Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Hình thức khai hoang doanh điền dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX – thành tựu và ý nghĩa


Hình thức khai hoang doanh điền dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX – thành tựu và ý nghĩa 
Nguyễn Viết Hảo (Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng)


I. Đặt vấn đề
Trong quá trình phát triển của lịch sử, khai phá đất hoang mở rộng diện tích trồng trọt là một yêu cầu sống còn trong điều kiện một nước nông nghiệp như nước ta. Từ thời kỳ dựng nước đây là một hoạt động được tiến hành thường xuyên, liên tục. Sang đến thời kỳ phong kiến độc lập, công tác đó càng được chú trọng đặc biệt như là một nhiệm vụ tất yếu khách quan của quốc gia Đại Việt. Nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang được các vua triều Nguyễn tiến hành một cách triệt để hơn, trở thành một chủ trương quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, mở rộng đất đai, đồng thời ổn định đời sống nhân dân.
Doanh điền là một trong 3 hình thức khai hoang chủ yếu được triển khai dưới triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, bên cạnh đồn điền và khai hoang tự do của nhân dân. Nội dung bài viết này tập trung khảo cứu hoàn cảnh ra đời và biện pháp khai hoang doanh điền để làm rõ thành quả, ý nghĩa và tác động của hình thức khai hoang này với kinh tế xã hội Việt Nam đương thời. Đi đến luận giải tại sao hình thức khai hoang này lại áp dụng thành công trên phạm vi nước ta từ Bắc đến Nam. Làm rõ vấn đề này để thấy rằng, đây là hình thức khai hoang tích cực mà triều Nguyễn triển khai vào tiền bán thế kỷ XIX, góp phần to lớn vào việc mở rộng diện tích đất đai trong cả nước, phân bố dân cư, ổn định đời sống nhân dân.
II. Nội dung
2.1.  Hoàn cảnh ra đời và biện pháp khai hoang
Doanh điền là cách gọi khác của hình thức khai hoang kết hợp giữa nhà nước và nhân, vừa nhằm giải quyết vấn đề nhân lực ở nông thôn, vừa nhằm biến các vùng đất hoang ở ven biển, ven sông thành làng xóm, ruộng đồng. Nửa đầu thế kỷ XIX, trước tình trạng ruộng đất tư phát triển mạnh mẽ, ruộng đất công thu hẹp đáng báo động và trước những biến động của xã hội đương thời, hình thức khai hoang doanh điền chính thức được thực hiện. Năm 1828 sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, Nguyễn Công Trứ lúc đó là tổng đốc An Hải đã dâng sớ lên triều đình xin làm 3 việc, trong đó việc thứ 3 là xin “ vỡ ruộng hoang cho dân nghèo”. [4, tr. 719] ở Nam Định, Ninh Bình. Kế hoạch khai hoang của ông có đoạn viết: “Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thủy, Chân Định mênh mông, bát ngát. Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”[4, tr. 719-720]. Trên cơ sở đó ông đi đến kết luận, “như thế đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu” [4, tr. 720]. Triều Nguyễn lúc đó, đặc biệt là Minh Mạng, thấy đây thực sự là một dự án khai hoang mang tính khả thi cao và đã phong cho ông làm Doanh điền sứ, chịu trách nhiệm thực thi kế hoạch khai hoang của mình với sự giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí từ nhà nước. Trong Minh Mệnh chính yếu, vua Minh Mạng có đoạn dụ rằng: “Triều đình muốn giáo hóa dân, không có gì khác hơn là trước tiên phải hướng dẫn dân chú trọng về căn bổn (tức nghề nông). Nay công việc dinh điền đã ủy cho khanh vậy nếu có thể làm việc gì mà vì trăm họ hưng lợi trừ hại, thì cho được tiện nghi hành sự” [3, tr. 22]. Hình thức khai hoang doanh điền ra đời trong bối cảnh như vậy. Hai mươi lăm năm sau (1853), hình thức này được tái áp dụng ở 6 tỉnh Nam Kỳ dưới sự chỉ đạo của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và ở Khánh Hòa 1855 bởi những tính ưu việt mà nó mang lại. Tóm lại, nửa đầu thế kỷ XIX, doanh điền được
thực hiện chủ yếu ở duyên hải Bắc Bộ dưới thời Minh Mạng và Nam Bộ dưới thời Tự Đức.
2.1.2. Biện pháp khai hoang
Trong bản điều trần gửi triều đình năm 1828, ông trình bày khá rõ ràng cách thực hiện hình thức khai hoang này cả về mặt Nhà nước và cả về phía dân nhân. Về mặt Nhà nước thì “cấp cho tiền công để làm nhà cửa, mua trâu bò nông cụ, lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay” [4, tr. 720]. Về phía nhân dân, ông chủ trương dựa vào “những người có lực” ở địa phương để mộ dân nghèo mọi nơi đến khai hoang. Tức là Nguyễn Công Trứ nhắm vào những người có tiền bạc, có dụng cụ khai khẩn tại địa phương. Điều trần có đoạn: “Cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo ở các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập thành một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng, đều tính đất chia cho” [4, tr. 720]. Bên cạnh đó, Nguyễn Công Trứ cũng chủ trương, những “kẻ nào hối quá hoàn lương, thì cho đến sở Dinh điền thú tội, theo sức mà cấp ruộng cho làm. Những chỗ ruộng đất rải rác có thể lập thành làng trại, đủ cho 15 người ở trở lên thì xin lập làm một trại, 18 người trở lên thì lập làm một giáp, đều đặt trại trưởng và giáp trưởng trông coi. Thế thì đất không có chỗ bỏ không” [4, tr. 721]. Trên thực tế, nhà nước đứng ra lo liệu các khoản chi phí như sau:
Bảng 2.1.2: Cụ thể các khoản chi phí của nhà nước

Đơn vị
Số đinh
Tiền mua trâu bò (quan)
Tiền mua
nông cụ (quan)
Tiền làm nhà (quan)
Cộng (quan)
Ấp
Trại
Giáp
50
30
15
10
300
180
90
60
40
24
12
8
100
60
30
20
440
264
132
88

                                                                                             [Nguồn: 6, tr. 100].
Theo phương thức trên, sau khi khai hoang ở Thái Bình ông xin phép triều đình cho áp dụng ở Ninh Bình. “Dân nghèo còn có hơn 1000 người xin lãnh ruộng hoang để khai khẩn. Trộm thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình cùng chỗ đối ngạn với huyện Nam Chân thuộc Nam Định, một giải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm đất cấy lúa được chẳng kém gì Tiền Hải, xin đến đo đạc để lập thành ấp lý” [4, tr. 779]. Triều đình một lần nữa phê duyệt kế hoạch khai hoang của ông. Với cách làm trên, Nguyễn Công Trứ là người mở đầu cho thời kỳ chinh phục đất đai bỏ hoang dưới triều Nguyễn, cũng như tạo phong trào khẩn hoang doanh điền ở những triều đại sau này.
Vận dụng kinh nghiệm khai hoang lập ấp của Nguyễn Công Trứ ở ngoài Bắc, triều Nguyễn cho phổ biến rộng rãi ra các tỉnh, nhất là ở Nam Kỳ. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương và Phó sứ Phan Thanh Giản xin phép nhà nước được tổ chức khai hoang, mở mang làng ấp ở Nam Kỳ theo cách thức như sau: “Nam kỳ và các trực tỉnh (từ Bình Thuận trở ra Bắc) thông sức các người trong hạt, cho phép người nào tình nguyện lĩnh bằng để mộ dân… cần đủ 10 trở lên, cho phép được tùy chỗ khai khẩn, cư trú nối liền nhau, lập thành sở của thôn” [5, tr. 263]. Theo đó, nhà nước cho phép người mộ có thể là nhân dân lao động bình thường hoặc cũng có thể là tù phạm nhưng phải có hộ khẩu cư trú tại Nam Kỳ. Với dân thường thì quy định rằng: “Người đứng lập ấp mà mộ đủ 30 người, thì tha thuế thân và sai dịch suốt đời; được 50 người, thưởng chánh cửu phẩm bách hộ; được 100 người, thưởng thụ chánh bát phẩm bách hộ” [5, tr. 263 - 264]. Còn với tội phạm thì cho phép “những tù tội chính quán, ngụ quán ở 6 tỉnh, không kể quan hay dân bị pham tội, nếu có người nào ra sức tình nguyện triệu mộ dân, lập làm 1 đội, hoặc 1 thôn, đều đủ 50 người, thì cho phép làng, họ bảo nhận cam kết, sẽ được tạm tha, cho đi chiêu mộ đủ số thì tha tội” [5, tr. 264]. Những người ứng mộ “hoặc đến Tĩnh Biên, Ba Xuyên, hoặc chiểu theo chỗ đất hoang trong hạt mình mà khai khẩn lập ấp; nhưng phải sáp nhập vào các tổng hiện lập thành, được theo ý nguyện…” [5, tr. 264]. Nghĩa là, sau khi các ấp mới được thành lập nhà nước giúp đỡ họ lập xong bộ đinh, bộ điền rồi cho địa phương hóa thuộc vào tổng sở tại.
Không dừng lại ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, phép khai hoang doanh điền lại được vận dụng tấn công vào miền Trung đầy nắng và gió. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, Khánh Hòa là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức khai hoang này. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), vì nhận thấy “thôn xóm sợ hãi, xiêu tán, thành ra bỏ hoang rậm, nhất là các trạm Hòa Tân, Hòa Du, Hòa Lãng” [5, tr. 373], tỉnh thần Khánh Hòa tâu với triều đình xin phép khai khẩn, thiết lập làng thôn và được Tự Đức cho thi hành: “Số người mộ được bao nhiêu, chiếu theo liên lạc mà đặt lập tổng, thôn, làm nhà khai khẩn ruộng” [5, tr. 374]. Theo đó, biện pháp khai hoang ở Khánh Hòa được tiến hành như sau: Ở các vùng ven trạm “mộ được 30 - 40 người trở lên, đặt làm một thôn, 5 - 6 thôn đặt làm một tổng” [5, tr. 374]. Bên cạnh đó, những ai khai khẩn ruộng nương, tính kế làm ăn lâu dài ở trong hạt thì nhà nước cũng quy định rất rõ: “Ai mộ được 1 thôn đủ 30 tên trở lên, thưởng cho người ấy được miễn đi lính và miễn thuế thân suốt đời; mộ được 50 tên, thưởng thụ tòng cửu phẩm bách hộ, cho làm thôn trưởng; mộ được 150 tên, thưởng thụ chánh cửu phẩm bách hộ, kiêm lĩnh lý trưởng các thôn ấy; mộ được 300 tên, thưởng thụ tòng bát phẩm bách hộ, lĩnh chức cai tổng” [5, tr. 374]. Vậy là, biện pháp khai hoang doanh điền được tiến hành không giống nhau giữa các địa phương, nhà nước tùy từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh để đưa ra phương thức khai hoang thích hợp nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất. Điều đó cũng cho thấy sự linh hoạt, chủ động của nhà nước khi thực hiện hình thức khai hoang này.
            Vào nửa đầu thế kỷ XIX, hình thức khai hoang doanh điền đã mạng lại những kết quả ban đầu khả quan, nhiều làng, ấp, tổng, huyện được thành lập cả ở ngoài Bắc, trong Nam và miền Trung. Được triều đình phê duyệt dự án khai hoang, chỉ sau một thời gian ngắn chưa đầy 2 năm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ cùng với các tầng lớp nhân dân lao động đã tạo ra một diện mạo mới mẽ cho vùng đất bồi các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng. Đó là việc hai huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và hai tổng Hoành Thu - Ninh Nhất (huyện Giao Thủy - Nam Định) chính thức ghi tên vào bản đồ Việt Nam. Tháng 10 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), huyện Tiền Hải chính thức được khai sinh với 7 tổng: “Tân Cơ, Tân An, Tân Định, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Bồi gồm 14 lý (làng), 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 2350 người, số ruộng được hơn 18.960 mẫu” [4, tr. 778]. Năm tháng sau khi huyện Tiền Hải ra đời thì huyện Kim Sơn cũng hình thành (3/1829), chia làm 5 tổng, gồm “3 lý (làng), 22 ấp, 24 trại, 4 giáp với số đinh ban đầu 1260 người, số ruộng khai khẩn được là 14.620 mẫu” [4, tr. 843]. Cũng trong thời gian đó, Nguyễn Công Trứ tiến hành khai khẩn ở nhiều nơi và thu được nhiều kết quả lớn lao. Tổng Hoành Thu (Giao Thủy - Nam Định) được bắt đầu khai khẩn vào tháng 3/1828 đến đầu năm sau thì căn bản được hình thành với 14 ấp, trại, giáp, có 385 mẫu ruộng đất và 301 đinh. Tổng Ninh Nhất cũng được thành lập với 9 làng, ấp, trại, giáp, có 345 suất đinh và 4120 mẫu ruộng đất [1, tr. 29]. Có thể nói, thành quả trên là công lao to lớn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Ở trong Nam, sau một năm thực hiện vào 7/1854 Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương đã báo cáo về triều đình lập được 124 làng ấp tất cả. Sách Đại Nam thực lục chép, “Gia Định 32 ấp, Vĩnh Long 60 ấp, An Giang 23 ấp, Định Tường 9 ấp, cộng 124 ấp” [5, tr. 326]. Còn theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong tác phẩm “chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh” thì đợt khai hoang lập ấp năm từ 1853 đến giữa năm 1854 của Kinh lược sứ Nguyễn Tri Phương có “260 thôn ấp” [2, tr. 170]. Xuôi về miền Trung -  Khánh Hòa thì kết quả có hạn chế hơn nhiều so với 2 đợt khẩn hoang trên. Sử sách triều Nguyễn chỉ cho biết “viên phủ Diên Khánh là Đỗ Thúc Tĩnh mộ được hơn 150 nhân đinh, và thiết lập làm 4 thôn” [5, tr. 373].
Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ XIX, hình thức khai hoang doanh điền đã đem lại những kết quả lớn lao cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam. Nguyên nhân thì có thể lý giải rằng, một mặt đây là hình thức khai hoang do Nhà nước đứng ra tổ chức, quy hoạch và đặc biệt là cấp vốn cho nhân dân làm; biện pháp khai hoang đề ra và thực hiện một cách bài bản, linh hoạt tùy theo đặc điểm từng địa phương. Mặt khác, những người đứng ra tổ chức công cuộc khai hoang: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương là những người có năng lực, biết nhìn xa trông rộng, hết sức hết lòng vì dân vì nước. Kết quả trên cho thấy, đây là một thắng lợi lớn của sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân trong khai hoang, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
            Thứ nhất, góp phần mở mang đất đai canh tác phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Với kết quả khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mà chúng tôi đã làm rõ ở trên, xin thống kê lại tổng số ruộng đất theo bảng sau:
Bảng 2.2.2. Bảng thống kê kết quả khai hoang ở đồng bằng Bắc Bộ

Địa bàn
Huyện
Tiền Hải
Huyện
Kim Sơn
Tổng
Hoành Thu
Tổng
Ninh Nhất
Ruộng đất khai hoang
18.960 mẫu
14.620 mẫu
385 mẫu ruộng
4120 mẫu
Tổng cộng
38.085 mẫu


Còn công cuộc khai hoang lập ấp ở trong Nam, nguồn sử liệu thành văn của triều Nguyễn chưa cho biết cụ thể số ruộng đất khai khẩn được là bao nhiêu; nhưng theo tác giả Nguyễn Đình Đầu trong tác phẩm “Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh” thì cho biết, diện tích khai hoang dành cho mỗi dân mộ thường là từ 2 đến 6 mẫu [2, tr. 165]. Vậy tính trung bình mỗi người dân mộ là 4 mẫu/người. Theo quy định của nhà nước lúc đó thì những người mộ dân lập ấp tối thiểu phải được 10 người nhưng tối đa là 100 người. Thành thử trung bình mỗi thôn ấp là 55 người/làng ấp. Căn cứ theo kết quả khai hoang năm 1853 của Nguyễn Tri Phương báo về triều đình và được Đại Nam thực lục ghi lại là 124 làng ấp. Vậy, theo tính toán của chúng tôi thì chúng ta có những kết quả sau:
- 55 người/1 làng ấp  x  4 mẫu/ người = 220 mẫu
- 124 làng ấp  x 220 mẫu =  27.280 mẫu
Như vậy, theo phỏng tính của chúng tôi thì đợt khai hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh năm 1853 mang lại khoảng trên 27.280 mẫu ruộng đất. Vậy là, tổng số ruộng đất ở trong Nam và ngoài Bắc nửa đầu thế kỷ XIX mà hình thức khai hoang doanh điền đem lại là 65.365 mẫu ruộng đất. Trên thực tế, có thể số ruộng đất khai hoang được từ doanh điền lớn hơn nhiều, một phần không được sử sách triều Nguyễn ghi chép đầy đủ, phần khác do tình trạng ẩn lậu ruộng đất ở các địa phương. Nếu như tổng diện tích ruộng đất thực trưng năm 1840 là 4.063.892 mẫu, thì năm 1847 là 4.278.013 mẫu và năm 1865 là 4.617.435 mẫu [6, tr. 103]. Điều này chứng tỏ, việc tăng diện tích ruộng đất thực trưng là kết quả của việc khai hoang nói chung, trong đó ruộng đất từ khai hoang doanh điền đóng góp một phần nhất định.
Thứ hai, tăng nguồn thu tô thuế cho nhà nước, củng cố chính quyền trung ương. Dưới chế độ phong kiến nói chung và dưới triều Nguyễn nói riêng, một phần trong nguồn tô thuế đó có sự đóng góp từ ruộng đất được khai hoang. Có nghĩa là, kết quả của những cuộc khai hoang có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Ruộng đất khai hoang càng nhiều thì tỷ lệ với nó là số ruộng đất đóng thuế nhiều lên và dĩ nhiên số lượng thuế thu được cho nhà nước cũng gia tăng. Với diện tích ruộng đất mang lại từ hình thức khai hoang doanh điền như chúng tôi thống kê ở trên thì chắc chắn ít nhiều có sự đóng góp vào nguồn lợi cho quốc gia. Cũng chính vì vậy, trong bản điều trần của Nguyễn Công Trứ dâng lên vua Minh Mạng để xin khai hoang vùng Kim Sơn và Tiền Hải cũng nhấn mạnh vấn đề thu lợi cho ngân sách quốc gia, “nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng” [4, tr. 719]. Bên cạnh đó, với hình thức khai hoang doanh điền, còn kéo theo việc một bộ phận nông dân lưu tán không đăng ký hộ tịch được chiêu mộ đến những địa điểm khai hoang lập thành làng ấp và vì vậy, vô hình chung mở rộng số người đóng thuế đinh, lao dịch, binh dịch cho nhà nước.
          - Thứ ba, là tiền đề để nó phát triển trên quy mô lớn trong cả nước nửa sau thế kỷ XIX. Không chỉ dừng lại ở nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang doanh điền còn phát triển mạnh mẽ vào những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ này. Đầu tiên là việc thành lập các doanh điền ở An Giang, Hà Tiên. Năm 1865, triều Nguyễn cho đặt Nha Doanh điền ở các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên. Năm sau đó Nha Doanh điền ở đây tâu là mộ được 500 người, khai khẩn được 300 mẫu ruộng. Năm 1866, Doanh điền sứ An Giang, Hà Tiên báo cáo về triều đình là mộ được 1.646 đinh, khẩn được 8.333 mẫu ruộng và 149 thôn được thành lập. Còn ở Vĩnh Long, Doanh điền sứ tỉnh này cũng báo cáo về triều đã mộ được 600 đinh, 2.700 mẫu ruộng được khai khẩn, thành lập dược 41 xã, thôn. Năm 1870, Nhà nước đặt Nha Doanh điền ở An Khê (Bình Định), thành lập được 8 ấp: Tân Trạch, Tân Cư, Tân Tụ, Tân Khai, Tân Lai, Tân Tư, Tân Lập, Tân Tạo. Năm 1871, Doanh điền Tiền Hải được thành lập, Doanh điền sứ Doãn Khuê tiến hành khai hoang vùng ven biển Thụy Anh (Thái Bình). Năm 1876, Doanh điền sứ Thừa Thiên là Trần Đình Túc, Nguyễn Lâm mộ được 205 người, khẩn được 3093 mẫu ruộng đất. Năm 1880, bắt đầu Nhà nước đặt Nha Doanh điền ở Quảng Bình do Doanh điền sứ Bùi Ngọc Thụ đứng đầu. Có thể nói, với những cứ liệu trên, khai hoang doanh điền thực sự mang lại nhiều thành tựu lớn lao và phát triển rộng rãi với quy mô lớn trong cả nước không chỉ nửa đầu thế kỷ XIX mà cả những thập niên sau đó của thế kỷ này.
Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng thấy rằng khai hoang doanh điền cũng góp phần vào việc đảm bảo an ninh quốc phòngVì đơn giản việc khai thác những vùng đất mới để lập nên các làng ấp, mở mang kinh tế thường gắn liền với yêu cầu giữ vững an ninh nội địa, bảo vệ biên ải. Điều này cũng dễ hiểu khi thời kỳ này quân Xiêm luôn có những hành động quấy rối nước ta, nhất là những vùng Châu Đốc, Long Xuyên, vùng biên giới Việt - Miên mà tác giả Sơn Nam đã nói khá rõ trong Lịch sử khẩn hoang Miền Nam.
III. Kết luận
Xét về góc độ kinh tế - xã hội, chỉ trong vòng hơn hai thập niên áp dụng vào nửa đầu thế kỷ XIX, khai hoang doanh điền đã đem lại những thành tựu lớn lao ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, từ vùng đồng bằng Bắc Bộ cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Hàng trăm thôn ấp, làng, xã, tổng, huyện được thành lập, làm tăng đáng kể diện tích đất đai canh tác trong cả nước lúc bấy giờ, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp ở nông thôn, góp phần phân bố lại dân cư, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Là hình thức khai hoang kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm, thế nên, dù xuất phát từ mục tiêu và lợi ích nào thì khai hoang doanh điền không thể tách rời sự tổ chức chỉ đạo của Nhà nước, và do đó hiệu quả của hình thức khai hoang doanh điền là biểu hiện một mặt tích cực của triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Thành công ở hình thức khai hoang doanh điền nửa đầu thế kỷ XIX, trước hết phải nói đến tinh thần lao động cần cù, hăng say và ý chí bất khuất trước mọi khó khăn, gian khổ của các tầng lớp nhân dân lao động một nắng hai sương, đặc biệt là những người nông dân nghèo. Bên cạnh đó, lịch sử cũng ghi nhận công lao to lớn của những người đứng ra tổ chức khai hoang như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương... Họ thực sự là những nhà khẩn hoang lỗi lạc nửa đầu thế kỷ XIX. Chính họ đã tạo nên một sự chuyển động mạnh mẽ trong lịch sử di dân, phân bố dân cư, khai thác tiềm năng đất đai to lớn của đất nước lúc bấy giờ.
1.     Phan Đại Doãn (1982), “Mấy nét về công cuộc khai hoang thành lập hai tổng Hoành Thu, Ninh Nhất (Hà Nam Ninh)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, (3), tr.24-33.
2.     Nguyễn Đình Đầu (1992), Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Hội sử học Việt Nam, Hà Nội.            
3.     Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Minh Mệnh chính yếu - tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4.     Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5.      Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6.     Trương Hữu Quýnh - Đỗ Bang (1997), Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét