Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

LƯỢC SỬ VÙNG ĐẤT VĨNH NGUƠN.


LƯỢC SỬ VÙNG ĐẤT VĨNH NGUƠN.
Dương Thị Phước Thành.
(Trích sơ thảo Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Nguơn)
 
Từ năm 1705-1757, tình hình Chân Lạp phức tạp, nhiều cuộc tranh giành ngôi vua diễn ra. Nặc Tôn dựa vào chúa Nguyễn để nắm lại quyền lực. Để tạ ơn, năm 1757, Nặc Tôn hiến đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn và được dựng thành các đạo Tân Châu, Châu Đốc, Đông Khẩu (Sa Đéc). Đời Gia Long xét thấy Châu Đốc còn là vùng đất trống nên mộ dân đến ở gọi là Châu Đốc tân cương. Trong giai đoạn đầu chưa thành lập phủ, huyện ngay, nên việc thiết lập xã, thôn, chia cắt địa phận quy định khai khẩn ruộng đất, định thuế đinh, thuế điền lập sổ bộ chưa thực hiện. Lúc này cư dân tự tìm đất sống, tự quản. Ở vùng đất mới, triều đình phong kiến bố phòng các đồn, bảo, cư dân sống xung quanh dựa vào các con sông tự nhiên thuận lợi giao thông. Trong đó, Vĩnh Ngươn là một trong những nơi mà lưu dân người Việt đến sinh sống đầu tiên. Đến cuối thế kỷ XVIII, Vĩnh Ngươn đã hình thành một làng. Điều này được minh chứng qua truyền thuyết về Thành Thần Hoàng Nguyễn Hữu Lễ đã dám liều mình giúp chúa, cứu dân[1].
 Một góc Vĩnh Nguơn.
 
Năm 1824, sau khi con kênh Vĩnh Tế hoàn thành, Nguyễn Văn Thoại đã mộ dân đến Châu Đốc lập được 20 xã, thôn. Nhận thấy nơi đây “nhân dân còn thưa thớt, ruộng đất còn bỏ hoang”
[2], triều đình phong kiến luôn có những chính sách tích cực nhằm mộ dân đến nơi đây an cư lạc nghiệp như: cho vay tiền của, lương thực, cho họ được miễn nộp tô thuế trong nhiều năm, cấm nhân dân không được quấy nhiễu cư dân địa phương khai khẩn đất mới,…
Đến năm 1836, trong lần đo đạc đầu tiên ở vùng đất Châu Đốc thì địa bạ triều Nguyễn đã chính thức có tên thôn Vĩnh Ngươn. Vĩnh Ngươn lúc bấy giờ thuộc tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Thôn Vĩnh Ngươn lúc này đã khẩn hoang được “đất trồng dâu thực canh là 23.7.0.0 (23 mẫu, 7 sào), đất thổ cư là 9.5.0.0 (9 mẫu, 5 sào)”[3]
Thôn Vĩnh Ngươn bấy giờ được xác định là ở xứ Vàm Kinh, phía Đông giáp sông lớn và địa phận sóc Mật Luật của Cao Miên (Campuchia ngày nay), phía Tây giáp thôn Long Thạnh có rạch Vượt Lục làm giới, phía Nam giáp sông Vĩnh Tế, phía Bắc giáp sóc Mật Tân của Cao Miên và giáp rừng chằm
Do Vĩnh ngươn là vùng đất biên giới, luôn xảy ra các cuộc đánh chiếm, cướp bóc của quân Xiêm và quân Chân Lạp nên triều đình nhà Nguyễn không những đẩy mạnh công việc khai hoang lập làng mà còn đẩy mạnh công tác an ninh, giữ gìn vùng đất mới. Năm 1834, triều đình cho đặt các loại súng để chống giặc: “Đối ngạn với kinh Vĩnh Tế là 2 đồn Vĩnh Thanh và Vĩnh Nguyên (Vĩnh Ngươn), mỗi đồn đều có 2 cổ súng”. Năm 1835, Minh Mạng cho đặt tiếp các loại súng lớn như sau: “Ba đồn Vĩnh Tế, Vĩnh Nguyên (Vĩnh Ngươn), Chu Phú (Châu Phú) mỗi đồn đều có 4 cỗ Qua sơn thiết pháo”[4]. Điều này cho thấy, đối với triều đình nhà Nguyễn việc khai hoang lập làng là nhiệm vụ thiết yếu và lâu dài, nhằm mục đích mở rộng vùng đất mới và bảo vệ lãnh thổ.
Cùng với những thay đổi của lịch sử, Vĩnh Ngươn cũng có những thay đổi về địa giới hành chính. Thời Pháp thuộc, theo Công báo của Tham biện J. Vigne, thôn Vĩnh Ngươn thuộc tổng Châu Phú, huyện Đông Xuyên, hạt Châu Đốc. Nghị định ngày 20/12/1889 bãi bỏ các danh xưng Địa hạt, Tòa án hay Tham biện mà đổi thành Tỉnh, Chủ tỉnh hoặc Tỉnh trưởng, khoảng năm 1917 thôn Vĩnh Ngươn thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Thành, tỉnh Châu Đốc. Đến năm 1930, thôn Vĩnh ngươn thuộc tổng Châu Phú, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc; năm 1956 thì thuộc quận Châu Phú, tỉnh An Giang; thuộc tỉnh Châu Đốc (1964) cho đến năm 1975.
Theo sự phân chia địa giới của chính quyền cách mạng, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Vĩnh Nguơn thuộc các tỉnh: tỉnh Châu Đốc, tỉnh Long Châu Hậu (1948), tỉnh Long Châu Hà (1950), rồi tỉnh Châu Đốc (cuối năm 1954), tỉnh An Giang (giữa năm 1957), tỉnh Châu Hà (1971), tỉnh Long Châu Hà (giữa năm 1974), tỉnh An Giang (1975). Ngày 27/01/1977, theo Quyết định số  199/TC.UB của UBND tỉnh An Giang, xã Vĩnh Nguơn thuộc thị xã Châu Đốc.
Xã Vĩnh Nguơn ngày nay thuộc thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang, là một xã biên giới, có đồng bằng bát ngát, là vùng đất trù phú biết bao đời nay. Vị trí địa lý xã Vĩnh Nguơn phía Bắc giáp Vĩnh Hội Đông, phía Đông Bắc giáp xã Đa Phước, phía Đông Nam giáp phường Châu Phú A, phía Tây Nam giáp xã Vĩnh Tế, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 9km.
 Hiện nay trên địa bàn hành chính xã Vĩnh Nguơn gồm 04 ấp: Vĩnh Chánh 1, Vĩnh Chánh 2, Vĩnh Chánh 3 và Vĩnh Tân. Diện tích đất tự nhiên là 946 ha (trong đó, có 636,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, trồng lúa 2 vụ). Dân số toàn xã có 1.921 hộ với 7.596 nhân khẩu (theo thống kê tháng 4/2011); đa số là người kinh, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ lẻ… Địa bàn xã có một trục lộ chính chạy dài theo sông Châu Đốc và kênh Vĩnh Tế có cầu Vĩnh Ngươn bắt qua, đây là tuyến đường quan trọng qua lại của nhân dân thị xã và nước bạn Campuchia, góp phần đẩy mạnh việc phát kiển kinh tế, thương mại cũng như việc giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Về văn hóa, trên địa bàn xã nổi bật là Đình Vĩnh Ngươn cách thị xã Châu Đốc khoảng 1000m. Ngôi đình được xây dựng để phụng thờ Thần Thành Hoàng Nguyễn Hữu Lễ - vị công thần đã có công giúp vua, cứu dân. Ngôi đình được xây dựng từ năm nào không ai biết cụ thể, vị trí ở phía sau trường học cũ, vật liệu bằng cây lá đơn sơ. Sau nhiều lần được sửa chữa, gia cố, do đất hàng năm bị lũ lụt, gió giông, mưa bão. Mãi đến năm 1929, Ông Đốc Phủ Xứ Trương Tấn Vị đứng ra cùng Ban Quí Tế dời ngôi đình từ sau trường học Vĩnh Ngươn cũ về địa điểm hiện nay (cách nền cũ 100m), trong đình còn lưu giữ bản sắc do vua Khải Định ban. Về sau ngôi đình cũng là nơi để bàn bạc và nuôi chứa các chiến sỹ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Cơ cấu kinh tế của xã là thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Vùng đất Vĩnh Ngươn tiếp giáp sông Châu Đốc, không những có lợi thế về nguồn nước, nguồn lợi thủy sản phong phú, mà còn được thiên nhiên ưu đã nhiều lượng phù sa bồi đắp hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp.
Thời tiết hàng năm chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa nắng và mùa mưa. Đây là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, mưa thuận gió hòa, tạo điều kiện ổn định cho nhân dân an cư lạc nghiệp.


[1] Tương truyền rằng thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, anh em Tây Sơn khởi nghĩa để chống lại cuộc chiến phi nghĩa kéo dài hơn 100 năm, gây cho dân tình lầm than, đói rét, khốn khổ. Quân Tây Sơn diệt quân Trịnh ở miền Bắc, đánh đuổi chúa Nguyễn ở miền Nam. Nguyễn Ánh phải chạy đi khắp nơi để tìm phương thoát nạn. Một lần Nguyễn Ánh chạy đến đầu kênh Vĩnh Tế (lúc bấy giờ chỉ là con mương) và được Nguyễn Hữu Lễ là người dân địa phương đã nhiệt tình giúp đỡ. Nguyễn Hữu Lễ huy động nhân dân xã Vĩnh Ngươn đem xuồng ghe đến đưa đoàn quân Nguyễn Ánh qua sông chạy thoát rồi ông cho phá cầu, nhận chìm xuồng ghe, khi quân Tây Sơn kéo đến và phải khó khăn lắm mới qua được sông thì quân Nguyễn Ánh đã chạy xa rồi. Nguyễn Huệ Tây Sơn rất tức giận nên bắt dân làng tra hỏi, Nguyễn Hữu Lễ đã đứng ra chịu tội chết thay thế cho dân làng. Trước nghĩa cử cao quý đó, người dân địa phương xây dựng ngôi đình thờ Nguyễn Hữu Lễ (Đình Vĩnh Ngươn) và tôn kính người như một vị thần, vì ông dám liều mình giúp chúa, cứu dân.
Năm 1802 khi lên ngôi, vua Gia Long tưởng nhớ đến công ơn của Nguyễn Hữu Lễ nên thưởng công và phong làm Thần Thành Hoàng cho làng Vĩnh Ngươn. Từ đó, người dân địa phương rất vui mừng, phấn khởi một lòng cung kính, ngày đêm nghi ngúc hương khói cúng tại Đình Vĩnh Ngươn. Qua nhiều thế hệ, nhân dân luôn một lòng tôn kính trước khí thế trung quân ái quốc của Ông, cùng nhau đóng góp của, tài vật để trùng tu, tôn tạo ngôi đình được khang trang, rộng đẹp mãi đến hôm nay.
Đến ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 (1924), vua ban “Sắc mệnh chi bảo” có đóng ấn, sắc phong Nguyễn Hữu Lễ  như sau:
“Sắc: Châu Đốc Tỉnh, Châu Phú Tổng, Vĩnh Ngươn Thôn. Phụng sự Nguyễn Hữu Lễ chi thần hộ quốc tí dân. Nẩm trứ linh ứng, tứ kim chánh trực. Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kim ban bửu chiếu đàm ân lễ long đăng trật trứ, phong vi “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”. Chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!”
Khải Định cửu niên, thất ngoạt nhị thập ngũ nhựt.
Dịch nghĩa:
“Sắc: Cho làng Vĩnh Ngươn, Tổng Châu Phú, Tỉnh Châu Đốc thợ phụng vị thần: Nguyễn Hữu Lễ giữ nước giúp dân. Xưa đã từng linh ứng, nay đã bày lòng chính trực. Trẫm nhân lễ tứ tuần đại khánh (mừng 40 tuổi), bày ban chiếu báu ra ân dày cử cấp bực, phong cho chức “Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần”. Phê chuẩn cho được thờ phụng để thần cùng giúp đỡ che chở dân đen của ta. Kính thay!”
Khải Định năm thứ 9 (1924) tháng 7 ngày 25”.
[2] Đại nam thực lục. Tập 10, Sđd, trang 135.
[3] Nguyễn Đình Đầu. “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, tỉnh An Giang”. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, trang 250.
[4] Trịnh Hoài Đức. “Gia Định thành thông chí (tập trung)”. Nhà văn hóa – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa,1972, trang 224-225.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét