Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

BÀN VỀ MỘT SỐ ĐIỂM NGHI VẤN TRONG SÁCH “THOẠI NGỌC HẦU VÀ NHỮNG CUỘC KHAI PHÁ MIỀN HẬU GIANG” CỦA CỐ HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN HẦU.


BÀN VỀ MỘT SỐ ĐIỂM NGHI VẤN TRONG SÁCH “THOẠI NGỌC HẦU VÀ NHỮNG CUỘC KHAI PHÁ MIỀN HẬU GIANG”
CỦA CỐ HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN HẦU.
 
Trần Hoàng Vũ
(Bài đăng trên báo Văn hóa lịch sử An Giang số tháng 9-2009)
 
Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại là người đầu tiên có công lớn trong việc xây dựng An Giang thành một vùng đất trù mật. Do đó, việc nghiên cứu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Bảo hộ Thoại không chỉ là yêu cầu mà còn là nhu cầu của con người An Giang khi nhớ về công đức của tiền nhân. Quyển sách “Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của cố học giả Nguyễn Văn Hầu là một trong những tài liệu quý báu đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, do hạn chế về thông tin liên lạc thời đó (sách viết xong năm 1971 và chỉnh sửa lần hai năm 1975) nên vẫn có một số vấn đề mà cố học giả chưa có điều kiện khai thác và xử lý. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ bước đầu giải đáp một số điểm tồn nghi mà cố học giả Nguyễn Văn Hầu đã lưu ý nhưng chưa có điều kiện giải quyết.
 
 
 
AI LÀ TÁC GIẢ VĂN BIA THOẠI SƠN?
Bia Thoại Sơn do Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại đứng ra dựng năm 1822 để kỷ niệm công trình đào kinh Đông Xuyên. Văn bia gồm 629 chữ bày tỏ tâm tư của Bảo hộ Thoại trước việc vua Gia Long lấy tên mình đặt tên cho núi Sập. Cuối bia có hai dòng chữ ghi rõ tên tác giả:
“Gia Định thành Đốc học Cao Bá nghĩ thảo.
Công bộ Thiêm sự phụng thủ Châu Đốc đồn tiền lương công vụ Đoàn Hầu đính chánh”
Trần Văn Hanh khi dịch văn bia sang tiếng Pháp đã dịch là “Composé par Cao-Ba-Nghi” và “Rectifié par Doan-Hâu” tức “soạn bởi Cao Bá Nghĩ” và “đính chính bởi Đoàn Hầu”. Cố học giả Nguyễn Văn Hầu cho rằng chữ “Nghĩ” không phải là tên và đã dịch hai dòng chữ trên là:
“Đốc học thành Gia Định, Cao Bá cân nhắc mà viết ra.
Công bộ Thiêm sự, phụng giữ việc lương tiền đồn Châu Đốc, Đoàn Hầu sửa lại cho đúng”
Các tác giả địa chí An Giang tập II cũng đồng tình với ý kiến đó khi cho biết bia Thoại Sơn là do Cao Bá nghĩ soạn và Đoàn Hầu đính chính. Tác giả văn bia Thoại Sơn đúng là không phải Cao Bá Nghĩ. Chữ “nghĩ” ở đây phải dịch là “cân nhắc” như cố học giả Nguyễn Văn Hầu đã dịch. Tuy nhiên, tên tác giả văn bia cũng không phải là Cao Bá. Chữ “Bá” trong “Cao Bá” cũng như chữ “Hầu” trong “Đoàn Hầu” phải dịch là quan Đốc học họ Cao được phong tước bá và quan Thiêm sự họ Đoàn được phong tước hầu mới đúng.
 
Vậy nhân vật Cao Bá đó thực ra là ai?
Trương Quốc Dụng trong phần viết thêm vào “Mẫn Hiên thuyết loại” của Cao Bá Quát cho biết văn bia Thoại Sơn do Đốc học An Giang Cao Huy Diệu soạn. Tìm kiếm trong “Đại Nam thực lục”, chúng tôi phát hiện ra một số ghi chép về hành trạng của Cao Huy Diệu. Sách này cho biết Cao Huy Diệu đỗ Hương thí năm 1807, được bổ làm Tri huyện Nam Xang, vào tháng 3-1813, được sung vào Hàn lâm viện, về sau lại đổi ra làm Tri phủ Quốc Oai (có lẽ vào tháng 3-1814, khi ấy Tri phủ Quốc Oai là Phạm Tiến Lượng được bổ làm Thiêm sự Binh bộ ở Bắc Thành); và đến tháng 3-1815 thì được cử làm Chánh đốc học Gia Định.
Đến năm 1820, thời Minh Mạng, Cao Huy Diệu được cử làm Hàn lâm viện Thị độc, cùng với Đông các học sĩ Đinh Phiên định ra thể thức công văn, sắc văn cho các quan văn võ. Năm 1821, Cao Huy Diệu được sung làm Biên tu bộ sách “Đại Nam thực lục”. Đến năm 1822 thì cáo bệnh, xin về quê dưỡng già. Vua Minh Mạng giáng Cao Huy Diệu làm Phó đốc học Hoài Đức.
Từ những chi tiết lịch sử đáng tin cậy nêu trên, chúng tôi mở rộng cuộc tìm kiếm sang các website của các dòng họ Cao trong nước thì được biết trong dòng họ Cao ở Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội có người tên là Cao Huy Diệu! Cao Huy Diệu hiệu là Vô Song, Hồng Quế Hiên, quê làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (nay là Hà Nội). Ông nổi tiếng văn chương. Hồi còn là học trò, bài hạch ở mấy trường học ông thường được chấm hạng ưu, nổi tiếng ở Bắc Thành. Cao Khắc Kỷ và Lê Hồng Hân là danh sĩ thời bấy giờ cũng phải mến phục ông. Ông vừa là chú, vừa là thầy học của hai nhà thơ nổi tiếng Cao Bá Quát và Cao Bá Đạt. Tác phẩm của ông khá nhiều, nhưng cũng tản mác. Có thể kể ra: “Hồng Quế Hiên thi tập”, “Phương Am Nguyễn tiên sinh truyện ký”, “Luận biện tán tụng ca châm văn tập”, “Biểu văn tập”…
Căn cứ vào hành trạng của Cao Huy Diệu, ta biết ông soạn văn bia Thoại Sơn vào khoảng 1818 đến đầu năm 1820. Bởi lẽ vào tháng 9-1820 lúc Minh Mạng bàn việc với các quan có nhắc tới chuyện “gần đây Cao Huy Diệu làm Đốc học Gia Định” chứng tỏ đó là chuyện quá khứ rồi.
 
Vậy còn nhân vật “Công bộ Thiêm sự, phụng thủ Châu Đốc đồn tiền lương công vụ Đoàn Hầu” là ai?
Chúng tôi cũng đã rà soát trong “Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ” thì thấy vào tháng 6-1822 có ghi việc lấy Phó đốc học Gia Định Đoàn Khắc Cung làm Thiêm sự Công bộ kiêm coi việc tiền lương đồn Châu Đốc! May mắn là những người tiền nhiệm cũng như hậu nhiệm của Đoàn Khắc Cung đa số đều họ Nguyễn và chẳng có ai khác họ Đoàn cả. Do đó, có thể khẳng định Đoàn Khắc Cung chính là người đã đính chính văn bia Thoại Sơn.
Tư liệu về Đoàn Khắc Cung trong “Đại Nam thực lục” cũng rất ít ỏi, chỉ biết ban đầu ông làm Tri huyện. Tháng 11-1816, được bổ làm Phó đốc học Gia Định. Tháng 6-1822 được bổ làm Công bộ Thiêm sự kiêm quản tiền lương đồn Châu Đốc và tháng 1-1824 được thăng làm Cai bạ Phiên An. Thân thế của ông được nói rõ hơn trong “Đại Nam nhất thống chí”. Ông là người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nổi tiếng về văn học. Năm 1823, tham gia trông coi công trình đào kênh Vĩnh Tế. Đoàn Khắc Cung cùng Hộ tào và Binh tào thành Gia Định quản lý lương tiền, sau đó Thự chức Cai bạ Phiên An, rồi bệnh chết, được tặng thực thụ Cai bạ và 100 quan tiền.
Căn cứ vào chức danh được ghi trên bia Thoại Sơn, ta biết Đoàn Khắc Cung đã đính chính văn bia này sau khi Cao Huy Diệu đã không còn làm Đốc học Gia Định nữa bởi lẽ đến năm 1822 Đoàn Khắc Cung mới được bổ làm Công bộ thiêm sự. Tuy nhiên, Đoàn Khắc Cung đã chỉnh sửa nguyên tác văn bia đến mức độ nào thì còn phải tìm hiểu thêm.
 
CÁI TÊN KINH VĨNH TẾ ĐƯỢC ĐẶT TỪ KHI NÀO?
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO NÓ?
Khi dịch văn bia Thoại Sơn (dựng năm 1822), cố học giả Nguyễn Văn Hầu có chú ý đến một đoạn như sau: “Ôn nhớ việc qua thì đã hai lần đeo ấn Bảo hộ, trải nhiều năm giữ thành Châu Đốc, đào kinh Vĩnh Tế”. Theo ông, bia Thoại Sơn dựng năm 1822 trong khi con kinh Châu Đốc-Hà Tiên còn đang thi công và đến năm 1824 mới hoàn thành và bốn năm sau nữa (1828) mới được ban tên là kinh Vĩnh Tế và bia “Vĩnh Tế sơn” mới được lập. Thế mà trong văn bia đã biết và nhắc đến tên kinh Vĩnh Tế, thật là khó hiểu! Ông cũng phát hiện điều mâu thuẫn này trong một đạo dụ của Minh Mạng vào tháng 10-1822 chép trong “Quốc triều chánh biên toát yếu” có nói: “Đường sông Vĩnh Tế nối liền với Tân Cương”. Tại sao tên kinh chưa đặt mà cả Minh Mạng lẫn Cao Huy Diệu đều biết tên mà gọi chính xác như vậy? Cố học giả Nguyễn Văn Hầu giải thích rằng: “chữ Vĩnh Tế dùng ở đây e không đúng, vì lúc bấy giờ kinh còn đang đào, chưa tứ danh Vĩnh Tế. Có lẽ sử thần sau này chép lại không chú ý đến thời gian tính trong lời nói của nhà vua”.
 
Vậy cái tên Vĩnh Tế ra đời từ lúc nào?
Mọi người thường nghĩ rằng: sau khi đào xong con kinh nối liền Châu Đốc-Hà Tiên, Minh Mạng đã đặc biệt cho lấy tên vợ Bảo hộ Thoại là Châu Thị Tế để đặt tên cho núi Sam là núi Vĩnh Tế và tên kinh là kinh Vĩnh Tế. Ngày tháng ban sắc lệnh này được ghi rõ ràng trong “Vĩnh Tế sơn bi ký” là: “Lệnh ban năm thứ chín (1828) nhằm Mậu Tí, sao Thái tuế thuộc trứ ung và khổn đôn tiết thu phân”. Do đó, năm 1828 là năm ra đời cái tên Vĩnh Tế là không còn gì để bàn cãi.
Nhưng thật ra vẫn còn có chuyện để bàn, bởi sự ra đời của cái tên kinh Vĩnh Tế đi trái với quy luật. Thông thường đối với các công trình kinh rạch (thời xưa), cầu cống (thời nay) thì cái tên của nó phải ra đời trước khi công trình hoàn thành. Lấy ví dụ gần đây nhất, công trình cầu nối liền Cần Thơ và Vĩnh Long bắc qua sông Hậu hiện chỉ mới hoàn thành hai cái móng cầu nhưng cái tên cầu Cần Thơ đã trở nên phổ biến. Tương tự, với một công trình thủy lợi to tát như con kinh nối liền Châu Đốc-Hà Tiên, kéo dài 5 năm, công tác chuẩn bị, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hậu cần… phức tạp, công văn báo cáo, chỉ dụ bay qua bay lại như cánh bướm mà lại không có một cái tên nào để định danh cho nó sao? Văn bia Thoại Sơn do Cao Huy Diệu soạn và đạo dụ của Minh Mạng năm 1822 đều trả lời là: “Có  chứ!”. Cái tên đó chính là: “KINH VĨNH TẾ”.
Câu trả lời rõ ràng nhất nằm trong “Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ”. Thực lục viết tháng 9-1819: “Vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Cho tên là sông Vĩnh Tế”. Rõ ràng, cái tên kinh Vĩnh Tế đã ra đời từ năm 1819, lúc mới khởi sự công trình và Gia Long chính là người đã đặt tên cho nó. Vì thế nên năm 1822 cả Minh Mạng lẫn Cao Huy Diệu mới biết mà gọi tên kinh là kinh Vĩnh Tế.
Vấn đề là cố học giả Nguyễn Văn Hầu đã hiểu lầm nội dung của văn bia “Vĩnh Tế sơn bi ký”. Cái tên đầy đủ của bia là “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký”, nghĩa là “bia ghi chép núi Vĩnh Tế do vua đặc biệt ban tên”. Văn bia cũng nói rõ ràng: sau khi hoàn thành kinh Vĩnh Tế, vua Minh Mạng “hạ cố tới vợ thần [Nguyễn Văn Thoại] là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường gia giáo,… có chút công lao, nên xuống lịnh ban cho tên núi Sam là núi Vĩnh Tế”. Rõ ràng việc ban thưởng năm 1828 chỉ là đặt tên cho núi Sam là núi Vĩnh Tế mà thôi. Điều khó hiểu là cái tên kinh Vĩnh Tế (đặt năm 1819) và núi Vĩnh Tế (đặt năm 1828) mặc dù ra đời trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng lại hoàn toàn giống nhau về tự dạng. Trong đó, cái tên sau rõ ràng được đặt theo tên bà Châu Thị Tế nên việc hiểu lầm tên kinh và tên núi được đặt cùng lúc là có thể hiểu được. Căn cứ vào ghi chép của Thực lục: “Cho tên là sông Vĩnh Tế”, chúng tôi nghiêng về giả thiết: việc đặt tên kinh Vĩnh Tế là  một phần thưởng khích lệ mà vua Gia Long dành cho Bảo hộ Thoại trước khi bắt tay vào một công trình thủy lợi to lớn và khó nhọc. Cả tên kinh Vĩnh Tế lẫn núi Vĩnh Tế đều được đặt theo tên bà Châu Thị Tế nhưng là trong hai bối cảnh khác nhau.
Trên đây là hai trong số nhiều nghi vấn mà cố học giả Nguyễn Văn Hầu lưu ý cho những người đi sau giải quyết tiếp, chẳng hạn: có tồn tại văn bia “Vĩnh Tế hà bi ký” không? Tác giả bia “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký” mà văn bia cho biết là “Cựu thần triều Lê trúng thí, Tam Hà Võ thị thừa soạn” là ai? Việc tiếp tục giải quyết những nghi vấn này sẽ khiến việc học tập và tìm hiểu lịch sử địa phương An Giang trở nên chính xác hơn, khoa học hơn và qua đó khiến con người An Giang càng thêm yêu mến quê hương mình hơn nữa.
 
 
 
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Văn Hầu. “Thoại Ngọc hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang”. NXB Trẻ, 1999, trang 382, 393, 386.
Cao Bá Quát, Trương Quốc Dụng. “Mẫn Hiên thuyết loại”. NXB Hà Nội, 2004.
Quốc sử quán triều Nguyễn. “Đại Nam nhất thống chí, tập 2”. NXB Thuận Hóa, Huế, 1997.
Quốc sử quán triều Nguyễn. “Đại Nam thực lục, tập 1”. NXB Giáo dục, 2002, trang 859, 879, 902.
Quốc sử quán triều Nguyễn. “Đại Nam thực lục, tập 2”. NXB Giáo dục, 2006 trang 97, 131, 242, 62.
Quốc sử quán triều Nguyễn. “Quốc triều chính biên toát yếu”. NXB Thuận Hóa, Huế, 1998.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét