Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

CÔNG NỮ NGỌC VẠN VỚI VÙNG ĐẤT MÔ XOÀI

CÔNG NỮ NGỌC VẠN VỚI VÙNG ĐẤT MÔ XOÀI
1. Mô Xoài, vùng đất địa đầu Nam bộ

Mô Xoài, địa danh chỉ một vùng đất mà trong sử cũ được gọi với nhiều cái tên khác nhau như Mỏ Xoài, Mỗi Xoài, Mỗi Xuy, có sách còn chép là Mũi Xôi. Nghiên cứu sử triều Nguyễn và cả những công trình nghiên cứu về sau khó có thể hình dung một cách cụ thể về địa giới vùng đất Mô Xoài nếu không có sự tổng hợp, đối chiếu kỹ lưỡng[1]. Gần đây, với sự tiếp cận các nguồn sử liệu kết hợp sự khảo sát thực tế công phu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thống,… đã giúp chúng ta có thể hiểu biết khá cụ thể về xứ Mô Xoài về cả nguồn gốc địa danh, địa giới, lịch sử, văn hóa,… Tổng hợp kết quả nghiên cứu cho thấy:

Mô Xoài – tên một ngọn núi, về sau gọi là Núi Dinh, nằm trên địa phận thành phố Bà Rịa hiện nay. Từ thế kỷ XIX trở về trước, tên núi vẫn được gọi theo tên của vùng đất này là núi Mỗi Xuy, Mỏ Xoài, Mô Xoài, có khi gọi là núi Trấn Biên, hoặc Tấn Biên. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Núi Trấn Biên: Tục gọi núi Mô Xoài ở phía đông cách trấn 145 dặm. Hình núi cao ngất, cổ kính, có nhiều hang nai, đồi thông, mây phủ, thác suối, cách trí tịch mịch, chầu về thành Gia Định từ xa, cảnh núi trải ra đẹp đẽ”[2].

Mô Xoà – tên một con sông, còn gọi là sông Hương Phước (có sách chép là Hưng Phúc), con sông lượn quanh chân núi Mô Xoài (theo tên núi), cũng được gọi là sông Hương Phước (theo tên làng). Sách Gia Định thành thông chí viết: “Hương Phước giang (Tức là sông Mô Xoài, là nơi hai thôn Long Hương và Phước Lễ cùng đài thọ lính trạm). Ngược dòng lên phía bắc chuyển qua phía tây đến suối Châu Phê gặp suối Giao Kèo, qua Thâm Tuyền (suối sâu) đến đầu nguồn sông Mông Giang, tục gọi là sông Xoài, dài 15 dặm, chảy qua nam độ 4 dặm là cửa sông lớn Hương Phước rồi hợp lưu cùng các sông khác”[3]. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chú dẫn: “Sông Hương Phước tức là sông Mỗi Xoài là chỗ dân hai thôn Long Hương và Phước Lễ chung nhau chịu lính trạm”[4]. Ngày nay sông này mang tên Sông Dinh, chảy qua địa phận thành phố Bà Rịa.

Mô Xoài – tên xưa của vùng đất Bà Rịa, địa đầu của cả xứ Đồng Nai, một vùng đất mà lớp người Việt đầu tiên vào Nam bộ khai khẩn. Vùng đất ấy sau được gọi là xứ Mô Xoài, bao gồm nhiều làng thuộc tổng An Phú (An Phú Hạ) xưa, những ngôi làng người Việt đầu tiên được thành lập trên vùng đất Nam bộ.

Theo thống kê trong Địa bạ triều Nguyễn (tỉnh Biên Hoà) lập năm 1836, tổng An Phú Hạ có 7 thôn thì 4 thôn nằm trọn trong xứ Mô Xoài, tổng diện tích thực canh là 359 mẫu 9 sào 4 thước 3 tấc, chiếm 69% của cả tổng còn ghi tên 4 thôn nằm trọn trong xứ.

Đơn vị


Diện tích thực canh


Ghi chú

Tổng An Phú Hạ


517 mẫu 7 sào 8 thước 5 tấc
Tổng diện tích: 528 mẫu 7 sào

8 thước 5 tấc

Đại Thuận thôn


Đất gò đồi

Long Hiệp thôn


36.4.7.9
xứ Mỗi Thơm, Núi Đất

Long Hương thôn


02.2.14.3
xứ Mỗi Xoài

Phước Lễ thôn


53.5.2
xứ Mỗi Xoài

Phước Lễ ruộng muối


03.8.12.0


Long Kiên thôn


59.8.13.8
xứ Mỗi Xoài, Bưng Kỳ, Thị Định

Long Xuyên thôn


42.2.4.2
xứ Mỗi Xoài

Phước Long thôn


99.1.9.5
xứ Thao Lao

Mô Xoài còn được đặt tên cho thành (luỹ): lũy Mô Xoài – luỹ Hưng Phước, cũng gọi là luỹ Phước Tứ, lũy Bô Tâm, nằm cạnh Bàu Thành, nay thuộc thị trấn Long Điền, huyện Long Điền. Đây là dấu tích xưa nhất của người Việt từ buổi đầu lập nghiệp, mở mang vùng đất Nam bộ[5].

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong bài viết Biên Hòa xưa và nay đã góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn không gian Mô Xoài trong lịch sử. Theo ông, tỉnh Biên Hòa gồm 2 phủ: Phước Long (Biên Hòa) và Phước Tuy (Mô Xoài). Phủ Phước Tuy có 3 huyện: Phước An (Mô Xoài), Long Thành (Đông Môn), Long Khánh (Bà Kí). Trong đó, huyện Phước An gồm 4 tổng: Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Hạ, An Phú Thượng, An Phú Hạ[6].

Dưới thời Pháp thuộc, tỉnh Biên Hòa bị chia cắt nhiều lần, cuối cùng chia ra 3 tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu (huyện An Ngãi (Thủ Đức) chuyển sang tỉnh Gia Định). Trong đó, tỉnh Bà Rịa gồm 5 tổng Việt: An Phú Hạ, An Phú Tân, An Phú Thượng, Phước Hưng Hạ, Phước Hưng Thượng; 2 tổng Thượng: Cơ Trạch, Nhơn Xương.

Có thể thấy rằng, tỉnh Bà Rịa thời Pháp cơ bản tương ứng với huyện Phước An thời trước. Nói cách khác, vùng đất Mô Xoài bao gồm phần lớn đất đai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay. Chủ nhân sớm của vùng đất này là những bộ tộc người Mạ, người Châu Ro (sử sách xưa thường nhắc tới một vương quốc Mạ). Từ thế kỷ I đến thế kỷ VII thuộc Phù Nam sau đó thuộc Chân Lạp (Thủy Chân Lạp). Một thời gian dài, đây là địa giới trấn biên của Chân Lạp và Chăm-pa mà cả hai vương quốc đều chưa đủ sức kiểm soát nên trở thành hoang địa, rừng rậm, sình lầy, dân cư thưa thớt.

Xứ Mô Xoài là vùng đất địa đầu mà người Việt đến khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi khác ở Nam bộ. Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự có mặt của người Việt trên vùng đất này sớm nhất vào khoảng đầu thế kỷ XV. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII người Việt ở đây mới đông lên và quần tụ thành xóm làng.

Quá trình khẩn hoang và tạo lập môi sinh trù phú của người Việt trên vùng đất Mô Xoài gắn liền với sự nghiệp Nam tiến của các chúa Nguyễn, trong đó có dấu ấn sâu đậm của người con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên: Công nữ Ngọc Vạn, một “thân gái dặm trường vì nước non”.

2. Công nữ Ngọc Vạn với vùng đất Mô Xoài

Công nữ Ngọc Vạn, họ tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, gọi tắt là Ngọc Vạn, không rõ năm sinh năm mất, là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên[7]. Ngọc Vạn sinh ra và lớn lên khi cha là Nguyễn Phúc Nguyên đang trấn nhậm vùng đất Quảng Nam. Năm 1613, khi ông nội là chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua đời, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha trấn nhậm cả vùng Thuận Quảng.

Bấy giờ, Trịnh Tùng đã xưng chúa, thậm chí tự phong mình làm Bình An Vương và đặt phủ riêng (1600), thao túng mọi quyền hành, lấn át vua Lê. Mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn vốn là anh em ngày càng trở nên sâu sắc. Nguyễn Phúc Nguyên ra sức củng cố thế lực ở Thuận Quảng hầu đối phó với sự tấn công của họ Trịnh ở phía Bắc mà ông nghĩ không thể nào tránh khỏi. Trong tình thế đó, việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam và ra sức khai thác vùng đất mới luôn được tính tới trong tư duy của người đứng đầu xứ Thuận Quảng và nó trở thành chiến lược lâu dài.

Thời gian này, Chân Lạp gần như chịu sự thống trị trực tiếp của triều đình Xiêm La. Đến đời Chey Chetta II (ở ngôi từ năm 1618 – 1628), ngay từ khi lên ngôi, ông vua này đã có ý thức thoát khỏi sự kìm tỏa của Xiêm nên liền cho xây dựng kinh đô mới ở Oudong (Vũng Long hay Long Úc) và tìm kiếm chỗ dựa về chính trị, quân sự hầu chống lại Xiêm. Chey Chetta II đã chọn và cầu thân với chúa Nguyễn vì thấy thế lực của vị chúa này đang lên, điều này đã được sách Histoire du Cambodge của A. Dauphin Meunier khẳng định: “Chey Chêtthâ II tìm sự yểm trợ của Triều đình Huế nhằm quân bình với sức ép của Xiêm”[8]. Để tỏ rõ thiện chí, Chey Chetta II đã cầu hôn con gái Sãi Vương, mặc dù lúc này vị quốc vương Chân Lạp đã có chính cung là người Chân Lạp và nhị cung là người Lào. Chúa Nguyễn không ngần ngại trước thịnh ý của quốc vương Chân Lạp và đồng ý gả Công nữ Ngọc Vạn cho Chey Chetta II. Theo Li Tana thì, “Cuộc hôn nhân ban đầu xem ra nằm trong chiến lược phòng thủ hơn là tấn công”[9] của chúa Nguyễn. Hôn lễ được tiến hành vào năm Canh Thân (1620) và Công nữ Ngọc Vạn nhanh chóng trở thành “Đệ nhất Hoàng hậu” (la première reine)[10] nước Chân Lạp với tước hiệu cao quý là Sodach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey[11]. Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv[12].

·Hoàng hậu Ngọc Vạn với việc mở đất Mô Xoài

Ngọc Vạn vừa đẹp người, đẹp nết nên được quốc vương Chey Chetta II rất yêu quý. Nhờ vậy, mà nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cũng được phép lập một xưởng thợ và mở các nhà buôn ở gần kinh đô Oudong cho người Việt sinh sống làm ăn. Ngược lại, chúa Nguyễn gửi quân lính, thuyền chiến và vũ khí sang giúp cho triều đình Chân Lạp để đối phó với quân Xiêm và thực tế, đã hai lần Sãi Vương giúp Chey Chetta II đẩy lui quân Xiêm xâm lược. Về việc này, Christophoro Borri, một giáo sĩ người Ý từng sống nhiều năm ở Đàng Trong đã viết trong hồi ký của mình rằng, quốc vương Chân Lạp, người kết hôn với con gái Chúa Nguyễn (Phúc Nguyên) đã xin Chúa viện trợ khí tài và quân đội để chống Xiêm, và thực tế, “Chúa [Nguyễn] còn chuẩn bị vũ khí liên tục và mộ binh giúp vua Campuchia, cung cấp cho vua này thuyền chiến và quân binh để cầm cự với vua Xiêm”[13]. Tình giao hảo giữa hai vương quốc thông qua cuộc hôn nhân này ngày càng trở nên tốt đẹp và vị vua Chân Lạp đã sẵn lòng cho phép lưu dân Việt đến lập nghiệp trong mấy tỉnh thưa dân phía đông nam của vương quốc mình. Đây thực sự là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc thực hiện ý nguyện của chúa Phúc Nguyên.

Với lời xin của Ngọc Vạn, Chey Chetta II đồng ý cho người Việt di cư sang khai hoang sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Nông Nại (Đồng Nai). Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp một cách “hợp pháp”, và Mô Xoài là vùng đất đầu tiên người Việt được quyền khai phá, lập nghiệp một cách “danh chính ngôn thuận”. Tuy chưa có sự thỏa thuận để nhượng hẳn vùng đất này cho Phú Xuân, nhưng trong thực tế, người Việt đã gần như làm chủ vùng đất này, và nó trở thành bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía nam vì cuộc mưu sinh, và cũng là sự khởi đầu cho việc thực hiện những mong muốn của chúa Nguyễn khi ông phóng tầm mắt của mình về vùng đất phương Nam còn hoang vắng này.

Để hợp thức hóa vùng đất do người Việt khai phá, ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Uodong xin vua Chey Chetta II nhượng vùng đất Mô Xoài để lập khu dinh điền. Vua Chey chấp thuận. Thế là người Việt đã có một chỗ đứng chân vô cùng quan trọng trên vùng đất Thủy Chân Lạp để từ đó di chuyển về phía Nam với phương thức “tàm thực”. Quốc vương Chân Lạp còn thuận theo lời xin của Bà cho lưu dân Việt được võ trang để tự vệ trên vùng đất mới khai phá. Bà cũng đã xin phép vua Chey cho thành lập hai sở thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn, tức vùng Chợ Lớn ngày nay) và Kas Krobey (Bến Nghé, tức Sài Gòn ngày nay)[14] để thu thuế hàng hóa của người Việt qua lại buôn bán nơi đây. Sự kiện này trong Biên niên sử chép tay của Chân Lạp ghi rõ: “Sứ thần của chúa Đàng Trong mang đến quốc vương Chân Lạp Chey Chetta II một bức thư trong đó chúa Đàng Trong ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor và Kas Krobei của Chân Lạp để lập các trạm thuế thương chính”[15] trong thời gian 5 năm[16]. “Sau khi tham khảo ý kiến các quan thượng thư, Chey Chetta II thuận theo yêu cầu của chúa Đàng Trong và gửi cho ông này một bức thư cho biết ông chấp nhận điều mà chúa Đàng Trong yêu cầu”[17]. Sau khi được vua Chey Chetta chấp thuận, chúa Nguyễn lệnh cho các quan thương chính đến đóng trụ sở ở hai nơi đó để tiến hành việc thu thuế thương chính[18]. Vấn đề này đã được các sử gia người Pháp quan tâm và phản ánh rõ trong các công trình nghiên cứu của mình: G. Maspéro sau khi tham khảo kỹ Biên niên sử Khơmer đã viết trong cuốn L’Empire Khơmer (Đế quốc Khơmer) rằng, “Vị vua mới lên ngôi là Chey Thetta II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thetta II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”[19]. J. Moura trong Royaume du Cambodge cho biết: “Tháng 3 năm 1618, Prea Chey Chetta được phong vương với tước hiệu Somdach Prea Chey Chessda Thiréach Réaméa Thupphdey Barommonpit. Lúc đó vua An Nam gả một người con gái cho vua Cao Miên. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua yêu mến và lập làm hoàng hậu tước hiệu Somdach Prea Preaccac Vodey Prea Voreac Khsattey”[20]. Hay Henri Russierkhẳng định vai trò của Ngọc Vạn trong Histoire sommaire du Royaume de Cambodge rằng, “Chúa Nguyễn lúc bấy giờ rất vui mừng thấy Cao Miên muốn giao hảo bèn gả công chúa cho vua Cao Miên. Công chúa xinh đẹp và được vua Miên yêu quý vô cùng… Năm 1623, sứ bộ Việt từ Huế đến Oudong yết kiến vua Cao Miên, dâng ngọc ngà châu báu, xin người Việt được khai khẩn và lập nghiệp tại miền Nam… Hoàng hậu xin chồng chấp thuận và vua Chey Chetta đã đồng ý”[21]. A. Dauphin Meunier cũng viết trong Le Cambodge những dòng tương tự: “Năm 1623, Chey Chettha, người đã cưới công chúa Việt Nam, được triều đình Huế giúp đỡ để chống lại quân Xiêm… Một sứ bộ Việt Nam đã tới bảo đảm với Chey Chetta về sự ủng hộ của triều đình Huế. Sứ bộ xin phép cho dân Việt Nam tới lập nghiệp Việt Nam tới lập nghiệp ở các tỉnh phía Đông Nam Vương Quốc. Vua Cao Miên cho phép lập một phòng thu thuế tại Prey Kôr để tài trợ việc định cư”[22].

Nguyễn Văn Quế trong Histoire des Pays de L’union Indochinoise một lần nữa khẳng định: “Chey Chetta II dời đô từ Lovéa Em đếu Oudong năm 1620 và cưới công chúa Việt Nam được phong làm hoàng hậu và rất được yêu quý nhớ đức hạnh và vẻ đẹp mỹ miều. Vì đã giúp đỡ cho vua Cao Miên chống lại những cuộc xâm lăng của Xiêm nên chúa Sãi mới xin vua Cao Miên cho phép những người Việt di cư vào Nam được khai khẩn đất đai, trồng trọt, buôn bán và trả thuế ở Sài Gòn, Biên Hòa và Bà Rịa. Vua Cao Miên chấp thuận đề nghị của nhạc phụ”[23],...

Các sở thuế này được xem là chỗ đứng chân thứ hai của người Việt, tạo ra một đầu cầu vững chắc cho chương trình di dân của người Việt vào đất Chân Lạp ngày càng mạnh mẽ hơn. Với danh nghĩa giúp chính quyền Chân Lạp gìn giữ trật tự, chúa Nguyễn còn phái tướng lĩnh đem quân đến đóng đồn ở Prey Nokor, thực chất là nhằm bảo vệ cho lưu dân khai khẩn làm ăn ở vùng đất từ mới từ Bà Rịa (Mô Xoài) đến Sài Gòn (Chợ Lớn).

Có thể nói, sự sắp đặt của Ngọc Vạn đã tạo ra những cơ sở ban đầu một cách chắc chắn cho công cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn, để đến năm 1698, khi hội đủ những điều kiện cần thiết, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, kê biên sổ đinh và lập nên phủ Gia Định, đơn vị hành chính đầu tiên của Đại Việt trên đất Chân Lạp với khoảng 40 ngàn hộ, ước lượng khoảng 200 ngàn dân[24].

Như vậy, trong sự nghiệp mở cõi của dân tộc ta trên vùng đất Nam bộ, chính Ngọc Vạn là người đã lập công đầu.

·Thái hậu Ngọc Vạn trong việc ổn định và phát triển vùng đất Mô Xoài

Trong mối quan hệ thâm tình Miên– Việt, cả hai phía đầu có lợi. Chúa Nguyễn có được vùng đất mới vốn hoang nhàn mà triều đình Chân Lạp từ lâu quản lý lỏng lẻo và không khai thác được gì, đổi lại Chân Lạp đã thoát khỏi sự khống chế của Xiêm. Tất nhiên điều này không mấy dễ chịu đối với Xiêm, vì vậy Xiêm luôn tìm cách khôi phục lại vị thế của mình đối với Chân Lạp và bắt đầu đối phó với Đại Việt Đàng Trong. Năm 1628, vua Chey Chetta II qua đời, tình hình trở nên phức tạp, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra những cuộc tranh chấp ngôi báu đẫm máu giữa các hoàng thân. Đây chính là thời kỳ đầy sóng gió và thử thách đối với người phụ nữ Việt Nam trong hoàng triều Chân Lạp. Thái hậu Ngọc Vạn đã chứng tỏ bản lĩnh của mình trong việc giải quyết những mâu thuẫn của triều đình theo chiều hướng có lợi cho Đại Việt. Nói đúng hơn là hầu như trong việc giải quyết các sự biến cung đình ở Chân Lạp (từ khi Ngọc Vạn về làm dâu trong hoàng tộc cho đến lúc bà qua đời), Ngọc Vạn luôn đóng vai trò quan trọng, và kết quả mang lại thường có lợi cho cả hai phía: hoàng gia Chân Lạp và Đại Việt– Đàng Trong. Để làm được điều đó, trước hết Ngọc Vạn phải khẳng định được vị thế và uy tín của mình đối với hoàng tộc, kể cả đối với những người không quan hệ máu mủ, thậm chí cả những thế lực vốn trước đó không mấy thiện cảm với bà. Suốt thời gian dài, Ngọc Vạn đã vượt qua những đau buồn, mất mát và sự cô đơn để làm nên đại sự.

Như đã nói trên, năm 1628, vua Chey Chetta II băng hà, chính trường Chân Lạp biến động dữ dội vì việc tranh đoạt ngôi vua. Con của Chey Chetta II và Ngọc Vạn là Chau Ponhea To lên kế vị vua cha, chú là Préah Outey làm Phụ chính. Chau Ponhea To làm vua chỉ mới hai năm thì bị Preah Outey giết chết (1630)[25]. Sau đó con thứ hai của Chey Chetta II lên ngôi với vương hiệu là Ponhea Nou (1630 – 1640). Năm 1640, Ponhea Nou đột ngột băng hà, Phụ chính Préah Outey liền đưa con mình lên ngôi tức quốc vương Ang Non I (1640 – 1642). Ang Non I cũng chỉ làm vua được hai năm thì bị người con thứ ba của Chey Chetta II là Chau Ponhea Chant (mẹ người Lào) dựa vào một số người Chăm và người Mã Lai, giết chết cả Prah Outey và Ang Non I để giành lại ngôi vua. Đó là ông vua mà sử ta thường gọi là Nặc Ông Chân (1642 – 1659). Nặc Ông Chân cưới một cô gái người Mã Lai làm hoàng hậu và theo đạo Hồi làm cho tình hình càng trở nên phức tạp.

Năm 1658, con của Preah Outey là So và Ang Tan dấy binh chống lại Ông Chân nhưng thất bại, hai người này tìm đến nương náu với bà Ngọc Vạn. Biên niên sử Chân Lạp ghi lại sự kiện này như sau: “Năm 1658, hai vị hoàng thân Sô và Ang Tan, con vua Prah Outey đã thoát nạn lúc Quốc vương Ponhea Chan tàn sát gia đình vị phụ chính 16 năm trước, cầm quân nổi loạn đánh nhà vua. Bị quân triều đình (Chân Lạp) phản công mãnh liệt, hai vị chạy trốn sang cung Hoàng hậu Ngọc Vạn [đúng là Hoàng thái hậu – TT] vợ của tiên vương Chey Chetta II. Hai người nhờ Hoàng hậu xin binh nhà Nguyễn đến giúp khôi phục ngai vàng. Chúa Nguyễn Hiền Vương nhận lời, phái một đạo binh viễn chinh vào tháng 10 năm 1658. Một hạm đội Cao Miên do một vị Hoàng thân chỉ huy chặn đánh đạo quân Việt Nam, bị thua to ở ngoài biển Bà Rịa. Quân nhà Nguyễn tiến vào bắt Quốc vương Ponhea Chan nhốt trong củi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Quốc vương thăng hà ở đấy. Quân Việt Nam đặt Hoàng thân Sô lên ngai vua là Battom Réachéa (1660 – 1675) ta phiên âm là Nặc Nộn”[26].

Ngọc Vạn vốn là người hiền lành và có Phật tính nhưng cũng lấy làm bất bình với việc con ghẻ mình lấy vợ người Mã Lai và theo đạo Hồi nên khuyên So và Ang Tan cầu cứu chúa Nguyễn, nhờ chúa Nguyễn can thiệp. Tham cứu thêm Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, được biết, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, cháu gọi Thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, nhận lời cầu viện của So và Ang Tan theo sự giới thiệu của Thái hậu Ngọc Vạn rồi sai Khâm mệnh dinh Trấn Biên (dinh Phú Yên) Nguyễn Phước Yến, Phó tướng quân Yến Vũ hầu, Tham mưu Minh Lộc hầu, Tiên phong Cai đội Xuân Thắng hầu dẫn 3000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ là Mô Xoài) bắt Chant vì cớ “phạm biên cảnh”. Sau khi phá được thành rồi tiến vào bắt Nặc Ông Chân bỏ vào cũi đem về Quảng Bình nạp cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn ra dụ xá tội cho Chant và “phong làm Cao Miên quốc vương, luôn phải giữ đạo phiên thần, thường xuyên phải triều cống, không được xâm lấn cư dân ở ngoài biên, rồi sai quan binh hộ tống cho về nước”[27].

Tuy có vài chi tiết chép khác với sử Việt, song Biên niên sử Chân Lạp cơ bản làm rõ vai trò của Thái hậu Ngọc Vạn trong việc giải quyết những bung xung trong hoàng tộc Chân Lạp cũng như mối quan hệ giữa Chân Lạp với chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Năm sau (1659), Nặc Ông Chân chết, chúa Nguyễn phong Ponhéa So làm vua Chân Lạp, hiệu là Batom Reachea (1660 – 1672). Từ đó, lưu dân Việt đến Mô Xoài (Bà Rịa) và Biên Hòa ngày càng đông. Ban đầu người Việt sống xen lẫn với người Khmer, khai khẩn đất đai lập ruộng vườn sinh sống. “Người Cao Miên rất khâm phục uy đức của triều đình, họ đem nhượng đất ấy rồi kéo nhau tránh đi nơi khác, chẳng dám tranh chấp điều gì”[28]. “Từ đó, các vua thuộc dòng chính nước Chân Lạp chịu làm phiên thuộc của xứ Đàng Trong nước Đại Việt. Mỗi lần có sự tranh chấp nội bộ ở triều đình Chân Lạp, phe nổi loạn chạy sang cầu viện Xiêm La, còn phe chính thống chạy sang nhờ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn”[29].

Năm 1672, quốc vương Batom Reachea bị một người vừa là rể vừa là cháu là Chey Chetta III giết, em là Ang Tan chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Nhưng ngay sau đó Chey Chetta III cũng bị người của Nặc Ông Chân giết. Ang Chei (1673-1674) con trai đầu của vua Batom Reachea, sử ta gọi là Nặc Ông Đài lên ngôi. Ông Đài cho đắp thành lũy ở địa đầu Mô Xoài, nhờ Xiêm cứu viện để chống lại chúa Nguyễn. Quân chúa Nguyễn phản công đánh bại, Nặc Ông Đài chạy trốn vào rừng và bị đồng đảng giết chết. Ang Tan cũng bệnh chết, giao binh quyền cho Ang Non, tức Nặc Nộn, đóng ở Oudong. Em Ông Đài là Ang Saur, sử ta gọi là Nặc Thu đánh đuổi quân Việt và Nặc Nộn chạy sang Sài Côn. Nặc Thu lên ngôi vua hiệu là Chey Chetta IV, được chúa Nguyễn phong vương, còn Nặc Nộn[30] được chúa Nguyễn phong là Obareach mà sử ta gọi là Nhị vương đóng ở Sài Côn (khu vực gò Cây Mai).

Sau hơn 50 năm tồn tại trong chốn vàng son đầy máu lửa ở Oudong Chân Lạp, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Tương truyền, nơi đây bà cho lập chùa Gia Lào (còn gọi là chùa Bửu Quang ở trên núi Chứa Chan, thuộc tỉnh Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến cuối đời mình.

Thời gian này cả Chính vương Nặc Thu và Đệ nhị vương Nặc Nộn đều tỏ ra cung thuận với chúa Nguyễn. Khi chúa Nguyễn băng hà, cả hai vương đều cử quan lại đến viếng tang.Tuy nhiên, Nặc Nộn tìm cách giành lại ngôi vua và cả hai phe luôn tìm cách loại trừ nhau. Hoàng cung Chân Lạp liên tục diễn ra nhiều cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu và đó cũng chính là “cơ hội” để chúa Nguyễn “ra tay”, để cả vùng đất Nam bộ thuộc về Đại Việt, để công cuộc mở cõi về phương Nam được hoàn thành.

3. Đôi điều suy ngẫm

- Trong quá trình tạo dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn luôn phải đối đầu với thế lực họ Trịnh ở phía Bắc, vì vậy, các vị chúa ở Thuận Quảng phải thường xuyên tăng cường thế lực của mình một cách toàn diện. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ra đi với lời di huấn để lại cho Nguyễn Phúc Nguyên: phải ra sức xây dựng Thuận Quảng thành “cơ nghiệp muôn đời” cho họ Nguyễn.

Nguyễn Phúc Nguyên đã thực hiện đúng tâm nguyện của cha, bằng những chính sách tiến bộ, thức thời và hợp lòng dân để biến Thuận Quảng ngày càng phát triển nhanh chóng, ngày càng mở rộng về phía Nam. Để giúp Phúc Nguyên hoàn thành sứ mệnh cao cả mà tiên chúa giao cho, hai người con gái Ngọc Vạn và Ngọc Khoa đã góp phần đắc lực bằng hai cuộc “hôn nhân chính trị”. Đầu thế kỷ XIV, để cưới Huyền Trân, Chế Mân đã dâng hai châu Ô, Lý cho nhà Trần để làm sính lễ. Đầu thế kỷ XVII, khi gả Ngọc Vạn cho Chey Chetta, quốc vương Chân Lạp và Ngọc Khoa cho Po Rome, quốc vương Cham Pa, chúa Sãi Phúc Nguyên không nhận được quà sính lễ “hoành tráng” như vua Trần Anh Tông, nhưng ngược lại, chúa Nguyễn đã có được những điều kiện vô cùng quý báu để thực thi ý tưởng mở cõi về phương Nam mà bấy giờ trong tư duy của ông đã trở thành chiến lược.

Cuộc nhân duyên Ngọc Khoa – Po Rome tạo điều kiện để chúa Nguyễn tích hợp phần đất còn lại của Champa, cuộc hôn phối Ngọc Vạn – Chey Chetta đưa người Việt vào vùng đất Thủy Chân Lạp đầy tiềm năng và hứa hẹn. Rõ là “nước mắt má hồng đã tô thắm cho từng dải đất biên cương” như người xưa từng ghi nhận. Điều đáng nói là, tuy có ý hướng mở cõi nhưng chúa Nguyễn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Chính nội tình đất nước Chăm-pa, Chân Lạp và mối quan hệ khu vực lúc bấy giờ đã đặt vào tay Phúc Nguyên những chiếc “chìa khóa vàng” để mở toang cánh cửa.

Nếu như Ngọc Khoa đến với Po Rome, làm dâu Chăm-pa, một nước láng giềng quá gần gũi, thì Ngọc Vạn lại phải trải một dặm dài về làm dâu Chân Lạp, một vương quốc khá xa xôi, cách trở, lạ lẫm và đầy thử thách. Sắc đẹp, nết na, sự thông minh, khéo léo,… và tấm lòng yêu nước đã tạo nên bản lĩnh phi thường giúp Ngọc Vạn vượt qua muôn vàn sóng gió, thử thách nghiệt ngã để mang lại cho Đại Việt và cả Chân Lạp nữa những sự ổn định và phát triển. Với cuộc nhân duyên của Ngọc Vạn, chúa Sãi Phúc Nguyên không phải đợi đến khi hoàn thành việc tích hợp Chăm-pa mới tính tới Chân Lạp mà rõ ràng, chúa Nguyễn đã có điều kiện để với tay vào tận Mô Xoài để tiến hành khai mở đồng thời cả hai khu vực, một gần, một xa.

Công lao và sự nghiệp của Ngọc Vạn đối với Đại Việt là hết sức to lớn. Các nhà viết sử nước ngoài, nhất là người Pháp và cả một vài người Việt, khi viết sử Campuchia đã xác định rõ vai trò của Hoàng hậu– Hoàng thái hậu Ngọc Vạn trong sự nghiệp Nam tiến của dân tộc ta.Vậy mà phải hơn hai thế kỷ sự kiện này mới được sử ta ghi nhận và làm rõ[31]. Thật đáng tiếc! Nhưng, dẫu muộn vẫn còn hơn không. Hậu thế đã ghi danh công nghiệp của các chúa Nguyễn bằng nhiều cách. Thiết nghĩ, chúng ta hãy thể hiện lòng tri ân hai nàng công nữ Ngọc Vạn – Ngọc Khoa bằng những việc làm cụ thể, chẳng hạn một đền thờ hay một con đường mang tên Ngọc Vạn, Ngọc Khoa ở Nam bộ, Nam Trung bộ chăng (!). Thiết nghĩ, điều đó không có gì khó và thật sự rất xứng đáng! Vào thế kỷ trước, đã có nhiều người cảm khái trước sự hy sinh của hai nàng công nữ mà không ngại viết lên những bài thơ ca ngợi, chẳng hạn Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983) đã làm bài thơ Cảm Vịnh Hai Bà Ngọc Vạn, Ngọc Khoa để ca ngợi công ơn mở cõi to lớn của hai nàng công nữ con gái Phúc Nguyên hay trong sách Biên Hòa sử lược toàn biên của Lương Văn Lựu có dẫn bài thơ của Tân Việt Điểu ca ngợi công nghiệp của hai nàng công nữ này[32],… Tiếc là cho đến nay, khi nhắc đến cái tên Ngọc Vạn đầy thân thương và kính quý đó, không ít người vẫn còn ái ngại, né tránh, vì cho rằng đây là vấn đề “nhạy cảm” (!)

- Mô Xoài là vùng đất đầu tiên mà cuộc nhân duyên Ngọc Vạn – Chey Chetta II mang lại cho người Việt ở phương Nam. Có thể nói, quá trình chuyển hóa từ một vùng hoang sơ trở thành môi sinh trù phú của người Việt trên vùng đất Mô Xoài gắn chặt với cuộc đời Ngọc Vạn, mang hơi thở của Ngọc Vạn với thời cuộc. Có thể cảm nhận một điều rằng, đất Mô Xoài xưa, Bà Rịa – Vũng Tàu nay, trong từng mạch rừng, con suối, ngọn núi, dòng sông, con đường, ngọn cỏ,… vẫn rưng rức kể về người con gái năm xưa đã vì nước non mà “ngàn dặm” đến đây để làm nên đại nghiệp cho dân tộc.

Hơn bất kỳ nơi đâu trên đất nước này, người dân Bà Rịa- Vũng Tàu, trong những nội dung giáo dục truyền thống của địa phương mình, không thể không nói đến Công nữ Ngọc Vạn với lòng tri ân và sự ngưỡng mộ sâu sắc.

- Cho đến nay, hậu thế đã vinh danh Công nữ Ngọc Vạn một cách xứng đáng. Tuy nhiên, có quá nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử xung quanh cuộc đời bà, sử sách vẫn còn bất nhất, thậm chí trái ngược nhau. Thiết nghĩ, đây là vấn đề cần có sự đầu tư của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là những người con dân xứ Mô Xoài cần có thêm những việc làm thiết thực. Người viết bài này mong muốn có thêm nhiều sử liệu đáng tin cậy để đối chiếu, xác minh làm rõ những vấn đề liên quan. Rất mong được các bậc thức giả, các nhà nghiên cứu chia sẻ.
Trần Thuận
Nguồn: Nam bộ Đất và Người tập 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét