đánh lấy đất Phú Yên ngày nay... phải chăng trước năm 1611, đất Phú Yên ngày nay còn thuộc vương quốc Champa? Phải chăng trước năm 1611, làng xóm người Việt chưa được thiết lập, người Việt chưa hề sinh tụ ở phần đất từ đảo Cù Mông trở về phía Nam? Hoàn toàn không phải thế.
Ông Văn Phong, lưu thủ phủ Phú Yên quản lý ai ở đó? Huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa là các huyện được thiết lập trống không, đất đai chưa có người ở và làng xã chưa được thiết lập? Không thể có điều nghịch lý. Đánh chiếm đất, chia đặt phủ, huyện rồi sau đó mới di dân, thiết lập làng xã!
C. Niên đại 1597. Đó là sự kiện Lương văn Chánh được Nguyễn Hoàng từ Thăng Long sai phái vào phía Nam đèo Cù Mông, đưa dân khách hộ (không phải chính hộ) đến định cư, thiết lập làng xã.
Cần thiết nhắc lại nguyên văn sắc lệnh đó.
"Thị Phù Nghĩa Hầu Lương văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền Tuy Viễn huyện, An Biên trấn, văn:
Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân tố tính khách hộ các thôn phường tòng ứng vụ, nhưng suất phủ khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Điểu, Đà Niễu đẳng xứ, thượng chí nguồn Di, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư, địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ để thục nạp thuế như lệ.
Nhược chủ sự nhiễu dân, khám đắc xử tội.
Tư thị.
Quang Hưng, nhị thập niên nhị nguyệt sơ lục nhật."
Dịch nghĩa:
"Dạy Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh đã giữ việc quân lâu ngày, có công trạng, quyền coi huyện Tuy Viễn, Trấn An Biên rằng:
Hãy liệu đem số người trục vào dân xã Bà Thê và các khách hộ thôn phường tòng hành ứng vụ, rồi lấy riêng số nhân dân khách hộ đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn Di, lưới tới cửa biển, thành lập địa phận gia cư, khai khẩn ruộng đất hoang nhân tới khi thành thục, nạp thuế như lệ thường.
Nếu vì lo việc mà nhiễu dân, xét ra sẽ bị xử tội.
Nay dạy.
Quang Hưng, năm thứ hai mươi [1597], ngày mồng sáu tháng hai."
Công văn của Tổng trấn Thuận Quảng
sai Lương Văn Chánh vào khai khẩn đất Phú Yên
Phân tích sắc lệnh trên ta thấy rõ:1. Với cương vị quyền trông coi huyện Tuy Viễn, Trấn An Biên [vùng sát biên giới cực Nam], Lương Văn Chánh thực hiện việc di dân lập ấp ở trong phạm vi mình quản lý. Vùng Phú Yên ngày nay bấy giờ thuộc huyện Tuy Viễn, trấn An Biên. Rõ ràng đây không phải là sắc lệnh điều Lương Văn Chánh sang một địa phận khác và việc di dân (khách lộ) lập làng xóm trên một phần đất mà ruộng, đất đã bỏ hoang, không trồng trọt (hoang điền, nhàn thổ) đã lâu. Ai bỏ hoang nếu không phải dân Chăm thuở ấy đã lùi về bên kia Thạch Bi Sơn? Và khi đã khai hoang thành thục thì sẽ thu thuế như lệ thường. Muốn thu thuế thì phải lập sổ điền để có căn cứ.
Công việc của Lương Văn Chánh gồm hai giai đoạn mà giai đoạn sau công việc tương tự như chúa Nguyễn Phúc Chu đã giao cho Nguyễn Hữu Cảnh năm 1698.
Công việc của Văn Phong, 13 năm sau đó, chỉ là đánh đuổi người Chăm trở lại xâm lấn, (một sự tranh chấp thường xuyên xảy ra như đã từng xảy ra ở Hóa Châu thời xứ này còn là miền biên viễn) và đã đến lúc thiết lập một đơn vị hành chánh mới trên đất Trấn Biên cũ: phủ Phú Yên.
Việc chọn niên đại 1597 như thế là có căn cứ, có tư liệu chứng thực cụ thể. Sắc lệnh này được con cháu tộc Lương giữ gìn cẩn thận. Đã qua, 410 năm, mà giấy, mực, son tờ sắc lệnh vẫn còn nguyện vẹn!
Việc chọn niên đại 1597 là phù hợp với truyền thống lịch sử, sự ghi nhận công lao của người đã có công khai phá đất Phú Yên hôm nay. Có thể nói đây là một sự kiện độc đáo và duy nhất. Có người có công khai khẩn một làng hay nhiều làng. Đã có người có công khai khẩn một hay nhiều huyện (như Nguyễn Công Trứ) nhưng chưa có tỉnh nào trong toàn quốc lại có một người và chỉ riêng một người được giao nhiệm vụ và đã có công khai khẩn như ở Phú Yên. Công ấy, chức ấy (quan Trấn Biên) đã được khẳng định từ năm 1689 với sắc phong năm Chính Hòa thứ 10 và các năm 1693 (Chính Hòa thứ 14), 1740 (Vĩnh Hựu năm thứ 6), 1744 (Cảnh Hưng năm thứ 5), 1767 (Cảnh Hưng thứ 28), 1822 (Minh Mạng năm thứ 3), 1843 (Thiệu Trị năm thứ 3) (Hai sắc phong thần), 1850 (Tự Đức năm thứ 3), 1880 (Tự Đức năm thứ 33), 1887 (Đồng Khánh năm thứ 2) và 1909 (Duy Tân năm thứ 3) - nghĩa là xuyên suốt 4 thế kỷ.

Tam quan lăng Lương Văn Chánh lúc chưa được trùng tu
Suốt từ các chúa Nguyễn rồi đến các vua Nguyễn đều ghi công bảo quốc, hộ dân của quan Trấn Biên Lương Văn Chánh.
Suốt 4 thế kỷ, Lương Văn Chánh được cả đời chúa, rồi các đời vua ghi nhận công lao bảo quốc hộ dân. Tôn danh Lương Văn Chánh Tiền Trấn Biên quan tham tướng Phù quận công Lương Quý Phủ luôn luôn được nhân dân ghi nhớ và được xem là thần hộ mệnh cho nhân dân Phú Yên chỉ sau thần bản mệnh của dân tộc Chăm là Thiên Y A Na Diễn Phi (Po Nagar).
Người khai phá đất Phú Yên ngày nay tồn tại trong tinh thần và tâm linh người dân Phú Yên suốt từ 1597. Có được một niên đại cụ thể, có được một tư liệu chứng cứ còn nguyên vẹn hơn bốn thế kỷ, có được một nhân vật đã được phong thần bảo quốc hộ dân liên tục qua các triều vua chúa, có được một ngôi mộ còn nguyên vẹn và đã được xây dựng lại đàng hoàng, một nhà thờ tồn tại qua bao nhiêu thử thách... tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc cho nhân dân Phú Yên và việc chọn niên đại 1597 để xác định mốc thời gian hình thành đất Phú Yên, tỉnh Phú Yên hôm nay là phù hợp với truyền thống, phù hợp với lịch sử và lòng người.
Trần Viết Ngạc
Thành phố Hồ Chí Minh

Hình thức khai hoang doanh điền dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX – thành tựu và ý nghĩa


Hình thức khai hoang doanh điền dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX – thành tựu và ý nghĩa 
Nguyễn Viết Hảo (Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng)


I. Đặt vấn đề
Trong quá trình phát triển của lịch sử, khai phá đất hoang mở rộng diện tích trồng trọt là một yêu cầu sống còn trong điều kiện một nước nông nghiệp như nước ta. Từ thời kỳ dựng nước đây là một hoạt động được tiến hành thường xuyên, liên tục. Sang đến thời kỳ phong kiến độc lập, công tác đó càng được chú trọng đặc biệt như là một nhiệm vụ tất yếu khách quan của quốc gia Đại Việt. Nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang được các vua triều Nguyễn tiến hành một cách triệt để hơn, trở thành một chủ trương quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, mở rộng đất đai, đồng thời ổn định đời sống nhân dân.
Doanh điền là một trong 3 hình thức khai hoang chủ yếu được triển khai dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, bên cạnh đồn điền và khai hoang tự do của nhân dân. Nội dung bài viết này tập trung khảo cứu hoàn cảnh ra đời và biện pháp khai hoang doanh điền để làm rõ thành quả, ý nghĩa và tác động của hình thức khai hoang này với kinh tế xã hội Việt Nam đương thời. Đi đến luận giải tại sao hình thức khai hoang này lại áp dụng thành công trên phạm vi nước ta từ Bắc đến Nam. Làm rõ vấn đề này để thấy rằng, đây là hình thức khai hoang tích cực mà triều Nguyễn triển khai vào tiền bán thế kỷ XIX, góp phần to lớn vào việc mở rộng diện tích đất đai trong cả nước, phân bố dân cư, ổn định đời sống nhân dân.
II. Nội dung
2.1.  Hoàn cảnh ra đời và biện pháp khai hoang
Doanh điền là cách gọi khác của hình thức khai hoang kết hợp giữa nhà nước và nhân, vừa nhằm giải quyết vấn đề nhân lực ở nông thôn, vừa nhằm biến các vùng đất hoang ở ven biển, ven sông thành làng xóm, ruộng đồng. Nửa đầu thế kỷ XIX, trước tình trạng ruộng đất tư phát triển mạnh mẽ, ruộng đất công thu hẹp đáng báo động và trước những biến động của xã hội đương thời, hình thức khai hoang doanh điền chính thức được thực hiện. Năm 1828 sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ lúc đó là tổng đốc An Hải đã dâng sớ lên triều đình xin làm 3 việc, trong đó việc thứ 3 là xin “ vỡ ruộng hoang cho dân nghèo”. [4, tr. 719] ở Nam Định, Ninh Bình. Kế hoạch khai hoang của ông có đoạn viết: “Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thủy, Chân Định mênh mông, bát ngát. Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”[4, tr. 719-720]. Trên cơ sở đó ông đi đến kết luận, “như thế đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu” [4, tr. 720]. Triều Nguyễn lúc đó, đặc biệt là Minh Mạng, thấy đây thực sự là một dự án khai hoang mang tính khả thi cao và đã phong cho ông làm Doanh điền sứ, chịu trách nhiệm thực thi kế hoạch khai hoang của mình với sự giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí từ nhà nước. Trong Minh Mệnh chính yếu, vua Minh Mạng có đoạn dụ rằng: “Triều đình muốn giáo hóa dân, không có gì khác hơn là trước tiên phải hướng dẫn dân chú trọng về căn bổn (tức nghề nông). Nay công việc dinh điền đã ủy cho khanh vậy nếu có thể làm việc gì mà vì trăm họ hưng lợi trừ hại, thì cho được tiện nghi hành sự” [3, tr. 22]. Hình thức khai hoang doanh điền ra đời trong bối cảnh như vậy. Hai mươi lăm năm sau (1853), hình thức này được tái áp dụng ở 6 tỉnh Nam Kỳ dưới sự chỉ đạo của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và ở Khánh Hòa 1855 bởi những tính ưu việt mà nó mang lại. Tóm lại, nửa đầu thế kỷ XIX, doanh điền được
thực hiện chủ yếu ở duyên hải Bắc Bộ dưới thời Minh Mạng và Nam Bộ dưới thời Tự Đức.
2.1.2. Biện pháp khai hoang
Trong bản điều trần gửi triều đình năm 1828, ông trình bày khá rõ ràng cách thực hiện hình thức khai hoang này cả về mặt Nhà nước và cả về phía dân nhân. Về mặt Nhà nước thì “cấp cho tiền công để làm nhà cửa, mua trâu bò nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay” [4, tr. 720]. Về phía nhân dân, ông chủ trương dựa vào “những người có lực” ở địa phương để mộ dân nghèo mọi nơi đến khai hoang. Tức là Nguyễn Công Trứ nhắm vào những người có tiền bạc, có dụng cụ khai khẩn tại địa phương. Điều trần có đoạn: “Cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo ở các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập thành một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng, đều tính đất chia cho” [4, tr. 720]. Bên cạnh đó, Nguyễn Công Trứ cũng chủ trương, những “kẻ nào hối quá hoàn lương, thì cho đến sở Dinh điền thú tội, theo sức mà cấp ruộng cho làm. Những chỗ ruộng đất rải rác có thể lập thành làng trại, đủ cho 15 người ở trở lên thì xin lập làm một trại, 18 người trở lên thì lập làm một giáp, đều đặt trại trưởng và giáp trưởng trông coi. Thế thì đất không có chỗ bỏ không” [4, tr. 721]. Trên thực tế, nhà nước đứng ra lo liệu các khoản chi phí như sau:
Bảng 2.1.2: Cụ thể các khoản chi phí của nhà nước

Đơn vị
Số đinh
Tiền mua trâu bò (quan)
Tiền mua
nông cụ (quan)
Tiền làm nhà (quan)
Cộng (quan)
Ấp
Trại
Giáp
50
30
15
10
300
180
90
60
40
24
12
8
100
60
30
20
440
264
132
88

                                                                                             [Nguồn: 6, tr. 100].
Theo phương thức trên, sau khi khai hoang ở Thái Bình ông xin phép triều đình cho áp dụng ở Ninh Bình. “Dân nghèo còn có hơn 1000 người xin lãnh ruộng hoang để khai khẩn. Trộm thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình cùng chỗ đối ngạn với huyện Nam Chân thuộc Nam Định, một giải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm đất cấy lúa được chẳng kém gì Tiền Hải, xin đến đo đạc để lập thành ấp lý” [4, tr. 779]. Triều đình một lần nữa phê duyệt kế hoạch khai hoang của ông. Với cách làm trên, Nguyễn Công Trứ là người mở đầu cho thời kỳ chinh phục đất đai bỏ hoang dưới triều Nguyễn, cũng như tạo phong trào khẩn hoang doanh điền ở những triều đại sau này.
Vận dụng kinh nghiệm khai hoang lập ấp của Nguyễn Công Trứ ở ngoài Bắc, triều Nguyễn cho phổ biến rộng rãi ra các tỉnh, nhất là ở Nam Kỳ. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và Phó sứ Phan Thanh Giản xin phép nhà nước được tổ chức khai hoang, mở mang làng ấp ở Nam Kỳ theo cách thức như sau: “Nam kỳ và các trực tỉnh (từ Bình Thuận trở ra Bắc) thông sức các người trong hạt, cho phép người nào tình nguyện lĩnh bằng để mộ dân… cần đủ 10 trở lên, cho phép được tùy chỗ khai khẩn, cư trú nối liền nhau, lập thành sở của thôn” [5, tr. 263]. Theo đó, nhà nước cho phép người mộ có thể là nhân dân lao động bình thường hoặc cũng có thể là tù phạm nhưng phải có hộ khẩu cư trú tại Nam Kỳ. Với dân thường thì quy định rằng: “Người đứng lập ấp mà mộ đủ 30 người, thì tha thuế thân và sai dịch suốt đời; được 50 người, thưởng chánh cửu phẩm bách hộ; được 100 người, thưởng thụ chánh bát phẩm bách hộ” [5, tr. 263 - 264]. Còn với tội phạm thì cho phép “những tù tội chính quán, ngụ quán ở 6 tỉnh, không kể quan hay dân bị pham tội, nếu có người nào ra sức tình nguyện triệu mộ dân, lập làm 1 đội, hoặc 1 thôn, đều đủ 50 người, thì cho phép làng, họ bảo nhận cam kết, sẽ được tạm tha, cho đi chiêu mộ đủ số thì tha tội” [5, tr. 264]. Những người ứng mộ “hoặc đến Tĩnh Biên, Ba Xuyên, hoặc chiểu theo chỗ đất hoang trong hạt mình mà khai khẩn lập ấp; nhưng phải sáp nhập vào các tổng hiện lập thành, được theo ý nguyện…” [5, tr. 264]. Nghĩa là, sau khi các ấp mới được thành lập nhà nước giúp đỡ họ lập xong bộ đinh, bộ điền rồi cho địa phương hóa thuộc vào tổng sở tại.
Không dừng lại ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, phép khai hoang doanh điền lại được vận dụng tấn công vào miền Trung đầy nắng và gió. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức khai hoang này. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vì nhận thấy “thôn xóm sợ hãi, xiêu tán, thành ra bỏ hoang rậm, nhất là các trạm Hòa Tân, Hòa Du, Hòa Lãng” [5, tr. 373], tỉnh thần Khánh Hòa tâu với triều đình xin phép khai khẩn, thiết lập làng thôn và được Tự Đức cho thi hành: “Số người mộ được bao nhiêu, chiếu theo liên lạc mà đặt lập tổng, thôn, làm nhà khai khẩn ruộng” [5, tr. 374]. Theo đó, biện pháp khai hoang ở Khánh Hòa được tiến hành như sau: Ở các vùng ven trạm “mộ được 30 - 40 người trở lên, đặt làm một thôn, 5 - 6 thôn đặt làm một tổng” [5, tr. 374]. Bên cạnh đó, những ai khai khẩn ruộng nương, tính kế làm ăn lâu dài ở trong hạt thì nhà nước cũng quy định rất rõ: “Ai mộ được 1 thôn đủ 30 tên trở lên, thưởng cho người ấy được miễn đi lính và miễn thuế thân suốt đời; mộ được 50 tên, thưởng thụ tòng cửu phẩm bách hộ, cho làm thôn trưởng; mộ được 150 tên, thưởng thụ chánh cửu phẩm bách hộ, kiêm lĩnh lý trưởng các thôn ấy; mộ được 300 tên, thưởng thụ tòng bát phẩm bách hộ, lĩnh chức cai tổng” [5, tr. 374]. Vậy là, biện pháp khai hoang doanh điền được tiến hành không giống nhau giữa các địa phương, nhà nước tùy từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh để đưa ra phương thức khai hoang thích hợp nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Điều đó cũng cho thấy sự linh hoạt, chủ động của nhà nước khi thực hiện hình thức khai hoang này.
            Vào nửa đầu thế kỷ XIX, hình thức khai hoang doanh điền đã mạng lại những kết quả ban đầu khả quan, nhiều làng, ấp, tổng, huyện được thành lập cả ở ngoài Bắc, trong Nam và miền Trung. Được triều đình phê duyệt dự án khai hoang, chỉ sau một thời gian ngắn chưa đầy 2 năm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng với các tầng lớp nhân dân lao động đã tạo ra một diện mạo mới mẽ cho vùng đất bồi các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng. Đó là việc hai huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và hai tổng Hoành Thu - Ninh Nhất (huyện Giao Thủy - Nam Định) chính thức ghi tên vào bản đồ Việt Nam. Tháng 10 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), huyện Tiền Hải chính thức được khai sinh với 7 tổng: “Tân Cơ, Tân An, Tân Định, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Bồi gồm 14 lý (làng), 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 2350 người, số ruộng được hơn 18.960 mẫu” [4, tr. 778]. Năm tháng sau khi huyện Tiền Hải ra đời thì huyện Kim Sơn cũng hình thành (3/1829), chia làm 5 tổng, gồm “3 lý (làng), 22 ấp, 24 trại, 4 giáp với số đinh ban đầu 1260 người, số ruộng khai khẩn được là 14.620 mẫu” [4, tr. 843]. Cũng trong thời gian đó, Nguyễn Công Trứ tiến hành khai khẩn ở nhiều nơi và thu được nhiều kết quả lớn lao. Tổng Hoành Thu (Giao Thủy - Nam Định) được bắt đầu khai khẩn vào tháng 3/1828 đến đầu năm sau thì căn bản được hình thành với 14 ấp, trại, giáp, có 385 mẫu ruộng đất và 301 đinh. Tổng Ninh Nhất cũng được thành lập với 9 làng, ấp, trại, giáp, có 345 suất đinh và 4120 mẫu ruộng đất [1, tr. 29]. Có thể nói, thành quả trên là công lao to lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Ở trong Nam, sau một năm thực hiện vào 7/1854 Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương đã báo cáo về triều đình lập được 124 làng ấp tất cả. Sách Đại Nam thực lục chép, “Gia Định 32 ấp, Vĩnh Long 60 ấp, An Giang 23 ấp, Định Tường 9 ấp, cộng 124 ấp” [5, tr. 326]. Còn theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong tác phẩm “chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh” thì đợt khai hoang lập ấp năm từ 1853 đến giữa năm 1854 của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương có “260 thôn ấp” [2, tr. 170]. Xuôi về miền Trung -  Khánh Hòa thì kết quả có hạn chế hơn nhiều so với 2 đợt khẩn hoang trên. Sử sách triều Nguyễn chỉ cho biết “viên phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh mộ được hơn 150 nhân đinh, và thiết lập làm 4 thôn” [5, tr. 373].
Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ XIX, hình thức khai hoang doanh điền đã đem lại những kết quả lớn lao cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam. Nguyên nhân thì có thể lý giải rằng, một mặt đây là hình thức khai hoang do Nhà nước đứng ra tổ chức, quy hoạch và đặc biệt là cấp vốn cho nhân dân làm; biện pháp khai hoang đề ra và thực hiện một cách bài bản, linh hoạt tùy theo đặc điểm từng địa phương. Mặt khác, những người đứng ra tổ chức công cuộc khai hoang: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương là những người có năng lực, biết nhìn xa trông rộng, hết sức hết lòng vì dân vì nước. Kết quả trên cho thấy, đây là một thắng lợi lớn của sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong khai hoang, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
            Thứ nhất, góp phần mở mang đất đai canh tác phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Với kết quả khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mà chúng tôi đã làm rõ ở trên, xin thống kê lại tổng số ruộng đất theo bảng sau:
Bảng 2.2.2. Bảng thống kê kết quả khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ

Địa bàn
Huyện
Tiền Hải
Huyện
Kim Sơn
Tổng
Hoành Thu
Tổng
Ninh Nhất
Ruộng đất khai hoang
18.960 mẫu
14.620 mẫu
385 mẫu ruộng
4120 mẫu
Tổng cộng
38.085 mẫu


Còn công cuộc khai hoang lập ấp ở trong Nam, nguồn sử liệu thành văn của triều Nguyễn chưa cho biết cụ thể số ruộng đất khai khẩn được là bao nhiêu; nhưng theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong tác phẩm “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh” thì cho biết, diện tích khai hoang dành cho mỗi dân mộ thường là từ 2 đến 6 mẫu [2, tr. 165]. Vậy tính trung bình mỗi người dân mộ là 4 mẫu/người. Theo quy định của nhà nước lúc đó thì những người mộ dân lập ấp tối thiểu phải được 10 người nhưng tối đa là 100 người. Thành thử trung bình mỗi thôn ấp là 55 người/làng ấp. Căn cứ theo kết quả khai hoang năm 1853 của Nguyễn Tri Phương báo về triều đình và được Đại Nam thực lục ghi lại là 124 làng ấp. Vậy, theo tính toán của chúng tôi thì chúng ta có những kết quả sau:
- 55 người/1 làng ấp  x  4 mẫu/ người = 220 mẫu
- 124 làng ấp  x 220 mẫu =  27.280 mẫu
Như vậy, theo phỏng tính của chúng tôi thì đợt khai hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh năm 1853 mang lại khoảng trên 27.280 mẫu ruộng đất. Vậy là, tổng số ruộng đất ở trong Nam và ngoài Bắc nửa đầu thế kỷ XIX mà hình thức khai hoang doanh điền đem lại là 65.365 mẫu ruộng đất. Trên thực tế, có thể số ruộng đất khai hoang được từ doanh điền lớn hơn nhiều, một phần không được sử sách triều Nguyễn ghi chép đầy đủ, phần khác do tình trạng ẩn lậu ruộng đất ở các địa phương. Nếu như tổng diện tích ruộng đất thực trưng năm 1840 là 4.063.892 mẫu, thì năm 1847 là 4.278.013 mẫu và năm 1865 là 4.617.435 mẫu [6, tr. 103]. Điều này chứng tỏ, việc tăng diện tích ruộng đất thực trưng là kết quả của việc khai hoang nói chung, trong đó ruộng đất từ khai hoang doanh điền đóng góp một phần nhất định.
Thứ hai, tăng nguồn thu tô thuế cho nhà nước, củng cố chính quyền trung ương. Dưới chế độ phong kiến nói chung và dưới triều Nguyễn nói riêng, một phần trong nguồn tô thuế đó có sự đóng góp từ ruộng đất được khai hoang. Có nghĩa là, kết quả của những cuộc khai hoang có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Ruộng đất khai hoang càng nhiều thì tỷ lệ với nó là số ruộng đất đóng thuế nhiều lên và dĩ nhiên số lượng thuế thu được cho nhà nước cũng gia tăng. Với diện tích ruộng đất mang lại từ hình thức khai hoang doanh điền như chúng tôi thống kê ở trên thì chắc chắn ít nhiều có sự đóng góp vào nguồn lợi cho quốc gia. Cũng chính vì vậy, trong bản điều trần của Nguyễn Công Trứ dâng lên vua Minh Mạng để xin khai hoang vùng Kim Sơn và Tiền Hải cũng nhấn mạnh vấn đề thu lợi cho ngân sách quốc gia, “nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng” [4, tr. 719]. Bên cạnh đó, với hình thức khai hoang doanh điền, còn kéo theo việc một bộ phận nông dân lưu tán không đăng ký hộ tịch được chiêu mộ đến những địa điểm khai hoang lập thành làng ấp và vì vậy, vô hình chung mở rộng số người đóng thuế đinh, lao dịch, binh dịch cho nhà nước.
          - Thứ ba, là tiền đề để nó phát triển trên quy mô lớn trong cả nước nửa sau thế kỷ XIX. Không chỉ dừng lại ở nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang doanh điền còn phát triển mạnh mẽ vào những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ này. Đầu tiên là việc thành lập các doanh điền ở An Giang, Hà Tiên. Năm 1865, triều Nguyễn cho đặt Nha Doanh điền ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Năm sau đó Nha Doanh điền ở đây tâu là mộ được 500 người, khai khẩn được 300 mẫu ruộng. Năm 1866, Doanh điền sứ An Giang, Hà Tiên báo cáo về triều đình là mộ được 1.646 đinh, khẩn được 8.333 mẫu ruộng và 149 thôn được thành lập. Còn ở Vĩnh Long, Doanh điền sứ tỉnh này cũng báo cáo về triều đã mộ được 600 đinh, 2.700 mẫu ruộng được khai khẩn, thành lập dược 41 xã, thôn. Năm 1870, Nhà nước đặt Nha Doanh điền ở An Khê (Bình Định), thành lập được 8 ấp: Tân Trạch, Tân Cư, Tân Tụ, Tân Khai, Tân Lai, Tân Tư, Tân Lập, Tân Tạo. Năm 1871, Doanh điền Tiền Hải được thành lập, Doanh điền sứ Doãn Khuê tiến hành khai hoang vùng ven biển Thụy Anh (Thái Bình). Năm 1876, Doanh điền sứ Thừa Thiên là Trần Đình Túc, Nguyễn Lâm mộ được 205 người, khẩn được 3093 mẫu ruộng đất. Năm 1880, bắt đầu Nhà nước đặt Nha Doanh điền ở Quảng Bình do Doanh điền sứ Bùi Ngọc Thụ đứng đầu. Có thể nói, với những cứ liệu trên, khai hoang doanh điền thực sự mang lại nhiều thành tựu lớn lao và phát triển rộng rãi với quy mô lớn trong cả nước không chỉ nửa đầu thế kỷ XIX mà cả những thập niên sau đó của thế kỷ này.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng thấy rằng khai hoang doanh điền cũng góp phần vào việc đảm bảo an ninh quốc phòngVì đơn giản việc khai thác những vùng đất mới để lập nên các làng ấp, mở mang kinh tế thường gắn liền với yêu cầu giữ vững an ninh nội địa, bảo vệ biên ải. Điều này cũng dễ hiểu khi thời kỳ này quân Xiêm luôn có những hành động quấy rối nước ta, nhất là những vùng Châu Đốc, Long Xuyên, vùng biên giới Việt - Miên mà tác giả Sơn Nam đã nói khá rõ trong Lịch sử khẩn hoang Miền Nam.
III. Kết luận
Xét về góc độ kinh tế - xã hội, chỉ trong vòng hơn hai thập niên áp dụng vào nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang doanh điền đã đem lại những thành tựu lớn lao ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, từ vùng đồng bằng Bắc Bộ cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Hàng trăm thôn ấp, làng, xã, tổng, huyện được thành lập, làm tăng đáng kể diện tích đất đai canh tác trong cả nước lúc bấy giờ, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp ở nông thôn, góp phần phân bố lại dân cư, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Là hình thức khai hoang kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, thế nên, dù xuất phát từ mục tiêu và lợi ích nào thì khai hoang doanh điền không thể tách rời sự tổ chức chỉ đạo của Nhà nước, và do đó hiệu quả của hình thức khai hoang doanh điền là biểu hiện một mặt tích cực của triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Thành công ở hình thức khai hoang doanh điền nửa đầu thế kỷ XIX, trước hết phải nói đến tinh thần lao động cần cù, hăng say và ý chí bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ của các tầng lớp nhân dân lao động một nắng hai sương, đặc biệt là những người nông dân nghèo. Bên cạnh đó, lịch sử cũng ghi nhận công lao to lớn của những người đứng ra tổ chức khai hoang như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương... Họ thực sự là những nhà khẩn hoang lỗi lạc nửa đầu thế kỷ XIX. Chính họ đã tạo nên một sự chuyển động mạnh mẽ trong lịch sử di dân, phân bố dân cư, khai thác tiềm năng đất đai to lớn của đất nước lúc bấy giờ.
1.     Phan Đại Doãn (1982), “Mấy nét về công cuộc khai hoang thành lập hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất (Hà Nam Ninh)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, (3), tr.24-33.
2.     Nguyễn Đình Đầu (1992), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội.            
3.     Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Minh Mệnh chính yếu - tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4.     Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5.      Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6.     Trương Hữu Quýnh - Đỗ Bang (1997), Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.