Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Vài nét về thương mại giữa Nhật Bản và Đàng Trong




Xuất phát từ nhu cầu xây dựng Đàng Trong thành một vùng cát cứ, có đủ sức mạnh cả về kinh tế và quân sự nhằm đối đầu với thế lực chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. 
Để làm được như vậy, bên cạnh việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông nghiệp, các vị Chúa Nguyễn đã mạnh dạn khuyến khích các thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Đàng Trong khiến vùng đất này trong những thế kỷ XVII – XVIII trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên đối với mỗi quốc gia đến buôn bán, dựa vào những tác động của họ đến lợi ích của mình mà Chúa Nguyễn đã có những chính sách khác nhau. Trong số thương thuyền đến buôn bán với Đàng Trong không thể không nói tới những thương nhân người Nhật – một trong những quốc gia buôn bán để lại nhiều dấu ấn cho Đàng Trong.
Đô thị cổ Hội An
Mối quan hệ buôn bán này được đánh dấu bằng sự kiện, một thương nhân người Nhật tên là Hiển Quý (Akitaka) đến vùng biển Đàng Trong để giao thương (năm 1600), tuy nhiên Quan Đại đô đường ở Thuận Hóa lại không biết nên đã gây tranh chấp, dẫn đến cái chết cho quan Đại đô, các tướng sỹ đem quân báo thù và luôn muốn giết chết Hiển Quý. Khi biết được tin này, Chúa Nguyễn Hoàng tỏ rất bối rối, nhân khi Hiển Quý trở về nước, Ngài đã có bức thư gửi cho chính quyền Nhật Bản với những lời lẽ khiêm nhường và mong muốn được kết thành nước anh em cho hợp với nghĩa kết giao của trời đất. Cũng từ đây, những bức thư cấp nhà nước được chính quyền hai bên thường xuyên trao đổi và được duy trì trong khoảng thời gian từ năm 1600 – 1635.
Nhật Bản là một thị trường có sức mua lớn và là một quốc gia xuất khẩu đồng, tiền đồng chủ yếu đến Đàng Trong. Hơn nữa chính quyền Đàng Trong cũng muốn tranh thủ khả năng võ nghệ cũng như vũ khí của người Nhật để giành ưu thế quân sự với Đàng Ngoài. Do đó Chúa Nguyễn đã dành cho người Nhật rất nhiều ưu đãi như: cho họ định cư ở những vị trí hết sức thuận lợi cho việc buôn bán ở Hội An và các thương cảng khác. Bên cạnh đó Chúa Nguyễn cũng có những chính sách thuế ưu đãi đối với thương nhân Nhật Bản. Theo Lê Quý Đôn, tàu Nhật đến Đàng Trong chịu thuế nhập là 4000 quan, thuế xuất là 400 quan, đứng thứ hai sau các tàu buôn phương Tây: thuế nhập là 8000 quan, thuế xuất là 800 quan. Với chính sách cởi mở và một quy chế ưu đãi đối với thương nhân Nhật nên trong thời kỳ Shuinsen (Châu ấn thuyền) 1604 – 1635, chính quyền Mạc Phủ Edo đã cấp tổng cộng 365 giấy phép cho thuyền buôn Nhật Bản đi ra nước ngoài. Trong đó, đến khu vực Đông Nam Á là 331 chiếc, đến Việt Nam là 130 chiếc (Đàng Ngoài 51 chiếc, Đàng Trong 79 chiếc).
Chùa cầu do thương nhân người Nhật xây ở Hội An
Ý thức được những ảnh hưởng tích cực trong mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Đàng trong, các Chúa Nguyễn cũng không ngừng tạo ra những mối quan hệ thân thiết bằng cách gả công chúa cho các thương nhân hoặc nhận họ làm con nuôi.
Như vậy, bằng nhiều cách khác nhau chúa Nguyễn đã tạo cho mình một mối quan hệ thân thiết với chính quyền cũng như các thương gia Nhật Bản. Điều đó đã đưa đến cho Chúa Nguyễn những tác động tích cực, tạo ra một sức mạnh to lớn để có thể xây dựng một vùng cát cứ vững mạnh và đối trọng lại với Bắc triều.
Thế kỷ 17 – 18 được xem là thế kỷ bùng nổ của ngoại thương Việt Nam, chính mối quan hệ buôn bán giữa Chúa Nguyễn và Nhật Bản đã góp phần hình thành nên sự bùng nổ đó.
Thu Nhuần tổng hợp
Nguồn: Dương Văn Huy. Chính sách hướng biển của chính quyền Đàng Trong (thế kỷ XVI - XVIII). Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 8/2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét