Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

THƯƠNG CẢNG BÃI XÀU XƯA VÀ NAY

THƯƠNG CẢNG BÃI XÀU XƯA VÀ NAY
1. Khái quát kinh rạch miệt Sóc Trăng và rạch Bãi Xàu

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Hậu nên địa hình chủ yếu là các dải giồng đất cát pha xen lẫn các bồn trũng và kinh rạch. Các giồng này chủ yếu nằm dọc theo bờ sông Hậu, càng về phía biển càng mở rộng ra theo đường bờ biển[1]. Theo các nhà khoa học thì mỗi dải giồng chính là dấu tích của một đê biển tự nhiên trong lịch sử, là giao điểm của sự tranh chấp giữa dòng chảy của sông và thủy triều của biển trong lịch sử hàng chục ngàn năm của quá trình biển tiến rồi biển thoái.

Thật vậy, trong quá trình bồi tụ của hệ thống sông Mekong, có những lúc nước sông trên thượng nguồn đổ về lại gặp thủy triều đang lên, dẫn đến xuất hiện một vùng giáp nước rộng lớn, phù sa không trôi được nên lắng đọng tại chỗ, lâu ngày hình thành các giồng. Người Khmer từ lâu đời tập trung cư trú trên các giồng này mà dấu tích ngày nay còn dễ thấy là các ngôi chùa cổ: nơi nào có ngôi chùa Khmer thì hầu như nơi đó là trung tâm của một giồng đất.

Do các giồng có hình cánh cung hướng ra biển, cùng thẳng góc với bờ sông Hậu và nằm xen kẽ với kinh rạch, nên thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ trồng trọt và giao thông thủy. Do đó mà hệ thống giao thông thủy khá thông suốt, trong khi giao thông bộ bị gián đoạn bởi hệ thống sông rạch khi công nghệ cầu đường chưa phát triển.

Mặc dù vậy, khi máy móc chưa phát triển thì việc chèo chống ghe thuyền trên sông rạch rất cực nhọc. Do đó người ta phải tận dụng thêm sức gió bằng cách sử dụng buồm và tận dụng sức nước bằng cách nhờ con nước xuôi đẩy ghe thuyền đi. Trong khi việc sử dụng buồm mắc nhiều hạn chế thì việc di chuyển nhờ sức nước lại tỏ ra hiệu quả hơn trên mọi tuyến sông rạch vì tuyến nào cũng có hai con nước mỗi ngày. Bởi vậy mà ngày trước khách thương hồ rất quan tâm tới con nước: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”, “Nước ròng chảy thấu Nam Vang”… là câu hát dạt dào tâm tình sông nước; “Đi cho kịp con nước” là câu nói cửa miệng của không chỉ khách thương hồ mà của cả cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi con nước kéo dài 12 tiếng đồng hồ, gồm 6 tiếng “nước lớn” và 6 tiếng “nước ròng”. “Nước lớn” là nước thủy triều chảy từ biển vào, cộng với lưu lượng từ thượng nguồn đổ về khiến lượng nước trở nên tràn đầy, chảy ngược vào các kinh rạch nhỏ. Khi nước lớn đến đỉnh điểm (gọi là “nước đầy”) thì bắt đầu ròng, tức là chảy ra sông lớn để đổ ra biển và sông rạch cạn dần. Do đó, thông thường ghe thuyền đi nương theo con nước thuận chỉ tối đa là 12 tiếng đồng hồ một ngày đêm, vì 12 tiếng còn lại nếu cố đi thì phải bơi ngược dòng nước rất vất vả. Đó chính là trở ngại lớn nhất của giao thông thủy.

Để khắc phục trở ngại đó, người ta chọn lưu thông trên các kinh rạch nối hai luồng nước với nhau, vì trên các tuyến đó sẽ có chỗ “giáp nước”. Giáp nước là chỗ hai luồng nước giao nhau khi nước lớn, xuất hiện ở những kinh rạch nối hai luồng nước với nhau. Khi nước lớn, ghe thuyền xuôi đến chỗ giáp nước thì bị đứng lại, đây là lúc khách thương hồ dừng lại tắm giặt, ăn uống, nghỉ ngơi (chính điều này dẫn đến việc hình thành chợ búa). Khi nước bắt đầu ròng, họ lại tiếp tục xuôi theo dòng nước để lên đường. Lưu thông theo cách này thì suốt thủy trình đều “xuôi chèo mát mái” vì thuận dòng. Các tuyến giao thông thủy chủ đạo Sài Gòn– miền Tây đều là các tuyến có “giáp nước” như: sông Chợ Đệm– Bến Lức, kinh Thủ Thừa, kinh Bảo Định, kinh Bà Bèo, kinh Chợ Gạo, kinh Lấp Vò, kinh Xà No, kinh Cái Sắn… và rạch Bãi Xàu[2].

Rạch Bãi Xàu ăn từ sông Hậu (ngay điểm đầu cù lao Dung), tại Vàm Tấn (còn gọi là Vàm Ba– tức vàm Ba Xuyên, nói tắt– hay Đại Ngãi) đến sông Mĩ Thanh. Hơn hẳn bất kì con rạch nào ở đồng bằng sông Cửu Long, rạch Bãi Xàu nối hai luồng nước và lại nằm cách biển chỉ khoảng 20 km, thủy triều chi phối rất mạnh nên càng thuận lợi cho ghe thuyền nương theo con nước. Chỗ giáp nước trên rạch Bãi Xàu nằm ở khoảng giữa của nó: thị trấn Mĩ Xuyên, huyện Mĩ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay.

Do là chỗ giáp nước nên nước chảy yếu và tự do phân tán theo địa hình hơn là chảy tập trung theo tuyến chính nên ở khu vực này, rạch Bãi Xàu có độ cong queo và rẽ nhánh cao nhất. Ngày nay còn có thể nhận ra đặc điểm đó nhờ vào hình ảnh rạch Bãi Xàu tạo hình cánh cung mà chợ Mĩ Xuyên hiện nay nằm ở ngay đỉnh điểm của của cánh cung này.

Do rạch Bãi Xàu có từ lâu đời nên – cùng với cả vùng đất này – có rất nhiều tên gọi[3]. Trước năm 1757, vùng đất này còn thuộc Thủy Chân Lạp nên được gọi là “Bày-chau”, tiếng Việt phiên âm là “Bãi Xàu”. Truyện cổ Khmer kể về sự tích nàng Chanh vốn là cung phi của vua Thủy Chân Lạp, bị vua nghi oan cho quân lính đuổi bắt. Nàng giong thuyền chạy từ sông Hậu, theo rạch Bãi Xàu để chạy ra cửa biển Mĩ Thanh. Đến chỗ giáp nước (thị trấn Mĩ Xuyên ngày nay) nàng dừng lại nấu cơm nhưng cơm chưa kịp chín thì quan quân đã đuổi đến nơi, nàng phải bỏ nồi cơm sống mà chạy tiếp, giữa đường nàng vất hết tư trang, kể cả cái ống nhổ bằng vàng. Khi quan quân đuổi ra tới cửa biển thì nàng cùng đường, phải nhảy xuống sông tự tử. Từ đó sông này được gọi là vàm nàng Chanh, người Việt nói trại thành “Mĩ Thanh”. Chỗ nàng bỏ nồi cơm sống gọi là “Bày-chau” (nghĩa là [xứ] “cơm sống”), chỗ nàng vứt cái ống nhổ gọi là “Cần Tho” (ống nhổ), người Việt nói trại thành “Dù Tho”[4].

Năm 1757, khi vua Thủy Chân Lạp nhượng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Khoát thì nó được gọi đạo Trấn Di[5], đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) đổi là phủ Ba Xuyên (tên chữ Hán của Ba Thắc, tức Bassac – tiếng Khmer nghĩa là “sông Hậu”), thuộc tỉnh An Giang. Chính vì vậy mà trong An Giang toàn đồ[6] có vẽ rạch Bãi Xàu và ghi chú là Ba Xuyên giang. Chắc hẳn là con rạch này giữ vị trí rất quan trọng nên mới được mang tên của cả một vùng đất rộng lớn như thế. Theo bản đồ này thì phủ Ba Xuyên có phủ lị đặt tại thôn Hòa Mĩ, tổng Định Khánh, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (Xem hình H.2). Do vị thế cửa ngõ giao thương của rạch Bãi Xàu mà tại nơi vàm rạch này ăn ra sông Hậu được triều Nguyễn đặt một đồn tấn thủ chuyên tra xét tàu thuyền, nên gọi là Vàm Tấn.

Sách Đại Nam thực lục (Đệ tứ kỉ, quyển Thủ) ghi nhận: “Phủ hạt Ba Xuyên [thuộc tỉnh An Giang] địa thế giáp liền với 2 huyện Long Xuyên, Kiên Giang (thuộc Hà Tiên), ruộng đất màu mỡ, cái lợi về gạo, muối đứng đầu cả các tỉnh [L.C.L. nhấn mạnh]”[7]. Đồng thời sách này cho biết chợ Bãi Xàu nằm tại thôn Vĩnh Xuyên[8]. Thôn này được lập vào thời Thiệu Trị, thuộc tổng Định Chí, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang[9].

Sau khi chiếm ba tỉnh miền Tây (20 – 6 – 1867), thực dân Pháp lập hạt thanh tra Ba Xuyên, đến ngày 15 – 7 – 1867 đổi thành hạt thanh tra Sóc Trăng. Như vậy là thôn Hòa Mĩ (nay là ấp Chợ Cũ, thị trấn Mĩ Xuyên) chính là trung tâm hành chính của cả một vùng rộng lớn cho đến năm 1867, trước cả tỉnh lị Sóc Trăng, đồng thời địa danh hành chính “Ba Xuyên” cũng có trước cả địa danh hành chính “Sóc Trăng”[10].

Đến ngày 18 – 4 – 1893, thực dân Pháp sáp nhập một phần làng Hòa Mĩ, một phần làng Thạnh Lợi và toàn làng Vĩnh Xuyên thành làng Mĩ Xuyên, thuộc tổng Định Chí, hạt tham biện Sóc Trăng[11]. Kể từ đây bắt đầu có tên chợ Mĩ Xuyên, rạch Mĩ Xuyên. Tuy vậy đó chỉ là tên hành chính, còn người dân vẫn gọi là bằng tên Nôm cũ là “miệt Bãi Xàu”, “chợ Bãi Xàu”, “rạch Bãi Xàu”. Chính vì vậy mà ngày 7 – 3 – 1947, thực dân Pháp phải quay lại dùng tên Nôm cũ, lập quận Bãi Xàu thuộc tỉnh Sóc Trăng (đến ngày 1 – 1 – 1950 quận này bị giải thể)[12].

2. Thương cảng Bãi Xàu xưa và nay

Thương cảng Bãi Xàu thực chất chính là chợ Bãi Xàu, ban đầu nằm ở địa điểm nay thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mĩ Xuyên, cách chợ Mĩ Xuyên hiện nay khoảng 2 km về hướng tây nam. Từ xưa vùng này đã là nơi đô hội của đất Hậu Giang mà người Khmer gọi là Bassac (người Việt gọi là Ba Thắc). Nơi đây có kho bạc của vua Khmer, gọi là “khléang”, từ đó mà có địa danh “Srok Khléang” mà người Việt gọi là Sóc Trăng.

Do địa thế quan trọng nên năm 1841, thủ lĩnh Sơn Tốt (người Khmer) cấu kết cùng Trần Lâm (người Minh Hương) nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, xây đồn bảo tại chợ Bãi Xàu làm căn cứ. Sau khi Sơn Tốt tử trận, “Trần Lâm lại thu nhặt bọn vô lại người Thanh được vài nghìn tên đóng ở chợ Bãi Xàu (tức phố Vĩnh Xuyên), đắp luỹ giữ hiểm, làm rào tre chắn ngăn ngòi, đường vận lương của quan quân bị ngăn trở. Phong[13] đốc các tướng hiệu do đường thuỷ, đường bộ hai mặt đánh ập vào, thắng luôn mấy trận, lại vừa gặp viện binh đến, thừa thắng đuổi theo đến xứ Chế Hưng, bắt sống được tên cừ mục của bọn giặc và đảng khoả 69 đứa đem chém đầu bêu đi các nơi, giết chết được hơn 140 tên. Trần Lâm chạy trốn, quan quân thu hết các thứ tích trữ, đốt hết đồn bảo, bắt được thuyền, bè, khí giới vô kể”[14]. Đến đầu năm 1842, Trần Lâm tử trận, cuộc nổi dậy kết thúc. Ngày nay tại đây vẫn còn di tích của cái bảo (đồn binh) bằng đất được xây dựng vào năm 1841, nơi mà trước đây có ngôi chợ nhỏ kề bên gọi là chợ Bảo.

Ngoài ra, tại chợ Bãi Xàu (cũ) hiện vẫn còn một số di tích quan trọng khác như Ba Thắc cổ miếu– nơi thờ Neakta Bassac (ông thần Ba Thắc), vị thần bảo hộ cả vùng đất Hậu Giang; chùa Luông Bassac được cất từ năm 1872.

Theo Sơn Nam trong cuốn Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì “Ở vàm Hậu Giang, từ lâu người Miên sống tập trung tại vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) trên đất giồng cao ráo, làm ruộng khéo léo, gạo nổi tiếng là ngon[15]. Thay vì chở lên Sài Gòn, thương gia địa phương đứng ra chịu mối với các ghe buôn từ nước ngoài đến [L.C.L. nhấn mạnh]. Một thương cảng thành hình từ xưa, phỏng đoán là ở vùng Bãi Xàu(Mĩ Xuyên ngày nay) nơi sông Ba Xuyên [tức rạch Bãi Xàu] ăn thông ra Hậu giang. Theo nhật kí của cố đạo Leravaseur vào năm 1768, thì thương cảng này mang tên là Bassac, thành lập ở mé sông [đúng ra là rạch– L.C.L.], nơi đất thấp với nhà lợp lá. Ở đây dùng tiền quan (quan 600 đồng của Việt Nam); một đồng bạc Con ó trị giá 5 quan tức là 3000 đồng. Chợ bán gạo, nhiều loại trái cây, rau, gà vịt, heo. Phải chờ nước lớn ghe thuyền mới vào được. Thuyền chủ toàn là Trung Hoa, dân ở chợ đa số là người Trung Hoa, quan cai trị là người Cao Miên. Thuyền buôn đều của người Trung Hoa, đậu san sát từ 100 đến 150 chiếc để mua gạo và mua đường”[16].

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (đầu thế kỉ XIX) gọi rạch Bãi Xàu là rạch Ba Thắc, [đầu vàm, chỗ tiếp giáp sông Hậu] rộng 30 tầm [76,8m], sâu 1 tầm 2 thước [3,5m]. Từ vàm này đi 1300 tầm [3328m] có phố Trường Tàu nằm bên trái rạch, thuyền buôn nước ngoài hư hỏng vào đây tu bổ, neo đậu san sát nên mới gọi là Trường Tàu[17]. Ở đây người Kinh, người Hoa, người Miên sống lẫn lộn, phố xá liền nhau. Thủ sở đạo Trấn Di nằm bên phải [bờ tây] của con rạch này. Cách vàm 14336 tầm [36700m] đến rạch Sóc Trăng, [đi thêm] 1800 tầm [4608m] bên bờ nam đều là ruộng muối, đến ngả ba đường sông, phía bên phải có chợ, tục gọi là chợ Bãi Xàu, ở đây người Kinh, người Hoa, người Miên ở chung lộn, phố xá liền nhau, có đất làm muối để bán, màu muối đen như than rồi đem nung nó lại mịn và rất trắng, tục gọi là muối Ba Thắc[18]. Bến tàu ngày xưa còn để lại dấu tích là vô số đá cuội còn sót lại, to bằng cái thúng cái cối, vốn là đá khi xưa dùng để neo tàu buồm hoặc để dằn lườn cho dễ lướt sóng khi tàu chở quá nhẹ[19].

Như vậy, ngay từ giữa thế kỉ XVIII, Bãi Xàu đã là một thương cảng quốc tế đúng nghĩa, mặc dù còn chút hạn chế do lòng rạch Bãi Xàu hay bị cạn lấp, đòi hỏi phải thường xuyên nạo vét. Yếu tố “quốc tế” này không chỉ thể hiện ở sự hiện diện của các thuyền buôn ngoại quốc mà còn ở các thuyền buôn bản xứ thu mua hàng hoá để chở sang bán ở các nước lân cận, đặc biệt là ở thủ đô Nam Vang (Phnom-pênh) của Campuchia. Sách Đại Nam thực lục ghi nhận: “Thuyền phủ Ba Xuyên chở tạp hóa đi buôn ở Trấn Tây thì đánh thuế theo như lệ (thuyền bè ngang lòng thuyền 7 thước trở lên tiền thuế 7 quan, 6 thước trở lên tiền thuế 6 quan, 5 thước trở lên tiền thuế 5 quan), nếu chở muối, gạo, theo lệ trước mà thi hành”[20]. Hoạt động mua bán này chắc hẳn thu được rất nhiều lợi nhuận nên chẳng bao lâu sau, cũng triều Minh Mạng đã ra quyết định tăng mức thuế thuyền buôn ở đây: “Thuyền ở Ba Xuyên đi buôn ở Trấn Tây, lệ trước 5 thước tiền thuế 5 quan, 6 thước 6 quan, 7 thước 7 quan. Nay định làm 4 thước trở lên, đều theo lệ đi buôn ở 6 tỉnh, phải thêm 1 phần 3, phàm 4 thước trở lên mỗi lần tiền thuế 2 quan, 5 thước trở lên 4 quan, 6 thước trở lên 6 quan 6 tiền 40 đồng, 7 thước trở lên 9 quan 3 tiền 30 đồng, 8 thước 12 quan, 9 thước 14 quan 6 tiền 40 đồng, 10 thước trở lên theo thế thêm lên”[21].

Sau khi chiếm được thêm ba tỉnh miền Tây (1867), thực dân Pháp, liền tranh thủ vét hàng loạt kinh rạch để phục vụ quân sự và vận chuyển lúa gạo về Sài Gòn xuất khẩu. Rạch Bãi Xàu vốn nhỏ hẹp, lại có giáp nước nên phù sa lắng đọng lâu ngày khiến lòng rạch cạn dần (gọi là “lưng lừa”), do tình hình chiến tranh nên những năm trước đó nó bị bỏ phế, gây cản trở giao thông, đòi hỏi phải thường xuyên nạo vét. Năm 1877, Pháp cho đào kinh Chợ Gạo nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ, năm 1878 đào kinh Chẹt Sậy và kinh Phú Túc xuyên qua tỉnh Bến Tre, nối sông Tiền với sông Hậu. Cũng năm này, Pháp cho đào kinh Saintard nối sông Hậu với phần ngọn của rạch Bãi Xàu để thay thế rạch Bãi Xàu vốn quá cong quẹo và hay bị cạn lấp. Kinh này được đào nhiều đợt, đến năm 1882 mới hoàn thành, nhưng vẫn phải thường xuyên nạo vét. Như vậy, kinh Saintard (đóng vai trò như rạch Bãi Xàu mới) là con kênh đầu tiên được Pháp đào ở vùng Hậu Giang[22].

Để phát huy khả năng vận tải lúa gạo theo đường thủy từ miền Tây lên Sài Gòn xuất khẩu, cuối năm 1879 thực dân cho đào kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ với sông Cần Giuộc. Đến đây, con đường lúa gạo ở Nam Kì coi như đã thông suốt từ Hậu Giang lên Sài Gòn mà kinh Saintard cùng với rạch Bãi Xàu chính là đầu mối ở miệt dưới.

Theo cuốn La Cochinchine et ses habitants (1894) của Baurac J.C.[23] thì Bãi Xàu là một trung tâm thị tứ quan trọng nhất của hạt Sóc Trăng hồi những năm cuối thế kỉ XIX, có khoảng 6.000 cư dân. Lái buôn từ Sài Gòn, Chợ Lớn kéo về đây mua “gạo Bãi Xàu” nổi tiếng. Bãi Xàu có một hãng nấu rượu, một nhà việc khá đẹp, một trạm bưu điện, nhiều đường phố ngay ngắn, vô số cửa hiệu buôn của người Hoa và nhiều chùa chiền. Một chuyến xà-lúp bổ sung của hãng vân tải đường sông đảm trách việc vận chuyển giữa Đại Ngãi [nơi vàm rạch Bãi Xàu ăn ra sông Hậu] và Bạc Liêu, mỗi tuần 3 chuyến, có dừng lại ở Bãi Xàu.

Cuốn sách này (tr.362), Baurac J.C. cũng ghi nhận rằng bên cạnh thương cảng Bãi Xàu, vàm Đại Ngãi cho đến khoảng năm 1858 là một bến cảng quan trọng, tiếp đủ các thuyền đi biển đủ hạng, từ Trung Quốc, Tân Gia Ba, Xiêm La, Cam Bốt, v.v. tụ tập rất là náo nhiệt để trao đổi mua chác lúa gạo, tơ lụa, hàng vải, cá mắm, mắm muối, đồ gốm, chén bát, sừng trâu, ngà voi, lông chim, sáp, mật ong, v.v[24].

Đến cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa lần thứ nhất thì hàng loạt kinh rạch ở miền Tây được đào vét bằng hệ thống máy cạp và xáng thổi chạy bằng máy hơi nước. Giai đoạn này do có hàng loạt kinh rạch được đào vét và kinh Saintard thay thế một phần rạch Bãi Xàu nên hoạt động giao thương trên con rạch này có thay đổi, phần rạch chỗ chợ Bãi Xàu bị cạn lấp dần. Chính vì thế mà năm 1902, thực dân Pháp cho dời cảng chợ Bãi Xàu về phía đông bắc gần 2 km, ngay đầu kinh Saintard và kinh Tiếp Nhựt, lập chợ Bãi Xàu mới (nay là chợ Mĩ Xuyên). Từ đó địa điểm cũ được gọi là Chợ Cũ Bãi Xàu, nay thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mĩ Xuyên. Thương cảng Bãi Xàu mới phát triển sum mậu nên cùng với cảng Đại Ngãi được cuốn Monographie de la province de Sóc Trăng (1904) ghi nhận là một trong hai cảng đích thực của tỉnh này[25]. Cuốn địa phương chí này cũng ghi nhận rằng: “Những năm đầu thế kỉ XX, trung tâm Bãi Xàu là khu chợ quan trọng nhất của tỉnh. Thương nhân hầu như không đến khu chợ Cũ nữa, vì ghe thuyền cỡ lớn không cập bến được. Thành phố thương mại Bãi Xàu mới chạy dài suốt rạch Ba Xuyên [tức rạch Bãi Xàu]. Tại trung tâm này đa số là người Hoa, vào mùa gặt quang cảnh rất nhộn nhịp, làm người ta liên tưởng đến một “Chợ Lớn nhỏ” [L.C.L. nhấn mạnh].

Mỗi năm cư dân lại gia tăng, nhiều nhà mới được xây dựng, các tuyến giao thông thuỷ bộ được cải tiến…Tại Bãi Xàu có một nhà việc có tầng lầu, 1 trường tổng lớn vừa xây xong, 1 trạm bưu điện, 1 lò sát sinh, 2 nhà máy rượu, 4 xưởng cưa tay, một xưởng gạch”[26]. Giai đoạn này mặt hàng xuất khẩu của Sóc Trăng chủ yếu là lúa gạo. “Suốt năm, nhất là các tháng 2,3,4,5 và 6, nghĩa là những tháng tiếp theo các vụ thu hoạch, ngày nào cũng có rất nhiều ghe thuyền chở lúa đi các tỉnh lân cận, nhất là lên Sài Gòn, Chợ Lớn. Vào những tháng đầu năm, có ngót 200 ghe thuyền từ Bãi Xàu (và một số từ tỉnh lị) chở trung bình mỗi tháng 180.000 picul[27] lúa… Sản phẩm xuất ra ngoài tỉnh– sau thóc lúa– là cá tươi, cá khô hoặc cá mắm, trị giá ước 10.000$… Hàng tháng có 250 ghe thuyền từ các nơi đổ về các chợ Sóc Trăng và Bãi Xàu, chở cau, dừa, chuối, xoài, măng cục, thơm, bắp, thuốc lá, các loại vải, tơ, đuốc, diêm quẹt, trà, đồ gốm, thuốc bắc và nhiều vật dụng khác, nhất là của người Trung Hoa. Người Chàm ở Châu Đốc thỉnh thoảng cũng mang lụa vải đến bán ở Sóc Trăng. Đối với người Âu, các mặt hàng thực phẩm do xà lan của hãng vận tải đường sông chở đến”[28]. Do lúc này chưa có kinh Maspero[29] nối kinh Saintard và tỉnh lị Sóc Trăng nên mọi hoạt động thương mại đều diễn ra tại Bãi Xàu. Bởi vậy mà một thị trấn không phải tỉnh lị như Bãi Xàu lại được công nhận là trung tâm loại 1, cùng lúc với tỉnh lị Sóc Trăng vào ngày 15 – 10 – 1904[30].

Do có được sự hợp tác chặt chẽ của người Pháp mà người Hoa lúc này đóng vai trò thiết yếu trong thương vụ tại cảng Bãi Xàu như là một đầu mối quan trọng của con đường lúa gạo miền Tây. “Các thương gia Trung Hoa tại cảng sông ở Bãi Xàu đã tạo ra một ngoại lệ đáng tán dương…khi họ cung cấp cả ngân khoản và lao động cho việc xây cất bến cảng”[31].

Năm 1909, Nguyễn Liên Phong cho ra mắt cuốn Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, có ghi nhận về thương cảng Bãi Xàu như sau:

Bãi Xàu đông đảo phố phường,

Trong chợ ngoài bảo cầu đường đẹp xinh.

(…) Ghe to lồi mắt xanh mang,

Chở chuyên lúa gạo nhảy tràn khỏi then.

Xuống lên Chợ Lớn bán quen,

Tiếng gạo Ba Thắc ngợi khen Nam Kì[32].

(…) Chợ đông thứ nhứt đâu bằng,

Bãi Xàu, Đại Ngãi nhơn dân hào cường[33].

Đến những năm 1923 – 1924, cùng với tỉnh lị, hoạt động buôn bán ở Bãi Xàu vẫn rất phát triển. “Vài thương nhân cỡ bự ở thành phố Sóc Trăng và Bãi Xàu có nhập một số hàng hoá của Pháp và cũng được tiêu thụ dễ dàng”[34]. Giai đoạn này, gạo Bãi Xàu chủ yếu vẫn được tiêu ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Khi Nhật nhảy vào Đông Dương (9 – 1940), Pháp – Nhật câu kết nhau để bóc lột nhân dân bản xứ. Trong vô số yêu sách của phát xít Nhật đối với thực dân Pháp thì yêu sách nộp lúa gạo nổi lên hàng đầu: Năm 1941 là 700.000 tấn gạo; năm 1942: 1.050.000 tấn; năm 1943: 1.023.470 tấn (theo tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, kí hiệu: L.47/9). Đặc biệt, trong tháng 5/1942, phát xít Nhật buộc thực dân Pháp phải nộp trung bình mỗi ngày 5.000 tấn gạo. Do đó mà các thương lái tăng cường thu mua và tạm trữ lúa khắp miền Tây mà tỉnh Sóc Trăng có lượng lúa tập trung tại các vựa lớn nhất: 57.000 tấn (do công ti Lục địa Đông Dương sở hữu)[35]. Do lượng lúa nói trên được vận chuyển chủ yếu bằng ghe thuyền nên cảng Bãi Xàu vẫn đóng vai trò trung chuyển chủ lực.

Đến cuối năm 1945, Cách mạng tháng Tám vừa thành công thì thực dân Pháp liền quay trở lại tái chiếm Nam bộ. Phong trào “tiêu thổ kháng chiến” nổi lên khắp nơi. Mới ngày 5 – 1 – 1946 chợ Sóc Trăng bị đốt thì đến hôm sau đến phiên chợ phố Bãi Xàu bị cháy, rồi đến 9 – 1 – 1946 chợ Nhu Gia bị hoả thiêu[36]. Một bộ phận người Khơmer dựa hơi Pháp ra sức khủng bố, cướp bóc, giết hại người Việt, gọi là “cáp-duồn”. Chợ Bãi Xàu là nơi đô hội nên bị khủng bố nặng nề, nhà cửa, phố chợ tiêu tan, dân tản cư hết.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó thì hoạt động thương mại của Bãi Xàu được phục hồi. Một số tài liệu của chế độ cũ còn lại cho biết đến thập niên 70 thế kỉ XX, thương cảng Bãi Xàu tức chợ Mĩ Xuyên vẫn còn hoạt động sung túc mà chủ yếu là các đại lí mua bán lúa gạo của người Hoa do con cháu của ông trùm lúa gạo Mã Hí ở Chợ Lớn điều hành.

Sau năm 1975, cùng với cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, hoạt động thương mại ở cảng Bãi Xàu gần như không còn, cho đến giai đoạn đổi mới từ 1986 mới có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn này giao thông đường bộ đã phát triển và cạnh tranh với giao thông thuỷ, cộng thêm việc đắp đập làm thuỷ lợi khiến giao thông đường thuỷ bị cản trở. Vì vậy mà hoạt động giao thương ở Bãi Xàu vẫn không mấy khởi sắc. Rạch Bãi Xàu do đó hầu như bị lãng quên, dẫn đến chỗ giáp nước (ngay chợ Mĩ Xuyên) bị cạn lấp dần và đến năm 1997 thì bị lấp hẳn để mở thêm phố chợ, phần còn lại tuy chưa bị lấp nhưng đã cạn và bị thu hẹp chỉ còn khoảng 8 m nên ghe thuyền rất khó di chuyển. Như vậy, Bãi Xàu từ một thương cảng đường sông bây giờ chỉ còn là ngôi chợ trên đường bộ, ghe thuyền muốn chở hàng hoá thì phải tập trung ở đầu kinh Tiếp Nhựt cách chợ gần 1 cây số.

Tuy nhiên, càng ngày giao thông đường bộ càng tỏ ra nhiều hạn chế như tốn hao nhiều nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông liên tiếp. Điều này khiến người ta bắt đầu nghĩ đến việc mở mang giao thông đường thuỷ trở lại.

Ngày 19 – 10 – 2010, Ban Quản lí các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng trình kế hoạch xây dựng cảng sông trên đầu kinh Saintard, nơi tiếp giáp với rạch Bãi Xàu, thuộc phường 8, thành phố Sóc Trăng. Cảng sông này khi hoàn thành có thể xem như là hậu thân của thương cảng quốc tế Bãi Xàu ngày xưa.

[3] Các tên gọi “Sóc Trăng”, “Bãi Xàu”, “Trấn Di”, “Ba Thắc, “Ba Xuyên”, “Nguyệt Giang” tuy không hoàn toàn trùng nhau về diên cách nhưng có khi được dùng thay thế cho nhau, gây băn khoăn cho người đọc. Sau đây chúng tôi tạm hệ thống hoá các tên gọi này để người đọc tiện theo dõi:
Tên gọi Tên Khmer Tên Hán Tên Nôm Thời gian Nghĩa
Sóc Trăng (xứ) (Srók Khléang) x Từ xưa đến nay Xứ kho bạc
Bãi Xàu (xứ) (Srók Bày-chau) x Từ xưa đến nay Xứ cơm sống
Ba Thắc (phủ) (Bassac) x Trước 1757 Sông Hậu
Trấn Di (đạo) x 1757 – 1835 Trấn giữ man di
Nguyệt Giang x 1820 – 1840 Sông trăng
Ba Xuyên (phủ) x 1835 – 1867 Tên chữ của “Ba Thắc”
Ba Xuyên

(hạt thanh tra)
x 20/6/1867

– 15/7/1867

Sóc Trăng

(hạt thanh tra)
x 1867 – 1876
Sóc Trăng

(hạt tham biện
x 1876 – 1899
Sóc Trăng (tỉnh) x 1899 – 1956
Ba Xuyên (tỉnh) x 1956 – 1975 (*)
Sóc Trăng (tỉnh) x 1991 – nay



Lê Công Lý

Nguồn: Nam bộ Đất và Người tập 9

CÔNG NỮ NGỌC VẠN VỚI VÙNG ĐẤT MÔ XOÀI

CÔNG NỮ NGỌC VẠN VỚI VÙNG ĐẤT MÔ XOÀI
1. Mô Xoài, vùng đất địa đầu Nam bộ

Mô Xoài, địa danh chỉ một vùng đất mà trong sử cũ được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Mỏ Xoài, Mỗi Xoài, Mỗi Xuy, có sách còn chép là Mũi Xôi. Nghiên cứu sử triều Nguyễn và cả những công trình nghiên cứu về sau khó có thể hình dung một cách cụ thể về địa giới vùng đất Mô Xoài nếu không có sự tổng hợp, đối chiếu kỹ lưỡng[1]. Gần đây, với sự tiếp cận các nguồn sử liệu kết hợp sự khảo sát thực tế công phu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống,… đã giúp chúng ta có thể hiểu biết khá cụ thể về xứ Mô Xoài về cả nguồn gốc địa danh, địa giới, lịch sử, văn hóa,… Tổng hợp kết quả nghiên cứu cho thấy:

Mô Xoài – tên một ngọn núi, về sau gọi là Núi Dinh, nằm trên địa phận thành phố Bà Rịa hiện nay. Từ thế kỷ XIX trở về trước, tên núi vẫn được gọi theo tên của vùng đất này là núi Mỗi Xuy, Mỏ Xoài, Mô Xoài, có khi gọi là núi Trấn Biên, hoặc Tấn Biên. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Núi Trấn Biên: Tục gọi núi Mô Xoài ở phía đông cách trấn 145 dặm. Hình núi cao ngất, cổ kính, có nhiều hang nai, đồi thông, mây phủ, thác suối, cách trí tịch mịch, chầu về thành Gia Định từ xa, cảnh núi trải ra đẹp đẽ”[2].

Mô Xoà – tên một con sông, còn gọi là sông Hương Phước (có sách chép là Hưng Phúc), con sông lượn quanh chân núi Mô Xoài (theo tên núi), cũng được gọi là sông Hương Phước (theo tên làng). Sách Gia Định thành thông chí viết: “Hương Phước giang (Tức là sông Mô Xoài, là nơi hai thôn Long Hương và Phước Lễ cùng đài thọ lính trạm). Ngược dòng lên phía bắc chuyển qua phía tây đến suối Châu Phê gặp suối Giao Kèo, qua Thâm Tuyền (suối sâu) đến đầu nguồn sông Mông Giang, tục gọi là sông Xoài, dài 15 dặm, chảy qua nam độ 4 dặm là cửa sông lớn Hương Phước rồi hợp lưu cùng các sông khác”[3]. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chú dẫn: “Sông Hương Phước tức là sông Mỗi Xoài là chỗ dân hai thôn Long Hương và Phước Lễ chung nhau chịu lính trạm”[4]. Ngày nay sông này mang tên Sông Dinh, chảy qua địa phận thành phố Bà Rịa.

Mô Xoài – tên xưa của vùng đất Bà Rịa, địa đầu của cả xứ Đồng Nai, một vùng đất mà lớp người Việt đầu tiên vào Nam bộ khai khẩn. Vùng đất ấy sau được gọi là xứ Mô Xoài, bao gồm nhiều làng thuộc tổng An Phú (An Phú Hạ) xưa, những ngôi làng người Việt đầu tiên được thành lập trên vùng đất Nam bộ.

Theo thống kê trong Địa bạ triều Nguyễn (tỉnh Biên Hoà) lập năm 1836, tổng An Phú Hạ có 7 thôn thì 4 thôn nằm trọn trong xứ Mô Xoài, tổng diện tích thực canh là 359 mẫu 9 sào 4 thước 3 tấc, chiếm 69% của cả tổng còn ghi tên 4 thôn nằm trọn trong xứ.

Đơn vị


Diện tích thực canh


Ghi chú

Tổng An Phú Hạ


517 mẫu 7 sào 8 thước 5 tấc
Tổng diện tích: 528 mẫu 7 sào

8 thước 5 tấc

Đại Thuận thôn


Đất gò đồi

Long Hiệp thôn


36.4.7.9
xứ Mỗi Thơm, Núi Đất

Long Hương thôn


02.2.14.3
xứ Mỗi Xoài

Phước Lễ thôn


53.5.2
xứ Mỗi Xoài

Phước Lễ ruộng muối


03.8.12.0


Long Kiên thôn


59.8.13.8
xứ Mỗi Xoài, Bưng Kỳ, Thị Định

Long Xuyên thôn


42.2.4.2
xứ Mỗi Xoài

Phước Long thôn


99.1.9.5
xứ Thao Lao

Mô Xoài còn được đặt tên cho thành (luỹ): lũy Mô Xoài – luỹ Hưng Phước, cũng gọi là luỹ Phước Tứ, lũy Bô Tâm, nằm cạnh Bàu Thành, nay thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Đây là dấu tích xưa nhất của người Việt từ buổi đầu lập nghiệp, mở mang vùng đất Nam bộ[5].

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong bài viết Biên Hòa xưa và nay đã góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn không gian Mô Xoài trong lịch sử. Theo ông, tỉnh Biên Hòa gồm 2 phủ: Phước Long (Biên Hòa) và Phước Tuy (Mô Xoài). Phủ Phước Tuy có 3 huyện: Phước An (Mô Xoài), Long Thành (Đông Môn), Long Khánh (Bà Kí). Trong đó, huyện Phước An gồm 4 tổng: Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Hạ, An Phú Thượng, An Phú Hạ[6].

Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Biên Hòa bị chia cắt nhiều lần, cuối cùng chia ra 3 tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu (huyện An Ngãi (Thủ Đức) chuyển sang tỉnh Gia Định). Trong đó, tỉnh Bà Rịa gồm 5 tổng Việt: An Phú Hạ, An Phú Tân, An Phú Thượng, Phước Hưng Hạ, Phước Hưng Thượng; 2 tổng Thượng: Cơ Trạch, Nhơn Xương.

Có thể thấy rằng, tỉnh Bà Rịa thời Pháp cơ bản tương ứng với huyện Phước An thời trước. Nói cách khác, vùng đất Mô Xoài bao gồm phần lớn đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay. Chủ nhân sớm của vùng đất này là những bộ tộc người Mạ, người Châu Ro (sử sách xưa thường nhắc tới một vương quốc Mạ). Từ thế kỷ I đến thế kỷ VII thuộc Phù Nam sau đó thuộc Chân Lạp (Thủy Chân Lạp). Một thời gian dài, đây là địa giới trấn biên của Chân Lạp và Chăm-pa mà cả hai vương quốc đều chưa đủ sức kiểm soát nên trở thành hoang địa, rừng rậm, sình lầy, dân cư thưa thớt.

Xứ Mô Xoài là vùng đất địa đầu mà người Việt đến khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi khác ở Nam bộ. Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự có mặt của người Việt trên vùng đất này sớm nhất vào khoảng đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII người Việt ở đây mới đông lên và quần tụ thành xóm làng.

Quá trình khẩn hoang và tạo lập môi sinh trù phú của người Việt trên vùng đất Mô Xoài gắn liền với sự nghiệp Nam tiến của các chúa Nguyễn, trong đó có dấu ấn sâu đậm của người con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên: Công nữ Ngọc Vạn, một “thân gái dặm trường vì nước non”.

2. Công nữ Ngọc Vạn với vùng đất Mô Xoài

Công nữ Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, gọi tắt là Ngọc Vạn, không rõ năm sinh năm mất, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên[7]. Ngọc Vạn sinh ra và lớn lên khi cha là Nguyễn Phúc Nguyên đang trấn nhậm vùng đất Quảng Nam. Năm 1613, khi ông nội là chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua đời, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha trấn nhậm cả vùng Thuận Quảng.

Bấy giờ, Trịnh Tùng đã xưng chúa, thậm chí tự phong mình làm Bình An Vương và đặt phủ riêng (1600), thao túng mọi quyền hành, lấn át vua Lê. Mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn vốn là anh em ngày càng trở nên sâu sắc. Nguyễn Phúc Nguyên ra sức củng cố thế lực ở Thuận Quảng hầu đối phó với sự tấn công của họ Trịnh ở phía Bắc mà ông nghĩ không thể nào tránh khỏi. Trong tình thế đó, việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam và ra sức khai thác vùng đất mới luôn được tính tới trong tư duy của người đứng đầu xứ Thuận Quảng và nó trở thành chiến lược lâu dài.

Thời gian này, Chân Lạp gần như chịu sự thống trị trực tiếp của triều đình Xiêm La. Đến đời Chey Chetta II (ở ngôi từ năm 1618 – 1628), ngay từ khi lên ngôi, ông vua này đã có ý thức thoát khỏi sự kìm tỏa của Xiêm nên liền cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong (Vũng Long hay Long Úc) và tìm kiếm chỗ dựa về chính trị, quân sự hầu chống lại Xiêm. Chey Chetta II đã chọn và cầu thân với chúa Nguyễn vì thấy thế lực của vị chúa này đang lên, điều này đã được sách Histoire du Cambodge của A. Dauphin Meunier khẳng định: “Chey Chêtthâ II tìm sự yểm trợ của Triều đình Huế nhằm quân bình với sức ép của Xiêm”[8]. Để tỏ rõ thiện chí, Chey Chetta II đã cầu hôn con gái Sãi Vương, mặc dù lúc này vị quốc vương Chân Lạp đã có chính cung là người Chân Lạp và nhị cung là người Lào. Chúa Nguyễn không ngần ngại trước thịnh ý của quốc vương Chân Lạp và đồng ý gả Công nữ Ngọc Vạn cho Chey Chetta II. Theo Li Tana thì, “Cuộc hôn nhân ban đầu xem ra nằm trong chiến lược phòng thủ hơn là tấn công”[9] của chúa Nguyễn. Hôn lễ được tiến hành vào năm Canh Thân (1620) và Công nữ Ngọc Vạn nhanh chóng trở thành “Đệ nhất Hoàng hậu” (la première reine)[10] nước Chân Lạp với tước hiệu cao quý là Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey[11]. Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv[12].

·Hoàng hậu Ngọc Vạn với việc mở đất Mô Xoài

Ngọc Vạn vừa đẹp người, đẹp nết nên được quốc vương Chey Chetta II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cũng được phép lập một xưởng thợ và mở các nhà buôn ở gần kinh đô Oudong cho người Việt sinh sống làm ăn. Ngược lại, chúa Nguyễn gửi quân lính, thuyền chiến và vũ khí sang giúp cho triều đình Chân Lạp để đối phó với quân Xiêm và thực tế, đã hai lần Sãi Vương giúp Chey Chetta II đẩy lui quân Xiêm xâm lược. Về việc này, Christophoro Borri, một giáo sĩ người Ý từng sống nhiều năm ở Đàng Trong đã viết trong hồi ký của mình rằng, quốc vương Chân Lạp, người kết hôn với con gái Chúa Nguyễn (Phúc Nguyên) đã xin Chúa viện trợ khí tài và quân đội để chống Xiêm, và thực tế, “Chúa [Nguyễn] còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm”[13]. Tình giao hảo giữa hai vương quốc thông qua cuộc hôn nhân này ngày càng trở nên tốt đẹp và vị vua Chân Lạp đã sẵn lòng cho phép lưu dân Việt đến lập nghiệp trong mấy tỉnh thưa dân phía đông nam của vương quốc mình. Đây thực sự là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc thực hiện ý nguyện của chúa Phúc Nguyên.

Với lời xin của Ngọc Vạn, Chey Chetta II đồng ý cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai). Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp một cách “hợp pháp”, và Mô Xoài là vùng đất đầu tiên người Việt được quyền khai phá, lập nghiệp một cách “danh chính ngôn thuận”. Tuy chưa có sự thỏa thuận để nhượng hẳn vùng đất này cho Phú Xuân, nhưng trong thực tế, người Việt đã gần như làm chủ vùng đất này, và nó trở thành bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía nam vì cuộc mưu sinh, và cũng là sự khởi đầu cho việc thực hiện những mong muốn của chúa Nguyễn khi ông phóng tầm mắt của mình về vùng đất phương Nam còn hoang vắng này.

Để hợp thức hóa vùng đất do người Việt khai phá, ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Uodong xin vua Chey Chetta II nhượng vùng đất Mô Xoài để lập khu dinh điền. Vua Chey chấp thuận. Thế là người Việt đã có một chỗ đứng chân vô cùng quan trọng trên vùng đất Thủy Chân Lạp để từ đó di chuyển về phía Nam với phương thức “tàm thực”. Quốc vương Chân Lạp còn thuận theo lời xin của Bà cho lưu dân Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất mới khai phá. Bà cũng đã xin phép vua Chey cho thành lập hai sở thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay) và Kas Krobey (Bến Nghé, tức Sài Gòn ngày nay)[14] để thu thuế hàng hóa của người Việt qua lại buôn bán nơi đây. Sự kiện này trong Biên niên sử chép tay của Chân Lạp ghi rõ: “Sứ thần của chúa Đàng Trong mang đến quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II một bức thư trong đó chúa Đàng Trong ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kas Krobei của Chân Lạp để lập các trạm thuế thương chính”[15] trong thời gian 5 năm[16]. “Sau khi tham khảo ý kiến các quan thượng thư, Chey Chetta II thuận theo yêu cầu của chúa Đàng Trong và gửi cho ông này một bức thư cho biết ông chấp nhận điều mà chúa Đàng Trong yêu cầu”[17]. Sau khi được vua Chey Chetta chấp thuận, chúa Nguyễn lệnh cho các quan thương chính đến đóng trụ sở ở hai nơi đó để tiến hành việc thu thuế thương chính[18]. Vấn đề này đã được các sử gia người Pháp quan tâm và phản ánh rõ trong các công trình nghiên cứu của mình: G. Maspéro sau khi tham khảo kỹ Biên niên sử Khơmer đã viết trong cuốn L’Empire Khơmer (Đế quốc Khơmer) rằng, “Vị vua mới lên ngôi là Chey Thetta II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thetta II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”[19]. J. Moura trong Royaume du Cambodge cho biết: “Tháng 3 năm 1618, Prea Chey Chetta được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey”[20]. Hay Henri Russierkhẳng định vai trò của Ngọc Vạn trong Histoire sommaire du Royaume de Cambodge rằng, “Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng… Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam… Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và vua Chey Chetta đã đồng ý”[21]. A. Dauphin Meunier cũng viết trong Le Cambodge những dòng tương tự: “Năm 1623, Chey Chettha, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm… Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey Kôr để tài trợ việc định cư”[22].

Nguyễn Văn Quế trong Histoire des Pays de L’union Indochinoise một lần nữa khẳng định: “Chey Chetta II dời đô từ Lovéa Em đếu Oudong năm 1620 và cưới công chúa Việt Nam được phong làm hoàng hậu và rất được yêu quý nhớ đức hạnh và vẻ đẹp mỹ miều. Vì đã giúp đỡ cho vua Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của Xiêm nên chúa Sãi mới xin vua Cao Miên cho phép những người Việt di cư vào Nam được khai khẩn đất đai, trồng trọt, buôn bán và trả thuế ở Sài Gòn, Biên Hòa và Bà Rịa. Vua Cao Miên chấp thuận đề nghị của nhạc phụ”[23],...

Các sở thuế này được xem là chỗ đứng chân thứ hai của người Việt, tạo ra một đầu cầu vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp ngày càng mạnh mẽ hơn. Với danh nghĩa giúp chính quyền Chân Lạp gìn giữ trật tự, chúa Nguyễn còn phái tướng lĩnh đem quân đến đóng đồn ở Prey Nokor, thực chất là nhằm bảo vệ cho lưu dân khai khẩn làm ăn ở vùng đất từ mới từ Bà Rịa (Mô Xoài) đến Sài Gòn (Chợ Lớn).

Có thể nói, sự sắp đặt của Ngọc Vạn đã tạo ra những cơ sở ban đầu một cách chắc chắn cho công cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn, để đến năm 1698, khi hội đủ những điều kiện cần thiết, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, kê biên sổ đinh và lập nên phủ Gia Định, đơn vị hành chính đầu tiên của Đại Việt trên đất Chân Lạp với khoảng 40 ngàn hộ, ước lượng khoảng 200 ngàn dân[24].

Như vậy, trong sự nghiệp mở cõi của dân tộc ta trên vùng đất Nam bộ, chính Ngọc Vạn là người đã lập công đầu.

·Thái hậu Ngọc Vạn trong việc ổn định và phát triển vùng đất Mô Xoài

Trong mối quan hệ thâm tình Miên– Việt, cả hai phía đầu có lợi. Chúa Nguyễn có được vùng đất mới vốn hoang nhàn mà triều đình Chân Lạp từ lâu quản lý lỏng lẻo và không khai thác được gì, đổi lại Chân Lạp đã thoát khỏi sự khống chế của Xiêm. Tất nhiên điều này không mấy dễ chịu đối với Xiêm, vì vậy Xiêm luôn tìm cách khôi phục lại vị thế của mình đối với Chân Lạp và bắt đầu đối phó với Đại Việt Đàng Trong. Năm 1628, vua Chey Chetta II qua đời, tình hình trở nên phức tạp, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra những cuộc tranh chấp ngôi báu đẫm máu giữa các hoàng thân. Đây chính là thời kỳ đầy sóng gió và thử thách đối với người phụ nữ Việt Nam trong hoàng triều Chân Lạp. Thái hậu Ngọc Vạn đã chứng tỏ bản lĩnh của mình trong việc giải quyết những mâu thuẫn của triều đình theo chiều hướng có lợi cho Đại Việt. Nói đúng hơn là hầu như trong việc giải quyết các sự biến cung đình ở Chân Lạp (từ khi Ngọc Vạn về làm dâu trong hoàng tộc cho đến lúc bà qua đời), Ngọc Vạn luôn đóng vai trò quan trọng, và kết quả mang lại thường có lợi cho cả hai phía: hoàng gia Chân Lạp và Đại Việt– Đàng Trong. Để làm được điều đó, trước hết Ngọc Vạn phải khẳng định được vị thế và uy tín của mình đối với hoàng tộc, kể cả đối với những người không quan hệ máu mủ, thậm chí cả những thế lực vốn trước đó không mấy thiện cảm với bà. Suốt thời gian dài, Ngọc Vạn đã vượt qua những đau buồn, mất mát và sự cô đơn để làm nên đại sự.

Như đã nói trên, năm 1628, vua Chey Chetta II băng hà, chính trường Chân Lạp biến động dữ dội vì việc tranh đoạt ngôi vua. Con của Chey Chetta II và Ngọc Vạn là Chau Ponhea To lên kế vị vua cha, chú là Préah Outey làm Phụ chính. Chau Ponhea To làm vua chỉ mới hai năm thì bị Preah Outey giết chết (1630)[25]. Sau đó con thứ hai của Chey Chetta II lên ngôi với vương hiệu là Ponhea Nou (1630 – 1640). Năm 1640, Ponhea Nou đột ngột băng hà, Phụ chính Préah Outey liền đưa con mình lên ngôi tức quốc vương Ang Non I (1640 – 1642). Ang Non I cũng chỉ làm vua được hai năm thì bị người con thứ ba của Chey Chetta II là Chau Ponhea Chant (mẹ người Lào) dựa vào một số người Chăm và người Mã Lai, giết chết cả Prah Outey và Ang Non I để giành lại ngôi vua. Đó là ông vua mà sử ta thường gọi là Nặc Ông Chân (1642 – 1659). Nặc Ông Chân cưới một cô gái người Mã Lai làm hoàng hậu và theo đạo Hồi làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.

Năm 1658, con của Preah Outey là So và Ang Tan dấy binh chống lại Ông Chân nhưng thất bại, hai người này tìm đến nương náu với bà Ngọc Vạn. Biên niên sử Chân Lạp ghi lại sự kiện này như sau: “Năm 1658, hai vị hoàng thân Sô và Ang Tan, con vua Prah Outey đã thoát nạn lúc Quốc vương Ponhea Chan tàn sát gia đình vị phụ chính 16 năm trước, cầm quân nổi loạn đánh nhà vua. Bị quân triều đình (Chân Lạp) phản công mãnh liệt, hai vị chạy trốn sang cung Hoàng hậu Ngọc Vạn [đúng là Hoàng thái hậu – TT] vợ của tiên vương Chey Chetta II. Hai người nhờ Hoàng hậu xin binh nhà Nguyễn đến giúp khôi phục ngai vàng. Chúa Nguyễn Hiền Vương nhận lời, phái một đạo binh viễn chinh vào tháng 10 năm 1658. Một hạm đội Cao Miên do một vị Hoàng thân chỉ huy chặn đánh đạo quân Việt Nam, bị thua to ở ngoài biển Bà Rịa. Quân nhà Nguyễn tiến vào bắt Quốc vương Ponhea Chan nhốt trong củi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Quốc vương thăng hà ở đấy. Quân Việt Nam đặt Hoàng thân Sô lên ngai vua là Battom Réachéa (1660 – 1675) ta phiên âm là Nặc Nộn”[26].

Ngọc Vạn vốn là người hiền lành và có Phật tính nhưng cũng lấy làm bất bình với việc con ghẻ mình lấy vợ người Mã Lai và theo đạo Hồi nên khuyên So và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn, nhờ chúa Nguyễn can thiệp. Tham cứu thêm Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, được biết, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, cháu gọi Thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, nhận lời cầu viện của So và Ang Tan theo sự giới thiệu của Thái hậu Ngọc Vạn rồi sai Khâm mệnh dinh Trấn Biên (dinh Phú Yên) Nguyễn Phước Yến, Phó tướng quân Yến Vũ hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu, Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu dẫn 3000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mô Xoài) bắt Chant vì cớ “phạm biên cảnh”. Sau khi phá được thành rồi tiến vào bắt Nặc Ông Chân bỏ vào cũi đem về Quảng Bình nạp cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn ra dụ xá tội cho Chant và “phong làm Cao Miên quốc vương, luôn phải giữ đạo phiên thần, thường xuyên phải triều cống, không được xâm lấn cư dân ở ngoài biên, rồi sai quan binh hộ tống cho về nước”[27].

Tuy có vài chi tiết chép khác với sử Việt, song Biên niên sử Chân Lạp cơ bản làm rõ vai trò của Thái hậu Ngọc Vạn trong việc giải quyết những bung xung trong hoàng tộc Chân Lạp cũng như mối quan hệ giữa Chân Lạp với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Năm sau (1659), Nặc Ông Chân chết, chúa Nguyễn phong Ponhéa So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea (1660 – 1672). Từ đó, lưu dân Việt đến Mô Xoài (Bà Rịa) và Biên Hòa ngày càng đông. Ban đầu người Việt sống xen lẫn với người Khmer, khai khẩn đất đai lập ruộng vườn sinh sống. “Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đem nhượng đất ấy rồi kéo nhau tránh đi nơi khác, chẳng dám tranh chấp điều gì”[28]. “Từ đó, các vua thuộc dòng chính nước Chân Lạp chịu làm phiên thuộc của xứ Đàng Trong nước Đại Việt. Mỗi lần có sự tranh chấp nội bộ ở triều đình Chân Lạp, phe nổi loạn chạy sang cầu viện Xiêm La, còn phe chính thống chạy sang nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn”[29].

Năm 1672, quốc vương Batom Reachea bị một người vừa là rể vừa là cháu là Chey Chetta III giết, em là Ang Tan chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Nhưng ngay sau đó Chey Chetta III cũng bị người của Nặc Ông Chân giết. Ang Chei (1673-1674) con trai đầu của vua Batom Reachea, sử ta gọi là Nặc Ông Đài lên ngôi. Ông Đài cho đắp thành lũy ở địa đầu Mô Xoài, nhờ Xiêm cứu viện để chống lại chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn phản công đánh bại, Nặc Ông Đài chạy trốn vào rừng và bị đồng đảng giết chết. Ang Tan cũng bệnh chết, giao binh quyền cho Ang Non, tức Nặc Nộn, đóng ở Oudong. Em Ông Đài là Ang Saur, sử ta gọi là Nặc Thu đánh đuổi quân Việt và Nặc Nộn chạy sang Sài Côn. Nặc Thu lên ngôi vua hiệu là Chey Chetta IV, được chúa Nguyễn phong vương, còn Nặc Nộn[30] được chúa Nguyễn phong là Obareach mà sử ta gọi là Nhị vương đóng ở Sài Côn (khu vực gò Cây Mai).

Sau hơn 50 năm tồn tại trong chốn vàng son đầy máu lửa ở Oudong Chân Lạp, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Tương truyền, nơi đây bà cho lập chùa Gia Lào (còn gọi là chùa Bửu Quang ở trên núi Chứa Chan, thuộc tỉnh Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến cuối đời mình.

Thời gian này cả Chính vương Nặc Thu và Đệ nhị vương Nặc Nộn đều tỏ ra cung thuận với chúa Nguyễn. Khi chúa Nguyễn băng hà, cả hai vương đều cử quan lại đến viếng tang.Tuy nhiên, Nặc Nộn tìm cách giành lại ngôi vua và cả hai phe luôn tìm cách loại trừ nhau. Hoàng cung Chân Lạp liên tục diễn ra nhiều cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu và đó cũng chính là “cơ hội” để chúa Nguyễn “ra tay”, để cả vùng đất Nam bộ thuộc về Đại Việt, để công cuộc mở cõi về phương Nam được hoàn thành.

3. Đôi điều suy ngẫm

- Trong quá trình tạo dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn luôn phải đối đầu với thế lực họ Trịnh ở phía Bắc, vì vậy, các vị chúa ở Thuận Quảng phải thường xuyên tăng cường thế lực của mình một cách toàn diện. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ra đi với lời di huấn để lại cho Nguyễn Phúc Nguyên: phải ra sức xây dựng Thuận Quảng thành “cơ nghiệp muôn đời” cho họ Nguyễn.

Nguyễn Phúc Nguyên đã thực hiện đúng tâm nguyện của cha, bằng những chính sách tiến bộ, thức thời và hợp lòng dân để biến Thuận Quảng ngày càng phát triển nhanh chóng, ngày càng mở rộng về phía Nam. Để giúp Phúc Nguyên hoàn thành sứ mệnh cao cả mà tiên chúa giao cho, hai người con gái Ngọc Vạn và Ngọc Khoa đã góp phần đắc lực bằng hai cuộc “hôn nhân chính trị”. Đầu thế kỷ XIV, để cưới Huyền Trân, Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lý cho nhà Trần để làm sính lễ. Đầu thế kỷ XVII, khi gả Ngọc Vạn cho Chey Chetta, quốc vương Chân Lạp và Ngọc Khoa cho Po Rome, quốc vương Cham Pa, chúa Sãi Phúc Nguyên không nhận được quà sính lễ “hoành tráng” như vua Trần Anh Tông, nhưng ngược lại, chúa Nguyễn đã có được những điều kiện vô cùng quý báu để thực thi ý tưởng mở cõi về phương Nam mà bấy giờ trong tư duy của ông đã trở thành chiến lược.

Cuộc nhân duyên Ngọc Khoa – Po Rome tạo điều kiện để chúa Nguyễn tích hợp phần đất còn lại của Champa, cuộc hôn phối Ngọc Vạn – Chey Chetta đưa người Việt vào vùng đất Thủy Chân Lạp đầy tiềm năng và hứa hẹn. Rõ là “nước mắt má hồng đã tô thắm cho từng dải đất biên cương” như người xưa từng ghi nhận. Điều đáng nói là, tuy có ý hướng mở cõi nhưng chúa Nguyễn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Chính nội tình đất nước Chăm-pa, Chân Lạp và mối quan hệ khu vực lúc bấy giờ đã đặt vào tay Phúc Nguyên những chiếc “chìa khóa vàng” để mở toang cánh cửa.

Nếu như Ngọc Khoa đến với Po Rome, làm dâu Chăm-pa, một nước láng giềng quá gần gũi, thì Ngọc Vạn lại phải trải một dặm dài về làm dâu Chân Lạp, một vương quốc khá xa xôi, cách trở, lạ lẫm và đầy thử thách. Sắc đẹp, nết na, sự thông minh, khéo léo,… và tấm lòng yêu nước đã tạo nên bản lĩnh phi thường giúp Ngọc Vạn vượt qua muôn vàn sóng gió, thử thách nghiệt ngã để mang lại cho Đại Việt và cả Chân Lạp nữa những sự ổn định và phát triển. Với cuộc nhân duyên của Ngọc Vạn, chúa Sãi Phúc Nguyên không phải đợi đến khi hoàn thành việc tích hợp Chăm-pa mới tính tới Chân Lạp mà rõ ràng, chúa Nguyễn đã có điều kiện để với tay vào tận Mô Xoài để tiến hành khai mở đồng thời cả hai khu vực, một gần, một xa.

Công lao và sự nghiệp của Ngọc Vạn đối với Đại Việt là hết sức to lớn. Các nhà viết sử nước ngoài, nhất là người Pháp và cả một vài người Việt, khi viết sử Campuchia đã xác định rõ vai trò của Hoàng hậu– Hoàng thái hậu Ngọc Vạn trong sự nghiệp Nam tiến của dân tộc ta.Vậy mà phải hơn hai thế kỷ sự kiện này mới được sử ta ghi nhận và làm rõ[31]. Thật đáng tiếc! Nhưng, dẫu muộn vẫn còn hơn không. Hậu thế đã ghi danh công nghiệp của các chúa Nguyễn bằng nhiều cách. Thiết nghĩ, chúng ta hãy thể hiện lòng tri ân hai nàng công nữ Ngọc Vạn – Ngọc Khoa bằng những việc làm cụ thể, chẳng hạn một đền thờ hay một con đường mang tên Ngọc Vạn, Ngọc Khoa ở Nam bộ, Nam Trung bộ chăng (!). Thiết nghĩ, điều đó không có gì khó và thật sự rất xứng đáng! Vào thế kỷ trước, đã có nhiều người cảm khái trước sự hy sinh của hai nàng công nữ mà không ngại viết lên những bài thơ ca ngợi, chẳng hạn Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983) đã làm bài thơ Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa để ca ngợi công ơn mở cõi to lớn của hai nàng công nữ con gái Phúc Nguyên hay trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên của Lương Văn Lựu có dẫn bài thơ của Tân Việt Điểu ca ngợi công nghiệp của hai nàng công nữ này[32],… Tiếc là cho đến nay, khi nhắc đến cái tên Ngọc Vạn đầy thân thương và kính quý đó, không ít người vẫn còn ái ngại, né tránh, vì cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” (!)

- Mô Xoài là vùng đất đầu tiên mà cuộc nhân duyên Ngọc Vạn – Chey Chetta II mang lại cho người Việt ở phương Nam. Có thể nói, quá trình chuyển hóa từ một vùng hoang sơ trở thành môi sinh trù phú của người Việt trên vùng đất Mô Xoài gắn chặt với cuộc đời Ngọc Vạn, mang hơi thở của Ngọc Vạn với thời cuộc. Có thể cảm nhận một điều rằng, đất Mô Xoài xưa, Bà Rịa – Vũng Tàu nay, trong từng mạch rừng, con suối, ngọn núi, dòng sông, con đường, ngọn cỏ,… vẫn rưng rức kể về người con gái năm xưa đã vì nước non mà “ngàn dặm” đến đây để làm nên đại nghiệp cho dân tộc.

Hơn bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, người dân Bà Rịa- Vũng Tàu, trong những nội dung giáo dục truyền thống của địa phương mình, không thể không nói đến Công nữ Ngọc Vạn với lòng tri ân và sự ngưỡng mộ sâu sắc.

- Cho đến nay, hậu thế đã vinh danh Công nữ Ngọc Vạn một cách xứng đáng. Tuy nhiên, có quá nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử xung quanh cuộc đời bà, sử sách vẫn còn bất nhất, thậm chí trái ngược nhau. Thiết nghĩ, đây là vấn đề cần có sự đầu tư của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là những người con dân xứ Mô Xoài cần có thêm những việc làm thiết thực. Người viết bài này mong muốn có thêm nhiều sử liệu đáng tin cậy để đối chiếu, xác minh làm rõ những vấn đề liên quan. Rất mong được các bậc thức giả, các nhà nghiên cứu chia sẻ.
Trần Thuận
Nguồn: Nam bộ Đất và Người tập 9

ĐỊA DANH PHÚ NHUẬN

ĐỊA DANH PHÚ NHUẬN

ĐỊA DANH PHÚ NHUẬN

Đinh Hữu Chí*

 miền Tây Nam bộ có nhiều địa danh Phú Nhuận. Bài viết này chỉ nói riêng địa danh Phú Nhuận thuộc TP. Hồ Chí Minh.
Hơn 300 năm trước, từ một gò nổng hoang, thuộc vùng đất cằn cỗi, Phú Nhuận đã không thay đổi địa danh hay địa bàn, hiện đã trở thành một quận nội thành hoàn toàn đô thị hóa.
Triều Gia Long, Phú Nhuận là một thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Triều Minh Mạng đổi thuộc tổng Bình Trị Hạ, vẫn huyện, phủ cũ, tỉnh Gia Định. Trải qua triều Thiệu Trị, từ đầu đời Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thôn Sài Gòn. Từ 5-1-1876 gọi là làng, đổi thuộc hạt tham biện Sài Gòn rồi Bình Hòa. Từ 1880 thuộc tổng Dương Minh hạt tham biện 20. Năm 1888 hạt 20 giải thể, đổi thuộc tổng Dương Hòa Thượng, hạt tham biện Gia Định. Từ 1-1-1990 thuộc tỉnh Gia Định. Từ 1-1-1918 thuộc quận Gò Vấp, cùng tỉnh. Từ 11-5-1944, đổi thuộc tỉnh Tân Bình. Năm 1949 đổi thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau 30-4-1975 cải biến thành quận Phú Nhuận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với 17 phường gọi tên từ số 1 đến số 17. Ngày 26-8-1982 giải thể phường 6 nhập vào phường 7, phường 16 vào phường 15. Cuối năm 2004, quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh có 15 phường như trên.
Trong bài “Phú Cổ Gia Định” có gợi lại quang cảnh Phú Nhuận nằm trong xứ Sài Gòn với một chi tiết:
“Lợi đất thinh thinh, xóm vườn Mít
Bình trời vòi vọi, núi Mô Xoài”…[1]
Quận Phú Nhuận rộng 4,9kmvới khoảng 186.000 dân, đông giáp quận Bình Thạnh, tây giáp quận Tân Bình, nam giáp quận 1 và quận 3, bắc giáp quận Gò Vấp. Chu vi dài khoảng 17 km.
Về địa hình tổng quát, địa bàn Phú Nhuận ở phía bắc cao hơn phía nam, ở phía tây cao hơn phía đông. Thuở trước, về đường thoát nước và tưới tiêu cho địa bàn Phú Nhuận có rạch Thị Nghè ở phía nam, ngày xưa có tên chữ là Bình Trị Giang hay Nghi Giang (theo Nôm, Nghi đọc là Nghè) mang mỗi khúc một tên riêng: Rạch Nhiêu Lộc, rạch Cầu Kiệu, rạch Cầu Bông và rạch Thị Nghè. Nay thể hiện trên bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn tên kênh Nhiêu Lộc và rạch Thị Nghè, chủ yếu là đường thoát nước từ các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3 và quận 1 ra sông Sài Gòn. Phú Nhuận là một mỹ danh (tên có ý nghĩa tốt đẹp) đặt cho đơn vị hành chánh xã thôn từ khi mới khai lập. Có lẽ hai chữ Phú Nhuận trích từ câu “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân”, có thể tạm hiểu: giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân.
Địa danh Phú Nhuận có từ bao giờ? Lưu dân đến đây khẩn hoang lập ấp từ lúc nào? Con người và cảnh vật Phú Nhuận đã biến đổi qua các thời đại ra sao?
Phú Nhuận dưới thời Gia Định phủ (1698-1802)
Sau khi lưu dân người Việt từ “Đàng Ngoài” (miền Bắc, miền Trung) vào miền Nam khẩn hoang lập ấp, cụ thể là vùng Sài Gòn – Bến Nghé, chúa Nguyễn mới phái quan lại tới lập phủ huyện sau. Sử Khmer có ghi chép sự kiện chúa Nguyễn cho lập đồn thu thuế ở Sài Gòn (Prei Nokor) và Bến Nghé (Kas Krobei) từ năm 1623. Ắt hẳn hai đồn này phải được lập ở những nơi có cư dân người Việt tới làm ăn trú ngụ chứ không thể đặt ở nơi chỉ có người Cao Miên sinh sống. Thế thì khi ấy đã có không ít cư dân người Việt đến địa danh Sài Gòn – Bến Nghé – Gò Vấp lập nghiệp. Phú Nhuận nằm giữa một vùng thuận lợi giao thông (sông Bến Nghé, rạch Thị Nghè), có giếng nước ngọt, có nơi cao ráo để trú ngụ, không quá cao để có thể trồng lúa, không quá thấp để có thể làm vườn. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Phú Nhuận có thể là nơi lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp rất sớm. Sử ghi mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.
Khi Nguyễn Hữu Cảnh đến lập phủ huyện, dân số đã có “dư từ vạn hộ”, đất đai đã có trên ngàn dặm. Riêng Phú Nhuận mới có vài dặm đất với mấy mươi dân, vì Phú Nhuận không phải là nơi có ruộng đất phì nhiêu như ở Gò Vấp và không phải là nơi có chợ búa như ở Sài Gòn, Bến Nghé hay Đồn Dinh. Trong thời gian đó, thôn ấp Phú Nhuận tiếp tục phát triển dưới quyền thống thuộc của huyện Tân Bình và quyền chi phối của tổng Bình Dương.
Năm 1772 đánh dấu lần qui hoạch sơ bộ Thành phố, Phú Nhuận nằm sát ngoại thành. Sau khi đánh lui quân Xiêm, tướng Nguyễn Cửu Đàm trở về làm mấy công trình lớn và bảo vệ vùng Sài Gòn – Bến Nghé: 1/ – Rạch Ruột Ngựa được đào sâu và rộng hơn trước để cho thuyền bè đi lại dễ dàng từ sông Cần Giuộc tới rạch Lò Gốm để vào phố thị Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay). 2/ – Đắp lũy đất phía nam từ Cát Ngang, phía tây đến cầu Lão Huệ, phía bắc giáp thượng khẩu rạch Thị Nghè, dài 15 dặm, bao quanh Đồn Dinh, cắt ngang đường bộ (đường Cách Mạng Tháng 8 ngày nay). Phú Nhuận nằm ở phía bắc cầu Lão Huệ và thượng khẩu rạch Thị Nghè. Tuy cách biệt nội thành bởi rạch Thị Nghè và tường thành “bán bích”, Phú Nhuận vẫn có đường liên lạch thường xuyên qua Cầu Kiệu và trở nên một vùng “nửa tỉnh nửa quê” làm nơi cư trú và dinh dưỡng rất tốt. Có lẽ nhờ vị trí địa lý lịch sử đó, Phú Nhuận đã chuyển biến thành một “làng lớn với 72 cảnh chùa”[2].
Phú Nhuận dưới thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)
Năm 1802, sau khi lấy được Huế, Nguyễn Ánh bỏ Gia Định Kinh, “cải Gia Định Phủ làm Gia Định Trấn”. Đứng đầu Gia Định Trấn là các quan lưu trấn thống quản cả 4 dinh và 1 trấn, đó là:
- Dinh Phiên Trấn,
- Dinh Trấn Biên,
- Dinh Trấn Định,
- Dinh Vĩnh Trấn,
- Trấn Hà Tiên.
Trên cấp hành chánh, trấn dinh có thay đổi, song cấp dưới thì không. Phú Nhuận vẫn là Phú Nhuận, chỉ có điều không còn là ngoại thành của kinh kỳ, mà là lỵ sở của Gia Định Trấn.
Năm 1808, sử có ghi sự thay đổi: Vì địa thế Gia Định rộng lớn, bèn đổi:
- Gia Định Trấn làm Gia Định Thành
- Dinh Phiên Trấn làm Trấn Phiên An
- Dinh Trấn Biên làm Trấn Biên Hòa
- Dinh Trấn Định làm Trấn Định Tường
- Dinh vĩnh Trấn làm Trấn Vĩnh Thanh
  Còn Trấn Hà Tiên thì danh xưng vẫn như cũ.
Cũng vì “địa thế Gia Định rộng lớn”, các đơn vị hành chánh trong 5 trấn đều được nâng cấp và thay đổi. Riêng trấn Phiên An (có liên quan đến Phú Nhuận) được sắp xếp lại như sau:Trấn Phiên An quản trị 1 phủ là phủ Tân Bình, trước là huyện, nay coi 4 huyện:
- Huyện Bình Dương
- Huyện Tân Long
- Huyện Phước Lộc
- Huyện Thuận An
Phú Nhuận dưới thời Nam Kỳ lục tỉnh (1832-1862)
Các đơn vị hành chánh cấp dưới tỉnh có sự thay đổi:
- Trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa
- Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An
- Trấn Định Tường đổi thành tỉnh Định Tường
- Trấn Vĩnh Thanh đổi thành 2 tỉnh Vĩnh Long và tỉnh An Giang
- Trấn Hà Tiên đổi thành tỉnh Hà Tiên
Riêng tỉnh Phiên An mà địa phận trùm phủ Phú Nhuận có sự thay đổi như sau:
Tỉnh Phiên An chia ra 2 phủ:
- Phủ Tân Bình coi 2 huyện:
Huyện Bình Dương có 6 tổng
Huyện Tân Long có 6 tổng
- Phủ Tân An coi 2 huyện:
Huyện Phước Lộc có 4 tổng
Huyện Thuận An có 4 tổng
Thôn Phú Nhuận nằm trong phủ Tân Bình, huyện Bình Dương.
Huyện Bình Dương chia làm 6 tổng như sau:
- Tổng Bình Trị Thượng
- Tổng Bình Trị Hạ
- Tổng Bình Trị Trung
- Tổng Dương Hòa Thượng
- Tổng Dương Hòa Hạ
- Tổng Dương Hòa Trung
Ở thời điểm này, thôn Phú Nhuận thuộc tổng Bình Trị Hạ. Tóm lại: Thôn Phú Nhuận thuộc Tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Phiên An. Tháng 8 năm Quý Tỵ (1836), tỉnh Phiên An đổi thành tỉnh Gia Định. Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng được cử làm việc đo đạc ruộng đất và lập Địa bạ lần đầu tiên cho Nam Kỳ Lục Tỉnh. Mỗi xã thôn phải lập một Địa bạ. Thôn Phú Nhuận có một quyển Địa bạ gồm 10 tờ (20 trang) không kể bìa, viết tay bằng Hán Nôm trên giấy bản khổ lớn, tóm dịch như sau: PHÚ NHUẬN THÔN Ở MIỆT GÒ VẤP, thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; có tứ cận là:
- Đông giáp địa phận xã Bình Hòa và xã Hanh Thông (cùng thuộc bản tổng Bình Trị Hạ).
- Tây giáp rạch nước và địa phận thôn Tân Sơn Nhất (thuộc tổng Dương Hòa Thượng).
- Nam giáp địa phận thôn Tân Định (thuộc tổng Bình Trị Trung), lấy rạch Thị Nghè làm giới.
- Bắc giáp rạch nước và địa phận xã Hanh Thông (Bản tổng).
Tổng cộng ruộng đất thực canh là 39 mẫu 2 sào 7 thước 5 tấc (khoảng 20 ha hay 200.000 m2, chia ra:
- Ruộng điền tô là 38 mẫu 8 sào 10 thước 5 tấc với 41 sở hữu (người nhiều ruộng nhất có 3 mẫu 2 sào, người ít ruộng nhất chỉ có 12 thước tức khoảng 400 m2).
- Đất thổ cư rộng 3 sào 12 thước (biến cải từ ruộng điền tô, tức loại thổ cư này phải nộp thuế).
Ngoài ra thôn Phú Nhuận còn có những loại đất sau đây không phải đánh thuế và cũng chưa đo đạc chính xác.
- Đất gò nổng, có nhiều nhà cửa và mồ mả 4 khoảnh.
- Đất mộ địa 2 khoảnh.
Đất gò nổng làm nơi dân cư và đất mộ địa làm nghĩa trang đều không phải chịu thuế, nên sổ Địa bạ chỉ ghi là 6 khoảnh. Thật khó phỏng ước rộng hẹp bao nhiêu.
Nghị định ngày 10-1-1881 cắt phần đất của Phú Nhuận nằm giữa kênh Vòng Đai với rạch Thị Nghè cho nhập vào thôn Xuân Hòa (nay vẫn còn đình trên đường Lý Chính Thắng nhìn sang bến tắm ngựa) thuộc tổng Bình Chánh Thượng, Hạt 20. Phần cắt này rộng khoảng 50 ha và nay thuộc vào quận 3.
Theo nghị định ngày 20-12-1889, sau khi Pháp xâm chiếm Việt Nam và muốn thống nhất việc hành chánh, các hạt ở Nam Kỳ đổi ra tỉnh. Từ đó, Phú Nhuận thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. Chủ tỉnh và tòa bố Gia Định trực tiếp cai trị Phú Nhuận. Mãi đến năm 1917, tỉnh Gia Định chia thành 4 quận: Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè. Quận trở thành một cấp hành chánh trung gian như huyện thuở trước. Phú Nhuận thuộc phạm vi quận Gò Vấp. Tình hình phân ranh hành chánh đó kéo dài đến năm 1944 mới thay đổi.
Trong thời gian dài ấy, Phú Nhuận là đất “chuyên nằm ở ngoại vi”, phía nam sát với Thành phố Sài Gòn, phía đông sát với tỉnh lỵ Gia Định, phía bắc sát với quận lỵ Gò Vấp, còn phía tây cũng ở ngoài nhưng không xa lắm với tổng lỵ Bà Quẹo. Không có một cơ quan nào của cấp trên đặt tại đất Phú Nhuận, ngoại trừ một sở Giếng nước ngọt và mấy nghĩa trang.
Vào khoảng năm 1850, dân chúng bắt đầu qui tụ đông đảo về Phú Nhuận. Phần lớn họ thuộc gia đình binh sĩ vào đóng ở trấn Phiên An, một số khác từ “đàng ngoài” vào chọn nơi đất lành lập nghiệp. Trong số những người đàng ngoài đến Phú Nhuận, có một huynh trưởng tên Lê Tự Tài (gốc người miền Bắc) vào đất Gia Định rất sớm. Ông Tài huy động dân chúng khẩn hoang lập ấp quanh cầu Kiệu. Khi Phú Nhuận là thôn, ông Tài là thôn trưởng, đến khi Phú Nhuận là xã, ông Tài là Xã trưởng, nên gọi là Xã Tài. Thời bấy giờ, bờ rạch Thị Nghè tấp nập ghe thuyền chở củi, rau quả, đồ gốm của giới “bạn ghe” đến bày bán tại một khu chợ lộ thiên. Khu chợ này ở gần một cái bến gọi là Bến Cừ, ăn ra bờ rạch dưới chân cầu Kiệu bằng một con lạch nhỏ (ngày nay đã lấp, chỉ còn tên gọi). Ông Tài cho dựng lên một ngôi chợ nhỏ, cột tre mái lá trên phần đất thuộc sở hữu của ông cao ráo gần rạch, gọi là chợ Xã Tài (ngày nay là chợ Phú Nhuận). Từ xưa, chợ Phú Nhuận là trung tâm tấp nập, trù phú, là con tim tạo mạch sống, đo mức độ dân sinh, dân trí của người địa phương qua từng thời điểm. Quang cảnh chợ Phú Nhuận vào giữa thế kỷ thứ 19 được bài “Phú Cổ Gia Định”miêu tả qua 2 câu:
“Trước, phường phố  bày hàng, bày hóa.
Sau, nhà quê trồng bắp, trồng khoai …”
Điều đó nói lên dấu hiệu đặc trưng của vùng Phú Nhuận là vùng “bán thị, bán nông”. Từ những năm đầu mới khai hoang, khu vực quanh Cầu Kiệu đến chợ Xã Tài là tụ điểm dân cư đầu tiên ở Phú Nhuận. Phát triển theo thời gian, vùng Phú Nhuận thu hút thêm một số dân từ lục tỉnh lên và một số người Hoa đến khai khẩn, làm rẫy trồng hoa màu, thuốc lá.
Thuở mới khẩn hoang, có ít đường bộ, phương tiện giao thông chủ yếu của Phú Nhuận là ghe thuyền trên kênh rạch. Cắt ngang góc phía Nam Phú Nhuận có một con kênh đào ăn từ rạch Thị Nghè (cạnh cầu Công Lý hiện nay) đến kênh Nhiêu Lộc. Đây là đường giao thông tiện lợi nhất thời đó, nối liền Phú Nhuận với Tân Sơn Nhất. Hiện kênh này đã lấp, chỉ còn tên gọi Xóm Kinh. Trường học thì quá thiếu thốn. Năm 1902, Phú Nhuận chỉ có 1 trường Tổng ở tận Bà Quẹo. Địa chí Gia Định 1902 ghi: Năm 1902, Phú Nhuận có một trường dạy chữ Nho với một thầy đồ và 14 học sinh.
Về đường giao thông bộ, nhìn vào bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, ta thấy một con đường lớn đi từ khoảng trung tâm thành Gia Định qua cầu Chợ Mới (tức cầu Xóm Kiệu), xuyên suốt đất Phú Nhuận từ Nam chí Bắc lên Gò Vấp và từ đó có đường lên Hóc Môn hoặc trở về đất Hộ (Đa Kao). Ngoài ra còn có khá nhiều lộ nhỏ liên lạc chằng chịt khắp đất Phú Nhuận. Đáng kể hơn cả là con lộ xuyên qua toàn thôn từ đông sang tây (Bình Hòa – Tân Sơn Nhất). Đường cái quan thứ nhất là đường Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm và con lộ thứ hai nay là Phan Đăng Lưu – Hoàng Văn Thụ. Ngã tư Phú Nhuận là nơi liên lạc giao thông tấp nập xưa nay. Về đường thủy, có rạch Thị Nghè đi suốt phía nam và rạch Miễu (mương ông Tiêu) đi suốt phía đông, làm cho đất Phú Nhuận vừa có đường thoát úng vừa có thủy lộ tốt.
Khoảng cuối những năm 1920, phi trường quân sự Tân Sơn Nhất coi như hoàn thành. Ranh của phi trường nằm sát phía tây Phú Nhuận. Năm 1930, phi trường được nới rộng để dùng cho hàng không dân sự.
Bối cảnh xã hội trước năm 1930 được một nhân chứng đáng tin cậy là nhà văn Hồ Biểu Chánh, từng sống, nghỉ hưu rồi mất ở Phú Nhuận (có đặt tên đường), mô tả trong quyển tiểu thuyết “Ông Cử”.
Bấy giờ Phú Nhuận còn tiêu sơ, chưa phát triển:
- “Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thạnh phát nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo, buôn bán xôn xao, xe hơi, xe điển rần rần, nhà gạch phố lầu chớn chở”… – “Mà cách mấy mươi năm về trước thì Phú nhuận bất quá là một làng trộng trộng của tỉnh Gia Định vậy thôi. Trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài ở dựa bên đường xuống cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo heo, mỗi buổi sớm mai, bạn hàng nhóm thưa thớt một lát, mà bán cá tôm, rau thịt sơ sịa cho bình dân ở chung quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quý” … – “Dọc đường xuống cầu Kiệu, thì có năm ba tòa nhà ngói, nền đúc, rào sắt coi sạch sẽ, mỗi chặng, xa xa có một tiệm Chệt bán đồ tạp hóa giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê, còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố ngói mà vách ván cũ mèm, cất chen lộn với nhau, coi dơ dáy mà lại không thứ tự”… – “Hạng dân ở trong mấy nhà lá và phố cũ đây thường là:
- 1/ Những người chủ xe kiếng hoặc xe song mã, sắm xe ấy để mỗi ngày đem xuống chợ Bến Thành mà đưa khách – 2/ Những thợ hồ, thợ mộc, thợ nguội, thợ sơn, cùng tiểu công nghệ, làm ăn tiền ngày hoặc tiền tuần trong các sở, hãng dưới Sài Gòn – 3/ Những người mua bán hàng bông mỗi bữa lên vườn mua trái cây, bầu bí, rau cải, gánh xuống chợ Bến Thành mà bán – 4/ Những bồi bếp ở dọn phòng hoặc đi chợ nấu ăn cho Tây”.
- “Lại còn một hạng người nữa, hạng này đông hơn hết – ấy là hạng người không có nghề nghiệp nhất định, đàn ông có, đàn bà có, làm ngày nào ăn ngày nấy, gặp việc gì thì làm” … – “Đám bình dân lao khổ này thường thường ban ngày rảo đi mỗi người một nơi, ai theo nghề nấy, đến chiều tối mới trở về, mà phần nhiều thì ghé quán chị Năm Tiền mà ăn uống” … – “Một bữa chúa nhật, thợ cùng tiểu công các sở, các hãng đều được nghỉ, nên tới giờ ăn cơm trưa, tựu nhau lại quán của chị Năm Tiền gần vài mươi người mà ăn uống. Có người vì không có vợ con, nên không ai nấu cơm, có người tuy có vợ, song mắc vợ mua gánh bán bưng, nên lại quán mua cơm ăn cho tiện. Mà có người trong nhà có vợ sẵn, vợ đã lo cơm nước cho, mà cũng lại quán mua rượu uống rồi nói lằng nhằng đến một hai giờ cũng chưa dứt …”.
Khung cảnh trên đây phỏng đoán vào trước năm 1930. Ta thấy khá rõ đồng bào lao động Phú Nhuận gồm người nghèo, bị áp bức, cần cù, hiếu khách, không “xô bồ xô bộn”, vui vẻ.
Trong một thời gian dài, mãi đến những năm 1930, Phú Nhuận vẫn còn hoang vắng như miền quê, có cò trắng bay trên đồng ruộng, có ao vũng để câu cá, có đất thấp làm rẫy rau, đất gò làm nghĩa địa.
Với sự phát triển của Sài Gòn, dân số Phú Nhuận ngày càng đông. Với đà phát triển mới, ở Phú Nhuận bày ra thú tiêu khiển hát ả đào, gọi nôm na “hát cô đầu” nhằm thu hút khách “phong lưu” phần lớn từ các quận khác đến. Ở khắp miền Nam, Phú Nhuận là nơi duy nhất có hát cô đầu, thạnh hành từ năm 1934 về sau. Điểm qui tụ là khu vực góc Phan Đình Phùng – Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay (xưa gọi là ngã ba Lò Đúc). Trớ trêu thay lại có một xóm ả đào quay quần gần hẻm Đội Có! (Theo lời một cố cựu thủ lãnh Thanh niên Tiền phong Phú Nhuận còn nhớ: hầu hết số 81 chị em của giới này đã tự nguyện giải nghệ và gia nhập đội Phụ nữ Cứu thương khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ).
Ở Phú Nhuận, có một cơ sở kinh doanh đã gây tiếng vang khắp Nam bộ, tận Huế, Campuchia là nhà thuốc Ông Tiên, chiếm 3 căn mặt tiền, từ số 82 đến 86 nay là đường Phan Đình Phùng. Từ 1934, nhờ chiến dịch quảng cáo khéo léo, các loại cao đơn hoàn tán của nhà thuốc được dư luận chú ý, trở thành thời trang. Những hội chợ triển lãm mở liên tiếp từ Sài Gòn đến các tỉnh lỵ phía đồng bằng từ năm 1936 đều có gian hàng nhà thuốc Ông Tiên xuất hiện, với qui mô lớn, không nệ tốn kém. Người đến xem gian hàng này thưởng thức nhiều hoạt cảnh hài hước với chú hề Charlot, thêm màn xiếc chạy xe đạp một bánh. Thuốc bán rẻ hơn ở ngoài, do các thiếu nữ duyên dáng chào đón. Các cô này cũng giới thiệu một mặt hàng khác: nón đan bằng lá buông, vành rộng, thắt nơ nhiều màu, nhằm thay thế cho kiểu nón lá hơn mấy trăm năm qua chưa thay đổi (nhưng trong thực tế, thời trang ấy không thay thế được nón lá cổ điển). Nhà thuốc còn tặng những tập sách để quảng cáo cao đơn hoàn tán, kèm thêm bài vè để chơi “lô tô”. Nhà thuốc còn cho đăng quảng cáo to, trên báo hàng ngày và các báo Xuân, làm bản kẽm, chụp lại những bức thư của Việt Kiều từ bên Pháp, bên Lào khen ngợi. Đây là hiệu thuốc Việt Nam đầu tiên chịu tốn nhiều tiền để quảng cáo trên màn ảnh tại các rạp chiếu bóng Sài Gòn.
Suốt thập niên 1940, một điều khá lý thú là chức Hương Cả làng Phú Nhuận lại do dòng họ Vidal – một người Pháp chính cống – nắm giữ. Đó là ông Cả Đành. Tuy là tay sai của Pháp, nhưng ông Cả lại bênh vực dân, sống theo phong tục tập quán của địa phương, được dân tín nhiệm. Bà Cả Đành (người Việt) chăm lo việc từ thiện, bỏ tiền lập miếu cho bá tánh.
Phú Nhuận dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975)
Đã có nhiều thay đổi chia cắt hành chánh trên các cấp Thành phố, tỉnh, quận, phường, xã trong suốt thời gian 20 năm này. Riêng xã Phú Nhuận, cả về địa phận lẫn địa danh, không có sự thay đổi, vẫn thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Trong thời gian này, Phú Nhuận có dân số gia tăng vượt bội, nhà cửa được xây cất thêm nhiều, đường phố được chỉnh trang hơn trước. Theo thống kê năm 1970, xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định. Phú Nhuận là lỵ sở của quận Tân Bình. Diện tích rộng 4,9 ha. Dân số có 163.033 người.
Theo nghị định ngày 8-2-1955 của chánh quyền đương thời, Phú Nhuận có 10 đường có tên và được đổi tên như sau:
- 1/ Đại lộ Võ Di Nguy (đường Louis Berland và đường Louis Berland nối dài)
- 2/ Đại lộ Võ Tánh (đường Liên tỉnh số 22)
- 3/ Đường Trương Tấn Bửu (đường Capitaine Faucon)
- 4/ Đường Nguyễn Huỳnh Đức (đường Chùa Phật)
- 5/ Đường Trương Quốc Dung (đường Bùi Tấn Nhất)
- 6/ Đường Xã Tài (đường Rue du Marché)
- 7/ Đường Nguyễn Huệ (đường làng số 19)
- 8/ Đường Ngô Tùng Châu (đường làng số 20)
- 9/ Đường Thái Lập Thành (đường tục kêu Hương Mão)
- 10/ Đường Nguyễn Đình Chiểu (đường Lê Văn Bền)
Nghị định trên không gọi xã hay làng mà chính thức gọi: Thị trấn Phú Nhuận
(Tỉnh Gia Định lúc ấy chỉ có 3 thị trấn là: Phú Nhuận, Bà Chiểu và Thị Nghè)
Đến năm 1989, quận Phú Nhuận đã có 41 tên đường.
Đến năm 2001, quận Phú Nhuận đã có 47 tên đường.
Tình hình phân ranh hành chánh quận Phú Nhuận sau 30-4-1975
Sau ngày Giải phóng, Thành phố Sài Gòn đổi thành Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm toàn thể địa phận 11 quận Thành phố Sài Gòn, toàn thể tỉnh Gia Định, một phần tỉnh Hậu Nghĩa và một phần tỉnh Bình Dương.
Bảy xã của quận Tân Bình cũ (1947-1975) chia ra:
- Xã Phú Nhuận trở thành quận Phú Nhuận
- 4 xã Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa và Tân Phú trở thành quận Tân Bình
- 2 xã Vĩnh Lộc và Bình Hưng Hòa thuộc về huyện Bình Chánh
Sau khi trở thành quận, Phú Nhuận bỏ 8 ấp mà chia ra 17 phường, từ tháng 10-1982 thu lại còn 15 phường  (phường 6 sát nhập vào phường 7, phường 16 sát nhập vào phường 15). Xin lược kê như sau:
1/ Ấp Đông Nhứt chia ra phường 1 và phường 2
2/ Ấp Đông Nhì chia ra phường 3, phường 4 và phường 5
3/ Ấp Đông Ba thành phường 7
4/ Ấp Trung Nhứt thành phường 5
5/ Ấp Trung Nhì thành phường 7
6/ Ấp Tây Nhứt chia ra phường 8 và phường 9
7/ Ấp Tây Nhì chia ra phường 10, phường 11 và phường 12
8/ Ấp Tây Ba chia ra phường 13 và phường 14
Theo tài liệu năm 1988 của Phòng Nhà Đất và Phòng Thống Kê của quận Phú Nhuận, diện tích và dân số các phường được ghi như sau:
Tên               Diện tích (km2)      Dân số (người)         Mật độ (người/km2)[3]
- Phường 1           0,1952                    11.771                         52.963
- Phường 2           0,3140                                11.403                         32.283
- Phường 3           0,1861                                8.065                           39.538
- Phường 4           0,2290                                9.401                           36.869
- Phường 5           0.2294                                10.928                         40.793
- Phường 7           0,4714                                14.443                         25.352
- Phường 8           0,2989                                9.361                           28.796
- Phường 9           1,7994                                12.774                         6.327
Sau khi trừ phạm vi khu quân sự của Quân khu 7
- Phường 10         0,3186                          9.148                            25.992
- Phường 11         0,2240                                10.297                         42.265
- Phường 12         0,1819                                7.101                           34.486
- Phường 13         0,1560                                10.676                        55.296
- Phường 14         0,1556                                 9.245                         55.269
- Phường 15         0,2280                                13.332                        52.912
- Phường 17         0,1358                                10.378                        71.686
Di tích ở Phú Nhuận
Đình chùa, lăng mộ ở Phú Nhuận tạo bề dày lịch sử cho địa phương, là hiện vật chứng minh tay nghề của nghệ nhân vô danh thời trước.
Lăng Võ Tánh (danh tướng của Nguyễn Ánh) nằm bên cạnh hồ nước trong mặt bằng do Quân Khu 7 quản lý thuộc khu phố 6 phường 9. Có miếu thờ phía trước, mộ đơn giản, bằng phẳng, hình chữ nhật, đẹp nhất là tấm bình phong ở sau mộ đắp hình một con hạc trắng, chân đỏ, mỏ đỏ, ngoái đầu nhìn lên trời.
Lăng Trương Tấn Bửu (danh tướng của Nguyễn Ánh) ở hẻm 41 Nguyễn Thị Huỳnh thuộc phường 8. Nét đặc trưng của ngôi mộ: xây theo kiểu “trúc cách”, tô đúc giống hình ngôi nhà bẻ  băng trúc, đại khái, có hai mái; từ trước nhìn vào, nóc mộ như hình chữ A.
Lăng Võ Di Nguy (Thủy sư Đô đốc của Nguyễn Ánh) ở hẻm 19 Cô Giang phường 2. Quanh phần mộ có nhiều “bi ký”, tức là bia ghi chép thơ văn ca ngợi người quá cố.
Đình Phú Nhuận – số 18 Mai Văn Ngọc phường 10. Đình Phú Nhuận được xây dựng khoảng năm 1818 ở xóm Kinh, sát kênh Nhiêu Lộc, đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay. Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (8-1-1893), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho thần Thành Hoàng của đình.
Tóm lại, hơn 300 năm qua, Phú Nhuận đã không thay đổi địa danh hay địa bàn, nhưng Phú Nhuận đã tiến rất xa: từ một vùng đất cằn cỗi, từ một gò nổng hoang do vài gia đình lưu dân đến khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã trở thành một quận hoàn toàn  đô thị hóa với phong cách thiết kế khá khang trang. Phú Nhuận đã là nơi đất lành chim đậu cho bao thế hệ.

* Chi hội Trịnh Hòa Đức – Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh
[1] Xóm vườn Mít được mô tả ở đây nằm trên địa bàn Phú Nhuận. Vị trí phỏng định nay là các P9, P3, P5. “Lợi đất” và “thinh thinh” có nghĩa là rộng, phì nhiêu, được khai khẩn đúng mức. Nếu nhìn từ trung tâm xứ Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay), Vườn Mít ở gần, núi Mô Xoài (núi Dinh, Bà Rịa) ở xa làm bình phong chắn ngang chân trời.
[2] Cầu Xóm Kiệu jusqu’au marché de Chợ Xã Tài, était autrefois un grand village, òu l’on comptait 72 pagodes. Trích Trương Vĩnh Ký (1885), tập san Excursion et Reconnaissances, tr.29.
Ở thời diểm này, Phú Nhuận thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An và Gia Định thành. Trong Gia Định thành thông chí,Trịnh Hoài Đức cũng chép: thôn Phú Nhuận là 1 trong 76 xã thôn phường lân ấpcủa tổng Bình Trị, phía đông giáp Bình Giang (sông Sài Gòn), từ sông ở trước thành Bát Quái dọc đến kho Quản Thảo (Cầu Kho, quận 1), phía tây giáp đầu suối Bến Nái đến cầu Tham Lương (ranh Tân Bình với Hóc Môn), giáp địa giới phía đông tổng Dương Hòa, phía nam giáp kho Quản Thảo qua miếu Hội đồng (khoảng ngã ba Nguyễn Trãi – Nguyễn Cư Trinh) đến cầu Tham Lương, phía bắc giáp trấn Biên Hòa trên từ sông Đức Giang xuống đến bờ phía nam Bình Giang (trọn đoạn sông Sài Gòn giữa Thủ Đức với nội thành.Thôn Phú Nhuận nằm ở giữa vùng này, tức ở trung tâm tổng Bình Trị.
[3] Ghi chú: Nếu lấy dân số phường chia cho diện tích phường thì con số mật độ người/km2 sẽ không giống tài liệu cung cấp.

Nguồn: Nam bộ đất và Người, tập 9