Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Những người khai phá Đất Phương Nam


Những người khai phá Đất Phương Nam
Phần đất phương Nam có một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế nước ta, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long được coi là một trong hai vựa lúa lớn nhất của cả nước. Đây là vùng đất mới được khai phá trong vòng hơn ba trăm năm trở lại đây và mang những đặc điểm về văn hóa-kinh tế-xã hội vô cùng phong phú.
1.AI đã khai phá vùng đất phương Nam?
     Xét về điều kiện địa lý và cảnh quan thiên nhiên, đây là vùng đất cây cối rậm rạp, cửa sông quá rộng, cây to và mây dài tạo bóng mát, tạo chỗ trú chân cho chim chóc và muông thú, tiếng kêu tiếng hót vang dội, có khu vực đồng ruộng bạt ngàn, không một gốc cây to. Trâu rừng hàng ngàn con, họp từng bầy trên đồng cỏ. Có nơi đầy những cây lâm vồ, cây gừa, cây xộp với mớ rễ phụ lòng thòng xuống bám đất, lâu ngày lớn như những cây cột nhà, lá rụng nhiều năm đầy đất, tàng che tối om om, nơi cọp làm hang sinh đẻ. Lúa ma, lau trắng, sậy đế và tre mọc dễ dàng trên đất mới bồi. Cảnh hoang sơ, độc địa đó làm nản lòng nhiều người nhưng không làm thối chí người Việt đi khẩn hoang, như thực tế đã chứng minh. Vì sao như vậy?
     Vì những người đến đây là không thể trở về, họ đã không thể sống được hoặc không được sống ở quê cha đất tổ ở miền ngoài. Họ là ai?
     Khi Trịnh- Nguyễn phân tranh, họ Nguyễn cần mở rộng địa bàn, củng cố thế lực, vì thế đã đưa dân vào Nam . Nhưng người ta được biết, trướckhi các chúa Nguyễn tổ chức chiêu mộ, một số dân đói khổ đã tự động, lẻ tẻ bỏ quê quán ở miền Trung vào Nam làm ăn. Có điều họ sống rải rác, ít có tổ chức và ít được bảo vệ.
     Chúa Nguyễn tổ chức chiêu mộ những người dân “ có vật lực” , tức là những người có tiền bạc, có vật dụng khai khẩn, có vốn để thuê mướn , kể cả mua nô tì và có của ăn của để trong những năm đầu chưa thu được hoa lợi từ vùng đất mới. Chẳng những có vốn mà họ còn phải có phương tiện di chuyển (ghe , xuồng) để đi lại vận chuyển sản phẩm ở một nơi nhiều sông rạch như vùng đất Nam bộ. Những thành phần khác là nô tì, điền nô và lưu dân.
     Nô tì thường là dân tộc ít người, được tầng lớp “ có vật lực” mua tại chỗ, đem theo vào vùng đất mới để phục dịch. Nam gọi là nô, nữ gọi là tì.
     Nhưng đông nhất trong số người đi khai hoang là lưu dân và điền nô. Lưu dân tức là dân lưu tán, bỏ quê quán, bỏ làng xã mà đi làm ăn tha phương, nơi nào làm ăn được thì ở lại làm ăn ít lâu, không làm được nữa thì bỏ đi nơi khác. Điền nô là những người chuyên đi làm mướn cho điền chủ, trực tiếp cầm dao búa phá rừng, cầm cày vỡ ruộng- là những người có đủ sức lao động để bán, ngoài ra không có gì khác để có thể tự mình làm ăn sinh sống được nới xứ lạ quê người.
     Về mặt luật lệ, chúa Nguyễn vẫn phỏng theo nhà Lê, chỉ thay đổi chút ít cho hợp với dân miền Trung. Dân chia thành hai loại: chánh hộ (gốc ở tại làng) và khách hộ( từ nơi khác đến). Dân khách hộ nộp thuế nhẹ hơn dân chánh hộ. Những người dân nghèo khổ này là thành phần đông đảo nhất vào Đồng Nai-Gia định, họ làm điền nô cho tầng lớp trên. Họ không phải là tù tội mà chỉ phạm tội trốn thuế sai dư, tức thuế thân, mà thôi.
     Như vậy, lực lượng tiên phong khai phá đất phương Nam chủ yếu là các điền chủ, lưu dân, điền nô và nô tì, còn những người mắc tội lưu đày chỉ xuất hiện đông đảo ở Nam bộ từ đời Gia Long trở về sau, đặc biệt từ đời Minh Mạng
     Những người đi khẩn hoang vào Nam gặp rất nhiều khó khăn nơi đất mới, bùn lầy nước đọng, muỗi mòng, rắn rết… nhưng họ không sờn lòng vì dù sao thú dữ trước mặt cũng không ác bằng quan lại vua chúa nơi quê nhà. Để khuyến khích di dân vào Nam, nhà Nguyễn đề ra luật lệ ban đầu đơn giản, rộng rãi ( mà thật ra có muốn kiểm soát cũng rất khó). Người khẩn đất vùng Biên Hòa có thể nộp thuế vùng Gia Định, tự mình khai loại ruộng tốt, xấu, diện tích bao nhiêu cũng không ai đến xác minh. Đo lường chưa thống nhất, tùy thói quen của địa phương. Dụng ý của nhà cầm quyền muốn khuyến khích dân đi khai khẩn để lập thôn xã khi có điều kiện, khi có năm bảy người chịu đứng đơn, bảo đảm nộp thuế là được. Thuế điền ở vùng đất mới dễ ẩn lậu, giá biểu cũng rẻ hơn ở Trung bộ.

2.Các hình phạt từ đời Gia Long, Minh Mạng được sử dụng ra sao?
     Thành phần là tù tội bị lưu đày chỉ xuất hiện đông đảo ở Nam bộ từ đời Gia Long trở về sau, đặc biệt từ đời Minh Mạng. Khi lãnh án, phải thi hành trễ nhất là trong thời gian 2 tháng, bình thường thi hành trong thời gian 10 ngày. Tội nhân mang gông, xiềng đến nơi chỉ định đi đày, chịu đánh thêm 100 trượng (đánh bằng gậy, hèo, tức là cây cứng chứ không dẻo như mây) không được đánh trước khi đi, sợ sẽ chết dọc đường. Luật lệ phong kiến gắt gao cộng với quan lại ức hiếp đủ điều khiến cho dân lành nhiều người trở thành tội nhân, chưa kể trường hợp thù oán cá nhân mà vu khống hoặc quan đòi ăn hối lộ mà người dân không đủ tiền nộp mà thành tội. Ăn trộm vặt cũng bị xử tội đồ (giam cầm, bắt làm việc khổ sai)  hoặc tội lưu ( bị đi đày từ 2.000-3.000 dặm, khác với tội đồ ở chỗ vĩnh viễn không được trở về).
     Những ai bán ruộng không do mình sở hữu, làm hư lúa trong kho nhà nước, con đánh cha mẹ, nô tì chửi chủ nhà, vô tình hay cố ý gây hỏa hoạn thiệt hại nhà lân cận…đều bị xử tội đồ.
     Tội lưu dành cho những người đánh đập người thu thuế, chế biến thuốc độc, cất chùa miễu không xin phép, vô tình hay cố ý để phạm nhân trốn, người ở thông dâm vợ chủ nhà…
     Người hành nghề phù thủy có thể mắc tội đồ hoặc tội lưu nếu xướng ra chủ thuyết với ẩn ý chống lại triều đình.
     Đàn bà mắc tội đồ, có thể bị đưa vào đồn lũy nơi biên thùy phục dịch, đồng thời giải trí cho binh sỹ, chờ khi mãn hạn mới được trở về quê quán.

Thái Doãn Mười 
(Tổng hợp từ “Đất Gia định xưa”-NXB TP.HCM 1984)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét