Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

NGHỀ ĐÁNH BẮT THỦY SẢN Ở AN GIANG XƯA VÀ VÙNG PHỤ CẬN TRONG THẾ KỶ XVIII ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX


NGHỀ ĐÁNH BẮT THỦY SẢN Ở AN GIANG XƯA VÀ VÙNG PHỤ CẬN TRONG THẾ KỶ XVIII ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX

Trần Hoàng Vũ
Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa lịch sử An Giang số tháng 9-2011.

Với lợi thế là vùng đầu nguồn sông Cửu Long, lợi dụng được nguồn cá phong phú từ Biển Hồ đưa xuống, cộng với nguồn lợi thủy sản tại chỗ, tỉnh An Giang từ xưa đã nổi bật với nghề đánh cá. Lịch sử ngành ngư nghiệp An Giang từ xưa đến nay có thể chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn một từ cuối thế kỷ XVIII đến thập kỷ 1940 với đặc điểm là một ngành khai thác hoàn toàn dựa vào nguồn thủy sản tự nhiên. Mùa nào thức nấy.
- Giai đoạn hai từ thập kỷ 1940 cho đến nay, khi đã xuất hiện những nhân tố khiến cho việc khai thác thủy sản tự nhiên không cung cấp đủ nhu cầu thị trường cũng như không thể bảo đảm cho người làm nghề một đời sống bảo đảm nữa. Xuất hiện sự chuyển dịch từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản rồi từ chỗ nuôi trồng thủy sản dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên sang một nền nuôi trồng thủy sản hiện đại.
Trong bài viết này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu giai đoạn thứ nhất của ngành ngư nghiệp An Giang. 

1. Các khu vực đánh bắt thủy sản theo thư tịch xưa:
Gia Định thành thông chí là tác phẩm sớm nhất đề cập đến các địa điểm khai thác thủy sản tại An Giang xưa. Theo đó, các vùng có ngư dân làm nghề ngư nghiệp bao gồm: rạch Trà Thôn và cù lao Giêng trên sông Tiền, bãi Năng Gù trên sông Hậu, dọc theo rạch Cái Đầm, khu vực kênh Thoại Hà tới Ba Thê và vùng phụ cận, khu vực Náo Khẩu Ca Âm. Bên cạnh đó, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ quyển 52, mục Nguyên đàm phần tỉnh An Giang cung cấp cho chúng ta một danh mục các địa điểm đánh thuế thủy lợi (thuế ngư nghiệp). Cách gọi các địa điểm này có sự thay đổi theo từng năm và địa danh cũng khó nhận biết. Cụ thể như sau:
-Năm 1814, bốn sở:
+ Mặt Chồn thượng (thuộc Tiền Giang).
+ Mặt Chồn hạ (thuộc Tiền Giang).
+ Các gò Bông Cồn, Thằng Con, La Lư (thuộc Hậu Giang).
+ Đầu nguồn Hậu Giang.
-Năm 1830, mười sở:
+ Mặt Chồn hạ.
+ Ngư Lịch, Tầm Lý, Lăng Thủy, Cái Trầm, Cái Ta, Tà Cát.
+ Các lạch từ Châu Đốc trở lên thuộc Hậu Giang.
+ Địa giới trấn Hà Tiên thuộc Hậu Giang từ Châu Đốc trở xuống và các sở Cồn Chung (Cồn Chung phải chăng là Cần Chung?).
+ Ba Răng.
+ Mặt Chồn thượng.
+ Ao Cái Mãi, ao Huy Châu, Kha.
+ Các ao nhỏ Ngư Lịch, Lư Biên.
+ Lạch Cỏ, Phiếm Dừa.
+ Ngư Lịch, Bóng Hy, bến Siêu, ao Huy, ao Hương, ao Hấp.
-Năm 1832, mười sở:
+ Hầu Diện thượng.
+ Hầu Diện hạ.
+ Tân Ỷ.
+ Mã Tràng.
+ Thảo Đà Bích Động.
+ Châu Đốc hạ.
+ Tầm Lý.
+ Ngư Lư.
+ Như Cương.
+ Châu Đốc thượng.
-Năm 1833, mười sở: gần như năm 1832 nhưng không có sở Tân Ỷ mà chỉ có sở Tân Kha, không có sở Ngư Lư nhưng lại có tên sở Võng Tra Ngư.
- Năm 1834, mười sở: Tầm Lý, Châu Đốc thượng, Châu Đốc hạ, Như Cương, Hầu Diện hạ, Hầu Diện thượng, Tân Kha, Mã Tràng, Ngư Lư, Thảo Đà Bích Động. Cùng năm này, triều đình cắt bốn sở thủy lợi là Triều Thủy, Sa Trúc, Đại Mông và Tiểu Mông trước kia thuộc tỉnh Định Tường về cho tỉnh An Giang quản hạt.
-Năm 1841: thêm sở Vĩnh Hậu. Sở này phải chăng ở địa phận xã Vĩnh Hậu huyện An Phú nay?
-Năm 1842: thêm sở Ba Xuyên. Sở Ba Xuyên này cũng thuộc vùng thượng lưu thủy lợi tỉnh An Giang. Sở này có thể nằm ở gần Thoại Sơn vì Trương Quốc Dụng trong Mẫn Hiên thuyết loại nói Thoại Sơn nằm ở địa giới Ba Xuyên.
-Năm 1844: triều đình cắt bốn sở thủy lợi là Thảo Đà Bích Động, Như Cương, Ngư Lư và Tầm Lý cho tỉnh Định Tường. Tỉnh An Giang chỉ còn lại các sở thủy lợi: Châu Đốc thượng, Châu Đốc hạ, Ba Xuyên, Đại Mông, Tiểu Mông, Sa Trúc, Triều Thủy, Mã Tràng, Vĩnh Hậu, Tân Kha, Hầu Diện thượng, Hầu Diện hạ.
Một sở thủy lợi có thể có quy mô khá khác nhau. Có sở khá nhỏ, chỉ khoảng hai hoặc ba ao, lạch nhỏ nhưng lại có những sở khá lớn, là một khu khai thác thủy sản khá rộng bao gồm nhiều ao, lạch hoặc một đoạn sông dài nhiều cây số. Chẳng hạn như sở Châu Đốc thượng bao gồm đến 86 chi nhánh sông. Nhiều tên gọi nghe rất lạ tai, không biết hiện nay có còn được sử dụng hay không. Qua nghiên cứu trên bản đồ và một số mô tả địa chí, tôi tạm chỉ định được một số vị trí sở thủy lợi như sau:
-Hai sở Mặt Chồn thượng và Mặt Chồn hạ về sau đổi gọi là Hầu Diện thượng và Hầu Diện hạ. Đại Nam thực lục gọi chúng là các sở Hậu Diện. Nam Kỳ phong tục diễn ca của Nguyễn Liên Phong có đề cập đến các sở thủy lợi này. Tài liệu này cho biết:
“Ngang qua theo mé Ba Răng, Rạch ngòi thủy lợi giăng giăng cả đồng.
Mặt Dòn thượng hạ song song, Diện Hầu thượng hạ chử trong bộ làng.
Tục kêu hai xứ rỏ ràng, Sở trên sở dưới muôn ngàn dân đông”.
Như vậy, đó có thể chính là các sông Sở Thượng và Sở Hạ của tỉnh Đồng Tháp hiện nay. Rõ ràng địa danh Sở Thượng và Sở Hạ có liên quan mật thiết đến các sở thủy lợi thời nhà Nguyễn.
-Sở Châu Đốc thượng có lẽ tương ứng với “các lạch từ Châu Đốc trở lên thuộc Hậu Giang”. Vậy đó hẳn là đoạn sông Hậu chảy qua địa phận huyện An Phú hiện nay. Sở Châu Đốc hạ thì tương đương với phần “địa giới trấn Hà Tiên thuộc Hậu Giang từ Châu Đốc trở xuống và các sở Cồn Chung”. Mô tả như thế thì Châu Đốc hạ là bao gồm kênh Vĩnh Tế và phần sông Hậu từ Châu Đốc trở xuống. Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt của Tu Trai có nói “Châu Đốc thượng đà ở về địa giới huyện Tây Xuyên, lại có Châu Đốc hạ đà, Mã Trường đà, Tây Cần đà, đều là đập thủy lợi thượng lưu; khi trước thống thuộc về thành Gia Định. Năm Minh Mạng 14 (1834) mới thuộc tỉnh nầy”.
-Sở thủy lợi bao gồm các địa điểm Ngư Lịch, Bóng Hy, bến Siêu, ao Huy, ao Hương, ao Hấp không rõ về sau được gọi gộp là gì nhưng sở này phải ở gần Vàm Nao. Đại Nam liệt truyện, truyện Trần Văn Năng có nói ông qua đời ở bến Siêu và chỉ rõ “bến Siêu ở trên cửa Thuận tỉnh An Giang”. Cửa Thuận hay Thuận Cảng chính là Vàm Nao. Huỳnh Minh trong cuốn Tân Châu xưa cho ta biết ở cù lao Tây có bến đò Bến Siêu qua chợ Mỹ Lương (Hòa Hảo). Vậy Bến Siêu là nằm trên cù lao Tây còn các địa điểm khác hẳn phải ở quanh đâu đó.
-Sở Mã Tràng: từ năm 1832 về sau mới thấy tên sở thủy lợi này. Sở này chắc chắn là nằm trên cù lao Tây vì hiện vẫn còn tên rạch Mã Tràng (Ruột Ngựa) để chỉ con rạch chảy xuyên qua cù lao. Trương Vĩnh Ký cũng có nhắc đến sở thủy lợi này trong cuốn Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ.
-Sở Ba Răng có thể nằm trong địa giới huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), đối diện cù lao Tây. Theo Trương Vĩnh Ký, sở này về sau có tên là Như Cương.
-Sở thủy lợi bao gồm các địa điểm Ngư Lịch, Tầm Lý, Lăng Thủy, Cái Trầm, Cái Ta, Tà Cát phải chăng là đoạn sông Châu Đốc chảy qua huyện An Phú mà nay trên bản đồ gọi là sông Phú Hội? Gia Định thông chí tả: 10 dặm phía tây sông Châu Đốc có sông Cam La Ngư vào đến chằm cùng; 3 dặm về phía đông sông thì có sông Lăng Lý (tục danh là Tắt Trức), mùa lũ có thể ra tới búng Bình Thiên, lại 10 dặm thì có sông Lò Gò Ngư. Sông Lăng Lý phải chăng là sông Lăng Thủy? Trên đoạn sông này còn có địa điểm gọi là ngã ba Tứ Sở thuộc ba xã Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội và Phú Hội. Địa danh Tứ Sở rõ ràng mang dấu vết của các sở thủy lợi xưa, tương tự như các địa danh sông Sở Thượng và Sở Hạ.
Việc xác định vị trí các sở thủy lợi xưa giúp ta hình dung ra một phần diện mạo kinh tế ngư nghiệp An Giang và vùng phụ cận dưới triều Nguyễn. Nhìn chung, các địa điểm khai thác thủy sản ở An Giang chia thành ba khu vực:
-Sông Tiền và các cù lao, rạch chi nhánh, trọng điểm là sông Sở Thượng, Sở Hạ, cù lao Tây, cù lao Giêng, sông Vàm Nao và các ao, rạch nhỏ ở phụ cận.
-Sông Hậu đoạn chảy qua An Phú, Châu Đốc tới Năng Gù, sông Châu Đốc xưa (sông Phú Hội) và các nhánh, chi lưu của hai con sông này cùng các ao đầm vùng lân cận.
-Khu vực Thất Sơn, trọng điểm là Náo Khẩu Ca Âm (trước năm 1819) về sau là kênh Vĩnh Tế, khu vực kênh Thoại Hà đến núi Ba Thê cùng với các ao đầm lân cận.
Quy mô, trình độ khai thác thủy sản của ba khu vực này không giống nhau, phản ánh mức độ tập trung dân cư khác nhau. Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ, việc đấu thầu các sở thủy lợi cũng có một số thay đổi. Năm 1875, Trương Vĩnh Ký liệt kê các sở thủy lợi ở hai hạt Châu Đốc, Long Xuyên như sau:
-Dọc theo Hậu Giang có (chỉ kể tên các sở thuộc địa phận An Giang nay): Vũng Thăng đà, Vĩnh Tế đà, Cần Thơ đà (hay Xép Chông Càn Lung), Du Nhiên (hay Cái Dầu), Hóa Cù (hay Năng Gù), Hiến Cần đà (hay Mật Cần Dưng), Thủ Thảo đà (hay Vàm Long Xuyên)…
-Dọc theo Tiền Giang có: Vĩnh Lợi đà, Tham Rôn đà, Cái Đầm đà, Đồng Xốc đà, Mã Trường (hay Ruột Ngựa), Hiệp Ân, Thường Lạc (Thủy Lợi), Ngư Ông đà (hay Lòng Ông Chưởng), Như Cương (hay Ba Răng)…(1)
2. Các hình thức khai thác của các ngư hộ và việc quản lý của triều Nguyễn:
Với lợi thế của khu vực đầu nguồn, có nhiều hồ ao, sông rạch, An Giang nổi tiếng là nhiều cá. Chỉ riêng có khu vực Náo Khẩu Ca Âm mà “cá mú không thể xiết ăn”[GĐTC; 59]. Dân làm nghề cá (triều Nguyễn gọi là ngư hộ) phân biệt hai loại cá. Cá đen gồm: cá lóc, cá bông, cá rô, cá sặt, cá trê… sống ở ruộng. Cá trắng gồm: cá linh, cá heo, cá ngựa, cá trèn bầu, cá trèn răng, cá he, cá dảnh, cá chốt, cá kết, cá kìm, cá lưỡi trâu, cá còm, cá thác lác, cá cơm, cá mè hôi… sống ở sông. Tùy theo thời điểm trong năm mà có một vài loại thủy sản đóng vai trò nổi bật. Nguyễn Liên Phong từng nhận xét:
“Sông dài nước cỏ minh mông, Cá sanh tràng nhẫy ruổi dong rạch nò.
Lóc rô trên kết sặc vồ, Các loài cá ấy Biển Hồ khác xa.
Biển Hồ thì tiếng cá tra, Châu Đốc vồ đém với là trên răng.”
Nguồn lợi thủy sản dồi dào. Cá nhiều đến nỗi chỉ đập tay xuống ván cầu là cá rộ lên vì giật mình. Phương pháp đánh bắt cá rất đa dạng. Đơn giản nhất là bắt cá bằng tay không. Chỉ cần bưng một vùa cám xuống sông, rải cám cho cá tụ lại thật đông thì tha hồ dùng tay mà bắt bỏ vào giỏ. Bắt cá chốt thì mang cái mền và cái rổ ra bờ sông, ngồi trùm mền đợi cá nổi lên nhiều thì nắm râu cá mà giật lên, bỏ vào rổ. Hoặc có khi các bà các chị ra bờ sông rửa chén, lặt rau, lấy dao chém xuống nước cũng có thể bắt được cá. Các hình thức khai thác này chủ yếu là để phục vụ nhu cầu riêng rẽ của từng gia đình.
Quy mô hơn thì phải kể đến hoạt động chài lưới. Trịnh Hoài Đức cho biết vào đầu thế kỷ XIX, nhiều vùng ở Thất Sơn đã có dân làm nghề chài lưới. Các dân làm nghề chài lưới ở sông Tiền và sông Hậu thuộc An Giang cũng được ghi nhận trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Mặc dù hoạt động riêng rẽ nhưng họ cũng chịu sự kiểm soát và phải đóng thuế cho triều đình.
Ven sông rạch, các ngư hộ còn bố trí các vó gạt, chất chà hoặc xây rọ. Chất chà là dùng các nhánh cây mục để thành đống trong khúc sông gần bờ để tạo môi trường cho cá tập trung, rồi dùng lưới bao quanh, giở chà lên rồi bắt cá. Rọ thì dùng hàng trăm mét đăng sậy, bố trí dọc theo con rạch. Cá lội thẳng hay quanh co, theo đăng, bơi vào rọ mà không biết. Ngoài ra, dọc hai bờ sông Tiền đến tận Vàm Nao người khai thác cá còn đặt bò, chủ yếu để bắt cá linh. Hình dáng và công dụng của bò được tác giả Huỳnh Minh tả kỹ trong cuốn Tân Châu xưa. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có nhắc tới việc đánh thuế các trại lưới tới đáy nước, có lẽ là nói tới một trong những hình thức khai thác cá trên đây.
Trong ruộng hoặc trong các khu đất trũng lại thông dụng phương pháp đào đìa. Theo Sơn Nam, nghề này thịnh hành từ thời Tự Đức. Người ta chọn những chỗ đất trũng (hoặc tự đào) ở trong đồng, trồng cây gáo, chất chà, trồng đế, nga, quanh thềm để tạo môi trường thuận lợi cho cá đến ở. Mùa lũ, cá tràn lên đồng tìm thức ăn. Đến khi nước rút, cá rút xuống đìa. Lúc bấy giờ người chủ đìa chỉ cần tát cạn hết nước là có thể bắt cá. Gia Định thông chí có nói tới việc người dân ở rạch Trà Thôn (Chợ Mới) “mùa xuân mùa hạ nước cạn, người ta hay đắp đê để bắt cá cua” cũng là một hình thức làm đìa. Một phương pháp nữa là đắp kè hai bên bờ sông để cá không thể bơi vào ruộng. Trong lòng sông thì cắm đầy đăng tre chắn ngang sông để giữ cá rồi mới bắt. Vùng Láng Linh, người ta bắt cá lóc, cá bông bằng cách đánh trái lăn bằng cỏ cho cá gom lại nơi đất trũng rồi dùng phảng mà chém cho cá chết.
Về mặt tổ chức, các ngư hộ An Giang xưa vốn đã họp thành đoàn thể. Gia Định thông chí cho biết ở khu vực núi Đài Tốn (Thất Sơn) “những dân cày ruộng chài cá, chia nhau ở thành loại”. Đáng chú ý nhất là ở cù lao Giêng, “ở đây có nhiều đầm chằm ruộng cá, lũ lượt cứ 15 người làm một đoàn, rẽ bùn phát cỏ, bắt cá để làm mắm hay phơi khô, chém nứa làm bè, đem bán các nơi”.
Triều đình nhà Nguyễn đã sớm có chính sách quản lý nghề cá. Hầu hết các chính sách này về sau đều được thực dân Pháp mô phỏng lại. Trịnh Hoài Đức cho biết vào thời đó “có tục lệ thuế cá, gọi là thuế dư cấp, tùy người thuận mua mới được xuống làm nghề”. Thuế cá chia làm ba loại:
-Thuế trại lưới tới đáy nước nộp bằng tôm gạo khô. Hội điển sự lệ cho biết địa bàn An Giang xưa có 27 sở rưỡi trại lưới tới đáy nước, mỗi năm nộp tổng cộng 865 cân tôm gạo khô. Trong đó, có 4 khẩu bỏ hoang, còn lại thực nộp thuế là 22 khẩu và 1 sở rưỡi. Thuế lệ chia ra như sau: 19 khẩu nộp thuế tôm gạo khô là 20 cân/khẩu; 3 khẩu nộp thuế tôm gạo khô 30 cân/khẩu và 1 sở rưỡi nộp thuế tôm gạo khô 200 cân.
-Thuế các nghề giăng lưới, đánh cá trên sông cái. Triều đình cho tư nhân đấu thầu trọn gói mỗi năm là 200 quan tiền thuế.
-Thuế sở thủy lợi nộp bằng tiền và cho tư nhân đấu thầu. Địa bàn An Giang hiện nay được tính là vùng thượng lưu thủy lợi nên việc đấu thầu bắt đầu vào tháng sáu âm lịch. Việc đấu giá thoạt tiên do Gia Định thành quản lý. Sau khi bãi bỏ cấp thành, trấn và đặt ra các tỉnh (1832), việc này được ủy thác cho quan tỉnh An Giang tiến hành. Do giá đấu thầu một sở thủy lợi rất cao, lên đến hàng nghìn quan nên người đứng ra đấu thầu thường là những người có nhiều tiền của và thế lực. Một bài viết trên báo Phỏng sự số ra ngày 22-12-1938 có đề cập tới quyền hạn của người trúng thầu thủy lợi. Ta có thể chắc rằng quy định này đã có từ thời nhà Nguyễn mà thực dân Pháp tiếp tục áp dụng. Bài báo viết: “rạch lớn, thì Nhà nước đấu giá bán thủy lợi cho người nào mua giá cao. Trong tờ giao kèo Nhà nước ghi rành: Người đấu thủy lợi chỉ được quyền đánh cá hoặc thâu thuế những ai đến đánh cá trong rạch mà nhà nước đã cho mướn mà thôi. Từ mé rạch vô đất ruộng, mỗi bên 50 thước, người đấu giá rạch có quyền đánh cá, chủ rạch không được quyền ngăn cản ai đánh cá ngoài giới hạn đó”.
Xuất phát từ quy định đó nên các chủ thầu thủy lợi thường cho người đắp đê hai bên bờ sông và cắm đăng đầy trong sông để quây cá lại rồi gọi ghe buôn tới bán trọn gói. Cũng có trường hợp người ta mua thầu đem về chia thành từng giấy phép nhỏ bán cho dân. Để thực hiện việc thu thuế này, người trúng thầu lập ra các đội tuần phòng. Hễ phát hiện ai đánh bắt cá trong phạm vi lãnh trưng của mình thì có quyền thu thuế, mức thu do mỗi người trúng thầu tự đặt. Ai đã đóng tiền thì họ cấp cho một giấy phép tạm thời. Nếu không có tiền đóng thì họ tự ý tịch thu ghe thuyền và đồ nghề đánh bắt của đương sự. Nhiều trường hợp các chủ thầu thủy lợi cậy chức cậy quyền, tiến hành thu thuế cả ở những nơi lân cận, không thuộc phạm vi lãnh trưng của họ.
Việc quản lý nghề cá ngoài ý nghĩa thu thuế ra còn có một điểm tích cực là nhà nước chú ý tới việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản qua hai chính sách:
Một là, nhà nước quy định chặt chẽ về kích thước các dụng cụ đánh bắt. Một lỗ chài, một “cụ” lưới, một kẻ đăng … đều có ni tấc hẳn hoi nhằm cho phép các loại cá con, cá chưa đủ kích cỡ để khai thác có thể thoát qua dễ dàng.
Hai là, lúc nước mới chạy vào kênh, rạch để tràn đồng thì Cai tuần, Phó tổng, Lý trưởng … đều canh chừng rất kỹ các miệng rạch, mương và xử phạt rất nặng những người đánh bắt cá vì đây là thời điểm cá mang trứng tràn vào đồng để đẻ trứng.
3. Những đóng góp của ngành ngư nghiệp An Giang:
Ngành ngư nghiệp An Giang đóng một vai trò quan trọng trong thu nhập của người dân An Giang xưa, đặc biệt là cư dân dọc theo sông Hậu. Gia Định thông chí viết:“phàm dân ở thượng lưu sông Hậu Giang đều lấy tre gỗ cá mú là món nhật dụng trước hết, bông là thứ hai, mà thóc gạo lại là bực thứ nữa”. Việc đấu thầu khai thác thủy lợi đem lại cho người trúng thầu một khoản lợi nhuận khá lớn như Nguyễn Liên Phong đã tả:
“Biết bao nhiêu giống cá đồng, Phái viên các cậu mua trùm trên quan.
Rồi thì bán lại cho làng, Mấy người cầm rạch chứa chan bạc tiền.”
Trong một thời gian dài, chính cá chứ không phải lúa gạo là sản phẩm nổi bật của tỉnh An Giang. Năm 1875, Trương Vĩnh Ký đã nhận xét: “Châu Đốc (An Giang) có cá, tơ lụa, chàm v.v..”.
Nguồn lợi từ nghề cá An Giang mỗi năm đóng góp cho triều đình hàng chục vạn quan tiền thuế. Chính Trương Vĩnh Ký cũng đã nói rằng: các sở thủy lợi ở tỉnh An Giang là “những khu vực đánh cá quan trọng nhất xứ”. Biểu đồ sau cho thấy mức đóng góp của ngành ngư nghiệp An Giang vào ngân sách của triều đình. Rõ ràng là các số liệu đóng góp cho ngân sách triều đình có một mối tương quan nhất định với tỷ lệ lợi nhuận của người khai thác cá. Do vậy, nó còn cho ta một gợi ý quan trọng về quy mô và giá trị của ngành ngư nghiệp An Giang trong thời nhà Nguyễn. Các chỗ lõm thể hiện sự sụt giảm tương ứng với các giai đoạn tình hình chính trị miền Nam không ổn định do khởi nghĩa Lê Văn Khôi và các cuộc xâm lược của Xiêm vào Nam Bộ dưới thời Minh Mạng (những năm 1832-1834) và Thiệu Trị (1840-1847).
Biểu đồ 1: Thuế thủy lợi tỉnh An Giang 1830-1848 (Đơn vị: quan tiền).
Nguồn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ.
Biểu đồ thứ hai thể hiện tỷ lệ giữa các loại thuế sản xuất mà triều đình thu được năm 1837, bao gồm: thuế ruộng lúa (nộp bằng thóc, mỗi hộc trị giá 1 quan 5 tiền), thuế vườn cây, rẫy trồng khoai và các loại đất khác nộp bằng tiền hoặc bạc (bạc 1 lạng trị giá 2 quan 8 tiền), thuế thủy lợi (với giả định loại tôm gạo khô nộp thuế đều là loại tôm nhỏ) và thuế tuần ty (thuế thuyền buôn) nộp bằng tiền. Tôi không tính ở đây các khoản thuế nhân đinh và một số thuế của các hộ làm thủ công nghiệp khác vì thiếu số liệu.
Tỷ lệ đóng góp của các loại thuế sản xuất vào thu nhập của triều đình (1837).
Nguồn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam nhất thống chí.
Nguồn thu thuế thủy lợi không chỉ quan trọng với triều đình nhà Nguyễn mà cả với triều đình Chân Lạp do các ngư hộ còn sang khai thác cá tại hàng loạt địa điểm ven biên giới Chân Lạp. Để bảo vệ quyền lợi kinh tế cho nước bạn, triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần nghiêm cấm hành động này. Ngay từ năm 1796, Nguyễn Ánh đã sai trả 68 sở thủy lợi ven biên giới An Giang cho Chân Lạp và cấm các ngư hộ không được xâm lấn, cũng không được mua riêng. Ai trái lệnh sẽ bị xử tử. Đến năm 1817, triều Nguyễn lại trả thêm 4 sở thủy lợi nữa. Tuy vậy, chính sách này trái lại lại khiến cho triều đình Chân Lạp bị thất thu. Vì thế, năm 1821, Chân Lạp phải xin triều đình Huế cho phép các ngư hộ ở An Giang lĩnh trưng và khai thác các sở thủy lợi ấy để thu thuế và giao cho Chân Lạp chi dùng.
Sản lượng cá khai thác cực lớn đã tạo điều kiện cho các nghề thủ công phát triển. Bên cạnh việc bán cá tươi cho các ghe buôn lớn, các ngư hộ còn chế biến nhiều sản phẩm từ nguồn thủy sản đánh bắt được. Ngay từ năm 1820, Trịnh Hoài Đức đã nhắc tới nghề ướp mắm và làm khô ở cù lao Giêng và ven rạch Cái Đầm. Hai sản phẩm nổi bật của tỉnh An Giang lúc bấy giờ là cá lẹp khô và tôm nõn. Năm 1836, vua Minh Mạng đã sai tỉnh An Giang mua cá lẹp khô và tôm nõn với số lượng lớn. Cá lẹp khô cứ 100 cân có giá là 5 quan 5 tiền. Tôm nõn hạng to thì mỗi 100 cân giá 21 quan, hạng nhỏ thì 19 quan.
Cá linh chưa là một món ăn được hầu hết mọi người ưa chuộng cho đến tận thập niên 1940 vì bị nhiều người chê là nhiều xương quá. Ngoài việc chế biến các thức ăn từ cá linh ra, người ta còn khai thác cá linh để đổ thành đống, chờ cho đống cá đó sình lên thì trộn với tro để làm phân bón rẫy. Cá linh còn là nguyên liệu nấu dầu cá để làm nhiên liệu thắp sáng. Nghề này ban đầu chỉ có ở Chân Lạp rồi được người Việt học hỏi mang về nước. Nghề nấu dầu cá đã thịnh hành từ thời Minh Mạng. Bằng chứng là năm 1831, triều đình đã sai mua dầu cá ở tỉnh An Giang với giá mỗi 100 cân dầu là 14 quan tiền. Năm năm sau (1836), cũng 100 cân dầu cá ở An Giang chỉ có giá là 7 quan. Rõ ràng giá cả giảm xuống vì sản lượng dầu cá đã tăng lên đáng kể. Sang đầu thế kỷ XX, nghề nấu dầu cá linh tập trung nhiều ở tỉnh Long Xuyên. Sự nhộn nhịp của nghề này được Nguyễn Liên Phong tả lại:
“Trên bờ rẩy ruộng châu thành, Dưới sông cá mắm dinh sanh cội nền.
Cá linh từ đó sắp lên, Bước qua mùa nắng kẹo lền bực sông.
Dầu cá linh, lò nấu cùng, Tối thì nổi lữa theo vòng giang biên.
Vợt xúc lên bỏ nấu liền, Ghe buôn thấy cũng giãi phiền tâm trung.”
Hoạt động đánh bắt thủy sản phong phú và đa dạng của các ngư hộ An Giang còn giúp tích lũy một kho kinh nghiệm cũng như một kho tàng các ngư cụ phong phú, đa dạng. Tỉnh An Giang xưa cung cấp nhiều thợ xây rọ cho phía Rạch Giá, U Minh vì việc xây rọ đòi hỏi kinh nghiệm nhà nghề. Thầy xây rọ phải xem xét từng khúc rạch. Nếu bố trí sai quy luật, cá sẽ bơi vòng quanh đăng rồi trở ra sông, không bắt được cá.
Nhìn chung, đặc điểm của ngành ngư nghiệp An Giang thời kỳ này là một loại hình kinh tế tự nhiên, chủ yếu thiên về việc đánh bắt cá trong thiên nhiên. Ngành ngư nghiệp An Giang đã chiếm một vai trò quan trọng nhất định cần được chú ý nghiên cứu khi đề cập tới kinh tế An Giang thời nhà Nguyễn.


Chú thích:
(1) Trương Vĩnh Ký. Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ. NXB Trẻ, 1997, trang 26.  Tác giả kể theo thứ tự từ thượng nguồn xuống. Phải chăng có sự nhầm lẫn khi Trương Vĩnh Ký gọi Xép Chông Càn Lung là Cần Thơ đà, còn Thốt Nốt thì lại gọi là Thất Sơn đà?

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập IV. NXB Thuận Hóa, Huế, 1993.
Nguyễn Hiến Lê. Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. NXB Văn hóa Thông tin, 2002.
Nguyễn Liên Phong. Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, tập 2. Nhà in Phát Toán, Sài Gòn, 1909.
Nguyễn Văn Hầu. Nửa tháng trong miền Thất Sơn. NXB Trẻ, 2000.
Nguyễn Văn Kiềm, Huỳnh Minh. Tân Châu xưa. NXB Thanh niên, 2003.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện chính biên, nhị tập. NXB Văn học
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí – Lục tỉnh Nam Việt, tập Hạ. Nha văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục, 1959.
Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục chính biên, tập 1. NXB Giáo dục,
Sơn Nam. Lịch sử khẩn hoang miền Nam. NXB Trẻ, 2009.
Sơn Nam. Tìm hiểu đất Hậu Giang & Lịch sử đất An Giang. NXB Trẻ, 2009.
Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí. NXB Giáo dục, 1998.
Trương Vĩnh Ký. Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ. NXB Trẻ, 1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét