Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

455 năm Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị

455 năm Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị 

QT Xuân) - Năm nay là tròn 455 năm Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị (1558-2013), 400 năm Nguyễn Hoàng từ giã cõi đời (1613-2013), để lại những công tích to lớn mãi vang danh. Nhân dịp này, UBND huyện Triệu Phong đã đề nghị UBND tỉnh cho tổ chức nghiên cứu thời kỳ Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp, mở đầu tại Ái Tử, Triệu Phong. UBND tỉnh đã có Công văn số 3012/UBND-VX ngày 24/9/2012 “đồng ý chủ trương để UBND huyện Triệu Phong tổ chức nghiên cứu về thời kỳ Nguyễn Hoàng vào Nam từ năm 1558. UBND huyện Triệu Phong làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ để đưa vào chương trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh”. 
Tượng Nguyễn Ư Dĩ (ở thôn Trà Liên, Triệu Giang, Triệu Phong), người giúp sức cho Nguyễn Hoàng dựng nên nghiệp lớn - Ảnh: N.H
Nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu những bài học và kinh nghiệm của lịch sử để lại. Lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng những bài học và kinh nghiệm của lịch sử để lại cần phải học mãi để làm giàu vốn liếng tích lũy và trải nghiệm từ quá khứ nhằm tạo nguồn lực vững tiến tới tương lai. Nghiên cứu về Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị, thiết nghĩ là nằm trong mục đích đó. Trong cuộc đời thăng trầm lạ lùng của mình, trải 55 năm làm trấn thủ Thuận Hóa (từ năm 1558) và sau đó kiêm luôn trấn thủ Quảng Nam (từ năm 1570), dựng nên nghiệp lớn, Nguyễn Hoàng đã để lại cho đời những bài học và kinh nghiệm thành công nào? 

Bài học đầu tiên là biết nuôi chí lớn và truyền chí lại. Nguồn hun đúc nên chí lớn chính là truyền thống gia đình, dòng tộc. Nguyễn Hoàng xuất thân từ một gia đình danh giá ở Thanh Hóa. Thân phụ Nguyễn Hoàng là Nguyễn Kim, người có công khôi phục nhà Lê. Khi xảy ra sự biến Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, Nguyễn Kim đã tránh sang Lào, xây dựng lực lượng, nuôi chí khôi phục nhà Lê. Nguyễn Kim đã đem quân về nước, đánh thắng quân Mạc nhiều trận. Năm 1533, Nguyễn Kim tìm được người con trai nhỏ của vua Lê Chiêu Tông, tên là Ninh đang sang Lào tránh nạn, tôn lên làm vua, tức là vua Lê Trang Tông. Lúc Nguyễn Kim tránh sang Lào, Nguyễn Hoàng mới lên 2 tuổi, được cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng. Lúc Nguyễn Hoàng 20 tuổi, Nguyễn Ư Dĩ thường khuyên Nguyễn Hoàng lập công danh sự nghiệp. Nguyễn Hoàng đã làm cho lời khuyên đó trở thành sự thật. Lúc sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Hoàng đã gọi Nguyễn Phúc Nguyên, người con thứ sáu và các cận thần đến bên giường bệnh để trao truyền ý chí: “Ta với các ông cùng nhau cam khổ đã lâu, muốn dựng lên nghiệp lớn. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ, cho thành công nghiệp”, “Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”. Quyết chí nối nghiệp Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn đã tiếp tục mở mang lãnh thổ về phía Nam, xác lập vững chắc chủ quyền trên vùng đất mới, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đưa nước ta cơ bản có lãnh thổ hoàn chỉnh như hiện nay. 

Bài học cốt tử nữa, đó là biết vượt qua hiểm họa, chuyển họa thành phúc. Cổ nhân bảo “trong họa có phúc”, điều này quả đã ứng vận trọn vẹn vào cuộc đời Nguyễn Hoàng. Mối họa của cuộc đời Nguyễn Hoàng không nằm ở đâu xa mà nằm ngay trong chính tâm địa ông anh rể của Nguyễn Hoàng là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm đã hãm hại Nguyễn Uông, người anh cả của Nguyễn Hoàng. Trịnh Kiểm thấy Nguyễn Hoàng có quân công với nhà Lê nên càng ghét và muốn mưu hại. Nguyễn Ư Dĩ biết chuyện, bèn khuyên Nguyễn Hoàng giả bị bệnh điên, có những cử chỉ thất thường để Trịnh Kiểm hết nghi ngờ. Sau khi cho người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về cách tránh họa và được Trạng Trình “mách nước”: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dải núi ngang, có thể dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng đã tìm được lối thoát họa, đó là phải lánh mình ở phương xa. Được Nguyễn Ư Dĩ bàn bạc: “Thuận Hóa là đất hiểm trở kiên cố, có thể giữ mình được. Vậy nên nhờ chị là Ngọc Bảo (Ngọc Bảo là con gái Triệu tổ, và là chánh phi Trịnh Kiểm - Triệu tổ, tức là Nguyễn Kim - chú thích của người viết) nói với Kiểm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi sau sẽ mưu làm việc lớn” (Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập I, quyển 1-6, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 76), Nguyễn Hoàng đã cậy chị ngỏ lời cùng Trịnh Kiểm, xin cho đi vào phương xa. Thuận theo lời xin của vợ, Trịnh Kiểm đã dâng biểu tâu vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ đất Thuận Hóa. Nhân việc cho Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, Trịnh Kiểm muốn bắn một mũi tên mà trúng nhiều đích: vừa được lòng vợ và em vợ; vừa được tiếng với vua Lê là dùng người tài trí, mưu lược trấn giữ nơi vùng đất có “hình thể quan trọng”; lại vừa mượn xứ Thuận Hóa là nơi lam chướng nước độc, nơi quân nhà Mạc đang khuấy động để biết đâu trừ khử được Nguyễn Hoàng. Nhưng Trịnh Kiểm đã lầm với một người có chí lớn và biết chuyển họa thành phúc như Nguyễn Hoàng. “Trịnh Kiểm chỉ có ý tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã đi sai nước cờ. Và thay vì tống khứ, ông lại đã cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc. Và một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung” (Li Tana, Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999, tr. 15).
 
Đường qua thị trấn Ái Tử hôm nay - Ảnh:P.V

Bài học nữa là để trụ vững ở nơi hiểm trở, nếm mật nằm gai, đó là biết dựa vào lòng dân. Sử sách đã chép khá nhiều chuyện Nguyễn Hoàng được lòng dân, được dân ủng hộ, xưng tụng là Chúa Tiên. Lúc Nguyễn Hoàng mới vào đến bãi cát Ái Tử (theo R.P.Cadière, Nguyễn Hoàng đến Ái Tử trong khoảng từ ngày 10/11 đến 10/12/1558), người dân ở đây đã đem dâng 7 chum nước trong. Nguyễn Ư Dĩ mừng rỡ nói: “Đấy là phúc trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem “nước” dâng lên, có lẽ là điềm “được nước” đó chăng?” (theo Đại Nam liệt truyện tiền biên, tập I, quyển 1-6, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 76). Nhờ có chính sách vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng của Nguyễn Hoàng, bộ mặt vùng đất hiểm trở mà Nguyễn Hoàng trấn nhậm, chỉ sau hơn 10 năm đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Đánh giá về hơn 10 năm dựng xây nghiệp lớn của Nguyễn Hoàng, nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Đoan quận công có uy lược. xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1 Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 50). Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp” (Đại Nam thực lục, tập I, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 31). Với tầm nhìn xa của người mở cõi, năm 1597, Nguyễn Hoàng (lúc này đang ở đất Bắc giúp vua Lê ứng phó với quân Mạc và bang giao với nhà Minh) đã có công văn lệnh cho Lương Văn Chánh, Tri huyện Tuy Viễn, trấn An Biên (nay thuộc tỉnh Bình Định) chiêu tập lưu dân vào khai khẩn vùng đất Phú Yên, đồng thời căn dặn không được sách nhiễu dân: “Kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang cho tới khi thành thục sẽ nạp thuế như lệ thường. Nhược bằng vì việc mà nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội” (về sau, sau khi cho quân đánh dẹp Chiêm Thành xâm lấn biên giới, năm 1611, Nguyễn Hoàng bắt đầu đặt phủ Phú Yên). 

Nắm được lòng dân và dân đã thuận theo mình, để đưa Đàng Trong phát triển, bài học và kinh nghiệm thành công, kinh nghiệm phát triển của Nguyễn Hoàng, đó là mở mang ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển. Dưới thời Nguyễn Hoàng, “thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn” (Đại Nam thực lục, tập I, sách đã dẫn, tr. 31). Để chủ động “xúc tiến thương mại”, khuyến khích thương gia Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong, Nguyễn Hoàng đã viết nhiều thư trao đổi, bàn bạc chuyện buôn bán với chính quyền Tokugawa (chính quyền quân sự ở Nhật Bản), có những thư được gửi kèm theo các món quà tặng là những vật phẩm quý như kỳ nam, lôi mộc, khổng tước… Đặc biệt, Nguyễn Hoàng đã nhận một thương gia Nhật Bản là ông Hunamoto Yabeije làm con nuôi và viết thư báo cho phía Nhật Bản biết về mối giao hảo tốt đẹp này. Theo một nguồn mà nhà nghiên cứu Li Tana đã dẫn cho biết, số thuyền Châu ấn của Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong từ năm 1609 đến 1635 là 70 chiếc. Việc đẩy mạnh ngoại thương, hướng tầm nhìn ra biển của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã làm cho Đàng Trong hưng thịnh và chính sự hưng thịnh này đã góp phần quyết định tạo nên trọn vẹn dáng hình chữ S của Tổ quốc Việt Nam như ngày nay. 

Nhằm xác lập nhận thức mới về thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, năm 2008, Hội Khoa Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo khoa học có quy mô lớn về Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 310 năm ngày mất của Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp “Người đi mở cõi” diễn ra tại 4 điểm cầu ở Quảng Bình, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai nhằm tôn vinh công đức Nguyễn Hữu Cảnh, người có công khai phá, mở mang bờ cõi cho đất nước. Và năm 2013, tròn 455 năm Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị và 400 năm Nguyễn Hoàng từ giã cõi đời, các hoạt động hội thảo và kỷ niệm về Nguyễn Hoàng phải được tổ chức quy mô, xứng tầm trên đất Quảng Trị, mảnh đất phát tích nên nhiều nghiệp lớn cho đất nước, trong đó có nghiệp lớn của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. 

                                                                NGUYỄN HOÀN - Báo Quảng Trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét