Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Lộc:
Phú Yên mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn
Phó Giáo sư, tiến sĩ Sử học Nguyễn Quốc Lộc, chủ biên công trình “Lịch sử Phú Yên thế kỷ XVII – XVIII”, đã dành nhiều tâm huyết trả nghĩa quê hương qua nhiều công trình nghiên cứu góp phần xây dựng bộ thông sử Phú Yên trong chiều dài lịch sử, đặc biệt là giai đoạn Phú Yên xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc (1611), mở đầu cho giai đoạn hình thành và phát triển gần 400 năm của tỉnh. Trước thềm xuân Kỷ Sửu 2009, Báo Phú Yên đã hỏi chuyện Phó Giáo sư Nguyễn Quốc Lộc về thời mở cõi và vai trò Phú Yên trong sự nghiệp Nam tiến, Tây tiến vĩ đại của dân tộc.

den-LVC-1.jpg
Đền thờ Lương Văn Chánh – Thành Hoàng  đất Phú Yên  - Ảnh: KIM SA


* Thưa Phó Giáo sư, núi Đá Bia – biểu tượng của Phú Yên, đã trở thành cương giới năm 1471 sau thắng lợi vang dội của vua Lê Thánh Tông ở Đồ Bàn, nhưng phải đến 130 năm sau (1611) danh xưng Phú Yên mới xuất hiện trên bản đồ Tổ quốc…

- Vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia, nay là tỉnh Phú Yên, có bề dày lịch sử rất lâu đời. Nơi đây, con người thời tiền sử – sơ sử đã sinh sống liên tục, để lại nhiều dấu tích khảo cổ học từ thời đồ đá cũ, đồ đá mới đến thời kim khí và văn hóa Sa Huỳnh.

Thời Chămpa, Vương quốc bao gồm các tiểu quốc (mandala) có ranh giới khá rõ ràng, tương thích với sự phân cách của địa hình, núi non, sông nước. Tương ứng với vùng đất từ Cù Mông tới núi Đá Bia là tiểu quốc Lăng-gia-bạt-đa (chữ Phạn là Lingaparvata), sử cũ Trung Hoa ghi là Mun Đuk (Môn Độc Quốc). Tiểu quốc này có đủ 5 biểu trưng thần quyền – vương quyền của mô hình Chămpa. Dễ dàng nhận ra địa thế của vùng đất và sự hiện hữu của con sông dài (Đà Rằng) có vai trò khá quan trọng trong lịch sử phát triển của quốc gia Chămpa cổ đại.

Năm 1471, với thắng lợi vang dội ở Trà Bàn, Lê Thánh Tông đã làm sụp đổ và chấm dứt vĩnh viễn ý đồ bành trướng, xâm chiếm và cướp phá lãnh thổ Đại Việt từ phía nam. Chiến thắng lịch sử này không những khôi phục được 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến miền Vijaya được vua Lê Thánh Tông cải đặt tên là phủ Hoài Nhân. Từ đây, núi Đá Bia (Thạch Bi) trở thành cương giới phía bắc nước Chămpa.

Khi công nhận cho Bồ Trì Trì làm Chiêm Thành vương cai quản từ núi Đá Bia trở vào, vua Lê Thánh Tông cũng phong vương cho nước “Nam Bàn” ở miền thượng nguyên phía tây và “Hoa Anh” trên vùng đất từ Cù Mông đến núi Đá Bia.

Từ đó đến hơn 100 năm sau, vùng đất Phú Yên giữ một vai trò độc đáo: là đất ky my (ràng buộc lỏng lẻo) của Đại Việt, làm vùng đệm giữa Đại Việt với Chămpa. Tình hình  đất nước và khu vực hồi thế kỷ XV cho thấy quyết định chưa đặt ngay thành đơn vị hành chánh trên vùng đất này của Lê Thánh Tông là trong thế thắng và trên thế mạnh, để đến đầu thế kỷ XVII phủ Phú Yên ra đời là kết quả tất yếu của diễn trình lịch sử và người có công khai sinh là Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng.

* Chúa Nguyễn Hoàng đã chủ trương mở đất và khai sinh đất Phú Yên như thế nào?

- Nguyễn Hoàng (sinh năm 1525) vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558) rồi kiêm trấn thủ Quảng Nam (năm 1570). Ông là “người có uy danh, nhiều mưu lược”, có “đường lối cai trị mềm dẻo, khéo léo” nên nhanh chóng biến miền biên viễn còn rất hoang sơ thành vùng kinh tế phát triển. Nguyễn Hoàng là người khai đầu tiến trình mở đất về phía nam thời các Chúa Nguyễn. Năng lực lãnh đạo giỏi và khả năng tổ chức cao của ông làm cho phủ Phú Yên ra đời được vững chắc do có quá trình chuẩn bị hợp lý, kỹ lưỡng, Chúa Nguyễn còn được sự giúp đỡ tận lực, tận tâm của những quan chức giỏi giang dưới quyền như Lương Văn Chánh.

Năm Mậu Dần (1578), theo lệnh của Nguyễn Hoàng, Đô Chỉ huy sứ Lương Văn Chánh tiến quân vào tới sông Đà Diễn, đánh lấy được Thành Hồ, đuổi quân Chiêm Thành ra lấn cướp, bình định cả vùng Hoa Anh. Ngay sau đó, ông “chiêu tập dân lập làng”, “mộ dân khai hoang, chia lập thôn ấp”, bắt đầu công cuộc di dân vào phía nam Cù Mông.

Năm Đinh Dậu (1597), thực hiện nhiệm vụ của Tổng trấn tướng quân Nguyễn Hoàng giao phó Lương Văn Chánh tổ chức cuộc đại di dân đưa hàng ngàn người vào các vùng Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Nông để “khai canh hoang nhàn điển thổ, kết lập gia cư địa phận”. Quận công Lương Văn Chánh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành danh nhân lịch sử hàng đầu thời mở đất Phú Yên.

Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng quyết định lập phủ Phú Yên vào năm Tân Hợi (1611). Từ đây, vùng đất từ Cù Mông đến núi Đá Bia chính thức có tên trong bản đồ Đại Việt. Phủ Phú Yên ra đời là kết cục hiển nhiên sau hơn 30 năm mở đất lập làng thời Lương Văn Chánh.

Do được chuẩn bị tốt, phủ Phú Yên ra đời gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa với mấy ngàn cư dân sinh sống yên ổn trong ngót một trăm thôn xã. Mỗi huyện chia thành các tổng (thượng, trung, hạ) và có đến 38 thuộc ở gần núi rừng, dọc sông biển. Đó là một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh và tổ chức sát hợp ở một đơn vị hành chính mới thành lập.

Cư dân phủ Phú Yên lúc ra đời là một cộng đồng đa tộc. Người Việt ở Phú Yên có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau ở phía bắc vào. Trong quá trình khai hoang, mở đất, dựng làng, họ gắn bó với nhau, bảo vệ và tương trợ lẫn nhau, chung sức và đồng lòng cùng xây dựng quê hương mới. Cư dân bản địa có người Chăm, người Ê Đê. Thế kỷ XVIII có thêm người Ba Na xuống và người Hoa vào. Sống cận cư và cộng cư với nhau, người Việt cùng các dân tộc sớm hòa hiếu và hợp tác với nhau. Sử sách và nhất là văn học dân gian không hề nói đến một cuộc đàn áp hay xung đột đẫm máu nào giữa các dân tộc trên vùng đất Phú Yên. Cuộc sống hòa mục và truyền thống đoàn kết các dân tộc ở Phú Yên sớm được hình thành và thật đáng quý.

* Phó Giáo sư cho biết đôi nét về vai trò, vị trí Phú Yên với tư cách trấn biên trong sự nghiệp Nam tiến, Tây tiến vĩ đại của dân tộc.

- Phủ Phú Yên do thế đất và nhờ sức người nên mới thành lập đã đảm đương trọng trách lịch sử vẻ vang trong thế kỷ XVII và XVIII.

Năm Kỷ Tỵ (1629), Chúa Nguyễn Phước Nguyên thiết lập dinh Trấn Biên ở Phú Yên. Đó là khi cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn (1627-1672) mới nổ ra và cũng là lúc Chúa Nguyễn đã đặt được hai sở thuế thương chính ở Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé). Dinh Trấn Biên được thiết lập phải trợ lực hiệu quả trong cuộc chiến chống Trịnh ở phía bắc và tạo lực mạnh mẽ cho công cuộc mở mang về phía nam.

Trong thế kỷ XVII, dinh Trấn Biên ở Phú Yên giữ vị trí quan trọng (bàn đạp vững chắc) và vai trò to lớn (trạm trung chuyển chiến lược) của hành trình khai mở các đất Bình Khang (1653), Ninh Thuận – Bình Thuận (1693-1697), Đồng Nai và Gia Định (1698). Những đạo quân hùng hậu do Tôn Thất Yến (1658), Nguyễn Dương Lâm (1674), Mai Vạn Long (1688), Nguyễn Hữu Hào (1690) chỉ huy tiến vào nam đều được chuẩn bị và xuất phát từ Phú Yên. Đến năm 1698, vai trò Trấn Biên được chuyển cho dinh mới lập ở Đồng Nai. Như vậy, Phú Yên đảm lãnh trọng trách Trấn Biên trong một thời gian dài (69 năm), với nhiều hoạt động mạnh và đạt hiệu quả lớn.

Trong thế kỷ XVII-XVIII, phủ Phú Yên còn đảm lãnh vai trò thống quản vùng đất rộng lớn ở thượng nguyên phía tây. Với chính sách “nhu viễn”, các chúa Nguyễn công nhận các tù trưởng Hỏa xá, Thủy xá tự trị như một tiểu quốc trong lòng lãnh thổ nước ta. Đó là chính sách tiến bộ, mềm dẻo và khôn ngoan. Chúa cử sứ thần từ Phú Yên đến thăm hỏi, tặng quà cho Vua Lửa, Vua Nước. Các phái đoàn của hai tù trưởng cũng được đón tiếp ở Phú Yên rồi đưa ra Huế để thần phục cống nộp. Quan hệ đó êm thắm và ngày càng chặt chẽ cho đến khi xác lập được các đơn vị hành chánh mới trên cao nguyên phía tây (Tây Nguyên) của nước ta.

Từ giữa nửa sau thế kỷ XVIII, phủ Phú Yên giữ vị trí xung yếu và nhân dân Phú Yên có đóng góp rất xứng đáng trong phong trào Tây Sơn lịch sử.

PHAN THANH (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét