Các sử gia của triều Nguyễn đã khái quát hình thể vùng đất Phú Yên: “Phía đông giáp biển, phía tây dựa núi, phía bắc giáp tỉnh Bình Định, có đèo Cù Mông hiểm trở, phía nam giáp tỉnh Khánh Hòa, có đèo Đại Lĩnh cao dốc, núi cao thì có Đại Lĩnh và Thạch Bi, sông lớn thì có Đà Diễn, ở thượng du có các đồn thủ Thạch Lĩnh và Phước Sơn để vững biên phòng, ven biển thì có các tấn Xuân Đài, Phú Sơn, Đà Nông và Đà Diễn để trấn mặt biển. Địa thế tuy nhỏ, nhưng dân cư đông đúc, cũng là một đất quan trọng” [1]
Còn dưới con mắt của các nhà địa lý thì Phú Yên thuộc vùng Nam Trung Bộ, được cấu tạo chủ yếu bởi sườn phía đông dãy Trường Sơn hay cao nguyên, các đồng bằng thì nhỏ hẹp, bờ biển thì chia cắt thành nhiều đầm, vịnh.
Mặc dầu bị núi cao bao cả ba mặt bắc, tây và nam, Phú Yên vẫn có những vùng đồng bằng màu mỡ mà lớn nhất là đồng bằng Tuy An ở phía bắc, có sông Cái chảy qua và đồng bằng Tuy Hòa ở phía nam do sông Đà Rằng (sông Ba) bồi đắp.
Ngoài những đồng bằng, dải đất duyên hải Phú Yên còn có nhiều cồn cát trắng bao bọc một số đầm lớn như đầm Ô Loan.
Phía nam đồng bằng Tuy Hòa nổi lên cả một khối núi Vọng Phu với đỉnh cao nhất đạt tới 2.051m, khi ra đến gần biển còn cao 706m ở Đá Bia. Trong khi đó, ở phía bắc thì đèo Cù Mông hiểm trở lại thông ra sát tận biển. [2]
Như vậy là cả một vùng đất phì nhiêu với hai đồng bằng chính là Tuy Hòa và Tuy An, địa bàn cư trú chính của người dân Phú Yên từ xưa tới giờ gần như bị cô lập với các vùng xung quanh bởi núi và biển. Đặc điểm địa hình này cũng là đặc điểm của một loạt vùng đất khác ở Nam Trung Bộ. Còn nếu so sánh với vùng đất ở phía bắc (Bình Định) và ở phía nam (Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận) thì Phú Yên là vùng đất tốt, như sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi nhận: “Địa thế tuy nhỏ, nhưng dân cư đông đúc, cũng là một đất quan trọng vậy”.
Với địa hình và thiên nhiên thuận lợi, trù phú đó, Phú Yên từ xa xưa là nơi cư trú của con người và cũng là một vùng quan trọng trong lịch sử của vương quốc Chămpa.
Về thời kỳ trước khi người Việt tới đây, các sách sử của Việt Nam và Trung Quốc đều nói khá rõ.
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết về đạo Phú Yên “xưa là đất Việt Thường thị, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Hán là Lâm Ấp, đời Tùy là quận Lâm Ấp, đời Đường đổi làm Châu Lâm, sau bị Chiêm Thành chiếm cứ, tức là đất Bà Đài và Đà Lãng”. [3]
Những ghi chép trên chỉ rõ một điều, Phú Yên là vùng đất cực nam của Việt Thường thị, rồi Tượng Quận, sau đó là Lâm Ấp… chỉ cần vượt qua Đá Bia sang đất Khánh Hòa là tới một vùng đất khác, mà sử sách gọi là vùng đất ngoài cửa ải quận Nhật Nam. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về tỉnh Khánh Hòa như sau: “Xưa là nước ngoài cõi (khiếu ngoại) của Nhật Nam ”. Hậu Hán thư chép: “các Man Di ở ngoài cõi Nhật Nam đều xưng là khiếu ngoại quốc. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn dẫn Tống Bạch (tác giả sách Văn uyển anh hoa) nói: “Mã Viện nhà Hán đóng Giao Chỉ, đi về phía đông hơn 400 dặm đến Lâm Ấp, lại đi về phía nam hơn 200 dặm đến nước Tây Đồ Di…” Lại nói Tây Đồ Di sau bị Chiêm Thành xâm chiếm, sau là đất Chiêm Thành.
Sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu cũng chép: “Tỉnh Khánh Hòa đời xưa là nước ngoài cửa ải quận Nhật Nam, có người nói là nước Tây Đồ Di, sau Chiêm Thành kiêm tính nước ấy…” [4]
Có thể lấy mốc năm 1611, khi phủ Phú Yên được thành lập làm thời điểm phân lịch sử :x:xnh đất Phú Yên ra hai thời kỳ lớn: thời kỳ Chămpa và thời kỳ Việt (Đại Việt rồi Việt Nam ). Về sự kiện lịch sử này, Đại Nam thực lục tiền biên viết: “Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn cảnh giới, Chúa (Chúa Tiên, tức Nguyễn Hoàng) sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được (đất ấy), bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào, nhân sai Văn Phong làm Lưu Thủ.
Sử sách của Việt Nam cũng ghi sự kiện năm Tân Mão, Hồng Đức thứ 2 (1471), “Khi quân Chiêm đại bại ở Đồ Bàn, Vua Chiêm là Trà Toàn bị bắt, thì tướng là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung (Phan Rang ngày nay), giữ lấy đất ấy, xưng làm vua Chiêm Thành. Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần tiến cống, Vua phong cho làm vương. Vua lại phong vương cho Hoa Anh và Nam Bàn làm 3 nước để ràng buộc”. [5]
Vậy thì hai nước Hoa Anh và Nam Bàn ở đâu ?
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Nước Nam Bàn xưa do Thánh Tông phong ở phía tây đầu nguồn Phú Yên, xứ Quảng Nam . Cựu cai đội Luận bình hầu Văn Thế Nghị quê ở thuộc Thời Đôn, huyện Tuy Viễn y nói rằng: y từng quản suất Nội phủ sơn trường vào núi lấy hương, có 3 đội Tân an sơn, binh của đội từng lên núi kiếm kỳ nam hương. Từ nguồn An Lạc đi lên các thôn Hà Nghiêu, Đất Cày, qua đèo La Hai, giáp đất Phú Yên, đến các xứ Sông Lôi, Nước Nóng, Thượng Nhà đến nguồn Hà Lôi là chỗ các sách người Đê, người Man ở (tục gọi Đê là người Chàm, Man là người Mọi), cộng 3 ngày. Lại từ đấy cho người Man tiền, bảo họ dẫn đường theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá - Hỏa Xá nước Nam Bàn”. [6]
Còn về nước Hoa Anh thì ngay sách Cương mục (quyển 22) của triều Nguyễn cũng nói là không biết Hoa Anh ở đâu. Những tác giả chú giải và khảo chứng Đại Việt sử ký toàn thư thì nghĩ rằng: “Có lẽ Hoa Anh là ở khoảng giữa Đèo Cả và Bình Định, là miền vua Lê Thánh Tông chiếm lấy, tức là đất Phú Yên”. [7]
Về sự kiện vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành năm 1471, sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn viết: “Nước ta, Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, chiếm lấy đất này đặt làm huyện Tuy Viễn, lấy núi Thạch Bi làm giới hạn nhưng từ Cù Mông về nam còn thuộc về người Man, người Lạo”. [ 8]
Ở một chỗ khác, Đại Nam nhất thống chí viết: “… Nhưng từ núi Cù Mông về Nam vẫn là người Man, người Lạo ở, chưa có thì giờ kinh lý đến”. “Bản triều Thái tổ Gia dụ Hoàng đế năm Mậu Dần thứ 21 (Lê Quang Hưng năm thứ 1 - 1578) bổ Lương Văn Chánh làm tri huyện Tuy Viễn, để dẹp yên biên trấn và chiêu tập dân xiêu tán đến Cù Mông, Bà Đài và khai khẩn ruộng hoang ở sông Đà Diễn”. [9]
Thế là, trước khi phủ Phú Yên được lập năm 1611, quan tri huyện Tuy Viễn đã khai khẩn ruộng hoang ở Đà Diễn (sông Đà Rằng) rồi, và cũng vào năm Mậu Dần (1578), Quận công Lương Văn Chánh đánh lấy được thành của người Chiêm ở Tuy Hòa, thành đó có tên là thành cổ An Nghiệp. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng cho biết: “Thành cổ An Nghiệp ở phía bắc sông Đà Diễn, thuộc xã An Nghiệp, huyện Tuy Hòa, chu vi 1.400 trượng, tương truyền do người Chiêm Thành xây, tục gọi thành Hồ”. [10]
Dù thế nào đi nữa thì vẫn có một khoảng trống lịch sử hơn 100 năm của Phú Yên, và dù rất ít tài liệu, một số nhà khoa học vẫn cứ đoán là hơn 100 năm đó, đất Phú Yên là nước Hoa Anh.
Vì các sách cổ của Việt Nam xếp hai nước Nam Bàn và Hoa Anh như nhau (Nam Bàn xếp trước), và chỉ có nước Nam Bàn là được nói đến khá kỹ. Lê Quý Đôn viết: “Nước ấy có chừng 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thủy Vương ở phía đông núi, Hỏa Vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng bằng lửa… không biết ngày tháng… Hai vua mặt đều đen xấu, vợ và thiếp thì chẳng ai là không đẹp, đều mặc áo vải Chiêm Thành sặc sỡ…”. [11]
Từ những gì mà sử sách Việt Nam ghi lại có thể thấy, cư dân của nước Hoa Anh cũng như Nam Bàn, nghĩa là gồm vài tộc người, trong đó có cả người Chiêm và những tộc người sau này gọi là người Thượng. Chắc hẳn vì Phú Yên không phải là vùng thuần Chăm lắm nên vua Lê Thánh Tông mới: “Bèn phong Bô Trì Trì làm Chiêm Thành vương, lại phong Hoa Anh vương và Nam Bàn vương, chia làm 3 nước”. Còn từ năm 1471 trở về trước, Phú Yên là một bộ phận của vương quốc cổ Chămpa, nhưng thời kỳ đầu (thế kỷ IX về trước) lịch sử Chămpa có những nét đặc thù riêng. Trước hết là từ đầu công nguyên cho tới cuối thế kỷ VIII Chămpa thực sự chỉ nằm ở phía bắc (từ Đèo Cả ra đến Đèo Ngang), không phải ngẫu nhiên mà sử sách Trung Quốc và Việt Nam gọi Chămpa thời kỳ này là Lâm Ấp.
Về sự hình thành, phát triển của nước Lâm Ấp có khá nhiều sử liệu Trung Quốc và Việt Nam nhắc tới. Tuy có đôi chút khác nhau, song các tài liệu lịch sử đều cho biết là vào cuối thế kỷ thứ II, một nhân vật tên là Khu Liên, thừa lúc nhà hậu Hán suy yếu, liền chiếm một phần đất của quận Nhật Nam thuộc nhà Hán, xưng Vua trong một huyện cực nam là Tượng Lâm, mà theo nghiên cứu của nhà sử học Đào Duy Anh, “huyện Tượng Lâm ở miền Quảng Nam, phía nam đèo Hải Vân. Miền Nam huyện ấy vào đến Đại Lãnh giáp với thuộc quốc của Phù Nam ”. Nhà sử học Đào Duy Anh còn viết: “Chúng ta có thể đoán rằng biên giới phía bắc của Phù Nam là núi Đại Lãnh. Nước Lâm Ấp bây giờ hẳn gồm cả miền đất từ Hải Vân đến Đại Lãnh, trong miền đất ấy không còn có nước nào khác nữa”. [12]
Như vậy là, từ cuối thế kỷ II đến cuối thế kỷ VIII, Phú Yên là vùng đất phía nam của Lâm Ấp, mà trong suốt thời gian này, trung tâm quyền lực, tôn giáo và kinh tế của Lâm Ấp nằm ở vùng Quảng Nam, với kinh đô ở Trà Kiệu, thánh địa ở Mỹ Sơn.
Tuy không có vị trí quan trọng như vùng Quảng Nam, nhưng đất Phú Yên hẳn cũng có vị trí không nhỏ trong lịch sử Lâm Ấp. Qua các tài liệu lịch sử và khai quật, sưu tầm các hiện vật văn hóa tại Phú Yên cho thấy: những bia ký đầu tiên của Lâm Ấp hiện được biết là hai bia ký có tên là bia ký chợ Dinh. Hai bia ký được khắc thẳng vào vách đá ở chân núi Nhạn (thị xã Tuy Hòa). Một bia ký có 3 dòng và một bia ký chỉ có 1 dòng, chữ viết là chữ Sanskrit. Các nhà khoa học cho rằng, kiểu chữ chợ Dinh rất cổ và có thể có niên đại vào khoảng năm 400. Bia ký đầu có tên vua Bhadravarman và nói về việc cúng tế cho thần Siva với hiệu là Bhadresvaravaman do Maharaja (đại vương) Bhadravarman hoặc một trong những người kế vị của ông tiến hành. Bia ký thứ hai nói về một cuộc tế sinh bằng người.
Nội dung hai bia ký [13]
a- Với lòng tôn kính thần ! dưới chân bhadrervaravaman, con sẽ dâng vật cúng cho lửa (hiến tế). Miễn là, như mặt trời và mặt trăng che phủ, ngài (thần lửa Agni) hãy bảo vệ con cháu của Dharma – Maharaja Sri Bhadravarman. Cầu mong cho công việc hiến tế thành công vì sự tốt lành của mặt đất.
b- Siva ! tên nô lệ đã bị trói (vào chiếc cột)
Vị vua được bia chợ Dinh nhắc tới chính là ông vua đầu tiên có tên trong bia ký

PHÙ ĐIÊU PHẬT NGỒI TRÊN TÒA SEN - hiện vật điêu khắc đá Chăm pa, niên đại thế kỷ VIII-IX, phát hiện ở huyện Tuy Hòa năm 2000
Chămpa và cũng là ông vua sáng lập ra thánh địa Mỹ Sơn.
Cũng trên vùng đất Phú Yên, đã phát hiện ra những hiện vật văn hóa thuộc loại cổ nhất của Chămpa như: các đầu tượng gốm ở Củng Sơn (Sơn Hòa, Phú Yên) được xếp vào loại những bức tượng Ấn Độ giáo có niên đại đầu thế kỷ VII. [14]
Trong những năm gần đây, đã phát hiện một loạt những tác phẩm điêu khắc cổ Chămpa cùng phong cách và niên đại với các đầu tượng gốm ở Củng Sơn, đó là: đầu tượng đất nung ở chùa Hồ Sơn (Tuy Hòa); hình Phật bằng gốm có nguồn gốc từ chùa Hồ Sơn (Tuy Hòa); ba hình Phật đất nung ở thôn Thọ Sơn (xã Hòa Kiến, Tuy Hòa); đầu tượng đất nung ở thôn Thọ Sơn (xã Hòa Kiến, Tuy Hòa). [15]
Phú Yên cũng đã khai quật và phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh.
Nền văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện vào năm 1909. Cho đến nay, mặc dù còn những ý kiến khác nhau, song các nhà khoa học đều công nhận: “Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa kim khí và thuộc một trong những nền văn hóa khảo cổ học lớn và tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á. Không gian chính của văn hóa Sa Huỳnh là dải đất từ lưu vực sông Đồng Nai ở phía nam đến Quảng Nam – Đà Nẵng ở phía bắc”. [16]
Tại Phú Yên năm 1988, các nhà khảo cổ đã phát hiện các di chỉ mộ táng kiểu Sa Huỳnh, đó là những chiếc chum bằng gốm ở Hòa Quang (huyện Phú Hòa), Hòa Hiệp Nam (huyện Tuy Hòa). [17]
Sau đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật một số di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Gò Ốc và Cồn Đình thuộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Trong hai di chỉ trên, đặc biệt là ở Cồn Đình (thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu) đã phát hiện được nhiều đồ đá. Riêng ở Cồn Đình đã phát hiện được 168 hiện vật, bao gồm hòn ghè, hòn kê, bàn mài… và rất nhiều đồ gốm (riêng ở Cồn Đình đã phát hiện ra 9.165 :x:xnh gốm). Đồ gốm Cồn Đình được trang trí các loại hoa văn khắc vạch, văn thừng, văn ấn que nhiều răng, văn in mép vỏ sò và một số :x:xnh gốm được tô màu đen ánh chì, những đặc trưng rất tiêu biểu của gốm Sa Huỳnh.
Tại một số di chỉ khảo cổ ở Phú Yên như Hòa Quang đã phát hiện những hiện vật Sa Huỳnh bên cạnh những hiện vật Chămpa. Năm 1997 đã phát hiện tại xã Hòa Thắng bộ bàn nghiền bằng đá của thời tiền sử bên cạnh chiếc ấm kenđi và những hiện vật Chăm có niên đại thế kỷ XII-XIII. Ngày 2-9-1992, tại thị xã Tuy Hòa đã long trọng tổ chức lễ công bố 8 thanh đá cổ ở Tuy An, với những thanh đá kêu này, Phú Yên đã đóng góp thêm cho đất nước Việt Nam và thế giới một bộ đàn đá tiền sử. Không chỉ đàn đá, mà ở Phú Yên đã phát hiện ra những nhạc cụ thổi bằng đá rất độc đáo cũng thuộc thời tiền sử.
Tháng 7 năm 2001, phát hiện di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá ở Eo Bồng (xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa). Tại di chỉ này đã thu được một số công cụ đá kiểu Sơn Vi.
Như vậy Phú Yên đã, đang và sẽ là một trong những vùng đất quan trọng về lịch sử và văn hóa của đất nước Việt Nam