Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Một số biểu hiện của sự giao lưu và tiếp xúc văn hoá của cư dân vùng ĐBSCL trong lịch sử

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất mới nếu như chúng ta lấy mốc thời gian từ lúc Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào khai thác vùng Đồng Nai - Gia Định và những cựu thần của nhà Mình đưa gia quyến, binh lính của mình vào vùng đất này sinh sống, nhất định không hợp tác với nhà Thành, một triều đại đã lật đổ nhà Mình để lên nắm quyền tại Trung Hoa.

   Nhưng chúng ta cũng có thể nói đây là một vùng đất cổ vì nơi đây là một vùng lãnh thổ quan trọng của vương quốc Phù Nam đã từng tồn tại với một nền văn hóa rất tiêu biểu. Vương quốc Phù Nam sụp đổ vào thế kỷ thứ VII, vùng ĐBSCL dần dần hoang hóa và trở thành một vùng đất gần như vô chủ trong suốt hàng chục thế kỷ sau đó. Khoảng thế kỷ XVI, những cư dân người Việt từ vùng Thuận Hóa đã bắt đầu di cư vào và khai phá vùng đất này. Họ đem theo những phong tục tập quán của dân tộc mình vào vùng đất mới. Trong quá trình cộng cư với dân tộc khác trên vùng đất mới,, những phong tục tập quán của người Việt đã có sự tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau với phong tục tập quán của người Khmer và người Hoa. Khi những yếu tố văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam, dù bằng con đường truyền đạo hay xâm lược thì những yếu tố văn hóa đó vẫn bén rễ và phát triển ở vùng ĐBSCL. Sự tiếp biến có chọn lọc những giá trị văn hóa của nhiều nền văn hóa khác nhau đã  tạo ra một sự phát triển đa dạng và đặc sắc của cư dân trên vùng đất này.
 Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa của ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer vùng ĐBSCL

   Những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của người Việt vùng ĐBSCL có nguồn gốc từ đồng bằng Trung và Nam Trung bộ, nhưng trong quá trình cộng cư lâu dài đã có sự tiếp biến thêm nhiều yếu tố từ phong tục của người Khmer, người Hoa. Đây là quá trình tiếp xúc văn hóa tự nguyện qua quá trình cùng sống, sinh hoạt lâu dài trên cùng một địa vực.
   Cộng đồng người Hoa cũng đặt chân đến ĐBSCL khá sớm, khoảng giữa thế kỷ XVII.  Đây là đợt di cư lớn và ồ ạt nhất của người Hoa vào Việt Nam do tình trạng chiến tranh kéo dài và cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt ở Trung Quốc. Thành phần di cư vào vùng ĐBSCL bao gồm một số quan lại, tướng lĩnh và quân sĩ nhà Minh bị thất bại nhưng không thần phục nhà Thanh. Bên cạnh đó, còn có một số thương nhân, thường dân và một số gia đình do nhiều nguyên nhân khác nhau mà bỏ quê hương, đi tìm một tương lai mới trên một vùng đất mới. Người Hoa khi đến vùng đất Nam bộ họ khai phá ở vùng Biên Hòa, Mỹ Tho (nhóm Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên) và ở vùng Hà Tiên (nhóm Mạc Cửu). Về sau họ cư ngụ ở khắp đất Nam bộ chủ yếu tập trung ở khu vực chuyên làm về tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.
   Nền văn hóa cổ của đất Nam bộ là văn hóa Khmer cổ, song ảnh hưởng của chất Khmer trong văn hóa Nam bộ, nhất là văn hóa tâm linh lại không đậm nét bằng văn hóa Hoa, một dạng văn hóa ngoại nhập cách nay cũng chỉ vài trăm năm trở lại đây. Điều đó có thể là do hành trang văn hóa mà lưu dân người Việt mang vào Nam bộ là thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán lâu đời của người Việt trong đó đã hàm chứa khá đậm nét văn hóa Hoa. Nên ngay ở buổi đầu ở vùng đất mới này, họ dễ dàng gần gũi, hòa hợp với đám người Hoa cũng mới hòa nhập hơn với người Khmer tại chỗ. Đối với văn hóa bản địa, lưu dân người Việt chỉ tiếp thu những gì gần gũi có nét tương đồng và dễ tiếp nhận.
   Có thể nhận định rằng, trước khi văn hóa Pháp du nhập vào vùng ĐBSCL thì ở đây đã có người Khmer, người Hoa, người Việt và một bộ phận người Chăm sinh sống. Tuy sinh sống trên cùng một vùng đất nhưng mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng của mình. Chẳng hạn như người Khmer họ theo Phật giáo Theravada. Phật giáo Theravada hòa quyện với văn hóa người Khmer ở Nam Bộ từ xưa đến nay. Người Việt vào mang theo tục lệ thờ cúng tổ tiên và người Việt ở vùng Nam Bộ không còn ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ như ở miền Bắc và miền Trung. Người Hoa thờ Thần tài, thờ Quan Công...Do trong quá trình giao lưu văn hóa, người Việt, người Khmer, người Hoa. Người Khmer đã chịu ảnh hưởng của phong tục thờ cúng tổ tiên. Họ cũng đặt ly hương, chân đèn, mâm quả như người Việt, người Hoa và chưng bày bàn thờ Phật chung với bàn thờ tổ tiên. 
   Khảo sát dưới góc độ văn hóa chúng ta thấy sự tiếp xúc văn hóa giữa người Hoa và người Việt diễn ra mạnh mẽ hơn so với giữa người Việt và người Khmer. Có lẽ điều này có nguồn gốc từ xưa, các yếu tố của người Việt chịu sự tiếp xúc văn hóa cưỡng bức trong giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc. Tuy không đồng hóa được dân tộc Việt nhưng những yếu tố văn hóa tốt đẹp cũng được cư dân người Việt tiếp thu, phong tục tập quán cũng nằm trong hoàn cảnh lịch sử chung đó. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, phong tục tập quán của người Việt theo chân những con người khai hoang mở đất, tiến dần về phương Nam. Giữa lúc đó, những yếu tố văn hóa của Trung Hoa theo chân của những cựu thần nhà Minh du nhập vào Nam bộ. Hai nền văn hóa gặp lại nhau, vừa lạ vừa quen. Chính điều này, làm cho văn hóa của người Việt và người Hoa vùng ĐBSCL dễ nẩy nở và phát triển hơn. Xin nêu ra một ví dụ về sự tiếp xúc văn hóa này. Chẳng hạn, hầu hết người Việt Nam Bộ vẫn giữ tập quán tảo mộ vào ngày 25 tháng Chạp trước khi làm lễ đón ông bà vào ngày 30 tháng Chạp âm lịch, nhưng một bộ phận người Việt - Nam bộ cũng theo tập quán tảo mộ vào tiết Thanh minh tháng Ba âm lịch giống như người Hoa.
    Sự tiếp xúc văn hóa giữa người Khmer và người Hoa nếu xét dưới góc độ phong tục vòng đời chúng tôi nghĩ là cũng có. Vấn đề là chúng tôi chưa có đủ tư liệu để làm sáng tỏ nhận định này. Theo quan điểm chủ quan của chúng tôi thì nhận định trên cũng có cơ sở khoa học chắc chắn. Người Hoa trong quá trình di cư vào vùng ĐBSCL, họ chủ yếu làm nghề buôn bán nhỏ. Họ len lỏi vào trong các phum sóc Khmer buôn bán. Để công việc kinh doanh thuận lợi hơn trong các phum sóc Khmer, họ đã chủ động kết hôn với người Khmer. Quá trình này diễn ra trong một thời gian dài, những thế hệ sau ra đời đã mang trong mình hai dòng máu Hoa-Khmer và đương nhiên cũng mang trong mình những giá trị tinh thần của hai nền văn hóa. Như vậy, quá trình tiếp xúc văn hóa giữa hai dân tộc này có thể chủ yếu là qua con đường hôn nhân. Càng về sau, do sự phân bố mật độ dân cư và kết cấu dân cư thay đồi, đã dẫn đến việc các dân tộc anh em sống xen kẻ với nhau mà không theo một trật tự như trước. Người Khmer bây giờ không còn sống bó hẹp trong các phum sóc nữa mà họ có thể cùng sống chung với người Việt, người Việt, người Hoa trong các xã phường. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp xúc và phát triển văn hóa ngày càng có chiều sâu hơn.

Tiếp xúc và giao thoa với văn hóa phương Tây của cư dân vùng ĐBSCL

   Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng với bản chất dung hòa và sẵn sàng tiếp nhận những nền văn hóa đến từ bên ngoài. Vào cuối thế kỷ XVI, rồi sang thế kỷ XVII, XVIII, trong đời sống tinh thần của bộ phận người Việt Nam nói chung và người dân vùng ĐBSCL nói riêng đã xuất hiện một yếu tố hết sức xa lạ thâm nhập vào. Đó là sự thâm nhập của các yếu tố của nền văn minh Phương Tây.
   Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (1867), bên cạnh việc đầu tư và tiến hành khai thác kinh tế vùng ĐBSCL để phục vụ cho chính quốc. Thực dân Pháp còn xúc tiến nhiều chương trình đầu tư về văn hóa để dễ dàng thực hiện chính sách cai trị. Đây là một việc mà tất cả các nước thực dân đều phải làm khi tiến hành xâm lược các thuộc địa. Chính sách văn hóa thường đảm bảo cho việc cai trị và khai thác thuộc địa kéo dài. Như vậy, trong buổi ban đầu các nền văn hóa gặp nhau, thực hiện sự giao tiếp văn hóa theo lối cưỡng bức. Có nghĩa là, người Pháp muốn áp đặt những yếu tố văn hóa Phương Tây vào nước ta nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Những yếu tố văn hóa phương Tây bám rễ vào vùng đất mới và có điều kiện phát triển. Khi những cư dân người Việt nhận thấy văn hóa phương Tây cũng có những điều rất độc đáo và mang đậm tính nhân văn, thế là họ theo. Như vậy, từ sự tiếp xúc văn hóa theo kiểu cưỡng bức văn hóa đã dần dần chuyển biến thành sự giao tiếp văn hóa tự nguyện. Phong tục của người Việt vùng ĐBSCL theo dòng chảy của sự giao tiếp văn hóa đó mà tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa Phương Tây.
   Nếu như ảnh hưởng văn hóa Phương Tây ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng thì đạo Thiên Chúa là nhân tố đầu tiên trong sự ảnh hưởng này. Có thể nói ảnh hưởng trong đời sống văn hóa tinh thần không có ảnh hưởng nào mạnh hơn tôn giáo và cũng như không sự quyến rũ nào bằng sự quyến rũ của tôn giáo một khi nó đi vào trong lòng người. Tôn giáo có thể có những nội dung tiêu cực, hạn chế nhưng xét về bản chất tôn giáo chính là văn hóa. Sự xuất hiện của đạo Thiên chúa đã tạo thêm màu sắc mới trong bầu trời tôn giáo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Bầu trời ấy xưa kia chỉ có ông Trời, ông Phật, nay có thêm Đức Chúa. Như vậy việc truyền bá đạo Thiên Chúa và những yếu tố văn hóa, tư tưởng Phương Tây vào vùng ĐBSCL là một quá trình lâu dài chứa đựng đầy phức tạp lẫn tế nhị mà trong đó người Pháp đóng vai trò quan trọng nhất.
   Trong quá trình khai thác thuộc địa để phục vụ cho chính quốc, người Pháp đã truyền tải vào vùng ĐBSCL những ảnh hưởng của văn minh Phương Tây, mặc dù việc truyền tải đó không năm ngoài âm mưu phục vụ cho quá trình khai thác của Pháp, nhưng nó cũng phần nào tác động tích cực đến việc truyền tải những yếu tố văn hóa mới, nó làm phong phú thêm cho nền văn hóa và có tác dụng rất lớn đến vùng đất này. Ngoài ra, trong quá trình khai thác của Pháp những yếu tố tích cực như những tư tưởng về tự do cá nhân, khẳng định cá nhân đã xuất hiện và tác động  mạnh mẽ đến xã  hội vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, trong tình yêu trong hôn nhân vấn đề “môn đăng, hộ đối” không còn giữ được chân giá trị như trước nữa. Cái quyền “được lựa chọn” của những thanh niên nam nữ trong tình yêu, trong hôn nhân hay trong nhiều vấn đề hệ trọng khác trong đời sống dần dần được giải quyết một cách dân chủ hơn. Những điều nà rõ rang đã chịu ảnh hưởng của những tư tưởng mới từ phương Tây đưa sang.
   Đầu thế kỷ XX, khoảng thời gian đẹp nhất để những yếu tố văn hóa Pháp hòa nhập vào cuộc sống của người Việt. Chữ Quốc ngữ một thành tựu do tiếp xúc văn hóa mà có, được sử dụng rộng rãi, lối sống, cách ăn mặc được các nhà tư tưởng tiến bộ Việt Nam cổ súy. Tiêu biểu là hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Nhiều sự cách tân mãnh liệt, đi ngược lại với phong tục truyền thống của dân tộc được tiến hành. Đó là việc ăn mặc theo lối Âu hóa, tóc cắt thật ngắn, gọn gàng chớ không để dài như trước nữa. Văn hóa Pháp cũng ảnh hưởng rất lớn đối với người Việt, thậm chí đến cả người Hoa và người Khmer.
  Chúng tôi xin nêu điển hình của việc giao lưu và tiếp xúc văn hóa của cư dân ĐBSCL với văn hóa Pháp về mặt tinh thần: 
      Lễ sinh nhật: Theo quan niệm của người Pháp người ta rất chú trọng đến lễ sinh nhật. Vì đây là những kỷ niệm đẹp của họ. Thông thường họ tổ chức sinh nhật cho bản thân và người thân. Buổi lễ sinh nhật luôn luôn bao giờ cũng có bánh Gatô sinh nhật và những ngọn nến, thường buổi sinh nhật thường được tổ chức vào buổi chiều hoặc tối có bạn bè thân thiết, người thân cùng chung vui. Họ thường sắp đặt số nến bằng với số tuổi của người sinh nhật quanh chiếc bánh rồi chủ tiệc bắt đầu thổi tắt nến, bắt đầu chính thức vào bữa tiệc. Mọi người chung vui chia nhau bánh sinh nhật. Tuy theo quy mô cũng như cách thức tổ chức buổi tiệc có thể kết thúc sớm hay muộn, Mọi người khi dự sinh nhật đều có chuẩn bị cho mình một món quà để tặng. Khi nhận quà họ sẽ mở ngay để thể hiện sự tôn trọng với người thân, bạn bè. Trong buổi lễ còn có tổ chức khiêu vũ đối với thanh niên, còn trẻ con thì được hưởng buổi liên hoan ngọt và vui chơi thoải mái. Ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Tây Nam kỳ nói riêng ngày lễ sinh nhật đã trở thành ngày lễ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người dân. Trong lễ sinh nhật cũng có bánh và nến sinh nhật. Cũng có hình thức tặng quà cho người sinh nhật, đây là dip để mọi người vui chơi thoải mái. Trong thời buổi hiện đại, từ thành thị đến nông thôn, nhưng gia đình tiến bộ. tiếp nhận văn hóa Pháp đều tổ chức sinh nhật cho các thành viên trong gia đình. Đây là dịp để gia đình bày tỏ sự quan tâm lẫn nhau và để bạn bè có dịp tụ tập vui vẻ, thắt chặt mối quan hệ cộng đồng. Trong lễ sinh nhật, bánh kem và nến cũng là hai thứ không thể thiếu được. Đối với người Việt, có thể buổi tiệc sẽ phong phú hơn với nhiều loại thức ăn khác, món Tây cũng có, món địa phương vùng ĐBSCL cũng có. Miễn sao buổi tiệc nhộn nhịp, vui vẻ và mọi người đều hài lòng. Lễ sinh nhật ngày nay đã có một chỗ đứng trong phong tục vòng đời của cả ba dân tộc.
    Lễ cưới: Chúng ta hãy nhìn trên ngón tay đeo nhẫn của các cặp vợ chồng. Chiếc nhẫn lấp lánh đó là biểu tượng cho tình yêu, tình vợ chồng son sắt và nó cũng chính là một yếu tố quan trong trong hôn nhân của người Pháp. Chúng tôi nhận thấy rằng, việc đeo nhẫn đính hôn hoặc nhẫn cưới là một nét văn hóa đẹp đáng được tiếp thu. Bởi lẽ việc đeo nhẫn là một việc rất dễ thực hiện lại mang một ý nghĩa tinh thần rất quan trọng. Theo sự khảo sát, phỏng vấn của chúng tôi đối với một số sinh viên người Khmer, người Hoa và người Việt ở Trường đại học Cần Thơ thì đa số các bạn cho rằng việc đeo nhẫn đính hôn là rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Và nhiều người mơ ước mình sẽ được đeo chiếc nhẫn đầy ý nghĩa này. Thậm chí có những đối trai gái đang yêu nhau, mặc dù chưa biết chắc là sau này mình có thể cưới nhau hay không, họ cũng thích đeo nhẫn vào ngón tay áp út. Điều này để khẳng định chàng trai đã có người yêu, cô gái là hoa đã có chủ. Có nghĩa là khẳng định tình yêu sâu sắc và ý chí tiến đến hôn nhân của họ.
    Đối với người Pháp đám cưới được tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật, ngày cuối tuần của tháng trong năm. Trang phục trong đám cưới, Cô dâu mặc áo dài trắng hoặc đầm, chú rể mặc Comlê màu sẫm. Khi làm lễ thành hôn dân sự thì buộc phải tiến hành ở Tòa thị chính dưới sự chứng kiến của chính quyền, xong rồi mọi người thân cùng làm lễ ở nhà thờ và ăn tiệc ở nhà hàng. Đa số các đám cưới ở Pháp được tổ chức theo nghi thức tôn giáo ở nhà thờ. Ở nước ta, ngoài những tín đồ Thiên Chúa giáo tổ chức lễ cưới ở nhà thờ sau khi đã đăng kí kết hôn ở cơ quan chính quyền địa phương. Những người không theo tôn giáo vẫn phải bắt buộc đăng kí kết hôn ở chính quyền địa phương và tiệc cưới có thể tổ chức ở nhà hàng.
    Ngày nay, ở vùng ĐBSCL chúng ta thấy đám cưới thường được tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật ở Nhà hàng, vì là ngày nghỉ lên mọi người sẻ rảnh để đi dự đám cưới. Cô dâu, chú rễ có thể mặc trang phục truyền thống khi làm lễ gia tiên tại gia đình. Nhưng khi tiếp đãi quan khách, bạn bè tại nhà hàng thì thông thương cô dâu vẫn mặc đầm cưới và chú rễ vẫn mặc đồ comlê.

Vài nhận định kết luận
     Những giá trị văn hóa của cư dân cùng ĐBSCL trong lịch sử phát triển của mình đã kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp những giá trị văn hóa của quốc gia dân tộc. Đây là một sự kế thừa tích cực, làm cho nền văn hóa dân tộc có thêm những giá trị mới.
    Trong quá trình cộng cư trên vùng đất này đã nảy sinh một quá trình tiếp xúc văn hóa tự nguyện của ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer. Đây là một sự gắn kết của ba dân tộc anh em, cùng khai phá, cùng sống và cùng phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
    Văn hóa phương Tây đại diện là đạo Thiên Chúa đến với vùng ĐBSCL vào khoảng thế kỷ XVIII. Sau khi xâm lược Việt Nam, người Pháp với ý định biến Việt Nam thành một nước thuộc địa nên Pháp muốn bứt Việt Nam ra khỏi truyền thống cũ để gần phương Tây hơn để tiện việc thu phục và cải biến. Chính vì vậy mà Pháp, ngoài việc tiến hành những đường lối chính sách về kinh tế, quân sự, đã rất chú ý đến việc cải biến trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa tinh thần. Văn hóa của cư dân vùng ĐBSCL có điều kiện tiếp xúc với các yếu tố văn hóa phương Tây.
    Sự va chạm giữa các nền văn hóa trên thế giới đôi khi xảy ra nhưng xung đột, nhưng cũng có lúc sự va chạm này diễn ra một cách hòa bình. Xét trên bình diện tổng thể thì sự tiếp xúc văn hóa giữa các nền văn hóa cùng có mặt ở vùng ĐBSCL là sự tiếp xúc văn hóa trong hòa bình, sự tiếp biến văn hóa có chọn lọc. Chính điều này đã làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc

 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường, Văn hoá và cư dân ĐBSCL, NXB KHXH, 1990.
2. Bùi Thế Cường (chủ biên), Khoa học xã hội Nam bộ, NXB Khoa học xã hội, 2007.
3. Nguyễn Văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu với những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXb Trẻ, 2006
4. Huỳnh Lứa, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, NXB KHXH, 2000.
5. Sơn Nam, Tiếp cận với Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Trẻ,  2000.
6. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn,  NXB Trẻ, 2001.
7. Sơn Nam, Văn minh miệt vườn, NXB Văn Hoá, 1992
8. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP.HCM, 2001.
Ths. Trần Minh Thuận




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét