Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Góp phần giải nghĩa địa danh “Châu Đốc”

Trần Minh Tạo
                                   “Châu Đốc” có nghĩa chữ Hán là 
                                         "Vùng đất sau cùng"?


Một phần trong GĐTTC của THĐ, mục Sơn xuyên chí
       của Vĩnh Thanh Trấn, viết vào cuối đời vua Gia Long
 Tại mục Sơn xuyên chí của Vĩnh Thanh Trấn viết bằng Hán văn, loại chữ  chính thống của triều đình phong kiến nhà Nguyễn khi xưa, hai cái chữ mà hiện nay chúng ta đang gọi bằng tiếng Việt là “Châu Đốc”, rồi được viết ra chữ Việt mẫu tự La-Tinh đang dùng là “ C-h-â-u Đ-ố-c”, vào cuối đời vua Gia Long ( 1802-1819), THĐ đã viết là “Chu Đốc” 
"...nơi mà ngày nay ta gọi “Châu Đốc”, lần đầu tiên, trở thành biên địa lãnh thổ của người Việt với nước Cao Mên. Hay cũng có thể nói ngược lại, lúc này, phủ Mật Luật đối diện liền kề , đang nằm  bên nước Cao Mên bắt đầu trở thành khu vực giáp giới với đất “Chu Đốc”của người Việt. Về mặt hình dạng của đường biên, hồi ấy, khúc khuỷu quanh co trông giống “cái mỏ của con heo”. Người Khmer hai bên nhân đó gọi là“mỏ heo”. Tiếng Khmer có âm điệu là  Moọc-Chu-rút. Khi người Việt ta tới đây sinh sống chung lộn với người Khmer, cũng dựa vào người bản xứ mà gọi là Moọc-Chu-rút theo..."
Hồi ấy, ông sơ của vua Gia Long tên Nguyễn Phúc Chu. Mọi người đành húy kỵ, đọc chữ “Chu” thành “Châu”. “Chu Đốc” từ đó biến thành “Châu Đốc”.
         Gần đây, vài nhà nghiên cứu lịch sử về tỉnh An Giang hiện nay có bộc lộ ý kiến giải thích về nghĩa của địa danh Châu-Đốc trong các bài viết khác nhau của mình.  Theo đó,“Châu: vùng đất; Đốc: sau cùng, sau rốt”. Tức là đã tự xem hai chữ  “Châu-Đốc” nơi đây là âm từ Hán Việt rồi cứ thế mà hồn nhiên, đơn giản dịch giải ra  nghĩa  Hán Việt theo sự “phỏng đoán từ nghĩa ký ức âm thanh riêng của mình”. Có lẽ, do vừa biết chắc Châu Đốc vốn là “vùng đất mới của Tổ quốc được khai thác sau cùng”…, vừa đọc nơi  tr.2 quyển “Đại nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt” do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn trước kia;  Phủ QVKĐTVH, Sài-gòn in lại vào năm 1972 thấy có chép rằng: “Vì đất ấy nhiều chỗ bỏ hoang, đầu đời Gia Long mộ dân đến ở, gọi là Châu Đốc tân cương” nên đã cố tình dịch nghĩa ra như vậy cho dễ “trở nên ăn khớp” giữa các nguồn tư liệu với nhau hơn?
Xin góp  vài  ý kiến như sau:
1-Năm 1757, chúa Đàng Trong của người Việt,  tên là Nguyễn Phúc Khoát, thông qua Nguyễn Cư Trinh,  đã tiếp quản vùng đất có tên gọi là Tầm-Phong-Long ( Bãi đậu tàu bè của vua) từ vua nước Chân lạp của người Khmer, có tên là Nặc Tôn ( Sau đó người Việt ta còn gọi là nước Cao Mên).  Về mặt địa lý, vùng đất này nằm giữa đôi dòng sông Hậu sông Tiền, chạy từ Châu Thành, Lai Vung, Sa-Đéc, Lấp Vò, Chợ Mới... lên  tới tận Châu Đốc ngày nay, tức nơi có đường biên giới mới với nước Chân lạp hồi ấy... 
2- Theo quyển Gia Định Thành Thông Chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức (THĐ), viết xong vào cuối đời vua Gia Long (1802-1819): Khi vừa tiếp quản  vùng đất Tầm Phong Long, ngay tại khu vực vừa  xuất hiện một tuyến  biên giới mới với nước Chân lạp như vừa nói bên trên, Nguyễn Cư Trinh đã nhanh chóng cho thiết lập một khu vực phòng thủ đa phương diện, cũng hoàn toàn mới, có tên là Đạo Châu Đốc, nằm kề bên thượng lưu sông Hậu. Như vậy, ngay từ buổi đầu, vào năm 1757, “cha ông ta” chưa từng gọi phần cực bắc của vùng Tầm Phong Long vừa được tiếp thu là ““Châu Đốc tân cương” với ý rằng, đây là vùng đất mới của Tổ quốc được khai thác sau cùng”.  mãi đến đời vua Gia Long,  gần nửa thế kỷ sau, theo “Đại nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt”nói trên, mới được gọi là Châu Đốc tân cương”, mang nghĩa dải biên thổ  mới nơi vùng Châu-Đốc.
3- Trở lại cách giải nghĩa“Châu: vùng đất; Đốc: sau cùng, sau rốt” nói trên.
     Theo tôi, cho  rằng chữ “Châu’ mang nghĩa  là “ vùng đất” ; chữ  “Đốc” mang nghĩa là “sau cùng, sau rốt” là rất không đúng. Dám nói không đúng, vì ngay trong bản văn duy nhất đầu tiên ghi chép về vùng đất này, tức quyển GĐTTC nói trên, THĐ đã ghi bằng hai chữ Hán thuần túy mà  nếu đọc chính âm, phải phiên ra tiếng Việt mẫu tự La-Tinh hiện nay là “Chu Đốc” ( Xin xem hình chụp kèm theo).
     Vâng! Tại mục Sơn xuyên chí thuộc Vĩnh Thanh Trấn viết bằng Hán văn, loại chữ  chính thống của triều đình phong kiến nhà Nguyễn khi xưa, hai cái chữ mà hiện nay chúng ta đang gọi bằng tiếng Việt là “Châu Đốc”, rồi được viết ra chữ Việt mẫu tự La-Tinh đang dùng là “ C-h-â-u Đ-ố-c”, vào cuối đời vua Gia Long ( 1802-1819), THĐ đã viết là “Chu Đốc”(Chữ “Chu” thuộc bộ “Mộc”; chữ “Đốc” thuộc bộ “Trúc”).  
      Theo đó, dựa vào tự dạng, “Chu” nơi đây không hề liên quan gì tới “đất” hay “ vùng đất”. Mà nó có nghĩa là “ sắc đỏ, màu đỏ”. Còn “Đốc” nơi đây không hề liên quan gì tới“sau cùng, sau cuối”. Mà có nghĩa là “đôn hậu, thuần chất”, không pha tạp vào cái gì khác nữa. Như vậy, trong phạm vi giả thiết nói trên, dịch nghĩa Châu-Đốc theo Hán ngữ, mà cho rằng đấy là “ vùng đất sau cùng”, thì rất là khiên cưỡng, ngẫu hứng.
     Nên nhớ rằng, với chữ Hán, không thể chỉ dựa vào âm để xác định hay phỏng đoán nội dung nghĩa. Vì có rất nhiều trường hợp “âm giọng” tuy giống nhau nhưng chữ viết, hay tự dạng của  nó lại khác nhau, đôi khi chữ “bộ” kèm theo cũng khác nhau, dẫn đến nội dung nghĩa cũng khác nhau. Như trường hợp tại đây: Chỉ với một âm “Châu” thôi, nhưng trong chữ Hán có đến 4-5 chữ khác nhau, với một hay nhiều nghĩa cụ thể  khác nhau. Đó là chưa nói đến chuyện, do tục“ húy kỵ” trong chế độ phong kiến xưa,  có nhiều chữ vốn phải“chuẩn đọc” theo âm này nhưng bắt buộc phải “trệch, chạy” sang âm kia…Thành ra, nơi chữ Hán, nhất là với người Việt ta hiện nay, không thể “nghe âm” mà đoán chừng lấy nghĩa. Mà bắt buộc phải nhìn tận mắt tự dạng của âm, tức căn cứ vào chữ viết,  mới mong có thể xác định ra nghĩa…, như trường hợp hai âm “ Châu Đốc” hiện nay và trong giả thiết nói trên.  
4- Vậy, tiện đây, có thể xác định nghĩa của “ Châu-Đốc” như thế nào? Nơi vấn đề này, tôi đã có một bài viết riêng, từng đăng nơi Tạp chí Khoa học Lịch sử của tỉnh Đồng Tháp, hiện đang lưu trữ nơi mục “nghiên cứu tổng hợp ”nằm trong Blog Hoa Lau Trắng, có địa chỉ: tranminhtao.vnweblog.com.
Xin trích ra đây  đoạn chủ yếu như sau:
         “Năm 1757, Nặc Tôn, một hoàng thân nước Cao Mên, dâng đất Tầm-Phong- Long cho chúa người Việt có tên là Nguyễn Phúc Khoát (ông nội vua Gia Long). Đây là thời điểm toàn đất Nam Bộ ngày nay, về mặt chánh thức, người Việt ta kết thúc xong sự thu phục của mình.
          Từ sự kiện này, nơi mà ngày nay ta gọi “Châu Đốc”, lần đầu tiên, trở thành biên địa lãnh thổ của người Việt với nước Cao Mên. Hay cũng có thể nói ngược lại, lúc này, phủ Mật Luật đối diện liền kề , đang nằm  bên nước Cao Mên bắt đầu trở thành khu vực giáp giới với đất “Chu Đốc”của người Việt. Về mặt hình dạng của đường biên, hồi ấy, khúc khuỷu quanh co trông giống “cái mỏ của con heo”. Người Khmer hai bên nhân đó gọi là “mỏ heo”. Tiếng Khmer có âm điệu là  Moọc-Chu-rút. Khi người Việt ta tới đây sinh sống chung lộn với người Khmer, cũng dựa vào người bản xứ mà gọi là Moọc-Churút theo.
         65 năm sau, vào đời vua Gia Long,  Moọc-Chu-rút bị nói trại đi. Không biết sai chạy đến mức nào. Tuy nhiên, khi lọt tới tai Trịnh Hoài Đức, ông đã dùng hai chữ Hán “Chu Đốc” để phỏng chú cho cụm âm thanh có nguồn gốc thổ ngữ  Khmer này. Do vậy, hiện nay, nếu cần giải thích nghĩa tên gọi “Châu Đốc” là gì, bắt buộc phải đặt đối tượng vào lại bối cảnh lịch sử này. Và, tất nhiên, “Chu Đốc” chỉ có thể mang nghĩa là “mỏ con heo”. Nói chính xác hơn, do đã “rơi” mất thành tố âm ngữ “Moọc” ở phía trước, chỉ còn lại “Chu-rút”, nên nghĩa của nó , theo đó , chỉ còn là “Con Heo” mà thôi.
         Nhưng, chiếu theo tự dạng như trên đã nói, đọc là “Chu Đốc”, sao hiện nay lại trở thành “Châu Đốc” ?
         Theo tôi, điều này không lấy gì làm khó hiểu. Hồi ấy, ông sơ của vua Gia Long tên Nguyễn Phúc Chu. Mọi người đành húy kỵ, đọc chữ “Chu” thành “Châu”. “Chu Đốc” từ đó biến thành “Châu Đốc”. Không thể nói nghĩa của chữ “Châu” ở đây là “đất” hay “một khu vực lãnh thổ…” được. Bởi trong sách GĐTTC của THĐ không hề viết là “Châu” thuộc bộ Xuyên để có thể giải thích nghĩa như trên. Thậm chí giả dụ có là chữ “Châu” thuộc bộ Xuyên đi nữa, cũng  vẫn không thể giải nghĩa nó là “một khu vực lãnh thổ…”. Vì hai chữ Hán trong sách GĐTTC nói trên  chỉ làm nhiệm vụ phỏng chú một ngữ âm khmer đã có trước. Một dạng ký âm bằng Hán tự. Rồi sau này, khi ta dịch hai chữ Hán kia ra chữ  quốc ngữ mẫu tự La tinh đang dùng hiện nay, nó đương nhiên trở thành C-h-â-u  Đ-ố-c. Một kiểu ký âm của ký âm.Thế thôi”
Tóm lại, cho dù "Châu Đốc" không hề mang nghĩa Khmer là " con heo", thì cũng hoàn toàn không thể dịch nghĩa theo Hán ngữ là "vùng đất sau cùng, sau rốt” được...

                             TX Sa-Đéc, Đồng Tháp, đầu Đông năm 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét