Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

CÙ LAO PHỐ NGÀY NAY

CÙ LAO PHỐ NGÀY NAY
Bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, trên hành trình vượt thác Trị An vươn mình ra biển Đông, dòng sông Đồng Nai đã chuyên chở phù sa bồi đắp nên nhiều cù lao lớn nhỏ. Như một cơ duyên, đến địa phận Biên Hòa, dòng chảy sông Đồng Nai chia thành hai nhánh để rồi cả hai cùng ôm trọn một dải đất phì nhiêu nổi lên giữa sông có hình dáng như một cái chuông. Dải đất ấy chính là Cù Lao Phố, nay thuộc xã Hiệp Hòa - thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai.
Cù Lao Phố hôm nay là vùng đất yên bình, hài hòa với thiên nhiên sông nước giữa lòng thành phố Biên Hòa. Cù lao phố chỉ dân dã là một danh xưng thế nhưng một thời nơi đây từng là thương cảng sầm uất nhất của vùng Đồng Nai - Gia Định với tên gọi Nông Nại Đại Phố. Hơn ba trăm năm qua, đất và người Biên Hòa - Đồng Nai đã chứng kiến bao biến thiên của lịch sử và dòng sông Đồng Nai có lúc là trạm trung chuyển có lúc là bến đổ bình yên của bao đoàn người trong hành trình đến xứ Đàng Trong cập bến Cù Lao Phố. Trong số đó đã có những người xem Cù lao phố như quê hương thứ hai của mình, bằng tâm huyết, bằng mồ hôi lao động góp phần vào công cuộc khai phá, khẩn hoang, phát triển nghề nông, nghề thủ công truyền thống, buôn bán dựng phố thị để Cù Lao Phố xưa từng là thương cảng sầm uất trên bến dưới thuyền. Dư âm từ ba trăm trước vẫn vang vọng đến tận hôm nay và Cù Lao Phố vẫn luôn là niềm tự hào của người Biên Hòa - Đồng Nai.
Sông Đồng Nai chở phù sa bồi đắp đất đai Cù Lao Phố và sông cũng chứng nhân lịch sử chứng kiến những cuộc khai hoang lập ấp của những đoàn người đến xứ Đồng Nai, đến vùng Cù lao phố. Nếu ở kỷ thứ XV, Sông Đồng Nai là trạm dừng chân trong hành trình đưa những lưu dân Việt đầu tiên đến vùng đất Mô Xoài - Bà Rịa thì đến năm 1679, một lần nữa cũng theo dòng sông Đồng Nai một đoàn người trên 50 chiến thuyền đã vượt ngàn dặm thủy trình đã cập bến Cù Lao Phố với ước mong tạo dựng một cuộc sống mới. Đó là đoàn người gồm hơn 3000 binh lính và gia quyến của Trần Thượng Xuyên một đại tướng của nhà Minh đã được Chúa Nguyễn Phúc Tần ưng thuận để họ đến khai khẩn và cư trú ở vùng Bàn Lân (Nông Nại Đại Phố) đất Đồng Nai. Trước khi Trần Thượng Xuyên đến vùng Bàn Lân thì ở đây đã có một ít cư dân là các dân tộc ít người, lưu dân người Việt và Hoa tới đây sinh sống. Ngay sau khi đặt chân lên vùng đất này, với mong ước an cư lạc nghiệp những người Hoa mới đến đã cùng người Việt sinh sống trên đất cù lao bắt tay ngay vào khai phá đất đai, mở mang nông nghiệp. Thời gian đầu, cũng giống như người Việt, họ phát triển nông nghiệp trồng lúa nhưng sau đó họ chuyển sang làm thương mại. Với tài tổ chức của Trần Thượng Xuyên, chỉ sau một thời gian ngắn Nông Nại Đại Phố đã trở thành khu trung tâm thương mại lớn, buôn bán sầm uất thu hút nhiều tàu ngoại quốc lui tới trao đổi hàng hóa, góp phần xây dựng nên nền tảng ban đầu của một thương cảng đô thị cổ của miền đất Phương Nam.
Sau gần 2 thập kỷ Trần Thượng Xuyên đến Cù lao Phố, năm 1698, vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu Theo, theo đường biển thuyền của Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng sông Đồng Nai vào đất Đàng Trong. Từ đó, Nguyễn Hữu Cảnh đã ra sức ổn định dân tình, hoạch định cương giới xóm làng, "lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Thế rồi đất lành chim đậu, Cù Lao phố đã trở thành mái nhà chung của các cộng đồng cư dân Hoa, Việt. Dù có người đến trước, có người đến sau nhưng những cư dân Cù lao Phố đã hòa hợp, gắn bó, chung sức chung lòng phát triển nghề nông, kinh doanh thương mại để Cù Lao Phố dần phát triển trong vòng gần 100 năm, trở thành thương cảng Nông Nại đại phố sầm uất nhất của phương Nam giao thương với bên ngoài. Cảnh phồn vinh sầm uất của Cù lao Phố bấy giờ đã được sử sách ghi chép: ‘Ở Nông Nại Đại Phố, đường xá được mở rộng, phố xá được xây dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu ngoại quốc lui tới buôn bán’. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức đã ghi nhận nhóm binh dân Cao Lôi Liêm cuả Trần Thượng Xuyên đến Cù lao Phố đã nhanh chóng“lập chợ phố thương mãi, giao thông với người Tàu, người Nhật Bổn, Tây Dương ,Đồ Bà, thuyền buôn tụ tập đông đảo”. Bên cạnh việc giao thương trao đổi hàng hóa Cù Lao Phố cũng là nơi sớm hình thành các ngành nghề thủ công như dệt chiếu, trồng dâu nuôi tằm, nghề gốm, đúc đồng, làm mộc, làm pháo, nấu mía lấy đường. Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng Cù lao Phố còn còn tiếp nhận hàng hóa từ các nơi khác ở vùng Đồng Nai lúc bấy giờ như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá. Từ đó, Cù lao Phố ngày càng phồn thịnh và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định.
Có thể nói, những trang sử Cù Lao Phố đã được viết bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người khai hoang mở cõi để những thế hệ sau trân trọng, gìn giữ. Trong một hội thảo về Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn vừa được tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngòai nước đã nhận định rằng: Có thể nói, trong lịch sử mở rộng bờ cõi đất nước Việt Nam, cuộc Nam Tiến đã thật sự thành công khi vùng đất Đồng Nai - Gia Định đã được tiền nhân ra công củng cố phát triển.  Đặc biệt là sự kiện năm 1698,  khi sông Đồng Nai đón bước chân Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu đặt cương giới đất Trấn Biên trên bản đồ Đại Việt. Từ nơi đây, một đầu cầu vững chắc đã được hình thành, để từ đó mở ra khai thác toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lịch sử đầy thăng trầm của mình, trang bi thương nhất của Cù lao Phố là những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhất là cuộc bạo lọan của Lý Văn Quang năm  1747 và cuộc giao tranh năm 1776 giữa Tây Sơn và các chúa Nguyễn đã tàn phá đi kiến trúc phong quang của Cù lao Phố. Sau những ngày chiến tranh binh lửa, Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí.  Nơi đây biến thành gò hoang, sau khi trung hưng người ta tuy có trở về nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước . Sau khi chợ búa cùng phố xá bị tàn phá nặng nề, các thương gia người Hoa rủ nhau xuống vùng chợ Lớn, Sài Côn sáp nhập với làng Minh Hương sinh sống và lập những cơ sở thương mãi khác cho đến nay. Kể từ đó, Cù lao Phố đánh mất vai trò là trung tâm thương mại của Đàng Trong mà thay vào đó là Chợ Lớn và Mỹ Tho. Thời kỳ hoàng kim của Cù lao Phố đi vào dĩ vãng, hoàn thành sứ mạng của đô thị cổ, một thương cảng sầm uất nhất phương Nam.
Tưởng nhớ công lao của các bậc tiền bối, nhân dân các địa phương và những vị lãnh  đạo Nhà Nước đã đến viếng Đền thờ đức ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh hiện tọa lạc tại xã Hiệp Hòa thành phố Biên Hòa. Hơn 300 năm trước, một người con đất Quảng Bình vâng lệnh Chúa Nguyễn đã đến Đồng Nai, góp phần khai phá mở mang bờ cõi, từ đó, cái tên Trấn Biên được xuất hiện trên bản đồ Việt Nam. Và vào cuối năm 2003, nhân dịp đến thăm Đồng Nai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chỉ huy quân sự tài ba, người đã góp phần vào thắng lợi của 02 cuộc chiến thắng thần thánh, đánh đuổi thực dân xâm lược, đưa dải đất miền Nam thống nhất với Tổ Quốc lại đến thăm đền thờ Đức Ông, tìm hiểu công lao của tiền nhân, thắp nén hương tưởng niệm trên bàn thờ người mở cõi. Một điều trùng hợp rất có ý nghiã là Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh vốn là người quê ở hai huyện Phong Đăng và Phong Lộc, nay là Quảng Ninh, Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình, cũng là quê hương cuả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chuyến thăm này, Đại tướng rất thú vị khi nghe Ban quý tế Đền thờ nhắc đến câu: “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”. Và lâu nay người Đồng Nai vẫn ngầm hiểu ý câu nói ca ngợi sự giàu có của vùng đất  Đồng Nai và hai huyện Phước Long, Tân Bình. Nhưng theo một nguồn tư liệu từ Quảng Bình lại có cách hiểu khác, cho rằng câu này nhằm ghi nhận sự trù phú của Đồng Nai và quê hương cuả Đức Ông. Ghi sổ lưu niệm tại đây, Đại tướng trân trọng viết “Từ hai Huyện vào, chúng tôi ghi công lớn cuả Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã có công khai phá và mở mang bờ cõi nước nhà ở phương Nam”.
Không chỉ là một trung tâm buôn bán giao thương, những khúc quanh đầy biến cố của lịch sử lại như một nhân duyên tình cờ tạo cơ hội cho mảnh đất Cù lao Phố trở thành điểm hẹn gặp gỡ, hòa nhập của nhiều nền văn hóa khác nhau.  Đến mảnh đất ven sông  này, người dân Trấn Biên xưa vẫn luôn nhớ mình là con cháu vua Hùng, vẫn gắn bó với truyền thống tổ tiên cha ông Đại Việt hàng năm ăn đâu làm đâu, Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ . Và khi những người xa xứ ra đi, họ không chỉ gánh theo tên xã, tên làng trong những chuyến di dân  mà còn mang theo những nét văn hoá tiềm ẩn trong tiềm thức người dân Việt. Đó là truyền thống lao động cần cù một nắng hai sương, là sự khéo léo tài hoa mà hôm nay người ta còn thấy hiển hiện trong bàn tay những người thợ gốm, thợ mộc, thợ rèn của những làng nghề Đồng Nai trên đất Cù lao Phố. Với tâm hồn hào phóng và nhân hậu, họ lại mở lòng tiếp nhận những nét tinh hoa của các nền văn hóa khác nhau, của các cộng đồng dân cư cùng chung sống trên mảnh đất Đồng Nai- Gia Định, tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa Đồng Nai. Đó là một đời sống văn hóa trên vùng đất mới mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam mà cốt lõi chính là những sắc thái văn hóa đặc trưng do những lớp di dân Việt đã tạo dựng được trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với các giá trị văn hóa mới nhằm thích nghi với những điều kiện mới. Trong công trình “Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam” nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần nhận định “Nét chung  của đời sống văn hóa ở trung tâm văn hóa cù lao Phố và trung tâm Mỹ Tho là sự hòa nhập rất tự nhiên giữa các nền văn hóa khác nhau mà nổi bật nhất là văn hóa Việt và văn hóa Hoa.”.
Hơn 3 thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Cù lao Phố, vẫn hiển hiện tinh hoa của một bản sắc văn hóa Việt mang hơi thở đầy sức sống của  hào khí Đồng Nai. Đó  là bao thuần phong mỹ tục đã ăn sâu vào tâm hồn Việt hòa quyện với văn hoá vùng đất mới tạo nên một tính cách Nam bộ hào phóng và nhân hậu. Đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu con ngươì ẩn chứa  trong từng câu ca dao, từng điệu lý câu hò của kho tàng văn học dân gian Đồng Nai, trong tín ngưỡng , phong tục của con người nơi này. Hoàng Văn Bổn, cố nhà văn lão thành của đất Đồng Nai viết  “Ở mảnh đất bên lưu vực sông Đồng Nai, các cư dân bắt đầu gieo mầm sống bằng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hàng nghìn năm từ châu thổ sông Hồng, Ngũ Quảng, gieo luôn cả cách sống, lời ăn tiếng nói, phong tục , tập quán cha ông ngàn đời từ ngoài đó. Quan trọng nhất là các cư dân tha hương ấy đã mang theo nỗi nhớ quê hương làng xã tổ tiên, mang theo nỗi cay đắng tha hương, lòng căm ghét kẻ đã buộc mình phải tha hương bằng câu chuyện truyền miệng, bằng ca dao hò vè…”Đó là nét tinh tế kết tinh trong từng hình khối, sắc màu, đường nét những sản phẩm gốm Đồng Nai được ra lò từ vùng Cù Lao Phố. Trải qua thời gian gốm Đồng Nai là sản phẩm thủ công truyền thống, là niềm tự hào không chỉ của người dân Cù Lao Phố mà còn cả với Biên Hòa - Đồng Nai

Không chỉ có sự hòa quyện về văn hóa, với vị thế của một thương cảng sầm uất, trên đất Cù lao Phố lúc bấy giờ nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đã được dựng lên. Những công trình ấy không chỉ là nơi thờ tự tín ngưỡng của cư dân Cù lao mà còn là nơi chiêm ngưỡng viếng thăm vãn cảnh của các cư dân đến từ các vùng lân cận và cả những khách hàng đến giao thương mua bán. Hiện nay hiếm có đơn vị hành chính cấp xã nào ở Nam Bộ lại có mật độ nhiều công trình tôn giáo tín ngưỡng như ở Cù lao phố. Điều này chứng minh sự hiển hiện, giao thoa của những không gian tâm linh, của những tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo. Trên mảnh đất là Cù Lao Phố xưa, hiện còn nhiều lưu giữ nhiều ngôi chùa, tịnh xá, đình, miếu mạo. Trong đó, có nhiều di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của đất Đồng Nai và Nam Bộ như Văn Miếu Trấn Biên, Đình Tân Lân, Chùa Ông, đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh,  Chùa Đại Giác, Bửu Phong cổ tự. Trong đó đình Bình Kính là nơi đã quàn tạm quan tài của đức ông Nguyễn Hữu Cảnh trước khi chuyển về chôn cất ở quê hương Quảng Bình; có đình thờ Trần Thượng Xuyên (tức Tân Lân cổ Miếu). Ngoài ra, ở cù lao Phố còn có hai ngôi chùa nổi tiếng, đó là Chùa Đại Giác xưa nhất xứ Đồng Nai và chùa Ông thờ Quan Công. Hàng năm vào các dịp lễ, tết bà con người Việt gốc Hoa từ Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác về đây cúng bái, hành hương, khách thập phương trong và ngoài tỉnh cũng chọn nơi này là đểm đến tâm linh thiêng liêng gửi gắm những cầu mong ước nguyện. Có thể nói, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử trên mảnh đất Cù Lao phố vẫn tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng, đan xen, làm nên một không gian văn hóa tâm linh đa dạng giữa lòng thành phố Biên Hòa.   
Mỗi chặng đường lịch sử đều đặt ra cho mỗi vùng đất, mỗi con người những thử thách. Vùng đất Cù lao Phố cũng không phải là một ngọai lệ.  Sau ngày Đại thắng mùa xuân , giải phóng Miền Nam- thống nhất Tổ Quốc, người dân vùng Cù lao Phố xưa , cũng như người dân tỉnh Đồng Nai nói chung đối mặt với một thực tế nhiều khó khăn: sản xuất đình đốn, lương thực thiếu thốn. Những ai từng sống trong những ngày tháng gian khổ đó ở đây sẽ không quên những kỷ niệm về những ngày người dân Biên Hòa –Đồng Nai đổ cả mồ hôi và máu trên những cánh đồng khi dỡ phá bom mìn khai hoang phục hóa, những bữa cơm phải ăn độn bo bo, củ sắn. Thực tế đó đòi hỏi những người sống trên mảnh đất này phải không ngừng suy nghĩ và đổi mới để chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu. Truyền thống cần cù của người Cù lao Phố lại được phát huy . Từ tro bụi ta lại xây dựng mới ,từ sau ngày giải phóng, người dân Cù lao Phố đã biến cả vùng đất này thành vựa lúa lớn của Biên Hòa.
Hơn ba mươi năm đã đi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, đất nước đang sống trong những ngày thanh bình. Vùng đất Cù lao Phố xưa bên sông Đồng Nai đang thay da đổi thịt từng ngày, mang dáng dấp một  đô thị hiện đại với nhịp sống công nghiệp, nhưng vẫn hài hòa với thiên nhiên sông nước Đồng Nai, với những giá trị văn hóa truyền thống của một Cù lao Phố cổ xưa mà hiện đại. Bên cạnh những nhà máy vươn mình trong những khu công nghiệp, vẫn còn đó một vùng sông nước với những làng bưởi thơm hương vị ngọt lành đã trở thành những khu du lịch sinh thái nổi tiếng và những mái chùa cổ kính tô thắm làng quê.
Kỷ niệm 310 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng nai, nhìn lại lịch sử, trong lòng người dân Cù lao Phố luôn sáng mãi niềm tự hào về những trang sử hào hùng của vùng đất này.  Đến với sông Đồng Nai , thăm Cù lao Phố hôm nay, bạn sẽ được hiểu thêm về con người và vẻ đẹp đầy quyến rũ của một vùng đất đã có 310 năm hình thành và phát triển. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét