Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

THƯƠNG CẢNG BÃI XÀU XƯA VÀ NAY

THƯƠNG CẢNG BÃI XÀU XƯA VÀ NAY
1. Khái quát kinh rạch miệt Sóc Trăng và rạch Bãi Xàu

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Hậu nên địa hình chủ yếu là các dải giồng đất cát pha xen lẫn các bồn trũng và kinh rạch. Các giồng này chủ yếu nằm dọc theo bờ sông Hậu, càng về phía biển càng mở rộng ra theo đường bờ biển[1]. Theo các nhà khoa học thì mỗi dải giồng chính là dấu tích của một đê biển tự nhiên trong lịch sử, là giao điểm của sự tranh chấp giữa dòng chảy của sông và thủy triều của biển trong lịch sử hàng chục ngàn năm của quá trình biển tiến rồi biển thoái.

Thật vậy, trong quá trình bồi tụ của hệ thống sông Mekong, có những lúc nước sông trên thượng nguồn đổ về lại gặp thủy triều đang lên, dẫn đến xuất hiện một vùng giáp nước rộng lớn, phù sa không trôi được nên lắng đọng tại chỗ, lâu ngày hình thành các giồng. Người Khmer từ lâu đời tập trung cư trú trên các giồng này mà dấu tích ngày nay còn dễ thấy là các ngôi chùa cổ: nơi nào có ngôi chùa Khmer thì hầu như nơi đó là trung tâm của một giồng đất.

Do các giồng có hình cánh cung hướng ra biển, cùng thẳng góc với bờ sông Hậu và nằm xen kẽ với kinh rạch, nên thuận lợi cho tưới tiêu phục vụ trồng trọt và giao thông thủy. Do đó mà hệ thống giao thông thủy khá thông suốt, trong khi giao thông bộ bị gián đoạn bởi hệ thống sông rạch khi công nghệ cầu đường chưa phát triển.

Mặc dù vậy, khi máy móc chưa phát triển thì việc chèo chống ghe thuyền trên sông rạch rất cực nhọc. Do đó người ta phải tận dụng thêm sức gió bằng cách sử dụng buồm và tận dụng sức nước bằng cách nhờ con nước xuôi đẩy ghe thuyền đi. Trong khi việc sử dụng buồm mắc nhiều hạn chế thì việc di chuyển nhờ sức nước lại tỏ ra hiệu quả hơn trên mọi tuyến sông rạch vì tuyến nào cũng có hai con nước mỗi ngày. Bởi vậy mà ngày trước khách thương hồ rất quan tâm tới con nước: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…”, “Nước ròng chảy thấu Nam Vang”… là câu hát dạt dào tâm tình sông nước; “Đi cho kịp con nước” là câu nói cửa miệng của không chỉ khách thương hồ mà của cả cư dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mỗi con nước kéo dài 12 tiếng đồng hồ, gồm 6 tiếng “nước lớn” và 6 tiếng “nước ròng”. “Nước lớn” là nước thủy triều chảy từ biển vào, cộng với lưu lượng từ thượng nguồn đổ về khiến lượng nước trở nên tràn đầy, chảy ngược vào các kinh rạch nhỏ. Khi nước lớn đến đỉnh điểm (gọi là “nước đầy”) thì bắt đầu ròng, tức là chảy ra sông lớn để đổ ra biển và sông rạch cạn dần. Do đó, thông thường ghe thuyền đi nương theo con nước thuận chỉ tối đa là 12 tiếng đồng hồ một ngày đêm, vì 12 tiếng còn lại nếu cố đi thì phải bơi ngược dòng nước rất vất vả. Đó chính là trở ngại lớn nhất của giao thông thủy.

Để khắc phục trở ngại đó, người ta chọn lưu thông trên các kinh rạch nối hai luồng nước với nhau, vì trên các tuyến đó sẽ có chỗ “giáp nước”. Giáp nước là chỗ hai luồng nước giao nhau khi nước lớn, xuất hiện ở những kinh rạch nối hai luồng nước với nhau. Khi nước lớn, ghe thuyền xuôi đến chỗ giáp nước thì bị đứng lại, đây là lúc khách thương hồ dừng lại tắm giặt, ăn uống, nghỉ ngơi (chính điều này dẫn đến việc hình thành chợ búa). Khi nước bắt đầu ròng, họ lại tiếp tục xuôi theo dòng nước để lên đường. Lưu thông theo cách này thì suốt thủy trình đều “xuôi chèo mát mái” vì thuận dòng. Các tuyến giao thông thủy chủ đạo Sài Gòn– miền Tây đều là các tuyến có “giáp nước” như: sông Chợ Đệm– Bến Lức, kinh Thủ Thừa, kinh Bảo Định, kinh Bà Bèo, kinh Chợ Gạo, kinh Lấp Vò, kinh Xà No, kinh Cái Sắn… và rạch Bãi Xàu[2].

Rạch Bãi Xàu ăn từ sông Hậu (ngay điểm đầu cù lao Dung), tại Vàm Tấn (còn gọi là Vàm Ba– tức vàm Ba Xuyên, nói tắt– hay Đại Ngãi) đến sông Mĩ Thanh. Hơn hẳn bất kì con rạch nào ở đồng bằng sông Cửu Long, rạch Bãi Xàu nối hai luồng nước và lại nằm cách biển chỉ khoảng 20 km, thủy triều chi phối rất mạnh nên càng thuận lợi cho ghe thuyền nương theo con nước. Chỗ giáp nước trên rạch Bãi Xàu nằm ở khoảng giữa của nó: thị trấn Mĩ Xuyên, huyện Mĩ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay.

Do là chỗ giáp nước nên nước chảy yếu và tự do phân tán theo địa hình hơn là chảy tập trung theo tuyến chính nên ở khu vực này, rạch Bãi Xàu có độ cong queo và rẽ nhánh cao nhất. Ngày nay còn có thể nhận ra đặc điểm đó nhờ vào hình ảnh rạch Bãi Xàu tạo hình cánh cung mà chợ Mĩ Xuyên hiện nay nằm ở ngay đỉnh điểm của của cánh cung này.

Do rạch Bãi Xàu có từ lâu đời nên – cùng với cả vùng đất này – có rất nhiều tên gọi[3]. Trước năm 1757, vùng đất này còn thuộc Thủy Chân Lạp nên được gọi là “Bày-chau”, tiếng Việt phiên âm là “Bãi Xàu”. Truyện cổ Khmer kể về sự tích nàng Chanh vốn là cung phi của vua Thủy Chân Lạp, bị vua nghi oan cho quân lính đuổi bắt. Nàng giong thuyền chạy từ sông Hậu, theo rạch Bãi Xàu để chạy ra cửa biển Mĩ Thanh. Đến chỗ giáp nước (thị trấn Mĩ Xuyên ngày nay) nàng dừng lại nấu cơm nhưng cơm chưa kịp chín thì quan quân đã đuổi đến nơi, nàng phải bỏ nồi cơm sống mà chạy tiếp, giữa đường nàng vất hết tư trang, kể cả cái ống nhổ bằng vàng. Khi quan quân đuổi ra tới cửa biển thì nàng cùng đường, phải nhảy xuống sông tự tử. Từ đó sông này được gọi là vàm nàng Chanh, người Việt nói trại thành “Mĩ Thanh”. Chỗ nàng bỏ nồi cơm sống gọi là “Bày-chau” (nghĩa là [xứ] “cơm sống”), chỗ nàng vứt cái ống nhổ gọi là “Cần Tho” (ống nhổ), người Việt nói trại thành “Dù Tho”[4].

Năm 1757, khi vua Thủy Chân Lạp nhượng đất này cho chúa Nguyễn Phúc Khoát thì nó được gọi đạo Trấn Di[5], đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) đổi là phủ Ba Xuyên (tên chữ Hán của Ba Thắc, tức Bassac – tiếng Khmer nghĩa là “sông Hậu”), thuộc tỉnh An Giang. Chính vì vậy mà trong An Giang toàn đồ[6] có vẽ rạch Bãi Xàu và ghi chú là Ba Xuyên giang. Chắc hẳn là con rạch này giữ vị trí rất quan trọng nên mới được mang tên của cả một vùng đất rộng lớn như thế. Theo bản đồ này thì phủ Ba Xuyên có phủ lị đặt tại thôn Hòa Mĩ, tổng Định Khánh, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang (Xem hình H.2). Do vị thế cửa ngõ giao thương của rạch Bãi Xàu mà tại nơi vàm rạch này ăn ra sông Hậu được triều Nguyễn đặt một đồn tấn thủ chuyên tra xét tàu thuyền, nên gọi là Vàm Tấn.

Sách Đại Nam thực lục (Đệ tứ kỉ, quyển Thủ) ghi nhận: “Phủ hạt Ba Xuyên [thuộc tỉnh An Giang] địa thế giáp liền với 2 huyện Long Xuyên, Kiên Giang (thuộc Hà Tiên), ruộng đất màu mỡ, cái lợi về gạo, muối đứng đầu cả các tỉnh [L.C.L. nhấn mạnh]”[7]. Đồng thời sách này cho biết chợ Bãi Xàu nằm tại thôn Vĩnh Xuyên[8]. Thôn này được lập vào thời Thiệu Trị, thuộc tổng Định Chí, huyện Vĩnh Định, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang[9].

Sau khi chiếm ba tỉnh miền Tây (20 – 6 – 1867), thực dân Pháp lập hạt thanh tra Ba Xuyên, đến ngày 15 – 7 – 1867 đổi thành hạt thanh tra Sóc Trăng. Như vậy là thôn Hòa Mĩ (nay là ấp Chợ Cũ, thị trấn Mĩ Xuyên) chính là trung tâm hành chính của cả một vùng rộng lớn cho đến năm 1867, trước cả tỉnh lị Sóc Trăng, đồng thời địa danh hành chính “Ba Xuyên” cũng có trước cả địa danh hành chính “Sóc Trăng”[10].

Đến ngày 18 – 4 – 1893, thực dân Pháp sáp nhập một phần làng Hòa Mĩ, một phần làng Thạnh Lợi và toàn làng Vĩnh Xuyên thành làng Mĩ Xuyên, thuộc tổng Định Chí, hạt tham biện Sóc Trăng[11]. Kể từ đây bắt đầu có tên chợ Mĩ Xuyên, rạch Mĩ Xuyên. Tuy vậy đó chỉ là tên hành chính, còn người dân vẫn gọi là bằng tên Nôm cũ là “miệt Bãi Xàu”, “chợ Bãi Xàu”, “rạch Bãi Xàu”. Chính vì vậy mà ngày 7 – 3 – 1947, thực dân Pháp phải quay lại dùng tên Nôm cũ, lập quận Bãi Xàu thuộc tỉnh Sóc Trăng (đến ngày 1 – 1 – 1950 quận này bị giải thể)[12].

2. Thương cảng Bãi Xàu xưa và nay

Thương cảng Bãi Xàu thực chất chính là chợ Bãi Xàu, ban đầu nằm ở địa điểm nay thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mĩ Xuyên, cách chợ Mĩ Xuyên hiện nay khoảng 2 km về hướng tây nam. Từ xưa vùng này đã là nơi đô hội của đất Hậu Giang mà người Khmer gọi là Bassac (người Việt gọi là Ba Thắc). Nơi đây có kho bạc của vua Khmer, gọi là “khléang”, từ đó mà có địa danh “Srok Khléang” mà người Việt gọi là Sóc Trăng.

Do địa thế quan trọng nên năm 1841, thủ lĩnh Sơn Tốt (người Khmer) cấu kết cùng Trần Lâm (người Minh Hương) nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, xây đồn bảo tại chợ Bãi Xàu làm căn cứ. Sau khi Sơn Tốt tử trận, “Trần Lâm lại thu nhặt bọn vô lại người Thanh được vài nghìn tên đóng ở chợ Bãi Xàu (tức phố Vĩnh Xuyên), đắp luỹ giữ hiểm, làm rào tre chắn ngăn ngòi, đường vận lương của quan quân bị ngăn trở. Phong[13] đốc các tướng hiệu do đường thuỷ, đường bộ hai mặt đánh ập vào, thắng luôn mấy trận, lại vừa gặp viện binh đến, thừa thắng đuổi theo đến xứ Chế Hưng, bắt sống được tên cừ mục của bọn giặc và đảng khoả 69 đứa đem chém đầu bêu đi các nơi, giết chết được hơn 140 tên. Trần Lâm chạy trốn, quan quân thu hết các thứ tích trữ, đốt hết đồn bảo, bắt được thuyền, bè, khí giới vô kể”[14]. Đến đầu năm 1842, Trần Lâm tử trận, cuộc nổi dậy kết thúc. Ngày nay tại đây vẫn còn di tích của cái bảo (đồn binh) bằng đất được xây dựng vào năm 1841, nơi mà trước đây có ngôi chợ nhỏ kề bên gọi là chợ Bảo.

Ngoài ra, tại chợ Bãi Xàu (cũ) hiện vẫn còn một số di tích quan trọng khác như Ba Thắc cổ miếu– nơi thờ Neakta Bassac (ông thần Ba Thắc), vị thần bảo hộ cả vùng đất Hậu Giang; chùa Luông Bassac được cất từ năm 1872.

Theo Sơn Nam trong cuốn Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì “Ở vàm Hậu Giang, từ lâu người Miên sống tập trung tại vùng Ba Thắc (Sóc Trăng) trên đất giồng cao ráo, làm ruộng khéo léo, gạo nổi tiếng là ngon[15]. Thay vì chở lên Sài Gòn, thương gia địa phương đứng ra chịu mối với các ghe buôn từ nước ngoài đến [L.C.L. nhấn mạnh]. Một thương cảng thành hình từ xưa, phỏng đoán là ở vùng Bãi Xàu(Mĩ Xuyên ngày nay) nơi sông Ba Xuyên [tức rạch Bãi Xàu] ăn thông ra Hậu giang. Theo nhật kí của cố đạo Leravaseur vào năm 1768, thì thương cảng này mang tên là Bassac, thành lập ở mé sông [đúng ra là rạch– L.C.L.], nơi đất thấp với nhà lợp lá. Ở đây dùng tiền quan (quan 600 đồng của Việt Nam); một đồng bạc Con ó trị giá 5 quan tức là 3000 đồng. Chợ bán gạo, nhiều loại trái cây, rau, gà vịt, heo. Phải chờ nước lớn ghe thuyền mới vào được. Thuyền chủ toàn là Trung Hoa, dân ở chợ đa số là người Trung Hoa, quan cai trị là người Cao Miên. Thuyền buôn đều của người Trung Hoa, đậu san sát từ 100 đến 150 chiếc để mua gạo và mua đường”[16].

Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (đầu thế kỉ XIX) gọi rạch Bãi Xàu là rạch Ba Thắc, [đầu vàm, chỗ tiếp giáp sông Hậu] rộng 30 tầm [76,8m], sâu 1 tầm 2 thước [3,5m]. Từ vàm này đi 1300 tầm [3328m] có phố Trường Tàu nằm bên trái rạch, thuyền buôn nước ngoài hư hỏng vào đây tu bổ, neo đậu san sát nên mới gọi là Trường Tàu[17]. Ở đây người Kinh, người Hoa, người Miên sống lẫn lộn, phố xá liền nhau. Thủ sở đạo Trấn Di nằm bên phải [bờ tây] của con rạch này. Cách vàm 14336 tầm [36700m] đến rạch Sóc Trăng, [đi thêm] 1800 tầm [4608m] bên bờ nam đều là ruộng muối, đến ngả ba đường sông, phía bên phải có chợ, tục gọi là chợ Bãi Xàu, ở đây người Kinh, người Hoa, người Miên ở chung lộn, phố xá liền nhau, có đất làm muối để bán, màu muối đen như than rồi đem nung nó lại mịn và rất trắng, tục gọi là muối Ba Thắc[18]. Bến tàu ngày xưa còn để lại dấu tích là vô số đá cuội còn sót lại, to bằng cái thúng cái cối, vốn là đá khi xưa dùng để neo tàu buồm hoặc để dằn lườn cho dễ lướt sóng khi tàu chở quá nhẹ[19].

Như vậy, ngay từ giữa thế kỉ XVIII, Bãi Xàu đã là một thương cảng quốc tế đúng nghĩa, mặc dù còn chút hạn chế do lòng rạch Bãi Xàu hay bị cạn lấp, đòi hỏi phải thường xuyên nạo vét. Yếu tố “quốc tế” này không chỉ thể hiện ở sự hiện diện của các thuyền buôn ngoại quốc mà còn ở các thuyền buôn bản xứ thu mua hàng hoá để chở sang bán ở các nước lân cận, đặc biệt là ở thủ đô Nam Vang (Phnom-pênh) của Campuchia. Sách Đại Nam thực lục ghi nhận: “Thuyền phủ Ba Xuyên chở tạp hóa đi buôn ở Trấn Tây thì đánh thuế theo như lệ (thuyền bè ngang lòng thuyền 7 thước trở lên tiền thuế 7 quan, 6 thước trở lên tiền thuế 6 quan, 5 thước trở lên tiền thuế 5 quan), nếu chở muối, gạo, theo lệ trước mà thi hành”[20]. Hoạt động mua bán này chắc hẳn thu được rất nhiều lợi nhuận nên chẳng bao lâu sau, cũng triều Minh Mạng đã ra quyết định tăng mức thuế thuyền buôn ở đây: “Thuyền ở Ba Xuyên đi buôn ở Trấn Tây, lệ trước 5 thước tiền thuế 5 quan, 6 thước 6 quan, 7 thước 7 quan. Nay định làm 4 thước trở lên, đều theo lệ đi buôn ở 6 tỉnh, phải thêm 1 phần 3, phàm 4 thước trở lên mỗi lần tiền thuế 2 quan, 5 thước trở lên 4 quan, 6 thước trở lên 6 quan 6 tiền 40 đồng, 7 thước trở lên 9 quan 3 tiền 30 đồng, 8 thước 12 quan, 9 thước 14 quan 6 tiền 40 đồng, 10 thước trở lên theo thế thêm lên”[21].

Sau khi chiếm được thêm ba tỉnh miền Tây (1867), thực dân Pháp, liền tranh thủ vét hàng loạt kinh rạch để phục vụ quân sự và vận chuyển lúa gạo về Sài Gòn xuất khẩu. Rạch Bãi Xàu vốn nhỏ hẹp, lại có giáp nước nên phù sa lắng đọng lâu ngày khiến lòng rạch cạn dần (gọi là “lưng lừa”), do tình hình chiến tranh nên những năm trước đó nó bị bỏ phế, gây cản trở giao thông, đòi hỏi phải thường xuyên nạo vét. Năm 1877, Pháp cho đào kinh Chợ Gạo nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ, năm 1878 đào kinh Chẹt Sậy và kinh Phú Túc xuyên qua tỉnh Bến Tre, nối sông Tiền với sông Hậu. Cũng năm này, Pháp cho đào kinh Saintard nối sông Hậu với phần ngọn của rạch Bãi Xàu để thay thế rạch Bãi Xàu vốn quá cong quẹo và hay bị cạn lấp. Kinh này được đào nhiều đợt, đến năm 1882 mới hoàn thành, nhưng vẫn phải thường xuyên nạo vét. Như vậy, kinh Saintard (đóng vai trò như rạch Bãi Xàu mới) là con kênh đầu tiên được Pháp đào ở vùng Hậu Giang[22].

Để phát huy khả năng vận tải lúa gạo theo đường thủy từ miền Tây lên Sài Gòn xuất khẩu, cuối năm 1879 thực dân cho đào kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ với sông Cần Giuộc. Đến đây, con đường lúa gạo ở Nam Kì coi như đã thông suốt từ Hậu Giang lên Sài Gòn mà kinh Saintard cùng với rạch Bãi Xàu chính là đầu mối ở miệt dưới.

Theo cuốn La Cochinchine et ses habitants (1894) của Baurac J.C.[23] thì Bãi Xàu là một trung tâm thị tứ quan trọng nhất của hạt Sóc Trăng hồi những năm cuối thế kỉ XIX, có khoảng 6.000 cư dân. Lái buôn từ Sài Gòn, Chợ Lớn kéo về đây mua “gạo Bãi Xàu” nổi tiếng. Bãi Xàu có một hãng nấu rượu, một nhà việc khá đẹp, một trạm bưu điện, nhiều đường phố ngay ngắn, vô số cửa hiệu buôn của người Hoa và nhiều chùa chiền. Một chuyến xà-lúp bổ sung của hãng vân tải đường sông đảm trách việc vận chuyển giữa Đại Ngãi [nơi vàm rạch Bãi Xàu ăn ra sông Hậu] và Bạc Liêu, mỗi tuần 3 chuyến, có dừng lại ở Bãi Xàu.

Cuốn sách này (tr.362), Baurac J.C. cũng ghi nhận rằng bên cạnh thương cảng Bãi Xàu, vàm Đại Ngãi cho đến khoảng năm 1858 là một bến cảng quan trọng, tiếp đủ các thuyền đi biển đủ hạng, từ Trung Quốc, Tân Gia Ba, Xiêm La, Cam Bốt, v.v. tụ tập rất là náo nhiệt để trao đổi mua chác lúa gạo, tơ lụa, hàng vải, cá mắm, mắm muối, đồ gốm, chén bát, sừng trâu, ngà voi, lông chim, sáp, mật ong, v.v[24].

Đến cuối thế kỉ XIX, khi thực dân Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa lần thứ nhất thì hàng loạt kinh rạch ở miền Tây được đào vét bằng hệ thống máy cạp và xáng thổi chạy bằng máy hơi nước. Giai đoạn này do có hàng loạt kinh rạch được đào vét và kinh Saintard thay thế một phần rạch Bãi Xàu nên hoạt động giao thương trên con rạch này có thay đổi, phần rạch chỗ chợ Bãi Xàu bị cạn lấp dần. Chính vì thế mà năm 1902, thực dân Pháp cho dời cảng chợ Bãi Xàu về phía đông bắc gần 2 km, ngay đầu kinh Saintard và kinh Tiếp Nhựt, lập chợ Bãi Xàu mới (nay là chợ Mĩ Xuyên). Từ đó địa điểm cũ được gọi là Chợ Cũ Bãi Xàu, nay thuộc ấp Chợ Cũ, thị trấn Mĩ Xuyên. Thương cảng Bãi Xàu mới phát triển sum mậu nên cùng với cảng Đại Ngãi được cuốn Monographie de la province de Sóc Trăng (1904) ghi nhận là một trong hai cảng đích thực của tỉnh này[25]. Cuốn địa phương chí này cũng ghi nhận rằng: “Những năm đầu thế kỉ XX, trung tâm Bãi Xàu là khu chợ quan trọng nhất của tỉnh. Thương nhân hầu như không đến khu chợ Cũ nữa, vì ghe thuyền cỡ lớn không cập bến được. Thành phố thương mại Bãi Xàu mới chạy dài suốt rạch Ba Xuyên [tức rạch Bãi Xàu]. Tại trung tâm này đa số là người Hoa, vào mùa gặt quang cảnh rất nhộn nhịp, làm người ta liên tưởng đến một “Chợ Lớn nhỏ” [L.C.L. nhấn mạnh].

Mỗi năm cư dân lại gia tăng, nhiều nhà mới được xây dựng, các tuyến giao thông thuỷ bộ được cải tiến…Tại Bãi Xàu có một nhà việc có tầng lầu, 1 trường tổng lớn vừa xây xong, 1 trạm bưu điện, 1 lò sát sinh, 2 nhà máy rượu, 4 xưởng cưa tay, một xưởng gạch”[26]. Giai đoạn này mặt hàng xuất khẩu của Sóc Trăng chủ yếu là lúa gạo. “Suốt năm, nhất là các tháng 2,3,4,5 và 6, nghĩa là những tháng tiếp theo các vụ thu hoạch, ngày nào cũng có rất nhiều ghe thuyền chở lúa đi các tỉnh lân cận, nhất là lên Sài Gòn, Chợ Lớn. Vào những tháng đầu năm, có ngót 200 ghe thuyền từ Bãi Xàu (và một số từ tỉnh lị) chở trung bình mỗi tháng 180.000 picul[27] lúa… Sản phẩm xuất ra ngoài tỉnh– sau thóc lúa– là cá tươi, cá khô hoặc cá mắm, trị giá ước 10.000$… Hàng tháng có 250 ghe thuyền từ các nơi đổ về các chợ Sóc Trăng và Bãi Xàu, chở cau, dừa, chuối, xoài, măng cục, thơm, bắp, thuốc lá, các loại vải, tơ, đuốc, diêm quẹt, trà, đồ gốm, thuốc bắc và nhiều vật dụng khác, nhất là của người Trung Hoa. Người Chàm ở Châu Đốc thỉnh thoảng cũng mang lụa vải đến bán ở Sóc Trăng. Đối với người Âu, các mặt hàng thực phẩm do xà lan của hãng vận tải đường sông chở đến”[28]. Do lúc này chưa có kinh Maspero[29] nối kinh Saintard và tỉnh lị Sóc Trăng nên mọi hoạt động thương mại đều diễn ra tại Bãi Xàu. Bởi vậy mà một thị trấn không phải tỉnh lị như Bãi Xàu lại được công nhận là trung tâm loại 1, cùng lúc với tỉnh lị Sóc Trăng vào ngày 15 – 10 – 1904[30].

Do có được sự hợp tác chặt chẽ của người Pháp mà người Hoa lúc này đóng vai trò thiết yếu trong thương vụ tại cảng Bãi Xàu như là một đầu mối quan trọng của con đường lúa gạo miền Tây. “Các thương gia Trung Hoa tại cảng sông ở Bãi Xàu đã tạo ra một ngoại lệ đáng tán dương…khi họ cung cấp cả ngân khoản và lao động cho việc xây cất bến cảng”[31].

Năm 1909, Nguyễn Liên Phong cho ra mắt cuốn Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, có ghi nhận về thương cảng Bãi Xàu như sau:

Bãi Xàu đông đảo phố phường,

Trong chợ ngoài bảo cầu đường đẹp xinh.

(…) Ghe to lồi mắt xanh mang,

Chở chuyên lúa gạo nhảy tràn khỏi then.

Xuống lên Chợ Lớn bán quen,

Tiếng gạo Ba Thắc ngợi khen Nam Kì[32].

(…) Chợ đông thứ nhứt đâu bằng,

Bãi Xàu, Đại Ngãi nhơn dân hào cường[33].

Đến những năm 1923 – 1924, cùng với tỉnh lị, hoạt động buôn bán ở Bãi Xàu vẫn rất phát triển. “Vài thương nhân cỡ bự ở thành phố Sóc Trăng và Bãi Xàu có nhập một số hàng hoá của Pháp và cũng được tiêu thụ dễ dàng”[34]. Giai đoạn này, gạo Bãi Xàu chủ yếu vẫn được tiêu ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Khi Nhật nhảy vào Đông Dương (9 – 1940), Pháp – Nhật câu kết nhau để bóc lột nhân dân bản xứ. Trong vô số yêu sách của phát xít Nhật đối với thực dân Pháp thì yêu sách nộp lúa gạo nổi lên hàng đầu: Năm 1941 là 700.000 tấn gạo; năm 1942: 1.050.000 tấn; năm 1943: 1.023.470 tấn (theo tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, kí hiệu: L.47/9). Đặc biệt, trong tháng 5/1942, phát xít Nhật buộc thực dân Pháp phải nộp trung bình mỗi ngày 5.000 tấn gạo. Do đó mà các thương lái tăng cường thu mua và tạm trữ lúa khắp miền Tây mà tỉnh Sóc Trăng có lượng lúa tập trung tại các vựa lớn nhất: 57.000 tấn (do công ti Lục địa Đông Dương sở hữu)[35]. Do lượng lúa nói trên được vận chuyển chủ yếu bằng ghe thuyền nên cảng Bãi Xàu vẫn đóng vai trò trung chuyển chủ lực.

Đến cuối năm 1945, Cách mạng tháng Tám vừa thành công thì thực dân Pháp liền quay trở lại tái chiếm Nam bộ. Phong trào “tiêu thổ kháng chiến” nổi lên khắp nơi. Mới ngày 5 – 1 – 1946 chợ Sóc Trăng bị đốt thì đến hôm sau đến phiên chợ phố Bãi Xàu bị cháy, rồi đến 9 – 1 – 1946 chợ Nhu Gia bị hoả thiêu[36]. Một bộ phận người Khơmer dựa hơi Pháp ra sức khủng bố, cướp bóc, giết hại người Việt, gọi là “cáp-duồn”. Chợ Bãi Xàu là nơi đô hội nên bị khủng bố nặng nề, nhà cửa, phố chợ tiêu tan, dân tản cư hết.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó thì hoạt động thương mại của Bãi Xàu được phục hồi. Một số tài liệu của chế độ cũ còn lại cho biết đến thập niên 70 thế kỉ XX, thương cảng Bãi Xàu tức chợ Mĩ Xuyên vẫn còn hoạt động sung túc mà chủ yếu là các đại lí mua bán lúa gạo của người Hoa do con cháu của ông trùm lúa gạo Mã Hí ở Chợ Lớn điều hành.

Sau năm 1975, cùng với cơ chế kinh tế tập trung bao cấp, hoạt động thương mại ở cảng Bãi Xàu gần như không còn, cho đến giai đoạn đổi mới từ 1986 mới có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, giai đoạn này giao thông đường bộ đã phát triển và cạnh tranh với giao thông thuỷ, cộng thêm việc đắp đập làm thuỷ lợi khiến giao thông đường thuỷ bị cản trở. Vì vậy mà hoạt động giao thương ở Bãi Xàu vẫn không mấy khởi sắc. Rạch Bãi Xàu do đó hầu như bị lãng quên, dẫn đến chỗ giáp nước (ngay chợ Mĩ Xuyên) bị cạn lấp dần và đến năm 1997 thì bị lấp hẳn để mở thêm phố chợ, phần còn lại tuy chưa bị lấp nhưng đã cạn và bị thu hẹp chỉ còn khoảng 8 m nên ghe thuyền rất khó di chuyển. Như vậy, Bãi Xàu từ một thương cảng đường sông bây giờ chỉ còn là ngôi chợ trên đường bộ, ghe thuyền muốn chở hàng hoá thì phải tập trung ở đầu kinh Tiếp Nhựt cách chợ gần 1 cây số.

Tuy nhiên, càng ngày giao thông đường bộ càng tỏ ra nhiều hạn chế như tốn hao nhiều nhiên liệu, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông liên tiếp. Điều này khiến người ta bắt đầu nghĩ đến việc mở mang giao thông đường thuỷ trở lại.

Ngày 19 – 10 – 2010, Ban Quản lí các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng trình kế hoạch xây dựng cảng sông trên đầu kinh Saintard, nơi tiếp giáp với rạch Bãi Xàu, thuộc phường 8, thành phố Sóc Trăng. Cảng sông này khi hoàn thành có thể xem như là hậu thân của thương cảng quốc tế Bãi Xàu ngày xưa.

[3] Các tên gọi “Sóc Trăng”, “Bãi Xàu”, “Trấn Di”, “Ba Thắc, “Ba Xuyên”, “Nguyệt Giang” tuy không hoàn toàn trùng nhau về diên cách nhưng có khi được dùng thay thế cho nhau, gây băn khoăn cho người đọc. Sau đây chúng tôi tạm hệ thống hoá các tên gọi này để người đọc tiện theo dõi:
Tên gọi Tên Khmer Tên Hán Tên Nôm Thời gian Nghĩa
Sóc Trăng (xứ) (Srók Khléang) x Từ xưa đến nay Xứ kho bạc
Bãi Xàu (xứ) (Srók Bày-chau) x Từ xưa đến nay Xứ cơm sống
Ba Thắc (phủ) (Bassac) x Trước 1757 Sông Hậu
Trấn Di (đạo) x 1757 – 1835 Trấn giữ man di
Nguyệt Giang x 1820 – 1840 Sông trăng
Ba Xuyên (phủ) x 1835 – 1867 Tên chữ của “Ba Thắc”
Ba Xuyên

(hạt thanh tra)
x 20/6/1867

– 15/7/1867

Sóc Trăng

(hạt thanh tra)
x 1867 – 1876
Sóc Trăng

(hạt tham biện
x 1876 – 1899
Sóc Trăng (tỉnh) x 1899 – 1956
Ba Xuyên (tỉnh) x 1956 – 1975 (*)
Sóc Trăng (tỉnh) x 1991 – nay



Lê Công Lý

Nguồn: Nam bộ Đất và Người tập 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét