Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

ĐỊA DANH PHÚ NHUẬN

ĐỊA DANH PHÚ NHUẬN

ĐỊA DANH PHÚ NHUẬN

Đinh Hữu Chí*

 miền Tây Nam bộ có nhiều địa danh Phú Nhuận. Bài viết này chỉ nói riêng địa danh Phú Nhuận thuộc TP. Hồ Chí Minh.
Hơn 300 năm trước, từ một gò nổng hoang, thuộc vùng đất cằn cỗi, Phú Nhuận đã không thay đổi địa danh hay địa bàn, hiện đã trở thành một quận nội thành hoàn toàn đô thị hóa.
Triều Gia Long, Phú Nhuận là một thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Triều Minh Mạng đổi thuộc tổng Bình Trị Hạ, vẫn huyện, phủ cũ, tỉnh Gia Định. Trải qua triều Thiệu Trị, từ đầu đời Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thôn Sài Gòn. Từ 5-1-1876 gọi là làng, đổi thuộc hạt tham biện Sài Gòn rồi Bình Hòa. Từ 1880 thuộc tổng Dương Minh hạt tham biện 20. Năm 1888 hạt 20 giải thể, đổi thuộc tổng Dương Hòa Thượng, hạt tham biện Gia Định. Từ 1-1-1990 thuộc tỉnh Gia Định. Từ 1-1-1918 thuộc quận Gò Vấp, cùng tỉnh. Từ 11-5-1944, đổi thuộc tỉnh Tân Bình. Năm 1949 đổi thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau 30-4-1975 cải biến thành quận Phú Nhuận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với 17 phường gọi tên từ số 1 đến số 17. Ngày 26-8-1982 giải thể phường 6 nhập vào phường 7, phường 16 vào phường 15. Cuối năm 2004, quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh có 15 phường như trên.
Trong bài “Phú Cổ Gia Định” có gợi lại quang cảnh Phú Nhuận nằm trong xứ Sài Gòn với một chi tiết:
“Lợi đất thinh thinh, xóm vườn Mít
Bình trời vòi vọi, núi Mô Xoài”…[1]
Quận Phú Nhuận rộng 4,9kmvới khoảng 186.000 dân, đông giáp quận Bình Thạnh, tây giáp quận Tân Bình, nam giáp quận 1 và quận 3, bắc giáp quận Gò Vấp. Chu vi dài khoảng 17 km.
Về địa hình tổng quát, địa bàn Phú Nhuận ở phía bắc cao hơn phía nam, ở phía tây cao hơn phía đông. Thuở trước, về đường thoát nước và tưới tiêu cho địa bàn Phú Nhuận có rạch Thị Nghè ở phía nam, ngày xưa có tên chữ là Bình Trị Giang hay Nghi Giang (theo Nôm, Nghi đọc là Nghè) mang mỗi khúc một tên riêng: Rạch Nhiêu Lộc, rạch Cầu Kiệu, rạch Cầu Bông và rạch Thị Nghè. Nay thể hiện trên bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn tên kênh Nhiêu Lộc và rạch Thị Nghè, chủ yếu là đường thoát nước từ các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 3 và quận 1 ra sông Sài Gòn. Phú Nhuận là một mỹ danh (tên có ý nghĩa tốt đẹp) đặt cho đơn vị hành chánh xã thôn từ khi mới khai lập. Có lẽ hai chữ Phú Nhuận trích từ câu “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân”, có thể tạm hiểu: giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân.
Địa danh Phú Nhuận có từ bao giờ? Lưu dân đến đây khẩn hoang lập ấp từ lúc nào? Con người và cảnh vật Phú Nhuận đã biến đổi qua các thời đại ra sao?
Phú Nhuận dưới thời Gia Định phủ (1698-1802)
Sau khi lưu dân người Việt từ “Đàng Ngoài” (miền Bắc, miền Trung) vào miền Nam khẩn hoang lập ấp, cụ thể là vùng Sài Gòn – Bến Nghé, chúa Nguyễn mới phái quan lại tới lập phủ huyện sau. Sử Khmer có ghi chép sự kiện chúa Nguyễn cho lập đồn thu thuế ở Sài Gòn (Prei Nokor) và Bến Nghé (Kas Krobei) từ năm 1623. Ắt hẳn hai đồn này phải được lập ở những nơi có cư dân người Việt tới làm ăn trú ngụ chứ không thể đặt ở nơi chỉ có người Cao Miên sinh sống. Thế thì khi ấy đã có không ít cư dân người Việt đến địa danh Sài Gòn – Bến Nghé – Gò Vấp lập nghiệp. Phú Nhuận nằm giữa một vùng thuận lợi giao thông (sông Bến Nghé, rạch Thị Nghè), có giếng nước ngọt, có nơi cao ráo để trú ngụ, không quá cao để có thể trồng lúa, không quá thấp để có thể làm vườn. Với những điều kiện thuận lợi như vậy, Phú Nhuận có thể là nơi lưu dân người Việt đến sinh cơ lập nghiệp rất sớm. Sử ghi mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh sang kinh lược Cao Miên, lấy đất Nông Nại đặt làm Gia Định phủ, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn.
Khi Nguyễn Hữu Cảnh đến lập phủ huyện, dân số đã có “dư từ vạn hộ”, đất đai đã có trên ngàn dặm. Riêng Phú Nhuận mới có vài dặm đất với mấy mươi dân, vì Phú Nhuận không phải là nơi có ruộng đất phì nhiêu như ở Gò Vấp và không phải là nơi có chợ búa như ở Sài Gòn, Bến Nghé hay Đồn Dinh. Trong thời gian đó, thôn ấp Phú Nhuận tiếp tục phát triển dưới quyền thống thuộc của huyện Tân Bình và quyền chi phối của tổng Bình Dương.
Năm 1772 đánh dấu lần qui hoạch sơ bộ Thành phố, Phú Nhuận nằm sát ngoại thành. Sau khi đánh lui quân Xiêm, tướng Nguyễn Cửu Đàm trở về làm mấy công trình lớn và bảo vệ vùng Sài Gòn – Bến Nghé: 1/ – Rạch Ruột Ngựa được đào sâu và rộng hơn trước để cho thuyền bè đi lại dễ dàng từ sông Cần Giuộc tới rạch Lò Gốm để vào phố thị Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay). 2/ – Đắp lũy đất phía nam từ Cát Ngang, phía tây đến cầu Lão Huệ, phía bắc giáp thượng khẩu rạch Thị Nghè, dài 15 dặm, bao quanh Đồn Dinh, cắt ngang đường bộ (đường Cách Mạng Tháng 8 ngày nay). Phú Nhuận nằm ở phía bắc cầu Lão Huệ và thượng khẩu rạch Thị Nghè. Tuy cách biệt nội thành bởi rạch Thị Nghè và tường thành “bán bích”, Phú Nhuận vẫn có đường liên lạch thường xuyên qua Cầu Kiệu và trở nên một vùng “nửa tỉnh nửa quê” làm nơi cư trú và dinh dưỡng rất tốt. Có lẽ nhờ vị trí địa lý lịch sử đó, Phú Nhuận đã chuyển biến thành một “làng lớn với 72 cảnh chùa”[2].
Phú Nhuận dưới thời Gia Định Trấn và Gia Định Thành (1802-1832)
Năm 1802, sau khi lấy được Huế, Nguyễn Ánh bỏ Gia Định Kinh, “cải Gia Định Phủ làm Gia Định Trấn”. Đứng đầu Gia Định Trấn là các quan lưu trấn thống quản cả 4 dinh và 1 trấn, đó là:
- Dinh Phiên Trấn,
- Dinh Trấn Biên,
- Dinh Trấn Định,
- Dinh Vĩnh Trấn,
- Trấn Hà Tiên.
Trên cấp hành chánh, trấn dinh có thay đổi, song cấp dưới thì không. Phú Nhuận vẫn là Phú Nhuận, chỉ có điều không còn là ngoại thành của kinh kỳ, mà là lỵ sở của Gia Định Trấn.
Năm 1808, sử có ghi sự thay đổi: Vì địa thế Gia Định rộng lớn, bèn đổi:
- Gia Định Trấn làm Gia Định Thành
- Dinh Phiên Trấn làm Trấn Phiên An
- Dinh Trấn Biên làm Trấn Biên Hòa
- Dinh Trấn Định làm Trấn Định Tường
- Dinh vĩnh Trấn làm Trấn Vĩnh Thanh
  Còn Trấn Hà Tiên thì danh xưng vẫn như cũ.
Cũng vì “địa thế Gia Định rộng lớn”, các đơn vị hành chánh trong 5 trấn đều được nâng cấp và thay đổi. Riêng trấn Phiên An (có liên quan đến Phú Nhuận) được sắp xếp lại như sau:Trấn Phiên An quản trị 1 phủ là phủ Tân Bình, trước là huyện, nay coi 4 huyện:
- Huyện Bình Dương
- Huyện Tân Long
- Huyện Phước Lộc
- Huyện Thuận An
Phú Nhuận dưới thời Nam Kỳ lục tỉnh (1832-1862)
Các đơn vị hành chánh cấp dưới tỉnh có sự thay đổi:
- Trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa
- Trấn Phiên An đổi thành tỉnh Phiên An
- Trấn Định Tường đổi thành tỉnh Định Tường
- Trấn Vĩnh Thanh đổi thành 2 tỉnh Vĩnh Long và tỉnh An Giang
- Trấn Hà Tiên đổi thành tỉnh Hà Tiên
Riêng tỉnh Phiên An mà địa phận trùm phủ Phú Nhuận có sự thay đổi như sau:
Tỉnh Phiên An chia ra 2 phủ:
- Phủ Tân Bình coi 2 huyện:
Huyện Bình Dương có 6 tổng
Huyện Tân Long có 6 tổng
- Phủ Tân An coi 2 huyện:
Huyện Phước Lộc có 4 tổng
Huyện Thuận An có 4 tổng
Thôn Phú Nhuận nằm trong phủ Tân Bình, huyện Bình Dương.
Huyện Bình Dương chia làm 6 tổng như sau:
- Tổng Bình Trị Thượng
- Tổng Bình Trị Hạ
- Tổng Bình Trị Trung
- Tổng Dương Hòa Thượng
- Tổng Dương Hòa Hạ
- Tổng Dương Hòa Trung
Ở thời điểm này, thôn Phú Nhuận thuộc tổng Bình Trị Hạ. Tóm lại: Thôn Phú Nhuận thuộc Tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Phiên An. Tháng 8 năm Quý Tỵ (1836), tỉnh Phiên An đổi thành tỉnh Gia Định. Trương Đăng Quế và Trương Minh Giảng được cử làm việc đo đạc ruộng đất và lập Địa bạ lần đầu tiên cho Nam Kỳ Lục Tỉnh. Mỗi xã thôn phải lập một Địa bạ. Thôn Phú Nhuận có một quyển Địa bạ gồm 10 tờ (20 trang) không kể bìa, viết tay bằng Hán Nôm trên giấy bản khổ lớn, tóm dịch như sau: PHÚ NHUẬN THÔN Ở MIỆT GÒ VẤP, thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; có tứ cận là:
- Đông giáp địa phận xã Bình Hòa và xã Hanh Thông (cùng thuộc bản tổng Bình Trị Hạ).
- Tây giáp rạch nước và địa phận thôn Tân Sơn Nhất (thuộc tổng Dương Hòa Thượng).
- Nam giáp địa phận thôn Tân Định (thuộc tổng Bình Trị Trung), lấy rạch Thị Nghè làm giới.
- Bắc giáp rạch nước và địa phận xã Hanh Thông (Bản tổng).
Tổng cộng ruộng đất thực canh là 39 mẫu 2 sào 7 thước 5 tấc (khoảng 20 ha hay 200.000 m2, chia ra:
- Ruộng điền tô là 38 mẫu 8 sào 10 thước 5 tấc với 41 sở hữu (người nhiều ruộng nhất có 3 mẫu 2 sào, người ít ruộng nhất chỉ có 12 thước tức khoảng 400 m2).
- Đất thổ cư rộng 3 sào 12 thước (biến cải từ ruộng điền tô, tức loại thổ cư này phải nộp thuế).
Ngoài ra thôn Phú Nhuận còn có những loại đất sau đây không phải đánh thuế và cũng chưa đo đạc chính xác.
- Đất gò nổng, có nhiều nhà cửa và mồ mả 4 khoảnh.
- Đất mộ địa 2 khoảnh.
Đất gò nổng làm nơi dân cư và đất mộ địa làm nghĩa trang đều không phải chịu thuế, nên sổ Địa bạ chỉ ghi là 6 khoảnh. Thật khó phỏng ước rộng hẹp bao nhiêu.
Nghị định ngày 10-1-1881 cắt phần đất của Phú Nhuận nằm giữa kênh Vòng Đai với rạch Thị Nghè cho nhập vào thôn Xuân Hòa (nay vẫn còn đình trên đường Lý Chính Thắng nhìn sang bến tắm ngựa) thuộc tổng Bình Chánh Thượng, Hạt 20. Phần cắt này rộng khoảng 50 ha và nay thuộc vào quận 3.
Theo nghị định ngày 20-12-1889, sau khi Pháp xâm chiếm Việt Nam và muốn thống nhất việc hành chánh, các hạt ở Nam Kỳ đổi ra tỉnh. Từ đó, Phú Nhuận thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. Chủ tỉnh và tòa bố Gia Định trực tiếp cai trị Phú Nhuận. Mãi đến năm 1917, tỉnh Gia Định chia thành 4 quận: Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè. Quận trở thành một cấp hành chánh trung gian như huyện thuở trước. Phú Nhuận thuộc phạm vi quận Gò Vấp. Tình hình phân ranh hành chánh đó kéo dài đến năm 1944 mới thay đổi.
Trong thời gian dài ấy, Phú Nhuận là đất “chuyên nằm ở ngoại vi”, phía nam sát với Thành phố Sài Gòn, phía đông sát với tỉnh lỵ Gia Định, phía bắc sát với quận lỵ Gò Vấp, còn phía tây cũng ở ngoài nhưng không xa lắm với tổng lỵ Bà Quẹo. Không có một cơ quan nào của cấp trên đặt tại đất Phú Nhuận, ngoại trừ một sở Giếng nước ngọt và mấy nghĩa trang.
Vào khoảng năm 1850, dân chúng bắt đầu qui tụ đông đảo về Phú Nhuận. Phần lớn họ thuộc gia đình binh sĩ vào đóng ở trấn Phiên An, một số khác từ “đàng ngoài” vào chọn nơi đất lành lập nghiệp. Trong số những người đàng ngoài đến Phú Nhuận, có một huynh trưởng tên Lê Tự Tài (gốc người miền Bắc) vào đất Gia Định rất sớm. Ông Tài huy động dân chúng khẩn hoang lập ấp quanh cầu Kiệu. Khi Phú Nhuận là thôn, ông Tài là thôn trưởng, đến khi Phú Nhuận là xã, ông Tài là Xã trưởng, nên gọi là Xã Tài. Thời bấy giờ, bờ rạch Thị Nghè tấp nập ghe thuyền chở củi, rau quả, đồ gốm của giới “bạn ghe” đến bày bán tại một khu chợ lộ thiên. Khu chợ này ở gần một cái bến gọi là Bến Cừ, ăn ra bờ rạch dưới chân cầu Kiệu bằng một con lạch nhỏ (ngày nay đã lấp, chỉ còn tên gọi). Ông Tài cho dựng lên một ngôi chợ nhỏ, cột tre mái lá trên phần đất thuộc sở hữu của ông cao ráo gần rạch, gọi là chợ Xã Tài (ngày nay là chợ Phú Nhuận). Từ xưa, chợ Phú Nhuận là trung tâm tấp nập, trù phú, là con tim tạo mạch sống, đo mức độ dân sinh, dân trí của người địa phương qua từng thời điểm. Quang cảnh chợ Phú Nhuận vào giữa thế kỷ thứ 19 được bài “Phú Cổ Gia Định”miêu tả qua 2 câu:
“Trước, phường phố  bày hàng, bày hóa.
Sau, nhà quê trồng bắp, trồng khoai …”
Điều đó nói lên dấu hiệu đặc trưng của vùng Phú Nhuận là vùng “bán thị, bán nông”. Từ những năm đầu mới khai hoang, khu vực quanh Cầu Kiệu đến chợ Xã Tài là tụ điểm dân cư đầu tiên ở Phú Nhuận. Phát triển theo thời gian, vùng Phú Nhuận thu hút thêm một số dân từ lục tỉnh lên và một số người Hoa đến khai khẩn, làm rẫy trồng hoa màu, thuốc lá.
Thuở mới khẩn hoang, có ít đường bộ, phương tiện giao thông chủ yếu của Phú Nhuận là ghe thuyền trên kênh rạch. Cắt ngang góc phía Nam Phú Nhuận có một con kênh đào ăn từ rạch Thị Nghè (cạnh cầu Công Lý hiện nay) đến kênh Nhiêu Lộc. Đây là đường giao thông tiện lợi nhất thời đó, nối liền Phú Nhuận với Tân Sơn Nhất. Hiện kênh này đã lấp, chỉ còn tên gọi Xóm Kinh. Trường học thì quá thiếu thốn. Năm 1902, Phú Nhuận chỉ có 1 trường Tổng ở tận Bà Quẹo. Địa chí Gia Định 1902 ghi: Năm 1902, Phú Nhuận có một trường dạy chữ Nho với một thầy đồ và 14 học sinh.
Về đường giao thông bộ, nhìn vào bản đồ Trần Văn Học vẽ năm 1815, ta thấy một con đường lớn đi từ khoảng trung tâm thành Gia Định qua cầu Chợ Mới (tức cầu Xóm Kiệu), xuyên suốt đất Phú Nhuận từ Nam chí Bắc lên Gò Vấp và từ đó có đường lên Hóc Môn hoặc trở về đất Hộ (Đa Kao). Ngoài ra còn có khá nhiều lộ nhỏ liên lạc chằng chịt khắp đất Phú Nhuận. Đáng kể hơn cả là con lộ xuyên qua toàn thôn từ đông sang tây (Bình Hòa – Tân Sơn Nhất). Đường cái quan thứ nhất là đường Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm và con lộ thứ hai nay là Phan Đăng Lưu – Hoàng Văn Thụ. Ngã tư Phú Nhuận là nơi liên lạc giao thông tấp nập xưa nay. Về đường thủy, có rạch Thị Nghè đi suốt phía nam và rạch Miễu (mương ông Tiêu) đi suốt phía đông, làm cho đất Phú Nhuận vừa có đường thoát úng vừa có thủy lộ tốt.
Khoảng cuối những năm 1920, phi trường quân sự Tân Sơn Nhất coi như hoàn thành. Ranh của phi trường nằm sát phía tây Phú Nhuận. Năm 1930, phi trường được nới rộng để dùng cho hàng không dân sự.
Bối cảnh xã hội trước năm 1930 được một nhân chứng đáng tin cậy là nhà văn Hồ Biểu Chánh, từng sống, nghỉ hưu rồi mất ở Phú Nhuận (có đặt tên đường), mô tả trong quyển tiểu thuyết “Ông Cử”.
Bấy giờ Phú Nhuận còn tiêu sơ, chưa phát triển:
- “Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thạnh phát nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo, buôn bán xôn xao, xe hơi, xe điển rần rần, nhà gạch phố lầu chớn chở”… – “Mà cách mấy mươi năm về trước thì Phú nhuận bất quá là một làng trộng trộng của tỉnh Gia Định vậy thôi. Trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài ở dựa bên đường xuống cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo heo, mỗi buổi sớm mai, bạn hàng nhóm thưa thớt một lát, mà bán cá tôm, rau thịt sơ sịa cho bình dân ở chung quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quý” … – “Dọc đường xuống cầu Kiệu, thì có năm ba tòa nhà ngói, nền đúc, rào sắt coi sạch sẽ, mỗi chặng, xa xa có một tiệm Chệt bán đồ tạp hóa giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê, còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố ngói mà vách ván cũ mèm, cất chen lộn với nhau, coi dơ dáy mà lại không thứ tự”… – “Hạng dân ở trong mấy nhà lá và phố cũ đây thường là:
- 1/ Những người chủ xe kiếng hoặc xe song mã, sắm xe ấy để mỗi ngày đem xuống chợ Bến Thành mà đưa khách – 2/ Những thợ hồ, thợ mộc, thợ nguội, thợ sơn, cùng tiểu công nghệ, làm ăn tiền ngày hoặc tiền tuần trong các sở, hãng dưới Sài Gòn – 3/ Những người mua bán hàng bông mỗi bữa lên vườn mua trái cây, bầu bí, rau cải, gánh xuống chợ Bến Thành mà bán – 4/ Những bồi bếp ở dọn phòng hoặc đi chợ nấu ăn cho Tây”.
- “Lại còn một hạng người nữa, hạng này đông hơn hết – ấy là hạng người không có nghề nghiệp nhất định, đàn ông có, đàn bà có, làm ngày nào ăn ngày nấy, gặp việc gì thì làm” … – “Đám bình dân lao khổ này thường thường ban ngày rảo đi mỗi người một nơi, ai theo nghề nấy, đến chiều tối mới trở về, mà phần nhiều thì ghé quán chị Năm Tiền mà ăn uống” … – “Một bữa chúa nhật, thợ cùng tiểu công các sở, các hãng đều được nghỉ, nên tới giờ ăn cơm trưa, tựu nhau lại quán của chị Năm Tiền gần vài mươi người mà ăn uống. Có người vì không có vợ con, nên không ai nấu cơm, có người tuy có vợ, song mắc vợ mua gánh bán bưng, nên lại quán mua cơm ăn cho tiện. Mà có người trong nhà có vợ sẵn, vợ đã lo cơm nước cho, mà cũng lại quán mua rượu uống rồi nói lằng nhằng đến một hai giờ cũng chưa dứt …”.
Khung cảnh trên đây phỏng đoán vào trước năm 1930. Ta thấy khá rõ đồng bào lao động Phú Nhuận gồm người nghèo, bị áp bức, cần cù, hiếu khách, không “xô bồ xô bộn”, vui vẻ.
Trong một thời gian dài, mãi đến những năm 1930, Phú Nhuận vẫn còn hoang vắng như miền quê, có cò trắng bay trên đồng ruộng, có ao vũng để câu cá, có đất thấp làm rẫy rau, đất gò làm nghĩa địa.
Với sự phát triển của Sài Gòn, dân số Phú Nhuận ngày càng đông. Với đà phát triển mới, ở Phú Nhuận bày ra thú tiêu khiển hát ả đào, gọi nôm na “hát cô đầu” nhằm thu hút khách “phong lưu” phần lớn từ các quận khác đến. Ở khắp miền Nam, Phú Nhuận là nơi duy nhất có hát cô đầu, thạnh hành từ năm 1934 về sau. Điểm qui tụ là khu vực góc Phan Đình Phùng – Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay (xưa gọi là ngã ba Lò Đúc). Trớ trêu thay lại có một xóm ả đào quay quần gần hẻm Đội Có! (Theo lời một cố cựu thủ lãnh Thanh niên Tiền phong Phú Nhuận còn nhớ: hầu hết số 81 chị em của giới này đã tự nguyện giải nghệ và gia nhập đội Phụ nữ Cứu thương khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ).
Ở Phú Nhuận, có một cơ sở kinh doanh đã gây tiếng vang khắp Nam bộ, tận Huế, Campuchia là nhà thuốc Ông Tiên, chiếm 3 căn mặt tiền, từ số 82 đến 86 nay là đường Phan Đình Phùng. Từ 1934, nhờ chiến dịch quảng cáo khéo léo, các loại cao đơn hoàn tán của nhà thuốc được dư luận chú ý, trở thành thời trang. Những hội chợ triển lãm mở liên tiếp từ Sài Gòn đến các tỉnh lỵ phía đồng bằng từ năm 1936 đều có gian hàng nhà thuốc Ông Tiên xuất hiện, với qui mô lớn, không nệ tốn kém. Người đến xem gian hàng này thưởng thức nhiều hoạt cảnh hài hước với chú hề Charlot, thêm màn xiếc chạy xe đạp một bánh. Thuốc bán rẻ hơn ở ngoài, do các thiếu nữ duyên dáng chào đón. Các cô này cũng giới thiệu một mặt hàng khác: nón đan bằng lá buông, vành rộng, thắt nơ nhiều màu, nhằm thay thế cho kiểu nón lá hơn mấy trăm năm qua chưa thay đổi (nhưng trong thực tế, thời trang ấy không thay thế được nón lá cổ điển). Nhà thuốc còn tặng những tập sách để quảng cáo cao đơn hoàn tán, kèm thêm bài vè để chơi “lô tô”. Nhà thuốc còn cho đăng quảng cáo to, trên báo hàng ngày và các báo Xuân, làm bản kẽm, chụp lại những bức thư của Việt Kiều từ bên Pháp, bên Lào khen ngợi. Đây là hiệu thuốc Việt Nam đầu tiên chịu tốn nhiều tiền để quảng cáo trên màn ảnh tại các rạp chiếu bóng Sài Gòn.
Suốt thập niên 1940, một điều khá lý thú là chức Hương Cả làng Phú Nhuận lại do dòng họ Vidal – một người Pháp chính cống – nắm giữ. Đó là ông Cả Đành. Tuy là tay sai của Pháp, nhưng ông Cả lại bênh vực dân, sống theo phong tục tập quán của địa phương, được dân tín nhiệm. Bà Cả Đành (người Việt) chăm lo việc từ thiện, bỏ tiền lập miếu cho bá tánh.
Phú Nhuận dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975)
Đã có nhiều thay đổi chia cắt hành chánh trên các cấp Thành phố, tỉnh, quận, phường, xã trong suốt thời gian 20 năm này. Riêng xã Phú Nhuận, cả về địa phận lẫn địa danh, không có sự thay đổi, vẫn thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Trong thời gian này, Phú Nhuận có dân số gia tăng vượt bội, nhà cửa được xây cất thêm nhiều, đường phố được chỉnh trang hơn trước. Theo thống kê năm 1970, xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình tỉnh Gia Định. Phú Nhuận là lỵ sở của quận Tân Bình. Diện tích rộng 4,9 ha. Dân số có 163.033 người.
Theo nghị định ngày 8-2-1955 của chánh quyền đương thời, Phú Nhuận có 10 đường có tên và được đổi tên như sau:
- 1/ Đại lộ Võ Di Nguy (đường Louis Berland và đường Louis Berland nối dài)
- 2/ Đại lộ Võ Tánh (đường Liên tỉnh số 22)
- 3/ Đường Trương Tấn Bửu (đường Capitaine Faucon)
- 4/ Đường Nguyễn Huỳnh Đức (đường Chùa Phật)
- 5/ Đường Trương Quốc Dung (đường Bùi Tấn Nhất)
- 6/ Đường Xã Tài (đường Rue du Marché)
- 7/ Đường Nguyễn Huệ (đường làng số 19)
- 8/ Đường Ngô Tùng Châu (đường làng số 20)
- 9/ Đường Thái Lập Thành (đường tục kêu Hương Mão)
- 10/ Đường Nguyễn Đình Chiểu (đường Lê Văn Bền)
Nghị định trên không gọi xã hay làng mà chính thức gọi: Thị trấn Phú Nhuận
(Tỉnh Gia Định lúc ấy chỉ có 3 thị trấn là: Phú Nhuận, Bà Chiểu và Thị Nghè)
Đến năm 1989, quận Phú Nhuận đã có 41 tên đường.
Đến năm 2001, quận Phú Nhuận đã có 47 tên đường.
Tình hình phân ranh hành chánh quận Phú Nhuận sau 30-4-1975
Sau ngày Giải phóng, Thành phố Sài Gòn đổi thành Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm toàn thể địa phận 11 quận Thành phố Sài Gòn, toàn thể tỉnh Gia Định, một phần tỉnh Hậu Nghĩa và một phần tỉnh Bình Dương.
Bảy xã của quận Tân Bình cũ (1947-1975) chia ra:
- Xã Phú Nhuận trở thành quận Phú Nhuận
- 4 xã Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa và Tân Phú trở thành quận Tân Bình
- 2 xã Vĩnh Lộc và Bình Hưng Hòa thuộc về huyện Bình Chánh
Sau khi trở thành quận, Phú Nhuận bỏ 8 ấp mà chia ra 17 phường, từ tháng 10-1982 thu lại còn 15 phường  (phường 6 sát nhập vào phường 7, phường 16 sát nhập vào phường 15). Xin lược kê như sau:
1/ Ấp Đông Nhứt chia ra phường 1 và phường 2
2/ Ấp Đông Nhì chia ra phường 3, phường 4 và phường 5
3/ Ấp Đông Ba thành phường 7
4/ Ấp Trung Nhứt thành phường 5
5/ Ấp Trung Nhì thành phường 7
6/ Ấp Tây Nhứt chia ra phường 8 và phường 9
7/ Ấp Tây Nhì chia ra phường 10, phường 11 và phường 12
8/ Ấp Tây Ba chia ra phường 13 và phường 14
Theo tài liệu năm 1988 của Phòng Nhà Đất và Phòng Thống Kê của quận Phú Nhuận, diện tích và dân số các phường được ghi như sau:
Tên               Diện tích (km2)      Dân số (người)         Mật độ (người/km2)[3]
- Phường 1           0,1952                    11.771                         52.963
- Phường 2           0,3140                                11.403                         32.283
- Phường 3           0,1861                                8.065                           39.538
- Phường 4           0,2290                                9.401                           36.869
- Phường 5           0.2294                                10.928                         40.793
- Phường 7           0,4714                                14.443                         25.352
- Phường 8           0,2989                                9.361                           28.796
- Phường 9           1,7994                                12.774                         6.327
Sau khi trừ phạm vi khu quân sự của Quân khu 7
- Phường 10         0,3186                          9.148                            25.992
- Phường 11         0,2240                                10.297                         42.265
- Phường 12         0,1819                                7.101                           34.486
- Phường 13         0,1560                                10.676                        55.296
- Phường 14         0,1556                                 9.245                         55.269
- Phường 15         0,2280                                13.332                        52.912
- Phường 17         0,1358                                10.378                        71.686
Di tích ở Phú Nhuận
Đình chùa, lăng mộ ở Phú Nhuận tạo bề dày lịch sử cho địa phương, là hiện vật chứng minh tay nghề của nghệ nhân vô danh thời trước.
Lăng Võ Tánh (danh tướng của Nguyễn Ánh) nằm bên cạnh hồ nước trong mặt bằng do Quân Khu 7 quản lý thuộc khu phố 6 phường 9. Có miếu thờ phía trước, mộ đơn giản, bằng phẳng, hình chữ nhật, đẹp nhất là tấm bình phong ở sau mộ đắp hình một con hạc trắng, chân đỏ, mỏ đỏ, ngoái đầu nhìn lên trời.
Lăng Trương Tấn Bửu (danh tướng của Nguyễn Ánh) ở hẻm 41 Nguyễn Thị Huỳnh thuộc phường 8. Nét đặc trưng của ngôi mộ: xây theo kiểu “trúc cách”, tô đúc giống hình ngôi nhà bẻ  băng trúc, đại khái, có hai mái; từ trước nhìn vào, nóc mộ như hình chữ A.
Lăng Võ Di Nguy (Thủy sư Đô đốc của Nguyễn Ánh) ở hẻm 19 Cô Giang phường 2. Quanh phần mộ có nhiều “bi ký”, tức là bia ghi chép thơ văn ca ngợi người quá cố.
Đình Phú Nhuận – số 18 Mai Văn Ngọc phường 10. Đình Phú Nhuận được xây dựng khoảng năm 1818 ở xóm Kinh, sát kênh Nhiêu Lộc, đến năm 1852 được xây lại trên địa điểm hiện nay. Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (8-1-1893), vua Tự Đức đã ban sắc phong cho thần Thành Hoàng của đình.
Tóm lại, hơn 300 năm qua, Phú Nhuận đã không thay đổi địa danh hay địa bàn, nhưng Phú Nhuận đã tiến rất xa: từ một vùng đất cằn cỗi, từ một gò nổng hoang do vài gia đình lưu dân đến khẩn hoang lập ấp, Phú Nhuận đã trở thành một quận hoàn toàn  đô thị hóa với phong cách thiết kế khá khang trang. Phú Nhuận đã là nơi đất lành chim đậu cho bao thế hệ.

* Chi hội Trịnh Hòa Đức – Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh
[1] Xóm vườn Mít được mô tả ở đây nằm trên địa bàn Phú Nhuận. Vị trí phỏng định nay là các P9, P3, P5. “Lợi đất” và “thinh thinh” có nghĩa là rộng, phì nhiêu, được khai khẩn đúng mức. Nếu nhìn từ trung tâm xứ Sài Gòn (Chợ Lớn hiện nay), Vườn Mít ở gần, núi Mô Xoài (núi Dinh, Bà Rịa) ở xa làm bình phong chắn ngang chân trời.
[2] Cầu Xóm Kiệu jusqu’au marché de Chợ Xã Tài, était autrefois un grand village, òu l’on comptait 72 pagodes. Trích Trương Vĩnh Ký (1885), tập san Excursion et Reconnaissances, tr.29.
Ở thời diểm này, Phú Nhuận thôn thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An và Gia Định thành. Trong Gia Định thành thông chí,Trịnh Hoài Đức cũng chép: thôn Phú Nhuận là 1 trong 76 xã thôn phường lân ấpcủa tổng Bình Trị, phía đông giáp Bình Giang (sông Sài Gòn), từ sông ở trước thành Bát Quái dọc đến kho Quản Thảo (Cầu Kho, quận 1), phía tây giáp đầu suối Bến Nái đến cầu Tham Lương (ranh Tân Bình với Hóc Môn), giáp địa giới phía đông tổng Dương Hòa, phía nam giáp kho Quản Thảo qua miếu Hội đồng (khoảng ngã ba Nguyễn Trãi – Nguyễn Cư Trinh) đến cầu Tham Lương, phía bắc giáp trấn Biên Hòa trên từ sông Đức Giang xuống đến bờ phía nam Bình Giang (trọn đoạn sông Sài Gòn giữa Thủ Đức với nội thành.Thôn Phú Nhuận nằm ở giữa vùng này, tức ở trung tâm tổng Bình Trị.
[3] Ghi chú: Nếu lấy dân số phường chia cho diện tích phường thì con số mật độ người/km2 sẽ không giống tài liệu cung cấp.

Nguồn: Nam bộ đất và Người, tập 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét