Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Cấu trúc xã hội Nam kỳ hồi thế kỷ XVIII


Cấu trúc xã hội Nam kỳ hồi thế kỷ XVIII
                        Nguyễn Hữu Hiếu
Dù là một bộ phận không thể tách rời của Đàng Trong, nhưng vì ra đời muộn hơn và có những điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử khác biệt với phía bắc Đàng Trong, nên cấu trúc của xã hội Nam bộ cũng không giống với vùng Thuận Quảng về thành phần xã hội, cũng như về tộc người và văn hóa…
1. Cấu trúc về xã hội
Căn cứ vào tình trạng quyền tư hữu ruộng đất đến thế kỷ XVIII và vai trò của các từng lớp nhân dân trong hoạt động kinh tế ở Nam bộ, giúp ta thấy được cơ cấu về xã hội Nam bộ gồm các thành phần:
1.1. Từng lớp đại điền chủ
Từng lớp này chiếm hữu nhiều ruộng đất, sở hữu nhiều phương tiện sản xuất (điền nô, trâu bò, lúa thóc…) nhưng phần lớn diện tích có được là do trực tiếp dùng lao động thuê mướn khai thác mà có, hơn là thông qua các quan hệ bóc lột khác (như cho vay, cấu kết với quan lại địa phương…) để cướp đoạt. Họ sản xuất ra lúa gạo với khối lượng lớn. Quan hệ xã hội của từng lớp này là quan hệ chủ-tớ (với điền nô), chủ điền-tá điền (với nông dân thuê ruộng) quan hệ giàu-nghèo (với từng lớp khác nói chung). Từng lớp này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong xã hội.
1.2. Từng lớp điền chủ nhỏ
Chiếm đại đa số trong xã hội, mọi gia đình lưu dân có một vài lao động đều có khả năng trở thành chủ mảnh đất do họ khai khẩn và hưởng trọn huê lợi do mình tạo ra, (nếu không bị nợ nần, thất mùa, đất xấu…).
1.3. Từng lớp nông dân vô sản
Bao gồm: điền chủ nhỏ phá sản (hoặc nợ nần, hay làm ăn thất bại…), lớp lưu dân mới vào chưa tạo dựng được cơi ngơi và bộ phận điền nô. Họ là những người không có ruộng đất, phải thuê mướn ruộng để cày cấy, hoặc đi “ở bạn” cho các đại điền chủ. Tất nhiên họ phải chấp nhận quan hệ bóc lột của đại điền chủ; tuy nhiên trong giai đoạn đầu của cuộc khẩn hoang, từng lớp đại điền chủ rất cần lao động làm thuê, nên mức độ bóc lột vừa phải còn có thể chấp nhận được; nếu không thì họ bỏ đi làm công cho điền chủ khác hoặc khi có một ít vốn, hoặc sẵn sàng bỏ đi nơi khai hoang để trở thành điền chủ nhỏ...
Còn “Điền nô” mà Lê Quý Đôn nói ở đây chắc không phải như Trương Hữu Quýnh nhận định: “Vùng Gia Định xuất hiện trở lại chế độ nô tỳ cày ruộng vì các địa chủ lại di cư vào vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn hay trước khi có chúa Nguyễn vào lúc mà chế độ nô tỳ dần dần  tàn lụi ở phiá ngoài. Chế độ nô tỳ mất đi,  việc nuôi nô tỳ tải rác vẫn còn, vì vậy những người này đã du nhập nó vào Đàng Trong và khi gặp điều kiện thuận lợi chế độ nô tỳ sống lại và phát triển” [1].
Vì mấy lẽ:
- Chữ “điền nô” mà Lê Quý Đôn dùng là để chỉ những người “đày tớ”, những người “ở bạn” làm công việc nặng nhọc liên quan đến việc canh tác, như: khai hoang, coi trâu, cày bừa, xay lúa, giã gạo, chèo ghe…hơn là trực tiếp canh tác, vì họ ít có kinh nghiệm trồng lúa nước như người Việt. Quan hệ giữa họ với chủ điền là quan hệ giữa chủ và người làm công ăn lương và được nuôi cơm ở trong nhà; không phải là quan hệ giữa nô lệ và chủ nô trong chế độ nô lệ và cũng không phải là quan hệ giữa chủ ruộng và tá điền.
- Họ không phải là người Việt (Kinh) mà là người các dân tộc Châu Mạ, Châu Ro...(thường được người Việt Nam bộ goị là người Mọi). Chủ điền cần lao động, nên “mua” hay thuê họ, hoàn toàn có tính cách tự nguyện; hơn nữa họ không phải là lực lượng sản xuất chủ yếu trong toàn xã hội, mà chỉ là một bộ phận nhỏ.
- Xã hội Nam bộ vào thế kỷ XVII-XVIII không còn có điều kiện cho sự hình thành và tồn tại chế độ nô lệ.
Nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng, nên giải thích rõ hai chữ “điền nô” ở đây không phải chế độ nô lệ theo nghĩa cổ điển, mà là những người “ở bạn” (như bạn chèo ghe, bạn ghe chài), một hình thức làm mướn dài hạn. Chế độ “ở bạn” vẫn còn duy trì cho đến khi Pháp đến và còn kéo dài ở các tỉnh miền Tây sau này cho đến trước năm 1945, như bóng với hình của chế độ điền chủ lớn. Người ở bạn làm việc theo kiểu cố nông. Trường hợp ở bạn trừ nợ thì gọi là “ở đợ”. Thời hạn ở bạn được quy định theo thời vụ đồng áng, từ lúc sa mưa bắt đầu cày cấy vào tháng tư âm lịch cho đến lúc gặt hái, xay, giả vào dịp Tết. Điền chủ đã tính tóan kỷ, nếu người ở bạn cả năm chỉ thêm tốn tiền vì những tháng sau mùa gặt, trời chưa mưa, công việc ít, chỉ cần vài gia nhân cũng đủ. Trong những tháng làm mùa, người ở bạn phải thức khuya dậy sớm, đến nhà chủ ăn cơm rồi làm công việc cày ruộng, phát cỏ, gieo mạ, trưa về ăn cơm của chủ, nghĩ ngơi tới xế lại ra làm việc vặt vảnh như tu bổ ghe xuồng, nông cụ cho tới chiều, ăn cơm xong rồi về. Người ở bạn được trả công bằng tiền mặt và một số lúa đem về cho vợ con ăn. Ngoài ra thêm chút ít áo quần, trầu cau, thuốc hút. Đã vô ở bạn rồi, không được tự ý nghỉ việc hoặc sang làm cho chủ khác [2].
Trong Monographie de la province de Thudaumot có đề cập đến dân tộc Stieng được chia thành hai nhóm, một nhóm sống gần Hớn Quản (vùng An Lộc ngày nay) mặc dù có nước da ngăm đen theo chủng người Négrtio, nhưng có mức độ Việt hóa sâu đậm và một nhóm sống ở Bù Đốp có nước da sáng hơn, giống như người Chăm hay người Malaysia lại bị coi là “kém văn minh” hơn, dưới mắt người Việt [3]. Có lẽ vì thế mà theo Lê Quý Đôn, giá cả chênh lệch từ 20 xuống 10 quan giữa hai loại người này khi được mua làm điền nô.
Nhưng dù với lý do gì đi nữa, thì giá nô lệ thấp cho người ta hiểu được tại sao một gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long vào thể kỷ XVIII, có thể có 50 hay 60 nô lệ. Chắc chắn lao động nô lệ đã có thể là một nhân tố quan trọng việc phát triển và mở mang diện tích sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long vào thời kỳ đầu người Việt Nam định cư tại đây. Tình hình này tiếp tục tồn tại cho đến thế kỷ XIX, theo báo cáo về chế độ nô lệ của Silvestre ở phiá bắc và đông bắc Sài Gòn theo một cách riêng [4].
Trong DG còn lưu truyền chuyện Ông Hống (Phan Văn Nghêu) ở Long An, bà Hai Đệ (Đỗ Thị Đệ) ở Cao Lãnh…có nuôi một số “người Mọi” trong nhà, gợi lại cho ta hình ảnh của dạng điền nô này.
Do đó, không thể nói việc mua “người Man” làm điền nô lao động trong khai thác ruộng đất ở Nam bộ vào thế kỷ XVIII, đồng nghĩa với việc tồn tại chế độ nô lệ ở đây được.
1.4. Từng lớp thương nhân
Từng lớp này ra đời song song với số lượng nông lâm thủy sản ngày một dư thừa trong nhân dân, cần có từng lớp trung gian thu mua bán đi nơi khác và mang về bán lại cho họ các mặt hàng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Sự ra đời và hoạt động của từng lớp này chẳng những kích thích nông dân sản xuất mà còn góp phần hình thành các tụ điểm dân cư mua bán, tập trung trao đổi hàng hóa đi dần đến chổ ra đời các chợ búa, các trung tâm thương mại. Nhìn chung, từng lớp thương nhân ở Nam bộ còn nhỏ và hoạt động rời rạc, chưa đi đến chỗ hình thành những nhóm hoặc cá nhân có thế lực tài chánh mạnh như Châu Văn Tiếp, Nguyễn Nhạc... ở Quy Nhơn và phần lớn những hoạt động thương nghiệp đều năm trong tay người Hoa.
Như vậy, rõ ràng là đến trước khi cuộc nội chiến nổ ra, xã hội Nam Bộ hoàn toàn khác với vùng Thuận Quảng, có thể nói đây là một xã hội đang trên bước đường vận động để định hình, đường nét còn mơ hồ. Mặc dù bấy giờ vai trò của lớp thương nhân rất quan trọng, nhưng ruộng đất vẫn là tư liệu sản xuất chủ yếu, có nghĩa nông dân vẫn là lực lượng sản xuất mang tính quyết định xã hội. Do điều kiện đất hoang vô chủ còn mênh mông và điều kiện quản lý hành chánh còn lỏng lẻo, chưa có sự cấu kết giữa đại điền chủ và quan lại hình thành giai cấp phong kiến địa chủ. Do đó, hiện tượng bóc lột chưa gay gắt đến nổi hình thành mâu thuẩn đối kháng. Quyền lợi của từng lớp nông dân và đại điền chủ còn gặp nhau trong việc giải quyết vấn đề xã hội chung trước mắt là khai hoang.
Cho đến trước khi sức mạnh phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn tràn vào Nam truy đuổi Định vương Nguyễn Phước Thuần và Đông cung Nguyễn Phước Dương, Nam bộ vẫn chưa nằm trong tình thế cách mạng.
2. Cấu trúc về tộc người
Ngoài người Việt, ở Nam Bộ cho đến cuối thế kỷ XVIII, còn có một số tộc người khác, có ít nhiều liên quan đến diễn trình xã hội và cuộc nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh. Trong đó, người Hoa, dân số tuy ít hơn người Khmer, nhưng đóng vai trò quan trọng. Bảng thống kê sau đây giúp chúng ta hình dung phần nào cơ cấu tộc người ở Nam bộ trước nội chiến (1776):
Năm
Việt
Khmer
Hoa
Chăm
1689
200.000 T
Dưới 20.000 P


1753



5.000 *
1776
503.390 P
45.000 P
25.000 P
5.100 P
1862
1.732.316 **
146.718 **
56.000 ***

1895
1.967.000 ****
170.488 ****
88.000 ****

Chú thích:
T : Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí
Quốc sử quán, Đại Nam thực lục
** Lê Hương: Người Việt gốc Miên, S. 1969  ( Theo J.C Baurac trong La Cochinchine st ses habitants , Paris. 1895)  
*** V. Purcell: The Chinese in Southeast-Asea, London, 1965. 
**** Etat de la L’ Indochine en 1895, Sài Gòn, 1897.
P:  Các con số phỏng đoán
2.1. Người Hoa
Người Hoa ở Nam bộ đóng vai trò rất tích cực trong nhiều lãnh vực ở Nam bộ, từ công cuộc khai hoang đến phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và cả lãnh vực chánh trị. Phần lớn các nhóm người Hoa này đều có tham vọng cát cứ đất đai tranh hùng, xưng bá, nếu điều kiện cho phép. Tình hình này diễn ra giống như ở một số nước chung quanh, cụ thể là Xiêm và Chân Lạp.
Thế lực này phân tán thành nhiều nhóm nhỏ, lần lượt vào Gia Định trong những thời điểm khác nhau, không liên kết nhau, gồm có:
- Nhóm Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch:
Tháng giêng năm Kỷ mùi (1679), xảy ra một sự kiện lớn ảnh hưởng tích cực đến công cuộc khai phá đất Thủy Chân Lạp của chúa Nguyễn. Đó là việc Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch [5] và Tổng binh Cao-Lôi-Liêm [6] Trần Thượng Xuyên đem binh lính và gia đình hơn 3000 người và hơn 50 chiến thuyền đến cửa Tư Dung (cửa Eo) và cửa Đà Nẳng xin tá túc. Quan địa phương tâu “ Có bọn cựu thần nhà Minh thề cùng tận trung với nước,  chỉ vì thế cùng lực tận mà vận nước nhà Minh đã hết, họ không chịu thần phục nhà Thanh, nên mới chạy sang ta xin làm thần dân… Hiện nay, việc Bắc hà chưa yên, mà quan binh họ từ xa đến chưa rõ hư thực thế nào, huống chi y phục, tiếng nói họ lại khác, khó sử dụng được. Nhưng họ trong lúc thế cùng nên phải chạy sang, khẩn khoản bày tỏ lòng thành thì cũng không nên cự tuyệt. Vả lại đất Gian Phố (chỉ Gia Định) của Cao Miên, đất ruộng béo tốt kể đến hàng ngàn dặm, triều đình ta chưa rảnh kinh lý, chi bằng nay lợi dụng sức của họ, giao cho khai phá đất đai để ở, cũng là một việc có đến ba điều lợi” [7].
Hiền vương chấp nhận, cho người hướng dẫn bọn Dương Ngạn Địch theo cửa Tiểu, cửa Đại đến định cư ở xứ Mỹ Tho, còn bọn Trần Thượng Xuyên thì vào cửa Cần Giờ theo sông Đồng Nai đến định cư ở Bàn Lân thuộc xứ Đồng Nai. Ở Biên Hoà, Trần Thượng Xuyên tập trung người Hoa ở Đại phố châu ( tức cù lao Phố) ở giữa sông Đồng Nai (phía nam thành phố Biên Hoà ngày nay), tập trung người Âu, người Nhựt, người Mã Lai, người Hoa…đến buôn bán kinh doanh ngày một phồn thịnh, trở thành một trung tâm trao đổi mua bán lớn ở Nam bộ cho đến ngày Tây Sơn vào. Còn ở Mỹ Tho, họ toả ra nhiều nơi ra sức phá rừng làm ruộng, cất phố, lập chợ thu hút nhiều người Việt, người Khmer, Đồ Bà (Java)…đến kinh doanh, mua bán hình thành Mỹ Tho đại phố.
Trước khi sang Việt Nam, có một thời Dương Ngạn Địch là một tay cướp biển nổi tiếng ở vùng biển Nam Trung Quốc, bảo vệ đội thương thuyền của Trịnh Thành Công và trước khi xin tỵ nạn Dương Ngạn Địch có ý đánh chiếm Đàng Trong  làm cơ sở xưng hùng xưng bá, nhưng thấy thế lực Đàng Trong vững vàng, nên không dám ra tay [8]. Về sau Phó tướng Hoàng Tiến giết chủ tướng Dương Ngạn Địch để thực hiện ý đồ này. Sự nhập cư của số người Hoa này ảnh hưởng lớn đối với diễn trình xã hội Nam bộ. Cụ thể là trong cuộc tranh giành ngai vàng giữa Ang Non và Ang Saur.
Năm 1682, Ang Non tuyển trong đám người Hoa này một số làm nòng cốt, thành lập một đạo quân, có người Chăm tham gia. Rồi bất ngờ tấn công Ang Saur. Ang Saur bỏ hai tỉnh Kan Kau (Bassac sau này) và Trapeang ( Trà Vinh sau này) chạy về phiá tây Oudong. Ang Saur nhờ quân Xiêm giúp, đuổi được quân của Ang Non về Sài Côn .
Năm 1688, Hoàng Tiến, Phó tướng quân Long Môn làm phản giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch ở cửa biển Mỹ Tho, rồi xưng là Phấn dõng Hổ oai tướng quân, thống lãnh toàn bộ quân Long Môn, dời chỗ đóng quân sang rạch Khê (?), xây thành, đắp lũy, đúc súng đại  bác, đóng chiến thuyền… hiên ngang một cõi, lại cho quân đi đánh phá, cướp phá người Chân Lạp. Ang Saur lo sợ, cùng bày tôi là Ốc nha Cống-sa chia quân đắp lũy ở ba thành: Gò-bích, Cầu-nam và Nam Vang, rồi cho giăng dây xích ngang cửa sông cố thủ. Lợi dụng cơ hội, Ang Nôn liền báo với quân chúa Nguyễn ở Trấn Biên (lúc bấy giờ là Phú Yên) là Ang Saur có ý chống chúa Nguyễn. Tháng giêng năm sau, chúa Nguyễn sai Mai Vạn Long thống lãnh cùng với Nguyễn Thắng Long, Nguyễn Tấn Lễ…kéo quân vào Nam đánh dẹp Ang Saur và còn giao cho Hoàng Tiến làm tiên phong.
Mai Vạn Long đóng quân ở Rạch Gầm, cho người triệu Hoàng Tiến phải mang quân bản bộ đến nhận ấn tiên phong. Tiến không đến, biết y đã ra mặt làm phản. Mai Vạn Long cho người dùng kế dụ y đến nơi hội họp ở giữa sông, rồi cho phục binh bất ngờ đánh úp, Tiến chạy thóat rồi chết. Mai Vạn Long giao cho Trần Thượng Xuyên cai quản luôn binh Long Môn từ đó.
- Nhóm Mạc Cửu ở Hà Tiên:
Dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn là động thái khôn ngoan rất mực của Mạc Cửu khi nghe lời phân tích của mưu sĩ họ Tô về tình hình ba nước Xiêm, Chân Lạp và Đàng Trong. Nếu không, Hà Tiên phải là một phiên thuộc của Xiêm hoặc là một vùng lãnh thổ tự trị của Chân Lạp. Có người cho rằng, nếu không có chúa Nguyễn, Hà Tiên có thể trở thành một Singapor trên đất liền [9]. Sau khi dâng Hà Tiên nội thuộc chúa Nguyễn, nó vẫn vùng lãnh thổ tự trị (được gọi là trấn, chớ không phải dinh). Năm Ất mảo, Mạc Cửu qua đời, con là Mạc Thiên Tứ, tiếp tục được chúa Nguyễn phong làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Bốn năm sau khi Mạc Cửu mất, năm Kỷ mùi (1739), quốc vương Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc-thâm, xua quân đánh  chiếm Hà Tiên, nhưng Mạc Thiên Tứ đẩy lui.
Mạc Thiên Tứ là một môn đồ Nho học, giỏi thơ văn, nhiều tài năng. Chúa Nguyễn ban cho ông quyền hành rất rộng, được cấp ba chiếc thuyền Long bài miễn thuế, để giao thương với nước ngoài, được phép đúc tiền. Mạc Thiên Tứ cho xây dựng thành lũy, thành lập quân đội, cắt đặt quan chức hành chánh, lập phố chợ, tàu thuyền buôn nước ngoài tới lui tấp nập. Riêng ông cũng cho thuyền sang giao dịch buôn bán với Nhựt Bổn. Ông còn trân trọng thỉnh mời các nhà văn học người Việt, người Hoa lập ra tao đàn Chiêu Anh Các, làm nơi bàn bạc, giảng giải văn học, xướng hoạ. Nhờ đó, Nho học đã thấm đượm vào sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Đây là nét sinh hoạt văn hóa đặc biệt của Hà Tiên, so với toàn vùng Nam bộ.
Năm Kỷ mão (1769), bọn gia tướng phản phúc của Mạc Cửu: Mạc Sùng, Mạc Khoan liên kết với tên cướp biển Xiêm gốc người Triều Châu là Trần Thái định bán rẻ Hà Tiên cho Xiêm bị Mạc Thiên Tích diệt trừ.
- Nhóm Lý Văn Quang [10]:
Tay này vốn là một thương khách phiêu lưu, thấy Trấn Biên mà nhứt là cù lao Đại Phố phòng bị lỏng lẻo, nên y kết tập được 300 đồ đảng, xưng Đông Phố đại vương cùng bộ tham mưu là Hà Huy làm quân sư, Tạ Tam, Tạ Tứ làm Tả, Hữu Đô đốc, mưu toan chiếm Trấn Biên. Nhưng ngại vì Cai bạ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cư Cẩn rất khoẻ mạnh và giỏi võ nghệ, nên nhân ngày Tết năm Đinh mão (1747), Quang tổ chức mai phục ám sát Cư Cẩn trước rồi mới cử sự. Khi Cư Cẩn bị đâm, quân thuộc hạ hay tin đến cứu. Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Cường đem dân binh đến bờ bắc cầu, báo tin cho Cai cơ đạo Hưng Phước là Tống Phước Đại mang quân hợp nhau đánh Lý Văn Quang. Quang bị bắt cùng 57 đồ đảng. Do bọn họ là người Hoa, nên bị giam vào ngục chưa giết ngay.
- Nhóm Lý Tài-Tập Đình:
Nhân lúc Tây Sơn mới nổi dậy, thế rất mạnh, đám thương nhân người Hoa là Lý Tài [11] và Tập Đình chiêu mộ đám người Hoa vong mạng tổ chức thành hai tóan quân: Hoà nghĩa và Trung nghĩa kéo theo Nguyễn Nhạc. Sau lại lấy thêm những người cao to, cạo tóc gióc bím giả làm người Thanh, trước khi ra trận uống rượu say, cởi trần, cổ đeo giấy vàng bạc để tỏ là người sẽ chết, liều mạng xông trận, nhưng rất hung bạo, thường cướp bóc, hiếp đáp dân chúng. Quân Nguyễn rất sợ không dám đối đầu. Lý Tài và Tập Đình lập nhiều chiến công cho Tây Sơn, nên có ý tự phụ, nhứt là Tập Đình tánh tình hung bạo. Lúc Tây Sơn lập kế sách phù Đông cung Nguyễn Phước Dương làm chiêu bài để chống Định vương, nhiều lần Tập Định mưu giết Đông cung, nhờ Lý Tài can gián mới thoát.
Vào tháng 4 năm Ất mùi (1775), nhân lúc Tập Đình bị quân Trịnh đánh bại ở ấp Biều Mang (Quảng Nam), Nguyễn Nhạc và Lý Tài chạy về Bến Ván (Quảng Ngãi), Nguyễn Nhạc thấy không thể kèm chế được Tập Đình muốn trừ đi. Tập Đình biết được bỏ trốn về Quảng Đông, sau bị Tổng đốc tỉnh này giết chết.
Tháng 7, sau trận Nguyễn Huệ đánh úp quân Tống Phước Hiêp, Lý Tài được giao trấn giữ đất Phú Yên. Từ khi Nguyễn Nhạc muốn khữ Tập Đình, Lý Tài có ý muốn bỏ Tây Sơn, nay có đất Phú Yên trong tay, Lý Tài định dâng đất này làm quà ra mắt đầu hàng chúa Nguyễn, nhờ Nguyễn Phước Chí báo tin trước. Tháng 11, Lý Tài kéo quân đến gặp Tống Phước Hiệp xin quy phục.
Định vương Nguyễn Phước Thuần vui mừng, cho Lý Tài làm quyền tiết chế và được theo Tống Phước Hiệp vào Trấn Biên bái yết cứu chúa Nguyễn. Đỗ Thanh Nhân nói Lý Tài là “đồ chó lợn” dùng không ích gì. Từ đó hai ngưòi hiềm khích nhau. Đến khi Tống Phước Hiệp qua đời, Lý Tài mất chỗ dựa vô cùng lo sợ, chiêu mộ được 8.000 người, chia ra làm  bốn đạo mang bốn sắc cờ, lập ra đạo Trung quân dành riêng cho người Minh Hương, rồi kéo quân bản bộ lên núi Châu Thới (Biên Hoà) lập đồn lũy chống lại. Quân Đỗ Thanh Nhân đánh mãi không được, bèn lui về sông Bến Nghé và Thị Nghè đắp lũy cố thủ.
Đến tháng 10 Đông cung Nguyễn Phước Dương vào đến Sài Côn (Sài Gòn), thấy hai tướng chia rẽ, muốn dàn xếp. Nên Đông cung vốn có cảm tình với Lý Tài khi trước ở Hội An, nên xin với Định vương cho Nguyễn Doanh Khóang đón Lý Tài. Lý Tài chưa tin, giữ Nguyễn Doanh Khoáng lại, rồi kéo binh về Sài Côn. Thấy binh Lý Tài đến, binh Đỗ Thanh Nhân bỏ chạy, Định vương cũng hoảng sợ, rút về Ba Giồng với Đỗ Thanh Nhân. Được thế, Lý Tài chia quân Hoà Nghĩa ra thành bốn đạo thúc trống  tiến lên, khí thế rất hung hản. Để đối phó lại, Đông cung liền cho kéo cờ có đề chữ “ Đông cung phụng mạng chiêu an”. Thấy cờ, Lý Tài bảo quân buông khí giới tung hô Đông cung, rồi rước Đông cung về doanh trại của mình.
Để tăng thêm và củng cố thế lực của mình, Lý Tài sai Trương Phước Thận đi Ba Giồng rước Định vương về chuà Kim Chương (ở ngoại thành Gia Định) và đưa Đông cung đến bái yết. Trong cuộc hội kiến này, Lý Tài lộng hành, ép Định vương nhường ngôi cho Đông cung, Đông cung phải nhận lời. Về việc này, Thực lục tiền biên chép “Lý Tài rước Đông cung đến hành tại làm lễ mừng. Ngày  nhâm thân, chúa đại hội các quan văn võ, nhường ngôi cho Đông cung. Đông cung cho rằng sự thế đương ngặt nghèo, bất đắc dĩ phải vâng mệnh, xưng là Tân chánh vương, tôn  Định vương làm Thái thượng vương”  [12]. Tân chính vương thăng chức cho bá quan và riêng phong  Lý Tài làm “Bảo giá Đại tướng quân”. Đỗ Thanh Nhân không đến dự hội; ngoại hữu là chức mà Tân chính vương muốn dành Đỗ Thanh Nhân, đành phải giao cho Phạm Công Lý. Nguyễn Ánh lúc bấy giờ dù mới 16 tuổi, nhưng lại là nhân vật có địa vị quan trọng trong triều đình chúa Nguyễn. Nguyễn Ánh nhận thấy Lý Tài ngang ngược, lắm thủ đoạn, nhiều tham vọng; nếu không kềm chế được thì hâụ quả khó lường hết được. Nên bàn với Thái thượng vương hãy về Ba Giồng vỗ về quân Đông Sơn để mưu việc khôi phục. Lý Tài hay tin, nhanh chóng đem quân đến ép Tân chính vương đi về Dầu Mít (Biên Hoà). Kháng cự không được, Tân chánh vương đành nghe theo, nhưng bảo Trương Phúc Dĩnh theo hộ giá, nhờ vậy mà hôm sau quay trở lại thành Gia Định.
Đang lúc binh lực chúa Nguyễn ngày một suy sụp không cứu vãn nổi trước sức mạnh áp đảo của Tây Sơn, một thế lực đang thực hiện một sứ mạng lịch sử, lại lâm vào cảnh chia  đôi: một đàng theo Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân gồm Thái thượng vương và Nguyễn Ánh; một phe theo quân Hoà Nghĩa của Lý Tài do Tân chánh vương cầm đầu.
Đây là sự chia rẽ thật sự, kình chống nhau, cuộc đảo chánh tranh giành quyền lực trong nội bộ triều Nguyễn hay là kế sách của Tân chính vương muốn tạo ra thế hoà hoản với Tây Sơn?
Cả hai giả thuyết trên đều không đúng. Một là trong tình trạng lâm nguy như vậy, Tân chính vương và cả Thái thượng vương đều không dại dột gì chia rẽ để sớm bị Tây Sơn tiêu diệt; hai là đến thời điểm này, kế sách hoà hoãn với Tây Sơn không còn phù hợp n, vì Nguyễn Nhạc đã dâng ba phủ Quảng Ngải, Quy Nhơn, Phú Yên cho Hoàng Ngũ Phúc để nhận chức Tây Sơn hiệu trưởng  Tráng tiêt Tướng quân của chúa Trịnh lãnh nhiệm vụ tiên phong đánh vào Nam.
Đây phải chẳng là âm mưu khuynh đảo của Lý Tài, lợi dụng lúc Định vương lâm vào tình trạng lưỡng đầu thọ địch?
Tháng 3 năm Đinh dâụ (1777), quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ kéo vào Nam, Lý Tài rước Tân chính vương chạy về Trấn Biên. Tướng tiền đạo bị Tây Sơn giết, Lý Tài cùng Tân chính vương quay về Sài Gòn, đánh giết được Tuần sát Tuyên của Tây Sơn ở Hốc Môn. Lúc đó Trương Phước Thận từ Cần Giuộc kéo quân về tiếp cứu, Lý Tài tưởng là quân Đông Sơn đánh tập hâụ, vội vã bỏ Hốc Môn chạy về Bến Nghé, lại bị quân Tây Sơn đuổi theo vây ép. Không còn đường nào khác, Lý Tài đành phải chạy về Ba Giồng, cuối cùng bị quân Đông Sơn giết chết. Nguyễn Ánh lúc bấy giờ là Chưởng sử cầm Tả dực quân, khôn ngoan vỗ về đám thuộc hạ của Lý Tài là Tổng binh Trần Hưng, các tướng Trần Công Chương, Lâm Húc, Trần Đình, Trần Phượng…để thu phục; mặc dù trước mắt chưa cải hóa được đám quân người Hoa cứng đầu này.
Tây Sơn rất căm giận đội quân Hoà nghĩa chẳng những vì sự phản bội của Lý Tài, mà còn vì có nhiều tướng của Tây Sơn bị đội quân này giết chết. Sự thù hận này lên đến cao điểm khi Hộ giá Phạm Ngạn của Tây Sơn bị giết ở cầu Tham Lương vào tháng 4 năm Nhâm dần (1782). Cho rằng Phạm Ngạn do quân Hoà Nghĩa giết, nên Nguyễn Nhạc ra lịnh tàn sát hàng ngàn người Hoa ở Gia Định (nói rõ ở phần sau). Như vậy là sau vụ tàn phá cù lao Đại Phố, người Hoa chạy về Sài Gòn năm năm trước (1777), giờ đây lại bị tàn sát khủng khiếp hơn. Điều này giúp chúng ta hiểu được lý do đám thương nhân người Hoa thường gắn bó với Nguyễn Ánh.
- Nhóm Hà Hỷ Văn:
Hà Hỷ Văn [13] cùng thuộc hạ là Lương Văn Anh, Chu Viễn Quyền, Hoàng Trung Đông, nguyên là dư đảng của Bạch Liên giáo. Trước khi sang Việt Nam, bọn họ thường tụ tập đám thuộc hạ đi cướp bóc vùng ven biển Phúc Kiến và Quảng Đông, xưng là Thiên địa hội. Năm Bính ngọ (1786), họ kéo sang đảo Côn Nôn, được biết Nguyễn Ánh đang lưu vong ở Vọng-các, Hỷ Văn sai Lương Văn Anh, Chu Viễn Quyền và Hoàng Trung Đông sang Vọng-các nộp tờ quy phục. Năm Đinh mùi (1787), Nguyễn Ánh về đóng ở đảo Cổ Cốt, sai Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Thái Nguyên đến chiêu dụ, Hỷ Văn kéo binh thuyền đến qui thuận và được phong bổ làm Tuần hải đô doanh, bọn Lương Văn Anh được bổ làm Thống binh, Tổng binh và Kỵ phi uý. Khi đánh trận ở Mỹ Tho, quân Nguyễn Ánh bị  quân Tây Sơn đánh thịệt hại năng, Bọn Hỷ Văn hoảng sợ bỏ trốn ra đảo Côn Nôn. Qua năm sau tình hình khả quan hơn, Nguyễn Ánh cho goị về Gia Định ban thưởng. Về sau Hỷ Văn lập được nhiều công lớn, nhứt là đi Liêm Châu chiêu dụ bọn cướp biển Tề Ngôi đem 23 chiến thuyền kéo sang Việt Nam quy thuận. Ngoài ra còn có Trương Côn Dẫn, người tỉnh Phúc Kiến, đem quân bản bộ sang Gia Định quy thuận, lập được nhiều công nên được ban chức Khâm sai chưởng cơ ở doanh Trung quân, phụ trách chỉ huy đạo Toàn dũng và đảm trách cả việc quản lý đám người Hoa nhập cư.
Để quản lý người Hoa, ngay khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập  phủ Gia Định với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, chúa Nguyễn cho tất cả người Hoa đều được nhập tịch để thực hiện chánh sách đồng hóa, buộc họ phải tuân theo pháp luật của người Việt. Người Hoa ở Trấn Biên phải kê khai lý lịch, nơi cư trú, nghề nghiệp…ghi vào sổ bộ để lập xã Thanh Hà, còn người ở Phiên Trấn thì thành lập xã Minh Hương. Điều đáng lưu ý là hai xã này chỉ con người, không có đất đai, con người được quản lý căn cứ trên sổ bộ, để nộp thuế. Sau năm 1778, người Hoa ở Biên Hoà bỏ Nông Nại đại phố chaỵ về tá túc làm cho chợ Sài Gòn (sau là Chợ Lớn) sung túc hơn; như vậy xã Thanh Hà coi như đương nhiên bị giải thể, chỉ còn có xã Minh Hương. Về sau, người Hoa nào được nhập tịch thì có thể xin vào một trong xã này, bất kể là cư trú ở đâu. Còn những người không nhập tịch, thì do các bang, hội quản lý với tư cách là ngoại kiều. Minh Hương có nghĩa là gìn giữ hương hoả của nhà Minh. Sau này Minh Hương trở thành từ quen dùng để chỉ tất cả những người Hoa đã Việt hóa. (chữ Hán :Minh hưong, ĐNTL, t.1, tr. 154)
Người Hoa ở Nam bộ trong thời này chẳng những có ảnh hưởng tích cực đến việc khai mở đất đai, phát triển kinh tế-xã hội mà còn gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia vào cuộc nội chiến Tây Sơn Nguyễn Ánh. Ngoài hoạt động can thiệp vào cuộc nội chiến, thương nhân người Hoa còn là người cung cấp cho Nguyễn Ánh nhiều mặt hàng phục vụ chiến tranh, bên cạnh thương nhân phương Tây. Thái độ của Tây Sơn đối với họ, vô tình đã xô họ vào vòng tay của Nguyễn Ánh.
2.2. Người Khmer
Người Trung Quốc gọi vùng Nam bộ trước đây là Thủy Chân Lạp là vì họ căn cứ tình trạng tự nhiên của nó. Cả vùng Nam bộ cũng như ven Thái Bình Dương, ở khu vực biển Đông, sau thời kỳ Flandien (4850-1650 tcn: trước công nguyên) nước biển bắt đầu rút và hình thành các kỳ hải xâm – hải thóai mới có biên độ nhỏ hơn nhưng có vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên bề mặt châu thổ, ấn định phạm vi cư trú cho con người ở mỗi giai đoạn. Có ít nhứt 7 kỳ biển được khoa trầm tích học xác định, lần lượt gọi như sau:
- Kỳ hải thóai Rạch Giá: 1650-1150 tcn;
- Kỳ hải xâm Bến Đá: 1150-850 tcn;
- Kỳ hải thóai Long An: 850-200 tcn;
- Kỳ hải xâm Rạch Núi: 200 tcn-50 scn; (scn: sau công nguyên)
- Kỳ hải thóai Óc Eo: 50 scn-350 scn;
- Kỳ hải xâm Đông hải: 350-1150 scn;
- Kỳ hải thoái Miền Tây: 1150 scn-đến nay.
Do đó, con người chỉ có thể bắt đầu cư ngụ với qui mô đông đảo ở đồng bằng sông Cửu Long sau thế kỷ XII, vì lúc đó nước biển đã rút, mặt bằng vùng châu thổ nhô lên khỏi mặt nước. Đó cũng là lúc Chân Lạp sống dưới triều vua Jaya -varman VII (1180-1201), một triều đại mà nước Chân Lạp rất hùng mạnh, lãnh thổ rất rộng, ngoài Chân Lạp còn bao gồm một phần Chiêm Thành, các tỉnh Hạ Lào, Trung Lào, các tỉnh đông bắc Xiêm, một phần Miến Điện, bán đảo Mã Lai. Và đã có một ít người cư ngụ ở vùng trũng Thủy Chân Lạp, điều này hoàn toàn trùng khớp với cảnh quang do Châu Đạt Quan mô tả, khi đi  trên sông Cửu Long để đến Chân Lạp vào thế kỷ XIII. Vào thế kỷ XV, khi đế chế Angkor sụp đổ, người Khmer ở Lục Chân Lạp rơi vào tình trạng nghèo đói, bị bóc lột nặng nề bởi bọn phong kiến ngoại tộc Xiêm. Một số nông dân, cả quan lại, trí thức, sư sải…không phục tùng bọn phong kiến ngoại tộc, xuôi dòng Cửu Long xuống Thủy Chân Lạp (Nam bộ ngày nay), làm cho số cư dân tăng lên chút ít. Có thế nói, trước thế kỷ XVII, trước khi người Việt đến vùng đất này, tộc người Khmer là thành phần cư dân duy nhứt hiện diện ở Nam bộ. Họ tập trung sinh sống trên các gò, giồng ở Kan Kau, Préah Trapeang, Srok Treang (người Việt goị là Ba Thắc (Bassac), Trà-vang (Trà Vinh), Sóc Trăng) và rải rác ở Hà Tiên, Sva-tôn (Sva-teanh, Xà Tón, Tri Tôn), Thất Sơn…không chiụ sự quản lý của chánh quyền ở Lục Chân Lạp. Sang đến thế kỷ XVII, khi  lưu dân người Việt vào sinh sống ngày một đông dần lên, chánh quyền vương quốc Chân Lạp mới điều vị Obareach [14](Phó vương hay nhị vương) xuống ngự ở Prey Nokor (Sài Côn, sau là Sài Gòn) để quản lý vùng dân cư thưa thớt này.
Nếu lấy tỷ lệ người Khmer chưa bằng 1/10 người Việt (theo con số 146.718 Khmer/1.732.316 Việt, theo tài liêụ của Pháp năm 1862), thì vào năm 1689, khi Nguyễn Hữu Cảnh  vào Nam kinh lược, người Khmer ở Nam bộ chưa vượt qua con số 20.000 ngưòi như bên trên có nói. Như vậy, cho tới thời điểm cuộc nội chiến xảy ra (1777), Người Khmer ở Nam bộ cũng chưa qúa con số 45.000 người. Con số này được phỏng đóan từ con số 146.718 vào năm 1862, tất nhiên là chưa chính xác; song, nó giúp chúng ta hình dung dân số người Khmer ở Nam bộ vào khoảng 90 năm trước đó (1862-1776) vẫn còn qúa thưa thớt so với diện tích rộng lớn của toàn Nam bộ.
Họ cư ngụ trong các phum, srok (sóc). Đây là tên goị các điạ điểm cư trú trong buổi đầu khai phá của người Khmer. Về sau, khi nền hành chánh của người Việt vững chắc, các tên này bị đồng hóa thành, xóm, làng.
Phum: một đơn vị cư trú gồm trên dưới khoảng mười gia đình; thường các gia đình này có quan hệ thân tộc, chủ yếu về phiá đàn bà. Một phum thông thường gồm gia đình cha mẹ và gia đình các con gái và con rể. Trong phum cũng có khi xuất hiện một vài gia đình không có quan hệ bà con và cả gia đình người Việt, người Hoa. Mỗi phum đều có tên goị, thường là tên của người sáng lập. Ranh giới giữa các phum có cắm trụ đá hoặc đường mòn với lùm bụi gai gốc…
Đứng đầu mỗi phum là một “mêphum”, thường là một người đàn ông hoặc đàn bà lớn tuổi có uy tín. Mêphum đại diện cho các thành viên quan hệ với  phum khác và sóc, chủ yếu về việc tôn giáo, cúng tế trong các ngày lễ và vận động tương trợ lẫn nhau trong việc tai nạn, ma chay, cưới xin…hơn là hành chánh. Có người cho rằng đây là dấu vết của xã hội công xã nông thôn của người Khmer còn sót lại.
Srok (sóc): tương tự như làng của người Việt, thường mỗi giồng là một sóc, giồng lớn thì có hai, ba sóc; trong sóc có nhiều phum. Cách đặt tên cũng giống như người Việt, là dựa vào vị trí và đặc điểm của nó trên giồng: “ Kandal” (sóc Giữa), “Tàtêch” (sóc Đông), “Khàngbol” (sóc Tây), “Chông Phnom” (sóc Cuối), “Chông Chak” (sóc Dừa Nước), “Xăng Ke” (sóc Trâm Bầu)…thỉnh thoảng ta gặp tên sóc thường mang tiếng “Thmei” hoặc “Srê” (sóc Mới, sóc Ruộng)…, đó là những sóc mới lập sau, hoặc được tách ra lập trên đất ruộng  (không nằm trên giồng) [15] .
Người Khmer Nam bộ theo Phật giáo Tiểu Thừa. Không có họ (những họ: Danh, Sơn, Thạch, Châu, Lâm… là Minh Mạng đặt cho họ sau này); đàn bà thường được gọi là Neang (nàng) hoặc thị (theo người Việt). Trong buổi đầu khai hoang, họ cùng nhau, ít quan hệ với tộc người khác; về sau sống chung với người Hoa hoặc Minh Hương.
Họ góp phần tích cực trong công cuộc khai phá và phát triển kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau năm 1757, khi cả vùng Nam bộ chánh thức nội thuộc chúa Nguyễn và cơ cấu hành chánh người Việt từng bước hoàn chỉnh và hàng loạt các tụ điểm dân cư và các thị trấn lớn của người Việt ra đời, quan hệ với chính quốc của họ ngày một thưa dần, nên một số lãnh vực trong đời sống văn hóa của họ phát triển theo hướng riêng thóat khỏi sự ràng buộc chính thống của Lục Chân Lạp và dần dần trở thành một bộ phận của dân tộc Việt Nam.
Trong cuộc nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh, người Khmer bị cuốn hút vào dòng xóay chiến tranh. Thân phận của họ lúc này gần giống như người Việt, phải chọn hoặc bị cưỡng bách phải theo bên này, hoặc bên kia; ngoài ra, không còn con đường nào khác. Nhưng cơ sở để chọn lựa của họ chắc không giống như người Việt. Họ chỉ căn cứ vào thế mạnh hay yếu của hai bên để quyết định, hơn là phải dựa vào các lý lẽ phức tạp khác.
Cho nên chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi Tây Sơn đang thắng thế, có một số cuộc nổi dậy của người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng … theo Tây Sơn chống Nguyễn Ánh, như ốc-nha Long [16] theo Tây Sơn đóng ở Cần Thơ. Vào tháng 12/1787, Long mang thủy binh đánh Nguyễn Ánh, nhưng bị phá tan, Long may mắn trốn thóat. Ốc nha Ốc [17] nổi dậy ở Ba-thắc rồi theo Thái bảo Phạm Văn Tham, trấn  giữ Trà Vinh, Mân Thít. Khi Phạm Văn Tham ra hàng Nguyễn Ánh, Ốc bỏ trốn về Cần Thơ và bị bắt giết. Quân Miên ra hàng có đến 1.500 người.
Trong khi đó, Nguyễn Văn Tồn người phủ Trà Vinh [18] , nguyên là nô tỳ trong cung, năm Đinh mùi (1787), theo Nguyễn Ánh lưu vong sang Xiêm. Năm sau trở về theo Lê Văn Quân đánh Tây Sơn ở bảo Ba Lai. Sau được lịnh về Trà Vinh, Mân Thít chiêu dụ được  vài ngàn người Miên làm binh lính, goị là Xiêm binh, và được giao quyền làm Nội thuộc Cai đội thống quản đám binh lính này. Nguyễn Văn Tồn lập được nhiều chiến công trong việc đánh dẹp Thái bảo Tây Sơn Phạm Văn Tham. Sau khi Phạm Văn Tham ra hàng Lê Văn Quân và Võ Tánh, nhưng người Khmer ở Ba Thắc vẫn không ngoan ngoản thần phục. Không còn cách nào khác Nguyễn Ánh đành để cho họ tự trị, cử một viên quan ngưòi Khmer là Gia-trì-giáp về trấn nhậm xứ này. Còn phủ Trà Vinh thì giao cho Ốc-nha Chích cai quản [19].
Vần đề dân tộc vốn phức tạp, nhưng đối với người Khmer lại phức tạp hơn, nếu không có một chánh sách dân tộc phù hợp trong từng thời điểm thì khó mà ổn định xã hội.
2.3. Người Chăm
Năm Nhâm thân (1692), Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đánh, bắt được vua Chiêm là Bà-tranh[20], rồi đặt trấn Thuận Thành (sau đổi thành phủ Bình Thuận), lấy đất Phan-lý (Phan-rí),  và Phan-lang (Phan-rang) lập hai huyện Yên Phúc và Hoà Đa. Trước ý đồ đồng hóa của chúa Nguyễn, người Chăm hoảng sợ, cùng hoàng gia Chiêm Thành, có hơn 5.000 người chạy trốn sang Chân Lạp xin cư trú, được quốc vương xứ này là Ang Saur (Chey Chetta IV, người Việt  gọi là  Nặc-ông-thu) cho cư ngụ gần Lôvêk (Gò-bích) và được giao đất để làm ăn sinh sống, sử ta gọi là người Côn-Man [21] . Năm 1748, Nặc-nguyên đem quân cướp phá người Côn Man. Năm Ất hợi (1755), chúa Nguyễn sai Nguyễn Cư Trinh mang quân sang đánh cứu và đưa họ về cư trú ở dưới chân núi Bà Đen ở Tây Ninh, rồi dùng họ làm hướng đạo đem quân đánh Cầu-nam, Nam-Vang [22] .
Theo một tài liệu khác, thì người Chăm ở Tây Ninh đã theo hoàng thân Po Checoc đến cư ngụ tại đây. Vì bất hoà với vua anh là Rattala, hoàng thân Po Checoc phải lui sang biên giới Campuchia phía Tây Ninh rồi chết ở đấy, để lại một người con trai. Dòng dõi ông hoàng này sau có một người là Po Takay, năm 1875, còn sang thăm NamVang. Ông ta còn giữ được 5 tàu lá thốt nốt viết chữ Chăm là di tích những cuốn sách cổ của hoàng gia Chăm; trong đó, ghi rõ một bảng phổ hệ các hoàng thân Chăm lánh nạn sang Campuchia [23].
Đến năm 1974, người Chăm cư ngụ ở ba quận: Hoà Ninh, Phước Mimh và Phú Khương (tỉnh Tây Ninh); ở Châu Đốc họ hình thành 9 làng: Katambong, La-ma, Đa Phước, Phum Xoài, Cù lao Cô-túc, Đồng Cô-ki 1, Đồng Cô-ki 2, Tam Hội và Châu Giang; ngoài ra còn có một số ngụ ở Bình Long và Phước Long. Nhưng đó là chuyện sau này. Trong ký ức của một số người Chăm, tổ tiên họ rời Phan-rang, Phan-rí bằng đường thủy, rồi theo sông Cưủ Long đến Kompong-Chàm ( tên này có được là do người Chăm đến cư ngụ) và cả đường bộ xuyên qua núi rừng ở Tây Nguyên và Chân Lạp, một số dừng chân, một số đi tiếp. Trên bước đường lưu vong, họ đã gởi lại nhiều kho tàng quý giá ở các buôn Thượng, và họ vẫn thường xuyên quan hệ với quê hương cũ. Các chúa Nguyễn thường sử dụng họ làm binh lính trấn thủ các đồn lũy ở biên giới Việt-Chân Lạp, vì họ có một thời gian dài cư ngụ trên đất này.
Dưới thời chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này, người Chăm thường tham gia các vụ nổi dậy chống lại chánh quyền đương thời. Lớn nhứt là vụ Ốc-nha Thát, hữu trà-viên phủ Bình Thuận, liên kết với người Hoa, đứng đầu là A Ban (Ngô Lãng) vào cuối năm Quý dậu (1693), lôi kéo được tả trà-viên Kế-bà-tử cùng Chế Vinh và nhiều người Chăm, chiếm Phan-rí, bao vây Phan-rang. Về sau A Ban thua chạy về Thượng-dã rồi bị tiêu diệt. Kế-bà-tử được mời về giữ chức đô đốc trấn Thuận Thành [24]. Trấn Thuấn Thành là phiên thuộc của Đàng Trong, hàng năm nộp cống, những ấn, gươm, yên ngựa và người bị bắt từ trước được tha về, lập ở Thuận Hóa một đội quân người Chăm 30 người, người thân thuộc được cất nhà ở kinh đô. Khi Kế-bà tử chết, Cai cơ Tá được trông coi trấn Thuận Thành. Khi Tây Sơn vào Bình Thuận, Tá đêm hết đồ truyền quốc ra hàng. Khi Nguyễn Ánh lấy  được Gia Định, Tá chiếm Man động đem quân chống cự. Sau khi bình định được Bình Thuận, Nguyễn Ánh bổ cho Môn-lai-phù-tử (con của vua Chăm trước kia) làm Chưởng cơ cai quản người Chăm ở Bình Thuận và cho mang tên Việt là Nguyễn Văn Chiêu cùng với thuộc hạ là Bộ-kha-đáo cho mang  tên Nguyễn Văn Chấn và Thôn-ba-hú cho mang tên Nguyễn Văn Hào [25].
Dù là rời rạc, lẻ tẻ, song những hoạt động chống chúa Nguyễn của người Chăm, cho thấy đến thời điểm này họ vẫn chưa quên được mối hờn vong quốc.
Đứng giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, ba tộc người Hoa, Khmer và Chăm ở Nam bộ có động thái khác nhau. Có thể thấy rất rõ ràng là người Hoa vì lợi ích kinh tế, nên luôn đứng bên Nguyễn Ánh; còn người Khmer và Chăm thì khác. Người Khmer do tánh khí dễ bị kích động, nên lúc theo bên này, khi theo bên kia. Trong đó, họ thường bị tác động bởi luận điệu chúa Nguyễn lấn đất và bức hiếp họ, nên họ thường nổi dậy chống Nguyễn Ánh, rồi theo Tây Sơn. Còn người Chăm ở Nam bộ với số lượng dân số ít ỏi, nên động thái chống đối của họ đối với Nguyễn Ánh không đáng kể.
3. Cấu trúc về văn hóa
Cho đến cuối thế kỷ XVIII, do điều kiện lịch sử quy định, trong diễn trình xã hội của mình, Nam bộ đã hình thành đời sống văn hóa mang màu sắc đa dân tộc. Bên cạnh yếu tố văn hóa mang tính chủ đạo của người Việt, còn có một số yếu tố khác, như: Hoa, Khmer, Chăm…trong đó yếu tố Hoa có tác động nhiều đến cuộc nội chiến.
3.1. Yếu tố mang tính chủ đạo, Nho giáo của người Việt
Đại bộ phận lưu dân trong buổi đầu Nam tiến trên đất Nam bộ là nông dân nghèo, ít học, nên “hành trang văn hóa” mà họ mang theo là những hiểu biết về Phật và Nho đậm tính dân gian hơn là chính thống. Những nội dung ăn ở hiền lành, tu nhơn tích đức để được Phật trời phù hộ, thuyết luân hồi của Phật giáo trở thành điều răn trong cuộc sống thường nhựt. Đó là một thứ tập quán tín ngưỡng, hơn là tôn giáo. Những “tam tòng tứ đức, nghiã quân thần, quân-sư-phụ, thờ kính tổ tiên”…được coi là nền nếp trong cuộc sống trên vùng đất mới trong họat động quản lý xã hội dưới hình thức tự quản.
Nội dung Nho học dân dã giản đơn này ngày càng phát triển theo tiến trình xã hội và trở thành một thứ “Nho giáo bình dân”. Người dân bình thường cũng có thể nói rành rọt và am hiểu ý nghĩa một số câu chữ tiêu biểu của Nho học, nhưng không hề biết mặt chữ. Loại Nho học này ngày càng phổ biến sâu rộng trong nhân dân hơn Nho học chính thống. Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược (1698), phân chia đơn vị hành chánh, thiết lập phủ huyện, cắt đặt quan chức, tức là áp đặt cơ chế vương quyền chính thống của chúa Nguyễn vào cuộc sống của nhân dân trên vùng đất mới. Hai  loại Nho giáo này gặp nhau, tác động lẫn nhau; từng bước “cái lệch hướng” của Nho giáo bình dân được điều chỉnh và nội dung Nho giáo chính thống trở nên gần gũi với cuộc sống trên vùng đất mới hơn.
Để thống nhứt hệ tư tưởng chánh trị toàn Đàng Trong, chúa Nguyễn không chỉ chú trọng đến sự đào tạo rèn luyện các quan chức địa phương, mà còn quan tâm việc chỉ dạy “chăn dắt” dân chúng, sống sao cho phải “đạo”. Năm 1726, chúa Ninh vương Nguyễn Phước Chú (1725-1738) ban “huấn điều”, kèm theo lệnh cho các quan chức phủ huyện phải truyền đạt cho dân chúng biết và thực hành lời truyền dạy của chúa về việc phải chăm lo ruộng rẫy, không tiêu pha lãng phí, sống nghiêm theo phép nước, không cờ bạc, rượu chè, cha con vợ chồng phải giữ luân thường đạo lý, cụ thể như sau:
 “ Trời sanh ra dân chúng, mọi việc đều phải có phép tắc; vua làm cha mẹ, ban lời dạy bảo đạo thường. Từ trước tới nay, vẫn noi lối ấy. Tổ tông dựng nước, vốn trung hậu làm phép truyền gia. Ta mới lên ngôi, đóai thương dân chúng. Dẩu vua Hạ dừng xe hỏi người phạm tội, lại nhớ đến dân Nghiêu Thuấn khi xưa; mà đời Chu ngục giam không có người nào, còn mong nền trị Thành Khang thưả trước. Nên phải sang sớm coi chầu, nưả đêm nghĩ ngợi. Mong sao moị nhà đều đáng khen, muôn người đều biết. Đường sá không xa, tua mũ sao che được khó nhọc;  thóc tiền hằng có, áo tơi mong chăm việc cấy cầy. Khuynh gia bại sản, không còn canh đỏ đen; nay rưoụ mai chè, chớ lại chén anh chén chú. Nay bảo khắp cha con vợ chồng, phải noi theo luân thường Nghiêu Thuấn; chớ trái lời ta khuyên răn dạy bảo, mà sa vào lưới pháp Thành Thang” [26].
Đến năm 1744, sau khi lên ngôi vương, cho đúc ấn quốc vương (các đời chúa trước vẫn dung ấn “ Tổng trấn tướng quân”), chúa Võ vương Nguyễn Phước Khóat (1738-1765) còn cho san định lại triều nghi, ban lịnh sưả đổi y phục, thay đổi phong tục nhằm thực hiện mục đích sự thống nhứt về văn hóa ở Đàng Trong.
Với những cải cách trên, rõ ràng nồng độ Nho học chính thống ngày một được nâng cao và tới thời điểm này, Nho học đã vượt ra ngoài khuôn khổ chánh trị mà đã trở thành một hệ thống chuẩn mực trong các lãnh vực văn hóa-xã hội, gồm luôn cả phong tục, lối sống…
Nho giáo dĩ nhiên phản ánh lợi ích của từng lớp thống trị phong kiến vẫn là hạng môn đồ trung thành với nó, và do đó nhìn chung cũng đối lập với quyền lợi của đa số nhân dân. Nhưng hoàn cảnh lịch sử khách quan của vùng Nam bộ trong thời kỳ đầu khai phá lại cho phép hai lực lượng đối kháng với nhau này tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết một số vấn đề đặt ra trước sự phát triển của toàn thể cộng đồng Việt Nam ở địa phương buổi ấy. Nho giáo nhờ vậy có điều kiện phát triển đồng thời thực hiện thông suốt chức năng của nó, mà ở đây có thể kể tới việc góp phần nhất hóa các nhóm dân tộc khác, trong đó đặc biệt là người Hoa vào với cộng đồng Việt Nam [27].
Sự nhập cư của các nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XVII góp phần tich cực vào việc củng cố chuẩn mực Nho giáo trong nếp sống của cộng đồng người Việt từ dân gian đến chánh thống. Chính những nội dung mới do họ chuyển đến làm cho bộ phận Nho giáo trong văn hóa người Việt trên đất Nam bộ có nét khác biệt với bộ phận này trong văn hóa Việt Nam ở Trung và Bắc. Động thái quyết vì tôn phò chánh thống (nhà Minh) mà phải bỏ nước ra đi của bọn Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, trung thần của nhà Minh, rất đáng phục, còn Mạc Cửu chỉ là một thương nhân mà cũng hành động như vậy lại càng đáng nể hơn. Về sau, động thái của Trần Đại Định (con Trần Thượng Xuyên), Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) thể hiện qua mấy câu: “ Nguyễn vi vương, Trần vi tướng, đại đại công hầu bất tuyệt” (Họ Nguyễn làm vua, họ Trần làm tướng, đời đời công hầu chẳng dứt) và “ Thất diệp phiên hàn” (Bảy đời làm phên dậu cho quốc gia), đã tự coi mình là bề tôi trung thành của chúa Nguyễn, coi việc của chúa Nguyễn là việc của quốc gia, y như cung cách của một nhà nho Việt Nam.
Năm 1776, trốn tránh sự truy bức của Tây Sơn, Định vương Nguyễn Phước Thuần, rồi tiếp theo là Đông cung Nguyễn Phước Dương lần lượt chạy vào Nam bộ; theo chân hai vị này là nhiều quan chức cao cấp của chúa Nguyễn. Có thể nói chưa bao giờ ở vùng đất mới này lại hân hạnh tiếp đón một lượng đông đảo các môn đồ Nho học như thế. Chính lực lượng trí thức Nho giáo kinh điển này đã góp phần nâng cao và làm giàu thêm nội dung hệ thống chuẩn mực xã hội, đồng thời gián tiếp uốn nắn, chỉnh sửa những lệch chuẩn trong Nho giáo bình dân ở Nam bộ. Nói một cách khác là, cho tới thời điểm này, Nam bộ đã có một hệ thống “ học thuật-lý luận” khá hoàn chỉnh có khả năng phục vụ lợi ích chánh trị cho Nguyễn Ánh trong cuộc nội chiến với Tây Sơn, sẽ diễn ra sau này.
Một điều mà chúng ta ít lưu ý là trong hàng tướng lãnh của Tây Sơn trong cuộc nội chiến với Nguyễn Ánh, chúng ta không hề thấy bóng dáng của người Nam bộ. Trong khi đó, không kể đến hàng quan chức, đến năm 1776 đã có tới 3.000 nông dân ở vùng trù phú phiá tây bắc đạo Trường Đồn (Định Tường) theo Đỗ Thanh Nhơn cầm võ khí, mang danh Đông Sơn (với ý nghiã đối nghịch với Tây Sơn), bên cạnh quân chúa Nguyễn. Khi Nguyễn Ánh chạy ra Phú Quốc (1785), hàng ngàn nông dân khác ở Mười Tám thôn vườn Trầu (Hóc Môn-Gia Định) theo Võ Tánh, sau rút về đóng ở Gò Công, đánh nhau với Tây Sơn thắng nhiều trận. Cuối cùng vẫn qui phục Nguyễn Ánh…Điều đó cho thấy, không những là giới đại điền chủ, mà cả nông dân Nam bộ, đứng trước hai thế lực Tây Sơn và Nguyễn Ánh đang tranh chấp, họ phải có thái độ dứt khóat. Theo ai ?
Võ Trường Toản, một bậc đại nho của đất Gia Định, sống trong lòng cuộc nội chiến, không cầu công danh, ẩn mình dạy học, nhiệt tình phổ biến đạo nghĩa Nho giáo, cụ thể qua bài “Hoài cổ phú” [28]. Ông không theo Tây Sơn, cũng không theo Nguyễn Ánh; mặc dù Nguyễn Ánh thường vời ông đến giảng sách, bàn luận thời cuộc, tỏ ý trọng  dụng; giới Nho sĩ đương thời vô cùng cảm phục ông. Ông có nhiều học trò mà về sau là những người nổi tiếng, như: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tỉnh, Ngô Tùng Châu…
Những chiến thắng không trọn vẹn của TS trên đất Gia Định và sự chia rẽ của anh em Nguyễn Huệ cùng sự yếu kém của chánh quyền Nguyễn Lữ trong việc quản lý Gia Định, làm các nguyên tắc Nho giáo được lưu dân mang theo trong buổi đầu khai hoang ngày nào, nay trở thành lý tưởng chủ đạo trong ý thức của bề tôi của Nguyễn Ánh và một bộ phận đông đảo nông dân trước cuộc nội chiến dai dẳng giữa TS và Nguyễn Ánh. Quan điểm tôn phò chính thống ngày càng được củng cố.
Khác với các nhà Nho ở Đàng Ngoài và cả phiá bắc Đàng Trong (vùng Thuận Quảng), nhà Nho ở Nam bộ chỉ thưà nhận chúa Nguyễn là vương triều chánh thống. Một nhà nghiên cưú [29] đã nhận xét: Cái chuẩn mực chính trị “chính thống” phổ biến ấy đã hình thành trong những điều kiện lịch sử cụ thể ở địa phương đồng thời được liên tục củng cố bởi những kết quả xây dựng kinh tế, quản lý xã hội cũng như những thắng lợi quân sự sau năm 1788 của tập đòan Nguyễn Ánh. Đời sống văn hóa-xã hội ở Nam bộ cuối thế kỷ XVIII chưa đạt đến trình độ cao như ở Thuận Quảng hay Đàng Ngoài, tình trạng chưa hoàn chỉnh này vô hình trung cũng tạo ra nhiều thuận lợi cho chánh quyền Gia Định. Không phải ngẫu nhiên, mặc dù đều tổ chức chánh quyền theo kiểu “quân chính” để đáp ứng những đòi hỏi của chiến tranh, Gia Định của Nguyễn Ánh không gặp phải những  khó khăn về cán bộ như Tây Sơn của Nguyễn Lữ trong việc xây dựng hệ thống chánh trị. Một chế độ chưa được lòng dân thì ít ra cũng phải tập trung được kẻ sĩ.
Đúng vậy, chánh quyền của Nguyễn Lử ở Gia Định, một chánh quyền được xây dựng từ phong trào nông dân khởi nghiã trên cơ sở xã hội Thuận Quảng có khả năng hấp dẫn rất hạn chế đối với giới nhà Nho có mặt ở Nam bộ lúc bấy giờ. Điều này gián tiếp khẳng định, cho đến cuối thế kỷ XVIII, Nho giáo đã xác lập được địa vị của mình trong xã hội Nam Bộ như một thứ lý luận chánh trị-tư tưởng chủ đạo cho sự phát triển xã hội. Nguyễn Ánh triệt để tận dụng ưu thế của mình, hậu duệ của thế lực phong kiến các chúa Nguyễn, sản phẩm của Nho giáo, dùng Nho học như một thứ võ khí chánh trị-tư tưởng chống lại Tây Sơn.
3.2. Yếu tố Hoa
Sự du nhập của đám di thần nhà Minh vào Nam bộ làm cho yếu tố Hoa trong văn hóa vùng đất mới này mang nét khác biệt với vùng Thuận Quảng và nhứt là Đàng Ngoài. Nội dung văn hóa do họ mang vào không phải là thứ văn hóa Hán của một ngàn năm Bắc thuộc như ở Bắc hà mà đó là văn hóa vùng Hoa Nam với những thành tưụ về “Kinh  học” và “Tống học”.
Đó là tên hai học phái trong Nho học ở Trung quốc thời nhà Thanh. Kinh học là học phái chủ trương trọng việc học thực hành chớ không câu nệ vào sách vở, từ chương, khoa cử do Nha Nguyên (1635-1704), thủ xướng, ông thuộc dòng dõi quan nhà Minh, không  ra làm quan với nhà Thanh. Ông thường nói rằng:“Cách lập ngôn chỉ bàn phải trái, không bàn cái dị đồng. Phải thì ý kiến của một hai người cũng không đổi; trái thì tuy hàng nghìn hàng vạn người cũng không theo. Không những là hàng nghìn hàng vạn người đến hàng trăm hàng ngàn năm mà mê hoặc, thì ta cũng nên lấy tiên giác hậu giác, chứ không phải phụ hoạ lôi đồng vậy”.
Đầu đời nhà Thanh, ở Trung quốc dù đã có Hán học và Kinh học, nhưng nhiều nho sĩ vẫn tôn sùng cái học tinh lý; đó là sự nối tiếp Lý học đời Tống. Nhưng có chia ra  hai chi: chi thiên về Trình Chu học thiên về “Đạo học” của Trình Hạo và chi Trình Di và Lục vương học thiên về “Tâm học” của Lục Cửu Uyển, Vương Thủ Nhàn
Chi Lục vương học (Tâm học): có hai học giả cự phách là Tô Kỳ Phong và Hoàng Tông Hy, cả hai đều có khí tiết, không ra làm quan với Thanh. Riêng Tông Hy còn bôn ba tìm cách khôi phục Minh triều. Chi này lấy tâm làm chủ, đến Vương Dương Minh mới lấy lương tri làm trọng.
Chi Trình Chu học (Đạo học): Lấy Lý học đời Tống làm tôn chỉ; tiểu biểu cho chi này là Vương Phu Chi và Lục Lũng Kỳ, cả hai đều công kích Vương Dương Minh. Vương Phu Chi viết rất nhiều sách. Đến năm Đồng Tri (1862-1874) ở Kim Lăng đã khắc ra 288 quyển mà chưa được một nưả những sách của ông. Ông thường nói: “Nếu không quan tâm đến sự mất còn của xã tắc, thi bốn phương nhiễu loạn, dân sinh tiều tuỵ, tuy có người làm tôi thành thật, song việc ấy là nhỏ mọn. Kẻ làm tôi ở đời cổ thế nào? Vì sự trị loạn của thiên hạ không ở sự hưng vong của một họ, mà ở sự lo sự vui của muôn dân. Bởi thế cho nên vua Kiệt vua Trụ mất, bèn lấy làm trị, nhà Tần nhà Nguyên dấy lên, bèn lấy làm loạn, nhà Tấn nhà Tống nhà Tề nhà Lương dấy hay mất không dự gì đến việc trị loạn. Kẻ làm tôi mà khinh thị sự lầm than của dân, thì dẫu hay giúp vua mà dấy, theo vua mà chết với cái đạo làm tôi vẫn chưa từng không trái vậy”. Những lời bàn về đạo vua tôi ấy rất đúng với câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh của Mạnh tử” [30].
Chính yếu tố này đã tác động không ít đối với lớp nho sĩ Nam bộ và cả Đàng Trong. Nhìn chung, nho sĩ Đàng Trong chiụ ảnh hưởng cả hai phái này, như Nguyễn Đăng Đàn nổi tiếng về Lý học (Tống học), Võ Trưòng Toản sâu sắc về Kinh học. Song do Kinh học không  được truyền rộng ở Trung quốc lâu dài nên về sau các nhà Nho Nam bộ chỉ tiếp thu chủ yếu là Tống học, tuy nhiên dường như họ chịu ảnh hưởng Tâm học của Lục Vương nhiều hơn Đạo học của chi Trình Chu.
Bên cạnh nội dung Nho giáo cách tân là một số động thái thanh trừng quyết liệt dứt khoát đối với một số phần tử người Hoa phản bội, chống lại thủ lãnh của họ là chúa Nguyễn, càng làm nổi lên yếu tố trung thành với chủ lúc nào cũng được đề cao.
Tôn giáo và tín ngưỡng do đám người Hoa này mang vào Nam bộ là một yếu tố đáng lưu ý. Cha con Mạc Cửu theo đạo Phật, người cha từng xây dựng nhiều chuà chiền, miếu mạo ở Hà Tiên; người con lập tao đàn làm thơ ngợi ca cảnh đẹp Hà Tiên, trong đó, không ít bài tán tụng chốn thiền môn. Còn đại bộ phận bầu đòan thê tử của Trần Thượng  Xuyên-Dương Ngạn Địch đều là dân chài lưới hoặc hàng hải, đánh cá hoặc làm ruộng ở vùng Hoa Nam, Đài Loan, nên bên cạnh lòng sùng kính đạo Phật họ còn mang theo một số tập qúan tín ngưỡng dân gian khác. Những nơi đông người Hoa, cụ thể như Nông Nại Đại Phố, Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), Mỹ Tho đại phố… và nhiều chợ lớn nhỏ khác ở Nam bộ là nơi tập trung  ngoài chùa thờ Phật, còn có nhiều đền miếu khác. Phổ biến nhứt là chùa Ông Bổn, chuà Ông, chuà Bà và miếu vạn…Chuà ở đây không phải là nơi thờ Phật, mà là tiếng quen dùng của người Việt để goị một số cở sở tôn giáo tín ngưỡng.
- Chùa Ông Bổn
Nơi ngưòi Hoa thờ Trịnh Hòa ( ?-1435), một nhà hàng hải Trung Quốc lừng danh. Ông là con một người Ả rập theo đạo Hồi, sanh ở Vân Nam, thừa lịnh hoàng đế Minh Thành Tổ-Vĩnh Lạc (1402-1424) đi khắp nơi truyền bá văn minh Trung quốc. Trong 20 năm ông thực hiện 7 chuyến đi xa đến tận Iran, Aden, bờ biển Đông Phi, thăm hơn 30 nước. Đoàn thuyền của ông gồm 200 chiếc lớn nhỏ, trong đó có 62 chiếc “bảo thuyền”. Bảo thuyền có kích thước: dài 150 mét, đuôi bẻ lái dài 11 mét, có 12 lá buồm, lớn nhỏ. Nhiệm vụ của Trịnh Hoà là ngoài việc phổ biến nền văn minh Trung Hoa, còn nghiên cưú phong tục, tập qúan, thổ sản địa lý với ý đồ bành trướng sau này. Ông dùng người Trung Hoa ở địa phương làm tay trong, nâng đỡ một cách thiết thực, giúp tiền bạc cho người nghèo, giúp kiều dân ở hải ngoại lập các cơ sở từ thiện, nhằm đoàn kết nội bộ.
Chuyến cuối cùng thực hiện vào năm 1430, với 28.000 người, gồm sĩ quan, thủy thủ, thư ký, y sĩ, kỷ sư, thợ thủ công đủ nghề, để các nước phương xa biết sức mạnh và văn minh Trung quốc [31] . Năm trăm năm sau khi ông qua đời, người Hoa và các nước mà ông đến, coi ông như một vị phúc thần, gọi là Bổn Đầu công hay Bổn Tam công với niềm tin được phù hộ nơi đất khách quê người, đền miếu thờ ông được dựng lên nhiều nơi, nhứt là ở khu vực Đông nam Á.
Có nhà nghiên cưú cho rằng, chuà Ông Bổn là tiêu biểu cho óc bá quyền của phong kiến Trung quốc đời Minh [32]. Phải chăng động thái của Trình Quốc Anh (ở Xiêm), của Mạc Cửu (ở Hà Tiên), của Dương Ngạn Địch, Lý Tài…là sự thể hiện của tư tưởng bá quyền này ?
- Chùa Ông
Còn gọi là chùa Quan đế, nơi người Hoa thờ Quan Vân Trường, một võ tướng lừng danh của Trung quốc. Trong bình diện tín ngưỡng, thờ Quan công  biểu thị tấm lòng trung thành của  lớp ngưòi Hoa bỏ nước ra đi đối với nhà Minh; ngoài ra tín ngưỡng này còn thể hiện sự tôn trọng danh dự, sự công minh  chính trực, cam đảm, thủy chung. Tuy nhiên, tuỳ theo địa bàn cư trú gốc của ngưòi Hoa, nội dung tín ngưỡng chuà Ông ở Nam bộ có khác nhau, có nơi thờ Quản Trạch tôn vương hoặc CĐQ…
- Chùa Bà
Nơi người Hoa, thường là người quê ở tỉnh Phúc Kiến, thờ bà Thiên hậu, còn gọi là Mã hậu. Tín ngưỡng này xuất phát từ một  thần tích. Lúc nhỏ bà Thiên hậu có tài tiên tri, một hôm khi cha và hai anh của bà đi buôn xa bằng đường biển, đột nhiên bà bị hôn mê trong nhiều giờ, cả nhà lo lắng tìm cách đánh thức. Khi tỉnh dậy, bà cho biết cha và hai anh  bà đang bị nạn, bà đã cứu được hai người anh, còn trong khi đang tìm cách cứu người cha, thì bà bị đánh thức. Khi hai người anh sống sót trở về cũng kể lại y như vậy. Từ đó bà nổi tiếng về tài tiên tri và khi qua đời trở thành thần phù hộ cho người đi biển.
- Miếu vạn (mạn)
Đó là những miếu thờ tổ nghề (tổ nghiệp) ở những nơi cư dân người Hoa sinh sống cùng một nghề, cư ngụ liền lạc với nhau thành từng xóm. Trịnh Hoài Đức định nghĩa: “chỗ dân cư ở liền nhau, gọi là mạn, nghiã là giống như cỏ mọc lan ra liên tiếp vậy”. Các miếu này thường được xây dựng nơi có nhiều người Hoa làm nghề thủ công tập trung như ở Nông Nại đại phố, Sài Gòn (Chợ Lớn sau này), còn miếu vạn của người Hoa làm nghề đánh cá ven sông Tiền sông Hậu, các miếu này thờ bà Thiên hậu…
Đương nhiên những tri thức, phong tục, tập qúan do người Hoa mang vào từng bước hoà nhập vào nếp sống của người Việt dễ dàng vì nội dung rất gần gũi; về vấn đề này, Đại Nam thực lục nhận xét: “… phong hóa văn minh Hán thấm đượm dần vào đất Đông Phố” [33]. Chiều ngược lại, họ sống trong lòng người Việt, lại phải nhập tịch trong ý đồ đồng hóa của chúa Nguyễn, theo qui luật lan toả  của văn hóa, lần hồi họ vay mượn rồi tiếp nhận một số phong tục tập quán của người Việt. Nói một cách khác, khi họ tích cực tham gia và hội nhập vào các hoạt động chánh trị của người Việt trên đất Nam bộ, thì dù muốn dù không họ cũng chủ động góp phần vào qúa trình Việt hóa về mặt văn hóa-xã hội.
Những cuộc tàn sát người Hoa ở Hà Tiên (1771), ở Nông Nại đại phố (1776-1777) của Tây Sơn cho thấy người Hoa đóng vai trò gì trong cuộc nội chiến.
Chú thích:
[1] Trương Hữu Quýnh: Tình hình ruộng đất nước ta vào thế kỷ XVIII. NCLS số 207, năm 1982
[2] Sơn Nam: Đất Gia Định xưa, Nxb, Tp. HCM, 1984, tr. 47.
[3] Monographie de la province  de Thudaumot, 1910, tr .28
[4] Li Tana: Sđd, tr.184.
[5] Dương Ngạn Địch là dư đảng của Trịnh Thành Công ở Đài Loan, vốn là một tay cướp biển khét tiếng ở vùng biển phiá nam Trung Quốc hồi đầu nhà Thanh, tên là Dương Nhị. Hoạt động của Địch là bảo vê thương thuyền của họ Trịnh đi buôn bán ở vùng Đông Nam Á và hỗ trợ Ngô Tam Quế, Tổng đốc Lưỡng Quảng đương chống nhà Thanh. Sau khi Trịnh Kinh chết, quyền lực họ Trịnh suy sụp, nên Địch phải chạy sang Việt Nam nương náu. Long Môn là một huyện của phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
[6] Cao, Lôi , Liêm là ba phủ cũng của tỉnh Quảng Đông.
[7] Trịnh Hoài Đức: Sdd, tập Trung, tr.9
[8] Nguyễn Khoa Chiêm: Nam triều công nghiệp diễn chí, Nxb Hội Nhà Văn, H. 2003, tr. 299-300
[9]  Tạ Chí Đại Trường: Sđd, tr. 203
[10] Quốc sử quán: Đại Nam thực lục tiền biên, S đd, tr.209-210
[11] Quốc sử quán: Đại Nam thực lục tiền biên, S đd, tr.255-262
[12] Quốc sử quán: Đại Nam thực lục tiền biên, S đd, tr.261
[13] Quốc sử quán: Đại Nam liệt truyện, tập 2, Q.. 28, tr.500-502.
[14] Theo thể chế hoàng gia Chân Lạp, đứng đầu hoàng gia là nhà vua, dưới vua có ba tước vị: Upayuvareach (tức Thượng hoàng sau khi thóai vị, dùng lọng 6 tầng), Obaeưach (tức là đệ nhứt hoàng thân hay phó vương, dùng lọng 5 tầng, thường kế vị vua, sau khi băng hà), bà Mẫu hâụ hoặc đệ nhât hoàng nữ, dùng lọng 4 tầng.
[15] Phan An: “Một số vấn đề kinh tế xã hội của nông thôn Khơme đồng bằng song Cửu Long”, trong “Những vấn đề dân tộcở đồng bằng song Cửu Long, Nxb.KHXH, 1991, tr. 109-170.
[16] Quốc sử qúan:. Đại Nam thực lục chính biên tập 2, Sđd, tr.71.
[17] Quốc sử qúan:. Đại Nam thực lục chính biên tập 2, Sđd, tr.79.
[18] Quốc sử qúan: Đại Nam liệt truyện, tập 2, quyẻn. 28, tr.502-503.
[19] Quốc sử qúan: Đại Nam thực lục chính biên tập 2, Sđd, tr.95.
[20] Nguyễn Văn Luận: Người Chàm Hồi giáo ở miền Tây Nam phần Việt Nam, S.1974, tr.30, gọi là Bá -tranh
[21] Nguyễn Văn Luận: Sđd, tr. 30-31.
[22] Quốc sử qúan: Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Sđd, tr. 147-149 và 222-223
[23] J.Moura: Op., Cit., tr.466. Dẫn lại Nguyễn Văn Luận , Người Chăm Hồi giáo ở Tây nam phần, Sđd, tr.33
[24] Quốc sử qúan: Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, Sđd, tr.148 -150.
[25] Quốc sử qúan:: Đại Nam liệt truyện, tập 2, Q. 32, tr. 646-647.
[26]   Quốc sử qúan: Đại Nam thực lục, Tập 1, Sđd, tr. 190-191
[27] Cao Tự Thanh: Nho giáo ở Gia Định, Nxb Tp.HCM, 1996, tr.36.
[28] Ông vay mượn hình ảnh xa xưa, bằng lời văn trau chuốt, tao nhã, gởi đến người đọc bằng ý tứ sâu sắc’ thiết tha về cách nhìn đời và răn đời, để gởi gấm niềm ưu tư sâu kín của mình.
[29] Cao Tự Thanh: Sđd , tr.67-68.
[30] Trần Trọng Kim: Nho giáo, Trung Tâm học liêụ, S.1971, quyển hạ, tr.338-355
[31] Nguyễn Hiến Lê: Sử Trung Quốc, tập II, Nxb Văn Hóa, 1997, tr.140-144.
[32] Sơn Nam: Bến Nghé xưa, Nxb Văn NGhệ TP.HCM. 1981, tr. 90-91
[33] Quốc sử qúan: Đại Nam thực lục, Sđd, tập 1, tr. 125.
Nguồn bài viết: Hội sử học Đồng Tháp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét